LÁT HOA –Chukrasia tabularis A.Juss

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu tập đoàn cây gỗ bản địa rừng thực nghiệm trường đại học lâm nghiệp (Trang 60 - 61)

Đặc điểm hình thái: Cây gỗ lớn cao trên 30m, đường kính có thể lên

tới 100cm. Thân thẳng. Vỏ màu xám tro, nhiều đốm dài vòng quanh thân. Cây lớn vỏ nứt dọc, sau bong mảng, vỏ trong màu nâu đỏ. Cành già màu nâu sẫm, cành non phủ lông hung vàng, sẹo lá rụng trên cành rõ. Cành xếp thành tầng. Lá kép lông chim 1 lần chẵn, mọc cách mang 10–18 lá chét. Lá chét mọc gần đối hoặc mọc cách, hình trái xoan dài, lệch, dài 10–12cm, rộng 5–6cm. Đôi khi lá non xẻ thùy tạo thành lá kép 2 lần giả. Gân lá lõm ở mặt trên, nổi rõ ở mặt dưới, nách gân có túm lông. Hoa tự xim viên chùy ở đầu cành. Hoa đều, lưỡng tính, dài 1,5cm. Đài hình đĩa, phía ngoài phủ lông hình sao. Cánh tràng 5, màu vàng nhạt phớt tím. Nhị 10, hợp thành ống hình trụ, bao phấn đính ở mép ống. Bầu 3 ô, phía ngoài phủ lông dài, mỗi ô 20–40 noãn đính thành 2 tầng. Qủa nang hóa gỗ hình trái xoan, đường kính 3–3,5cm khi chín màu nâu đen. Hạt dẹt hình quạt, có cánh mỏng, xếp chồng chất ngang trong từng ô của quả.

Đặc tính sinh học và sinh thái học: Cây mọc tương đối nhanh, nơi điều kiện sống thích hợp tăng trưởng chiều cao có thể đạt 1m/năm, đường kính có thể đạt 2cm/năm. Mùa hoa tháng 6–7, mùa quả chín tháng 10–2 năm sau. Thường rụng lá vào cuối đông đầu xuân. Cây ưa sáng, lúc nhỏ chịu bóng. Phân bố tự nhiên ở vùng có nhiệt độ bình quân năm 18–240C, lượng mưa năm 1200–2000mm và trên đất ferralit phát triển trên đá mẹ granit, đá vôi. Ưa đất tơi xốp, ẩm nhiều mùn. Có khả năng tái sinh hạt tốt dưới độ tàn che cao.

Phân bố: Phân bố rộng trong rừng tự nhiên nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở Việt Nam, Lát hoa phân bố từ Hà Tĩnh trở ra bắc.

Giá trị: Gỗ có giác mỏng, lõi nâu hồng, có ánh vân đẹp. Gỗ có độ cứng và nặng trung bình, dễ làm ít co giãn, không bị mối mọt. Thường dùng đóng đồ đạc quý, làm gỗ dán lạng, trang sức bề mặt.

Tình trạng: Là loài cho gỗ đẹp, tốt nên chúng bị khai thác rất mạnh. Sách đỏ Việt Nam phân hạng ở cấp VU, IUCN ở cấp LR.

Lát hoa đã được trồng rải rác ở núi Luốt, nhưng hầu hết các cá thể đều sinh trưởng phát triển chậm, cây cong queo, khẳng khiu, ít có khả năng phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu tập đoàn cây gỗ bản địa rừng thực nghiệm trường đại học lâm nghiệp (Trang 60 - 61)