Năm 2008, Bảo Huy và Phạm Tuấn Anh đã thiết lập mô hình ước tính sinh khối cho cây cá lẻ và lâm phần rừng lá rộng thường xanh ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông, đây được coi là 1 trong những công trình đầu đầu tiên nghiên cứu về mô hình hóa ước tính sinh khối rừng tự nhiên, mặc dù vậy phạm vi nghiên cứu khá hẹp, kết quả đánh giá ở mức độ thăm dò phương pháp [1],[5]. Một số mô hình sinh khối trên và dưới mặt đất của cây rừng và lâm phần với các nhân tố điều tra ở rừng lá rộng thường xanh tại Tây Nguyên được thiết lập có hệ thống hơn bởi Bảo Huy và cs (2012, 2013) [6],[7],[8]. Năm 2012, chương trình UN-REDD Việt Nam đã thiết lập một số mô hình ước tính sinh khối trên mặt đất của cây rừng ở các vùng sinh thái và kiểu rừng chính ở Việt Nam bởi các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Trường Đại học Tây Nguyên. Mặc dù vậy, số liệu đưa vào xử lý, phân tích chưa lớn, mỗi kiểu rừng nghiên cứu 2 ô tiêu chuẩn 1 ha và giải tích 110 cây chặt hạ, sinh khối dưới mặt đất chưa đề cập đến, chưa xây dựng mô hình ước tính sinh khối cho trạng thái rừng hay lâm phần. Mô hình ước lượng sinh khối thông qua ảnh viễn thám còn được Bảo Huy và cs (2012, 2013) nghiên cứu với đối tượng rừng lá rộng thường xanh ở Tây Nguyên [8],[31].
Một số ít công trình nghiên cứu sinh khối cho rừng tự nhiên như rừng phục hồi sau canh tác nương rẫy, rừng già tại tỉnh Sơn La Trần Văn Đô và cộng sự (2010, 2011) [50],[51]); rừng già tại khu bảo tồn thiên nhiên Đỗ Hoàng Chung (2013) [2].