Kết quả hoạt động kinh doanh của các NHTM trên địa bàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển tín dụng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam khu vực thành phố hồ chí minh (Trang 42 - 45)

Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019, năm 2018, hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Trong đó các hoạt động chủ yếu như: huy động vốn, dư nợ tín dụng, dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng hợp lý đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho kinh tế thành phố tăng trưởng và phát triển. Trong năm 2018, tổng tài sản của các TCTD trên địa bàn TPHCM tăng 11,78%, vốn điều lệ tăng 3,6%, dư nợ tín dụng tăng 14,69% (toàn ngành tăng 14%).

Mạng lưới hoạt động của các TCTD phủ khắp trên tất cả các địa bàn quận, huyện của thành phố, với trên 2.212 điểm giao dịch ngân hàng, trong đó có 49 hội sở. Quy mô các hoạt động dịch vụ ngân hàng như tiền gửi, tín dụng, thanh toán ngoại hối... luôn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 30% so với cả nước. Các dịch vụ ngân hàng bán lẻ truyền thống như tiền gửi, tín dụng, thanh toán... tăng trưởng ổn định, trong 10 năm qua, tăng trưởng huy động vốn bình quân năm khoảng 25%, dư nợ tín dụng tăng bình quân năm khoảng 24%.

Năm 2008, tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TPHCM chỉ chiếm 3% trong tổng dư nợ tín dụng thì tới năm 2018, tỷ lệ cho vay tiêu dùng đã chiếm hơn 19,4% trong tổng dư nợ. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, và với xu hướng tiêu dùng ngày càng tăng với số lượng dân số gia tăng đáng kể (trên 97 triệu người như hiện nay), việc mở rộng và phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính là phù hợp và cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phong phú và đa dạng của người dân. Đối với các NHTM CP, lãi suất cho vay được đánh giá là phù hợp, với lãi suất ngắn hạn dao động trong khoảng 6,5%-8%/năm, dài hạn từ 8%-11%/năm.

Trong năm 2016, ở địa bàn TPHCM, các NHTM đã cho vay các khoản vay tiêu dùng của các cá nhân có liên quan đến bất động sản, chiếm hơn 38% trong dư nợ tín dụng tiêu dùng (Lê Anh, 2018). Đến 31/12/2018 thì tình hình huy động vốn của các TCTD trên địa bàn có một số thay đổi: thì khối NHTM Nhà nước chiếm 22,28%, khối NHTM Cổ phần chiếm 64,51%, Ngân hàng nước ngoài chiếm 11,67%, Ngân hàng Liên doanh chiếm 0,65% còn lại các TCTD khác chiếm 0,89%.

Hình 2.1: Tình hình huy động vốn của các TCTD tại TPHCM năm 2018

Nguồn: NHNN Việt Nam

Qua biểu đồ huy động vốn 2.1 cho thấy khối NHTM CP chiếm thị phần lớn trong tổng vốn huy động của các TCTD trên địa bàn. Chính lợi thế về mạng lưới hoạt động tương đối lớn đã đem lại kết quả này cho các NHTM CP. Đánh giá chung hoạt động tín dụng của các NHTM trên địa bàn TPHCM cũng có bước tăng trưởng khá rõ rệt trong giai đoạn 2016 – 2018. Năm 2017, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt 1.746.600 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016. Tính đến cuối năm 2018, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn TP. HCM tăng trưởng 14,69% so với năm 2017 và đạt 2.003.175,54 tỷ đồng (Minh Châu, 2019). Cơ cấu tín dụng tiếp tục được cải thiện tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh với 75% tổng dư nợ. Một điểm mạnh nữa trong hoạt động tín dụng của các TCTD trên địa bàn TPHCM là theo NHNN chi nhánh TP.HCM, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chỉ chiếm 2,9% tổng dư nợ, điều này đã chứng tỏ việc giám sát và kiểm soát chất lượng tín dụng vẫn là ưu tiên hàng đầu trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng của các TCTD nói chung và các NHTM nói riêng. Bên cạnh hoạt động tín dụng truyền thống, trong năm qua hệ thống ngân hàng TP.HCM cũng

đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng số với hàng loạt các sản phẩm Internet Banking, Mobile Banking, QR Code... để đa dạng hóa hoạt động cũng như cải thiện nguồn thu, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển tín dụng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam khu vực thành phố hồ chí minh (Trang 42 - 45)