Họ Trám - Burseraceae
Đặc điểm hình thái: Cây gỗ lớn có thể cao 25 – 30m, đường kính 90cm. Thân thẳng, phân cành cao. Vỏ màu xám nâu, vết vỏ đẽo chảy nhựa nâu đen. Cành nhỏ khi khô màu tím nâu. Lá kép lông chim một lần lẻ, 9–13 lá chét. Lá chét hình trái xoan thuôn, đầu nhọn gấp có mũi lồi ngắn, đuôi gần tròn, lệch rõ rệt; phiến lá dài 6-17cm, rộng 2–7,5cm. Lá ròn, mặt trên nhẵn, gân cấp hai 8–11 đôi. Mép lá nguyên, không có lá kèm.
Hoa tự hình xim viên chùy, ở nách lá gần đầu cành thường dài hơn. Hoa đơn tính cùng gốc, hoa nhỏ dài 6-7mm, hoa đực có ống đài xẻ thùy nông, nhị 6 hợp gốc, hoa cái có ống đài nguyên, chỉ nhị hợp trên nửa chiều dài, triền hoa hình cốc, cao 0,5-1mm, nhụy ngắn.
Quả hình trái xoan dài, dài 3-4cm, rộng 1,7-2cm, hai đầu gần tròn, khi chín màu tím đen. Hạt 1-3 trong một hạch.
Hình 4.1. Hình thái Trám đen
Đặc tính sinh học và sinh thái học: Cây mọc nhanh, mùa hoa tháng 4
- 5, quả chín tháng 8–11, cây ưa sáng thường mọc ở những nơi có nhiệt độ bình quân năm 22oC, tháng lạnh nhất 13oC, lượng mưa hàng năm từ 1500– 2000mm, độ ẩm 80%, không chịu được sương muối, giá rét. Yêu cầu đối với
đất không khắt khe, thường thích hợp với đất sét pha tầng dầy, hơi chua pH 4,5–5,0.
Phân bố: Ở Việt Nam, Trám đen thường mọc rải rác ở rừng nguyên sinh hoặc thứ sinh ở tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên. Trên thế giới, chúng phân bố ở nam Trung Quốc, các nước Đông Dương.
Giá trị: Gỗ màu nâu vàng, dễ làm có thể dùng trong xây dựng, đóng đồ dùng thông thường, quả chín làm thức ăn, hạt ép dầu ăn và đánh bóng. Quả và rễ có thể làm thuốc chữa bệnh.
Tình trạng: Trám đen đang bị khai thác mạnh, trong sách đỏ Việt Nam phân hạng của chúng ở cấp VU.
Tại Núi Luốt đã gây trồng Trám đen rải rác nhưng số lượng còn ít, các cá thể sinh trưởng phát triển không mấy thuận lợi, hầu hết cây còn nhỏ, cong queo, khó phát triển tán, thân. Cá thể sinh trưởng tốt nhất cũng chỉ đạt được đường kính là 11cm, chiều cao vút ngọn là 7m.