7. Cấu trúc của luận văn
2.3.1. Vận dụng trong giờ lý thuyết
- Trong giờ lý thuyết, giáo viên cần sử dụng hệ thống bài tập phù hợp vớ cách thức tổ chức giờ học.
Trong quá trình lên lớp, giáo viên sử dụng bài tập theo logic của tiến trình giờ học, bài tập phản ánh mối liên hệ giữa các khâu của quá trình dạy học. Thực tế, một giờ học lý thuyết bao gồm nhiều khâu: dẫn vào bài, tổ chức lĩnh hội tri thức mới, củng cố, ôn tập, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Giáo viên có thể sử dụng bài tập trong tất cả các khâu của giờ học, tuy nhiên nếu đưa ra bài tập quá nhiều sẽ làm cho giờ học căng thẳng hơn. Bởi trong giờ lý thuyết, điều quan trọng nhất là giáo viên phải cung cấp những kiến thức trọng tâm của
bài học. Việc đưa ra bài tập trong phần này cũng khá quan trọng bởi nó sẽ giúp các em củng cố tri thức một cách tốt nhất.
Để sử dụng bài tập có hiệu quả, trước hết giáo viên cần hình dung được tiến trình lên lớp sẽ như thế nào và nội dung nào cần sử dụng bài tập. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần lựa chọn loại bài tập nào phù hợp với bài học nhất để giúp học sinh hứng thú, tập trung nghe giảng, hăng say trao đổi, thảo luận. Như thế giờ học lý thuyết mới hiệu quả.
- Trong giờ lý thuyết, giáo viên sử dụng hệ thống bài tập cần định hướng vào số đông học sinh.
Sử dụng hệ thống bài tập không nên tập trung vào một vài học sinh giỏi hoặc một vài học sinh cá biệt mà nên định hướng vào số đông học sinh. Việc sử dụng bài tập định hướng vào số đông học sinh sẽ có tác dụng khuyến khích mọi học sinh cùng tham gia, cùng suy nghĩ, cùng hợp tác hành động để giải quyết nhiệm vụ. Đồng thời cũng giúp các em say mê, hứng thú hơn trong việc lĩnh hội tri thức mới của bài học. Tuy nhiên, giáo viên sử dụng bài tập nên tập trung vào phần trọng tâm của bài học. Ngoài ra, sử dụng bài tập một cách linh hoạt cũng là yếu tố cần thiết cho một giờ giảng. Bên cạnh việc đưa ra những bài tập cá nhân, còn đưa ra những bài tập nhóm để học sinh có thể thảo luận với nhau cùng giải quyết nhiệm vụ. Giáo viên cũng nên đưa ra những tình huống có vấn đề, dẫn dắt học sinh giải quyết.
- Trong giờ lý thuyết, giáo viên sử dụng hệ thống bài tập đảm bảo phù hợp với năng lực nhận thức của người học.
Đưa ra bất kì bài tập nào cũng đều phải phù hợp với nhận thức của người học, đó là yêu cầu chung trong mọi giờ học. Bài tập phải nằm trong khả năng nhận thức của học sinh, như thế mới kích thích niềm say mê, hứng thú trong việc giải quyết nhiệm vụ học tập. Thực tế, bài tập giáo viên dự định sử dụng không phải đều được thực hiện cả mà cần phải linh hoạt trong mọi tình huống của giờ học.
- Trong giờ lý thuyết, giáo viên sử dụng hệ thống bài tập phải phù hợp với thời gian và mục tiêu của mỗi giờ học.
Thời gian của mỗi tiết học là 45 phút. Tuy nhiên, do đặc trưng của giờ lý thuyết, giáo viên tổ chức cho học sinh lĩnh hội những tri thức cơ bản nhất, hướng dẫn học sinh thực hiện một số nội dung trong giờ thảo luận, tự học. Do vậy, đối với giờ lý thuyết, việc sử dụng bài tập chỉ nên khắc sâu kiến thức trọng tâm của bài học, cần dự kiến thời gian cho mỗi bài tập, không nên để thời gian học sinh tranh luận quá dài.
Trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 8 có các tiết dạy lý thuyết
của văn bản thuyết minh là:
1. Tìm hiểu chung về văn bản thuyết minh. 2. Phương pháp thuyết minh.
3. Đề văn thuyết minh và cách làm làm văn thuyết minh. 4. Thuyết minh về một thể loại văn học.
5. Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh. 6. Thuyết minh về một phương pháp (cách làm). 7. Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh.
* Ví dụ: Dạy tiết “Tìm hiểu chung về văn bản thuyết minh” (Sách giáo
khoa Ngữ văn 8, tập 1), giáo viên sử dụng các mẫu trong sách giáo khoa là các văn bản “Cây dừa Bình Định”, “Tại sao lá cây có màu xanh lục”, “Huế”. Cho các em đọc từng văn bản và phân tích các mẫu bằng câu hỏi:
Câu hỏi 1: Mỗi văn bản trình bày, giới thiệu, giải thích vấn đề gì? Em thường gặp các loại văn bản như trên ở đâu? Kể thêm một số văn bản cùng loại mà em biết?
Trả lời câu hỏi này là các em đã bước đầu tìm ra đặc điểm nội dung và hình thức biểu hiện của văn bản thuyết minh:
- Văn bản 1 “Cây dừa Bình Định”: Trình bày lợi ích của cây dừa, lợi ích này gắn với đặc điểm của cây dừa mà các loài cây khác không có và gắn với đời sống của người dân Bình Định.
- Văn bản 2 “Tại sao lá cây có màu xanh lục”: Giải thích về tác dụng của chất diệp lục làm cho người ta thấy lá cây có màu xanh.
- Văn bản 3 “Huế”: Giới thiệu Huế như một trung tâm văn hoá nghệ thuật lớn của Việt Nam với những đặc điểm tiêu biểu và riêng biệt.
Các loại văn bản này rất phổ biến trong đời sống nhất là trong lĩnh vực giáo khoa, khoa học, nhật dụng.
Để học sinh hiểu đúng tính chất, đặc điểm của văn bản thuyết minh, giáo viên tiếp tục hướng dẫn học sinh phân tích mẫu bằng câu hỏi thảo luận nhóm:
Câu hỏi 2: Các văn bản trên có thể xem là văn bản tự sự hoặc miêu tả,
biểu cảm, nghị luận, điều hành được không? Vì sao?
Trả lời câu hỏi này sẽ giúp cho học sinh phân biệt văn bản thuyết minh với các kiểu văn bản khác trong chương trình.
Yêu cầu:
- Nhớ, nêu lại những đặc điểm của các loại văn bản tự sự, biểu cảm, nghị luận, miêu tả.
- Đối chiếu đặc điểm các văn bản mẫu với những đặc điểm đó xem tương đồng hay khác biệt (về cơ bản).
Thấy được sự khác biệt trên, giáo viên hướng dẫn tìm ra đặc trưng khu biệt của các văn bản trên với các văn bản khác bằng câu hỏi:
Câu hỏi 3: Các văn bản trên có những đặc điểm chung nào làm chúng
trở thành một kiểu riêng (thuyết minh)?
Các văn bản trên cung cấp tri thức khách quan về sự vật, giúp con người có được hiểu biết về sự vật một cách đúng đắn đầy đủ.
Giáo viên cần nhấn mạnh:
- Nói là tri thức khách quan nghĩa là thực dụng, cung cấp kiến thức khách quan là chính, không đòi hỏi bắt buộc phải làm cho người đọc thưởng thức cái hay, cái đẹp như tác phẩm văn học. Tuy nhiên, nếu viết có cảm xúc, biết gây hứng thú cho người đọc thì vẫn tốt.
Để tiếp tục tìm hiểu đặc điểm, tính chất của kiểu bài thuyết minh, giáo viên cho học sinh phân tích mẫu bằng câu hỏi:
Câu hỏi 4: Các văn bản trên chủ yếu thuyết minh về đối tượng bằng
những phương thức nào? Ngôn ngữ, cách diễn đạt của cả 3 văn bản có những đặc điểm gì?
