Một vài khái niệm liên quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và đặc điểm của hoạt động thể thao giải trí hiện nay ở thành phố thái nguyên, tỉnh thái nguyên​ (Trang 25 - 29)

5. Giả thuyết khoa học

1.3.1. Một vài khái niệm liên quan

1.3.1.1. Vui chơi thư giãn

Vui chơi thư giãn là đặc trưng của hoạt động giải trí, nó là một nhu cầu của con người. Thoả mãn nhu cầu này để đạt được niềm vui. Nghiên cứu về vui chơi thư giãn, chính là quá trình làm thế nào để có được niềm vui. Niềm vui và hạnh phúc càng nhiều thì tâm lý, tinh thần càng được thoả mãn. Nó được xây dựng trên nền tảng vật chất nhất định, đồng thời là điều kiện của niềm vui, hạnh phúc của mọi người.

Mục đích của vui chơi thư giãn là niềm vui, mà niềm vui là một trong những trạng thái lý tưởng của cuộc sống. Niềm vui thúc đẩy sự khoẻ mạnh của tâm hồn và

thể chất. Nghiên cứu về vui chơi thư giãn từ góc độ sinh lý và tâm lý, có thể thúc đẩy hoạt động TDTT phát triển.

Từ một góc độ nào đó thì thể thao và thư giãn là một. Niềm vui chính là một loại cảm giác, nó là sự ước vọng của mọi người, dần dần trở thành một lời cầu chúc trong cuộc sống và hoạt động thể thao dân gian phương Đông đa số là các hoạt động tổ chức vào các ngày lễ tết, mang đến cho mọi người niềm vui và sự đoàn kết trong cuốc sống.

Từ sau thế kỷ 19, con người đã bắt đầu nghiên cứu về trạng thái niềm vui. Niềm vui trong TDTT chủ yếu bao gồm cảm giác thoả mãn về tri thức, cảm giác vui vẻ, hưng phấn khi trình độ kỹ thuật được nâng lên... Chơi thể thao là thư giãn, xem ca nhạc là thư giãn, đọc tiểu thuyết là thư giãn. Tác dụng của các hoạt động thư giãn trên đều là đem lại niềm vui cho con người. Ngoài ra, khi tham gia hoặc xem người khác chơi thể thao, người ta sẽ hoà mình vào môi trường giải trí thuần tuý mà không phải bận tâm đến hoạt động thường ngày, thậm chí quên hết tất cả. Lúc đó con người có niềm vui là những trải nghiệm về cuộc sống. Vậy, vui chơi thư giãn là hoạt động mang đến niềm vui, thoải mái cho con người.

1.3.1.2. Giải trí

Nói về giải trí, nhiều từ điển đều giải thích với hàm ý, đó là sự thoải mái, vui vẻ. Từ điển Bách khoa đã đưa ra khái niệm giải trí là: “làm cho trí óc thảnh thơi, tâm hồn thanh thản bằng một hoạt động gây được hứng thú” [85, trg 579]. Theo Trương Hồng Đàm, thuộc tính cơ bản của khái niệm giải trí là thuộc về yếu tố tinh thần, làm tiêu tan phiền muộn, nảy sinh khoái cảm [100].

Nói đến giải trí chúng ta không thể không đề cập đến các phương thức giải trí, bởi nó sẽ làm chúng ta hiểu rõ hơn khái niệm giải trí. Theo Dương Nghiệp Chí và cộng sự, giải trí có 3 phương thức:

Một là, giải trí gắn liền với vui chơi thư giãn. Phương thức này thường bao gồm giải trí thân thể, giải trí thực dụng, giải trí văn hóa, giải trí xã hội.

Hai là, giải trí liên quan tới văn hóa. Giải trí này thường gắn liền với các sản phẩm văn hóa giải trí như chiêu đãi, đón tiếp, xem ca nhạc, kịch xiếc, điện ảnh, tivi,....

Ba là, giải trí hiện thực thông thường. Đó là giải trí có tính phổ cập, chủ yếu bao gồm du lịch giải trí, văn hóa giải trí, xổ số, đặt cược, thể thao giải trí [9, trg 21-22].

Thể thao giải trí không chỉ bao hàm các phương tiện hoạt động thể lực, còn bao hàm các phương tiện hoạt động trí tuệ, thư giãn, thưởng thức thi đấu biểu diễn, cổ vũ thi đấu biểu diễn. Như vậy, thể thao giải trí được coi là phương thức sinh hoạt giải trí, văn minh, sức khỏe và khoa học của con người.

Ở nước ta, một số nội dung các loại hình thể thao giải trí mới được hình thành và phát triển chủ yếu ở thành thị: Bowlling, Golf, bóng chuyền hơi, thể thao dưới nước, thể thao điện tử, du lịch thể thao,…

Phân loại giải trí, theo Trương Hồng Đàm, giải trí có thể phân làm hai loại lớn: giải trí thưởng thức và giải trí thao tác [100].

Giải trí thưởng thức có thể bao gồm thưởng thức bằng mắt, thưởng thức bằng tai và thưởng thức tổng hợp. Giải trí thao tác tùy theo mức độ tham gia hoạt động của cơ thể mà có thể phân thành hai loại: giải trí tùy cảm và giải trí hậu cảm. Giải trí tùy cảm đó là sự cảm nhận sự khoan khoái ngay trong quá trình phát huy thể năng, nỗ lực ý chí của mình. Còn giải trí hậu cảm, đó là sự cảm nhận khoan khoái khi phát huy cao độ thể năng và nỗ lực ý chí trong quá trình hoạt động và mang lại thành công.

