8. Cấu trúc đề tài
1.1.3. Những điều kiện để phát triển kĩ năng tự học với sách giáo khoa trong DHLS
lớp 12 ở trường THPT thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh
1.1.3.1. Đối với giáo viên bộ môn Lịch sử
Trong mọi giai đoạn LS, người thầy bao giờ cũng được xã hội tôn vinh và kính trọng. Nghề giáo được coi là một trong những nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa. Bác xem việc dạy học là một nghề đào luyện những thế hệ con người xây dựng xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới PPDH hiệu quả các môn học nói chung và môn LS nói riêng, tác giả Nguyễn Hữu Châu cho rằng GV là yếu tố quyết định hàng đầu, bởi “chính GV là những người thực hiện các ý tưởng của chương trình và cũng là người khích lệ HS kiến tạo những kiến thức của môn học” [14, tr.36]. Bên cạnh những phẩm chất cần thiết của người GV trong nhà trường như: nhận thức đúng đắn, hăng say chuyên
môn, biết tổ chức hướng dẫn HS học tập tốt, giáo dục HS trở thành người người có phẩm chất đạo đức… GV dạy bộ môn LS cần hoàn thiện và đáp ứng được hai yêu cầu sau:
Thứ nhất, về phẩm chất đạo đức: GV LS phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, một nhân cách mẫu mực, tận tụy trong công việc, tâm huyết với nghề nghiệp, sống vị tha, ân cần, nhân hậu, luôn là tấm gương sáng để học trò noi theo. Luôn hết lòng “vì học sinh thân yêu”, giúp đỡ người học một cách chân thành, không phân biệt đối xử. HS THPT thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh đa số ở vùng nông thôn, miền núi do điều kiện kinh tế - xã hội nên có những nét đặc trưng so với HS ở vùng miền khác, vì vậy, GV luôn đồng cảm, gần gũi nắm bắt được tâm tư, tình cảm của HS, hiểu rõ đối tượng HS giảng dạy để lựa chọn những phương pháp, hình thức dạy học phù hợp.
Thứ hai, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Người thầy giỏi là người không chỉ truyền được kiến thức cho HS, mà còn biết cách tổ chức và điều khiển hoạt động của các em, hướng HS đi tìm kiếm và chiếm lĩnh tri thức. GV LS ở các trường THPT trên địa bàn thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh phải được đào tạo đầy đủ về chuyên môn, không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ sư phạm cho bản thân. Chất lượng của GV chính là nhân tố thành hay bại của đổi mới giáo dục. Vì vậy, đổi mới DHLS trước hết phải đổi mới đội ngũ GV - những người vừa có chuyên môn vững vàng, vừa có các PPDH linh hoạt, sáng tạo. Chính sự tâm huyết, sáng tạo của các thầy cô sẽ truyền cảm hứng học tập cho các em HS, để các em yêu thích bộ môn LS hơn. Và khi các em đã được truyền cảm hứng học tập bộ môn, các em sẽ tự dành thời gian tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi kiến thức của bộ môn đó, dần dần chất lượng dạy học sẽ được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay.
1.1.3.2. Đối với học sinh
Khi giảng dạy bộ môn LS nói riêng và các môn học ở cấp học THPT nói chung, HS luôn là trung tâm của mọi hoạt động học tập. GV dù có vững vàng và sáng tạo đến đâu thì việc DHLS cũng chỉ thực sự có hiệu quả nếu như HS tự giác
học tập, tích cực, chủ động trong các hoạt động học. Với tình hình giáo dục hiện nay, để đổi mới PPDH yêu cầu GV phải tổ chức các hoạt động học tập hướng vào người học để phát huy NL của họ. Trong thời gian gần đây, việc đổi mới PPDH đã được triển khai và thực hiện ở các trường THPT trên địa bàn thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh nhằm phát huy NL của người học. Tuy nhiên, việc đổi mới còn chưa toàn diện và triệt để: tình trạng thầy đọc - trò chép vẫn còn diễn ra, GV giảng ¾ thời gian tiết học; thầy dạy gì, trò học nấy. Các em vẫn còn lối suy nghĩ học để đối phó nên không chủ động, tự giác học tập. Thậm chí, có những em HS, đến lớp vội vàng chép bài của bạn để GV kiểm tra, đánh giá. Rõ ràng, chúng ta đều thấy khi các em chưa có mục đích học tập đúng đắn thì các em không thể đưa ra được một kế hoạch học tập cụ thể. Mọi sự nỗ lực trong đổi mới phương pháp của thầy cô sẽ không bao giờ hiệu quả nếu các em HS không có sự hợp tác. Do đó, để nâng cao chất lược DHLS, nhà trường cần có nhiều hoạt động bổ ích giúp các em xác định được động cơ của việc học tập, vai trò của việc tự học để các em hiểu sâu sắc ý nghĩa của tự học, từ đó các em mạnh dạn, sôi nổi trong các hoạt động học tập do GV tổ chức. Như vậy, yếu tố người học được xem là một điều kiện quan trọng cần thiết, trong việc nâng cao chất lượng DHLS ở các trường THPT thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh.
