Một số nhóm giải pháp chủ yếu nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới huyện văn bàn, tỉnh lào cai​ (Trang 82 - 98)

4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn đề tài

3.3.2.Một số nhóm giải pháp chủ yếu nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng

3.3.2.1. Nhóm giải pháp đối với từng nhóm xã

- Đối với nhóm xã 1, là nhóm xã đã hoàn thành mục tiêu về đích NTM, cần tiếp tục duy trì phát triển bền vững về kinh tế-xã hội trên cơ sở khai thác

hợp lý và bền vững lâu dài các nguồn tài nguyên hiện có, duy trì và phát triển các mô hình sinh thái tổng hợp ở quy mô xã, thôn và hộ gia đình, luôn luôn là mô hình mẫu để các xã khác phấn đấu, học tập, noi theo.

- Đối với nhóm xã 2, là nhóm xã chuẩn bị về đích hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, cần đẩy nhanh tiến độ khắc phục và điều chỉnh những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, nhất là tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm để sớm chuyển thành nhóm xã 1. Mục tiêu là cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn. Đẩy mạnh phát triển các mô hình sinh thái Vườn-Ao-Chuồng (VAC), Vườn-Ao-Chuồng-Rừng (VACR) ở cấp quy mô xã, thôn và hộ gia đình.

- Đối với nhóm xã 3, là nhóm xã có điều kiện kinh tế thấp hơn cả, có tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất. Chiến lược phát triển đối với nhóm xã này là cần thận trọng từng bước khắc phục các yếu kém về môi trường nông thôn bằng hệ thống đồng bộ giải pháp từ đào tạo nâng cao năng lực tại chỗ nhằm phát huy năng lực tự lực tự cường, đồng thời tích cực tìm kiếm tài trợ để hỗ trợ phát triển các cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển và cải thiện sinh kế bền vững. Từng bước khôi phục và tái tạo không gian sinh tồn của đồng bào dân tộc miền núi vùng sâu, vùng xa. Không gian nay bao gồm rừng cây, đồi núi, khe nước chảy quanh năm, thác nước, chim hót,... trên phạm vi thôn bản, xã và cụm xã. Tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường và giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã trong nhóm xã 3. Từng bước chuyển dần thành nhóm xã 2, tiến tới hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm cũng như hoàn thành việc về đích NTM.

3.3.2.2. Nhóm giải pháp về sản xuất nông lâm nghiệp

Khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế sử dụng

thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ, gia tăng tỷ lệ thu hồi các bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật, áp dụng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP,... Khuyến khích chăn nuôi trang trại và hạn chế dần chăn nuôi nhỏ lẻ khó kiểm soát nguồn phát sinh ô nhiễm. Tổ chức sắp xếp lại các làng nghề, di dời các cơ sở nằm xen kẽ khu dân cư, đi đôi với hình thành các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có đầy đủ hạ tầng bảo vệ môi trường để bảo đảm các điều kiện về xử lý môi trường tập trung. Xác định lấy phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ là trọng tâm, mũi nhọn cho toàn huyện; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết 4 nhà (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà đầu tư – Nhà nông) tạo thành chuỗi gắn kết trách nhiệm và bền vững. Tập chung đầu tư cây, con giống có năng xuất cao, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất. Duy trì những giống địa phương như gà Mông, lợn Mán, lúa nếp Thẳm Dương (Khảu Tan Đón),... có phẩm chất tốt, giá trị kinh tế cao. Đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát huy hết nội lực của từng địa phương và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp.

Không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (chú trọng hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV và thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông lâm nghiệp), thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm, những kiến thức bản địa với nhân dân. Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, khuyến khích các mô hình sản xuất tập trung như trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, ba ba, cá, nhím, thỏ, dúi,... Tạo điều kiện cho nhân dân được vay vốn để phát triển sản xuất. Đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình sinh thái VAC, VACR,... tiêu biểu ở quy mô huyện, quy mô xã và quy mô hộ gia đình để phát triển kinh tế, các mô hình liên kết trong sản xuất, phát triển trang trại sản xuất kinh doanh trên địa huyện Văn Bàn.