Cũng theo Trương Hồng Đàm, giải trí liên quan đến thể dục, thể thao, chủ yếu là giải trí thao tác, còn giải trí thưởng thức đại bộ phận thuộc về người ngoài cuộc hoạt động TDTT, giải trí hậu cảm chủ yếu nói về phạm vi TDTT thi đấu; chỉ có giải trí tùy cảm và thể thao giải trí là rất gần gũi.

Theo Trương Hồng Đàm thì thể thao giải trí là thuộc phạm trù của giải trí, bao gồm cả giải trí thưởng thức và giải trí thao tác. Tất nhiên, giải trí thao tác gắn liền với hoạt động TDTT, còn giải trí thưởng thức thì nằm ngoài hoạt động TDTT.

Như vậy, giải trí thao tác là sự giải trí, trong đó yêu cầu người tham gia phải dùng những phương tiện có liên quan (bài tập thể lực) để tiến hành hoạt động, nghĩa là phải tập luyện, qua đó mà cảm nhận được những khoái cảm của mình trong vận động hoặc sau vận động. Còn giải trí thưởng thức là giải trí được tạo nên bởi những hoạt động TDTT của người khác (thi đấu, biểu diễn) mà cảm nhận được những khoái cảm khác nhau. Giải trí thưởng thức trong trường hợp này không khác gì giải trí phổ biến trong văn hóa, nghệ thuật như xem văn nghệ, đọc sách, xem biểu diễn,...Do đó giải trí thưởng thức có thể bao gồm giải trí thưởng thức bằng văn hóa, giải trí thưởng thức

bằng nghệ thuật và giải trí thưởng thức bằng TDTT. Hay nói một cách khác, đó là sự hưởng thụ về văn hóa, nghệ thuật, TDTT...[100].

1.3.1.3. Thể thao giải trí và sự gắn kết giải trí với TDTT

Không ít tác giả cho rằng TDTT không chỉ để phát triển thể chất, nâng cao sức khỏe thể chất mà còn để phát triển sức khỏe tinh thần, thỏa mãn đời sống tinh thần của con người [9], [11], [13], [35], [92], [97], [101]. Những khái niệm về các lĩnh vực TDTT khác đã có khá nhiều người đề cập như TDTT, GDTC, TDTT trường học, thể thao...[52], [55], [59]. Tuy nhiên, quan niệm về thể thao giải trí thì còn rất hạn chế.

Hai tác giả Bùi Xuân Mỹ và Phạm Minh Thảo thì cho rằng thể thao thường là một bộ phận giải trí của con người ở thế kỷ XX. Đối với một số người, đó là một cách phát triển cá nhân hay thư giãn, đối với một số người khác lại là một phương tiện thành đạt. Và phong trào tham gia trực tiếp hoạt động thể thao cũng phát triển cùng với tình hình gia tăng thì giờ rảnh rỗi. Theo hai tác giả này, người ta đến với thể thao rất đa dạng tùy theo sự say mê ham thích của từng người [59].

Theo Dương Nghiệp Chí và cộng sự, thể thao giải trí là loại hình hoạt động TDTT có ý thức, có lợi cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của con người, được tiến hành trong thời gian tự do, ngoài giờ làm việc [9]. Thể thao giải trí còn là hoạt động TDTT tự giác, vừa sức, trong vùng năng lượng ưa khí (đủ ôxy, không bị nợ ôxy). Thể thao giải trí không chỉ bao hàm các phương tiện hoạt động thể lực mà còn bao hàm các phương tiện hoạt động trí tuệ, thư giãn, thưởng thức thi đấu biểu diễn, cổ vũ thi đấu biểu diễn, trong đó có sử dụng các phương tiện công nghệ cao.

Trong một quan niệm khác, dưới góc độ kinh tế, Dương Nghiệp Chí và cộng sự lại cho rằng: thể thao giải trí là ngành hàng kinh tế dịch vụ đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của xã hội.

Trong bài viết của Lương Kim Chung có giới thiệu nhận định của nhà xã hội học J.R Jelly về thể thao giải trí như sau: “người tham gia thể thao giải trí có thể tự do lựa chọn môn thể thao mình thích và cảm thấy thoải mái khi chơi môn thể thao đó” [13, trg 41]. Và ông cũng giới thiệu quan niệm về những môn thể thao giải trí của hiệp hội chấn hưng thể thao giải trí Nhật Bản cho rằng: “thể thao giải trí là những môn thể thao mang tính giải trí cao. Ví dụ: golf, đua xe, lướt sóng...lúc chơi sẽ mang lại sự vui vẻ,

thoải mái, sự cởi mở cho tâm hồn, tiêu tan đi mệt mỏi. Và theo Lương Kim Chung, “bất luận môn thể thao nào rèn luyện sức khỏe thường nhật hàng ngày và lý tưởng nhất đều có ý nghĩa về mặt giải trí” [13, trg 42].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và đặc điểm của hoạt động thể thao giải trí hiện nay ở thành phố thái nguyên, tỉnh thái nguyên​ (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)