1.1.3.3. Đối với gia đình
“Có thể nói, gia đình là môi trường có ảnh và tác động mạnh mẽ nhất đến sự hình thành nhân cách của HS THPT, bởi lẽ gia đình là nơi diễn ra những mối quan hệ xã hội đầu tiên của con người” [25, tr.49]. Nhân cách con người bắt đầu hình thành từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành vẫn chưa dừng lại. Giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tài năng và tính cách của mỗi con người trong xã hội.
Thực tế ở thị xã Quảng Yên cho thấy, vì cuộc sống mưu sinh nên các bậc phụ huynh phải bươn trải, lao động xa nhà nên việc nhắc nhở và động viên con em mình cố gắng học tập, tự học là điều vô cùng khó thực hiện. Gia đình cũng không đôn đốc, kiểm soát được việc học tập của con em mình tại nhà nên tình
trạng HS không học bài, chuẩn bị bài trước khi đến lớp diễn ra phổ biến. Nhiều bậc phụ huynh không hề có sự phối hợp với nhà trường để giáo dục, quản lí con em mình, thậm chí có thái độ “phó mặc” con em mình cho nhà trường.
Sinh ra và lớn lên chủ yếu ở vùng nông thôn, vì điều kiện gia đình khó khăn, chính bản thân các em phải vừa đi học, vừa phụ giúp cha mẹ làm kinh tế như: làm việc đồng áng, bưng bê, bồi bàn, chăm lo cho các em. Vì vậy, chính bản thân các em cũng không có thời gian để phát huy khả năng tự học của bản thân.
Như vậy, để đổi mới được PPDH đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng DHLS ở các trường THPT thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh, các gia đình phải thực sự tạo mọi điều kiện để các em có thể học tập tốt, thường xuyên chăm nom, đôn đốc, gần gũi, động viên con em mình để các em có cơ hội, có thời gian cho việc tự học của mình.
1.1.3.4. Đối với môi trường dạy học
Trong bối cảnh hiện nay, môi trường dạy học có ảnh hưởng không nhỏ sự hứng thú của các em HS và chất lượng dạy học các bộ môn. Môi trường học tập bao gồm hai yếu tố:
Thứ nhất, môi trường học tập là tập hợp những yếu tố không gian, nhân lực, vật lực và tài lực, tạo ra những điều kiện thuận lợi để việc học đạt kết quả tốt. Không gian trường lớp phải sạch đẹp, cảnh quan trường học bao gồm hệ thống cây xanh, đường đi lối lại trong khuôn viên, bồn hoa, thảm cỏ... phải khang trang, quy củ. Trường học không nhất thiết phải quá to, hiện đại mà cần làm sao cho các em cảm nhận được nó xinh xắn với màu sơn sáng sủa, với sân chơi sạch sẽ, có cây che bóng mát, có hoa lá trong sân, có những ghế đá ngồi đọc sách hay trò chuyện cùng bạn bè… Nhà trường có phương tiện kĩ thuật và thiết bị dạy học để phục vụ cho quá trình dạy và học của GV và HS. Sự tâm huyết trong từng hoạt động của GV và sự hứng thú của HS sẽ không hình thành và phát triển nếu
GV và HS làm việc và học tập trong ngôi trường thiếu thốn về điều kiện vật chất. Từ đó, hiển nhiên chất lượng dạy học cũng không thể nâng cao. Như vậy, môi trường dạy học ảnh hưởng rất lớn đến cả GV và HS trong quá trình dạy và học. Vì vậy, các trường THPT phải xây dựng một môi trường học tập thân thiện với đầy đủ điều kiện tinh thần và vật chất để việc học tập đạt kết quả cao.
Thứ hai, đó là một môi trường đoàn kết, an toàn của các bạn HS, là sự gần gũi, thân thiện của GV với HS trong trong và ngoài giờ học để HS cảm thấy “muốn đến” trường, đến lớp bởi khi đến sẽ có hứng thú, có niềm vui.
Như vậy, ta có thể hiểu, môi trường chính là những điều kiện vật chất và điều kiện tinh thần để GV và HS triển khai các hoạt động giáo dục học tập của mình.
Đối với các em HS THPT thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh, môi trường dạy học giữ vai trò không nhỏ khi nói về sự say mê, hứng thú học tập của các em. Cuộc sống hàng ngày thiếu thốn về vật chất, đôi khi các em cũng bị xoáy vào guồng quay của cuộc sống. Các em HS nơi đây phải giúp gia đình làm kinh tế, thay bố mẹ chăm sóc các em, nên khi được đến học ở ngôi trường xanh, sạch đẹp, có đầy đủ phương tiện, thiết bị dạy học, thầy cô gần gũi, cởi mở, bạn bè đoàn kết sẽ giúp các em “tạm quên” những khó khăn gia đình, góp phần thôi thúc sự cố gắng vượt khó vươn lên từ các em. Rõ ràng, chúng ta không thể bỏ qua một điều kiện quan trọng nữa để nâng cao chất lượng DHLS ở các trường THPT Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh hiện nay là trang bị cơ sở vật chất kĩ thuật đầy đủ, hiện đại.