Cùng với bảo tồn, duy trì và phát triển bền vững rừng tự nhiên hiện có, cần đẩy mạnh trồng rừng kinh tế sau đầu tư gắn với bảo vệ môi trường đến

từng hộ gia đình, cá nhân trong toàn huyện. Giao chỉ tiêu mỗi hộ gia đình trồng từ 1 - 3 ha, tập chung chủ yếu vào các giống cây có giá thị kinh tế cao, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với đồng đất của địa phương như Chẩu, Soan, Mỡ, Quế, Luồng Thanh Hóa, măng Bói,....

3.3.2.3. Nhóm giải pháp cụ thể đối với từng nội dung môi trường

a) Đối với nội dung tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định

- Để thực hiện nội dung này cần ưu tiên sửa chữa và nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước tập trung đã được đầu tư xây dựng đang hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.

- Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt thiết bị xử lý nước quy mô hộ gia đình tại các vùng không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước tập trung, Cụ thể là hỗ trợ người dân xây bể lọc nước tại những nơi mà các hộ dân chủ yếu sử dụng nước khe, nước nguồn tự chảy để đảm bảo các nguồn nước sử dụng hợp vệ sinh. Bổ sung cơ chế hỗ trợ kinh phí cho cấp xã trong việc thực hiện lấy mẫu, phân tích lượng nước theo quy chuẩn Việt Nam. Bổ sung quy định năng lực, điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương chuyển đổi từ mô hình quản lý không hiệu quả sang mô hình quản lý hiệu quả.

- Mở rộng dịch vụ cung cấp nước máy ra các xã để nâng số hộ được sử dụng nước máy đảm bảo hợp vệ sinh.

b) Đối với nội dung tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường

- Khuyến khích chăn nuôi trang trại và hạn chế dần chăn nuôi nhỏ lẻ khó kiểm soát nguồn phát sinh ô nhiễm.

- Khuyến khích hình thành các đơn vị tư vấn, dịch vụ thiết kế, xử lý môi trường; ngành công nghiệp môi trường.

- Những cơ sở không đạt tiêu chuẩn chuẩn môi trường sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Yêu cầu khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, sử dụng biện pháp đình chỉ hoạt động một phần hoạt toàn bộ quá trình sản xuất đối với những doanh nghiệp cố tình không thực hiện xử lý các chất thải hoặc những doanh nghiệp có tổng lượng chất thải lớn và bị khiếu nại nhiều lần. Hàng năm tiếp tục thực hiện tốt chương trình giải thưởng môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

- Các cơ sở phải có đầy đủ thủ tục pháp lý về môi trường, như Giấy xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường do UBND cấp huyện cấp, Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh trước khi đi vào hoạt động phải được cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận hoàn thành các công trình xử lý chất thải theo quy định hiện hành.

- Trước khi dự án, đề án triển khai thực hiện phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường), hướng chủ dự án đến với các công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

- Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các yêu cầu, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và giám sát chất lượng môi trường định kỳ.

c) Đối với nội dung xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn

- Các xã chủ động điều tra các khu điểm dân cư gây ô nhiễm môi trường, sau đó tiến hành khảo sát thực tế mức độ ô nhiễm của các khu điểm dân cư này, phân loại mức độ ô nhiễm để đề xuất ngay giải pháp cải tạo, nâng

- Tăng cường công tác tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân bảo vệ môi trường ở khu vực công cộng và khu dân cư.

- Thực hiện công tác vệ sinh môi trường nông thôn: vệ sinh đường làng, xóm, thôn bản, và các khu vực công cộng; khơi thông cống rãnh thoát nước,...

- Thực hiện tốt các cuộc vận động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường do địa phương phát động, thực hiện tốt phong trào 5 không, 3 sạch do Hội liên hiệp phụ nữ các cấp phát động đặc biệt cần nhân rộng việc thực hiện các đoạn đường hoa, hàng rào xanh tại các gia đình, thôn, bản, các xã, nhất là các xã thuộc nhóm xã 3, nơi có mức độ ô nhiễm môi trường nặng nhất.

- Đối với các khu điểm dân cư hiện hữu chưa có hạ tầng bảo vệ môi trường thì địa phương phải xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí thực hiện, xây dựng cải tạo hệ thống cống thu gom nước thải, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

- Hình thành các tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, xây dựng hương ước bảo vệ môi trường trong khu dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường.

d) Đối với nội dung mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch

- Quy hoạch đất để xây dựng nghĩa trang phù hợp với điều kiện của từng xã, nhóm xã và cộng đồng dân tộc địa phương.

