7. Cấu trúc của luận văn
1.2. Kĩ năng suy luận
a) Khái niệm kĩ năng
Cho đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về kĩ năng và đưa ra nhiều khái niệm khác nhau về kĩ năng. Tuy nhiên khi xem xét các tài liệu về kĩ năng tác giả nhận thấy các nhà triết học, tâm lý học, giáo dục học,… trong nước cũng như trên thế giới thường đưa ra khái niệm về kĩ năng theo hai quan điểm chính như sau:
Quan điểm 1: Kĩ năng được xem xét dưới góc độ kĩ thuật, phương thức hành động của con người trong các hoạt động. Một số tác giả theo quan điểm 1: Trần Trọng Thủy, V.A.Kruchexki, A.G. Côvaliôv, V.X Radic, Xavier Roegier.
Tác giả Trần Trọng Thủy cho rằng: “Kĩ năng là mặt kĩ thuật của hành động. Con người nắm được cách thức hành động – tức kĩ thuật của hành động là có kĩ năng” [20, Tr. 2].
V.A.Kruchexki quan niệm: “Kĩ năng là các phương thức thực hiện hành động - những cái mà con người đã nắm vững” [1, Tr. 78].
Trong cuốn “Tâm lý học cá nhân” A.G. Côvaliôv cũng cho rằng: “Kĩ năng là phương thức thực hiện hành động phù hợp với mục đích và điều kiện của nó”[1, Tr. 11]. Theo quan điểm thứ nhất các tác giả đều không đề cập đến kết quả của hành động do kết quả của hành động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố kĩ năng của con người chứ không hẳn cứ nắm vững phương thức hoạt động là đem lại kết quả tương ứng. Theo đó, con người cứ nắm được phương thức hành động là có kĩ thuật hành động, có kĩ năng.
Quan điểm 2: Kĩ năng được xem xét dưới góc độ kĩ năng hành động của con người. Một số tác giả theo quan điểm 2: Vũ Dũng, Nguyễn Quang Uẩn, A.V Petrovski, K.K. Platônôv, N.D.Lêvitôv, G.G. Gôbulev.
Theo Từ điển Tiếng việt: “Kĩ năng là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế” [16, Tr. 426]
Theo từ điển Tâm lý học do Vũ Dũng chủ biên: “Kĩ năng là năng lực vận dụng có kết quả tri thức về phương thức hành động đã được chủ thể lĩnh hội để thực hiện nhiệm vụ tương ứng” [7, Tr. 132].
A.V Petrovski cho rằng: “Năng lực sử dụng các dữ kiện, các tri thức hay khái niệm đã có, năng lực vận dụng chúng để phát hiện những thuộc tính bản chất của các sự vật và giải quyết thành công những nhiệm vụ hay lý luận hay thực hành xác định, gọi là kĩ năng” [2, Tr. 149].
Ngoài ra còn có một số quan điểm khác về kĩ năng của các nhà tâm lý học. Chẳng hạn, K.K. Platônôv cho rằng “Cơ sở tâm lý của kĩ năng là sự thông hiểu mối liên hệ giữa mục đích hành động, các điều kiện và phương thức hành động”[11, Tr. 77], N.D.Lêvitôv quan niệm “Kĩ năng là sự thực hiện có kết quả một động tác hay
một hoạt động phức tạp bằng cách lựa chọn và áp dụng những cách thức đúng đắn có tính đến những điều kiện của nó”[14, Tr. 3], G.G. Gôbulev nhấn mạnh “Kĩ năng là năng lực của con người thực hiện hành động có kết quả với một chất lượng nhất định trong những điều kiện khác nhau”[11, Tr. 12].
Theo quan điểm thứ hai, các tác giả đều chú trọng tới mặt kết quả của hành động. Dù xét theo quan điểm nào thì khái niệm kĩ năng ở mỗi quan điểm đều không hề phủ định lẫn nhau. Sự khác biệt của hai quan điểm trên là do sự mở rộng hay thu hẹp thành phần cấu trúc của kĩ năng.
Như vậy, vấn đề kĩ năng vẫn còn là vấn đề có nhiều ý kiến, song cơ bản các ý kiến cũng không có gì mâu thuẫn nhau. Các tác giả tùy theo cách nhìn chủ quan của mình mà nhấn mạnh khía cạnh này hay khía cạnh khác. Từ những ý kiến trên chúng ta có thể hiểu kĩ năng một cách tổng quát như sau: Kĩ năng là khả năng thực hiện có kết quả một hành động hay một hoạt động nào đó bằng cách lựa chọn và vận dụng những tri thức, những kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với những điều kiện thực tiễn cho phép. Kĩ năng thể hiện các thao tác tư duy, năng lực hành động và mặt kĩ thuật của hành động.
b, Đặc điểm của kĩ năng
Theo Tâm lý học, nếu tách tri thức và kĩ năng để xem xét riêng từng các tri thức thuộc phạm vi nhận thức, thuộc về khả năng “biết”, còn kĩ năng thuộc phạm vi hành động, thuộc về khả năng “biết làm”.