Phương thức thuyết minh: Giới thiệu, trình bày, giải thích cần lưu ý cho học sinh về bản chất của hai chữ “giải thích” trong văn bản thuyết minh. Giải thích trong nội dung đã học là một thao tác trong văn nghị luận, thực chất là trình bày cách hiểu của cá nhân về một vấn đề nghị luận. Cách giải thích trong văn nghị luận có thể theo suy luận chủ quan nhằm phát biểu quan điểm. Còn “giải thích” trong thuyết minh là trình bày lai lịch, cấu tạo, hoạt động hay tác dụng để người đọc, người nghe có được hiểu biết về sự vật, hiện tượng một cách đúng đắn và biết cách sử dụng chúng vào mục đích có lợi. Như vậy, thuyết minh là một kiểu văn bản còn giải thích trong văn nghị luận chỉ là một phép lập luận.
Ngôn ngữ trong văn bản thuyết minh (thể hiện ở 3 văn bản mẫu): chính xác, gãy gọn, mạch lạc.
Từ những phân tích trên, giáo viên hướng dẫn cho học sinh rút ra những kết luận chung trong nội dung phần ghi nhớ (sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 1
trang117) và vận dụng vào làm các bài tập phần luyện tập.
Ví dụ 2: Khi dạy bài “Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh”, ở phần luyện tập cần đưa ra đầy đủ các dạng bài tập bao gồm: bài tập nhận diện, bài tập tạo lập, bài tập sửa chữa để học sinh giải quyết.
1. Bài tập 1.
Nuôi tằm là một nghề căn bản của nước ta. Các nơi có bãi trồng dâu thì nuôi tằm nhiều hơn các nơi khác.
Cách nuôi tằm trước hết mua trứng ngài treo để chỗ mát cho nó nở ra con sâu nho nhỏ rồi bỏ vào nong, lấy lá dâu thái thực nhỏ như sợi thuốc lá, rắc vào nong cho nó ăn. Mỗi ngày phải cho nó ăn ba mươi sáu hoặc bốn mươi lần, ít nhất cũng phải hai mươi sáu lần. Cho ăn như thế độ một tuần lễ, rồi thái to hoặc để cả lá cho nó ăn mỗi ngày độ năm, sáu lần. Nuôi cho đến khi con tằm vàng ánh bụng ra thì bắt nó cho kéo tơ làm tổ, gọi là qủa kén.
Thành kén rồi, trong ba ngày phải ươm ngay. Người ươm tơ phải xem nước trong nồi ươm nóng vừa độ để cho sợi tơ kéo lên khỏi đứt. Bỏ kén trong nồi ươm phải bỏ từng tí một, lấy đũa nhào đi nhào lại để lấy sợi gốc ra cho được nhanh và đều nhau. Khi lấy gần hết gốc thì bỏ đùa mà kéo bằng tay cho đến khi ra hẳn sợi to. Đừng kéo lấy gốc nhiều quá mà hao tơ. Kén phải bỏ vào nồi cho đều, đừng có khi nhiều khi ít. Mỗi bàn ươm thì ươm hai mối. Muốn cho tơ dễ kéo và dễ bán thì cho bảy con kén thành một sợi. Còn người quay tơ thì thường dùng trẻ con quay cũng được, quý hồ quay cho đều.
Mỗi lúc bỏ kén vào quay để lấy gốc ra thì phải dùng lò ươm cho đều lửa. Nghề nuôi tằm và nghề làm ruộng đều là nghề nghiệp căn bản rất hệ trọng cho việc sinh nhai và lại rất khó nhọc hơn cả mọi nghề, nước nào cũng phải trọng hai nghề ấy làm cốt.
(Theo Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB TP.HCM,1995) - Văn bản trên thuyết minh về nội dung gì? Thuộc dạng văn bản thuyết minh nào?
- Hãy chỉ ra mở bài, thân bài, kết bài
Trả lời:
+Văn bản thuyết minh về nghề nuôi tằm; Thuộc dạng bài thuyết minh một phương pháp.
+ MB (từ đầu đến “nơi khác”): Giới thiệu nghề nuôi tằm
+ TB: (từ “Cách nuôi tằm” đến “đều lửa”): Quá trình phát sinh của con tằm, cách nuôi tằm
2. Bài tập 2
Viết đoạn mở bài và kết bài cho đề văn: “Giới thiệu trường em”.
3. Bài tập 3 (học sinh đảo sản phẩm cho nhau để đánh giá, nhận xét, bổ sung)
Phát hiện những điểm chưa hợp lí trong các đoạn văn thuyết minh trên và sửa lại cho đúng.