- Tuyên truyền, giải thích cho người dân dần thích nghi với tập quán chôn cất tập trung vì môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Không để tình trạng chôn cất bừa bãi theo phong tục trước đây trên đất đồi, đất ruộng của gia đình.

- Thực hiện tốt việc chôn cất tập trung đúng nơi quy định vì môi trường và sức khỏe cộng đồng.

e) Đối với nội dung chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định

* Quản lý chất thải rắn:

- Cần đầu tư xây dựng các bãi xử lý rác tập trung của từng địa phương. Nâng cấp, cải tiến toàn bộ hệ thống thu gom - vận chuyển - xử lý chất thải rắn, tăng cường lực lượng thu gom, mở rộng địa bàn thu gom.

- Tiến tới phân loại rác sinh hoạt tại nguồn: Tuyên truyền vận động và hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn cùng với việc ban hành các chính sách, quy định cụ thể về phân loại chất thải rắn tại nguồn.

- Cần xây dựng lại mức thu phí thu gom và xử lý rác đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn có sự tham vấn cộng đồng để cho phù hợp thực tế. Trong đó, có phân loại mức phí thật cụ thể từng đối tượng phải nộp phí, khu vực nộp phí để đảm bảo cho người dân nộp đúng, nộp đủ để bù chi một phần cho toàn bộ công tác thu gom xử lý.

- Cần sử dụng các hình thức tổ hợp vườn, ao chuồng, thùng rác, hầm chứa rác, hố chứa rác tự phân huỷ, hố ủ phân trát bùn tại các hộ gia đình để xử lý chất thải rắn từ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi.

- Hình thành các hợp tác xã, hộ kinh doanh hoặc các hình thức khác để thực hiện thu gom chất thải rắn vô cơ từ các thôn tới các trạm trung chuyển và vận chuyển tới khu xử lý chất thải rắn của xã hoặc cụm xã. Trạm trung chuyển chất thải rắn được bố trí trong phạm vi bán kính thu gom đến khu xử lý tập trung không quá 2 ngày đêm. Khoảng cách của trạm trung chuyển chất thải rắn đến ranh giới khu dân cư phải trên 20 mét.

* Nước thải thu gom, xử lý:

- Tiến hành điều tra, thống kê nguồn phát sinh nước thải tại các khu dân cư, chợ, đánh giá tình hình xử lý để cải tạo lại hệ thống cống, xây dựng mới các hệ thống xử lý nước thải. Cải tạo, nâng cấp các hệ thống thoát nước và xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt các khu dân cư, chợ.

- Hỗ trợ hộ dân xây dựng nhà vệ sinh cố định, đảm bảo tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Sở Y tế.

- Tăng cường công tác truyền thông, triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tích cực sử dụng nước sạch, các công trình vệ sinh, xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mặt trận, đoàn thể và phải được thể hiện rõ trong Nghị quyết của HĐND các cấp.

- Hỗ trợ hộ nghèo có chăn nuôi trâu, bò làm chuồng với quy mô từ 1 đến 2 con; Mức hỗ trợ tối đa 02 triệu đồng/hộ/chuồng. Tăng tỷ lệ hộ chăn nuôi hợp vệ sinh.

- Hỗ trợ người dân xây bể Biogas, cần bổ sung chính sách hỗ trợ đối với các công trình xử lý chất thải chăn nuôi khác như: máy ép phân, sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý chất thải sau Biogas…

- Sử dụng bể xí tự hoại hoặc nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh. Xây dựng hệ thống cống, mương có tấm đan hoặc mương hở để thoát nước cho từng gia đình và khu dân cư chung.

g) Đối với nội dung tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh

- Cần có chính sách hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đầu tư xây dựng 3 công trình là nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ đó nâng cáo ý thức của người dân trong việc thực hiện nội dung này.

- Có chính sách phát triển kinh tế hiệu quả để nâng cao mức sống của người dân từ đó người dân có ý thức đầu tư vào xây dựng các công trình vệ sinh và bể chứa nước đảm bảo hợp vệ sinh.

- Cần nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, bể chứa nước của gia đình hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Đưa việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh vào các phong trào thi đua, bình xét gia đình văn hóa, vào hương ước, lệ làng để cộng đồng cùng thực hiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới huyện văn bàn, tỉnh lào cai​ (Trang 82 - 98)