Như vậy, kĩ năng chứa đựng những đặc điểm sau:
- Bất cứ kĩ năng nào cũng phải dựa trên cơ sở lý thuyết đó là kiến thức. Bởi vì, cấu trúc của kĩ năng là: hiểu mục đích - biết cách thức đi đến kết quả - hiểu những điều kiện để triển khai cách thức đó.
- Kiến thức là cơ sở của kĩ năng, khi kiến thức đó phản ánh đầy đủ các thuộc tính bản chất của đối tượng, được thử nghiệm trong thực tiễn và tồn tại trong ý thức với tư cách là công cụ của hành động. Cùng với vai trò cơ sở của tri thức, cần thấy rõ tầm quan trọng của kĩ năng. Bởi vì môn Toán là môn học công cụ có đặc điểm và vị trí đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển nhân cách trong trường phổ thông. Vì vậy, cần hướng mạnh vào việc vận dụng những tri thức và rèn luyện kĩ năng, vì kĩ năng chỉ có thể được hình thành và phát triển trong hoạt động.
c, Sự hình thành kĩ năng
Kĩ năng có ở mỗi con người đều trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, phức tạp, qua nhiều giai đoạn. Để hình thành bất kì một kĩ năng nào cũng cần được tiến hành thông qua các hoạt động luyện tập, củng cố, vận dụng nhờ việc tiến hành các thao tác, hành động và diễn ra theo quy trình trong thời gian nhất định. Theo K.K Platônôv và G.G Gôbulev (1963) quá trình hình thành kĩ năng thường trải qua năm giai đoạn:
Giai đoạn 1: Con người được đặt trước tình huống mới, nhận thức được tình huống và mục đích của hành động, từ đó tìm kiếm cách thức hành động từ sự hiểu biết, kinh nghiệm và hệ thống kĩ xảo đã có. Chủ thể vận dụng chúng thành những kĩ năng sơ đẳng có tính kinh nghiệm.
Giai đoạn 2: Chủ thể đã có hiểu biết và phương thức hành động nhờ việc sử dụng các tri thức, kĩ xảo đã có. Nhưng đó không phải những kĩ xảo và những kĩ năng chuyên biệt nhằm hành động để giải quyết tình huống. Chủ thể đã biết phương thức hành động nhưng chưa đầy đủ, còn nhiều thiếu sót, sai lầm cũng như những thao tác thừa.
Giai đoạn 3: Có sự hình thành ở mức độ cao những kĩ năng riêng rẽ và có tính chất chung, cần cho nhiều hoạt động khác nhau.
Giai đoạn 4: Chủ thể có thể vận dụng một cách có sáng tạo vốn hiểu biết và những kĩ năng cụ thể, những kĩ xảo đã có. Chủ thể không chỉ ý thức về mục đích mà còn cả về lựa chọn phương thức hành động hợp lý để hướng tới mục đích, kết quả cần đạt. Cuối giai đoạn này, kĩ năng cụ thể đã ở trình độ phát triển cao.
Giai đoạn 5: Hình thành kĩ năng thực sự. Khi đó các kĩ năng cụ thể kết hợp lại, tạo thành những nhóm kĩ năng. Vì vậy, chủ thể có thể sử dụng một cách sáng tạo các kĩ năng, kĩ xảo đã được hình thành vào việc giải quyết các tình huống khác nhau của nghề nghiệp.
Dẫn theo [23, Tr. 20] M.A.Đanilov và M.N.Xcatkin quan niệm rằng: “Kĩ năng bao giờ cũng xuất phát từ kiến thức, kĩ năng chính là kiến thức trong hành động. Kĩ năng là khả năng của con người biết sử dụng một cách có mục đích và sáng tạo những kiến thức”. Như vậy, kĩ năng là phương thức hành động dựa trên cơ
sở của tri thức, luôn được biểu hiện qua các nội dung cụ thể. Kĩ năng có thể được hình thành theo con đường luyện tập. Kĩ năng là một bộ phận cấu thành năng lực.
d, Kĩ năng suy luận
Từ những nghiên cứu về suy luận và kĩ năng chúng tôi quan niệm kĩ năng suy luận là khả năng vận dụng các loại suy luận và các quy luật suy luận trong quá trình giải toán.
Với quan niệm về kĩ năng suy luận như trên, chúng tôi cho rằng thành tố của kĩ năng suy luận bao gồm:
- Khả năng xác định các phán đoán tiền đề của suy luận.
- Khả năng xác định các loại suy luận có thể sử dụng cho quá trình suy luận. - Khả năng vận dụng các loại suy luận trong quá trình suy luận.
- Khả năng xác định các quy luật suy luận có thể sử dụng cho quá trình suy luận.
- Khả năng vận dụng các quy luật trong quá trình suy luận. - Khả năng đưa ra các phán đoán mới.
Việc phát triển kĩ năng suy luận cho học sinh là cần thiết, đặc biệt đối với quá trình dạy học môn Toán. Trên cơ sở các thành tố về kĩ năng suy luận được xác định như trên và con đường hình thành kĩ năng nói chung, để rèn luyện kĩ năng suy luận cho học sinh, chúng tôi đề xuất các biện pháp sư phạm ở chương 2 hướng đến việc phát triển các thành tố của kĩ năng suy luận cho học sinh trong quá trình dạy học hình học lớp 8 và theo con đường hình thành kĩ năng.