Có rất nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như khả năng tiếp cận cộng đồng của TCTCVM. Tuy nhiên, các nghiên cứu này lại đưa ra những kết quả khác nhau, một số nghiên cứu có kết quả chưa rõ ràng do đó còn để lại rất nhiều khoảng trống cho những nghiên cứu xa hơn.
Mang’unyi (2011) cho rằng loại hình sở hữu sẽ tác động lên cấu trúc quản trị của một công ty từ đó tác động lên hiệu quả hoạt động. Mersland và Strom (2007) cũng khẳng định rằng cấu trúc sở hữu là một yếu tố quan trọng nhất của quản trị công ty và xác định mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu và hoạt động công ty.
Cấu trúc sở hữu khác nhau của các TCTCVM được kỳ vọng sẽ có cách thức hoạt động khác nhau bởi vì chúng khác biệt về tư cách pháp lý, cấu trúc vốn, mức độ điều tiết, mục tiêu hoạt động và do đó là cách thức quản lý cũng khác nhau. Những nhà đầu tư khác nhau sẽ có mục tiêu khác nhau. Ví dụ, nhà tài trợ, tổ chức phi lợi nhuận sẽ chú trọng đến mục tiêu xã hội hơn, trong khi đó những nhà đầu tư cá nhân và nhân viên thì có thể mong muốn tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.
Các hình thức sở hữu TCTCVM có bản chất rất khác nhau. Không giống như các hình thức sở hữu khác, NGOs không có chủ sở hữu và thường dựa vào sự đóng góp và tài trợ hoặc vay từ các định chế tài chính (CERISE & IRAM, 2006). Việc thực hiện các nhiệm vụ xã hội của NGOs phần lớn thường dựa vào cam kết của người quản lý vì nó không có chủ sở hữu và hội đồng quản trị, do đó hoạt động giám sát và quản lý có thể chưa hiệu quả. Thêm vào đó, những nhà bảo trợ và tổ chức tiếp nhận NGOs thường có một khoảng cách địa lý với nơi đặt trụ sở hoạt động của NGOs nên viêc giám sát hoạt động của TCTCVM từ những nhà bảo trợ bị hạn chế. Bởi vì điều này mà các nhà bảo trợ có thể chấm dứt hoạt động tài trợ xuất phát từ việc quản lý quá lỏng lẻo (Bhutt & Tang, 2001). Do đó, cấu trúc quản trị của NGOs thường rất yếu (Jansson, Rosales, & Westley, 2004), điều này có thể dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của nó có thể không cao hơn các hình thức sở hữu TCTCVM khác. Theo đó, Ledgerwood và White (2006) cho rằng, ngoài giải pháp
đưa ra thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ thì việc chuyển đổi hình thức pháp lý của NGOs cũng có thể làm tăng hiệu quả hoạt động của TCTCVM, nói chung hình thức sở hữu TCTCVM có thể cải thiện việc quản trị, điều hành một tổ chức.
Tuy nhiên, mặc dù có khoảng cách rất lớn giữa nhà tài trợ và người ra quyết định nhưng NGOs có thể nhận được những lợi ích đền bù từ việc giảm thiểu sự lựa chọn bất lợi của khách hàng và tránh được rủi ro đạo đức (Desrochers & Fisher, 2002; Hansmann, 1996a; Mersland, 2009). Điều này là do NGOs có thể dễ dàng thâm nhập và tham gia vào mạng lưới thông tin ở địa phương nhờ vào các mối quan hệ và hiểu biết khu vực đó. Hansmann (1996b), Glaeser và Shleifer (2001) cho rằng, do NGOs không có chính sách khuyến khích các nhà quản lý tạo ra nhiều lợi nhuận nên họ có thể hướng đến các lợi ích không bằng tiền như tạo ra danh tiếng cho tổ chức để thúc đẩy sự sống còn, thịnh vượng và tăng trưởng của tổ chức, thậm chí là tạo ra danh tiếng cho chính bản thân họ.
Hơn thế nữa, cạnh tranh trong việc tìm nguồn tài trợ và khách hàng cũng như sự tồn tại của TCTCVM theo đuổi mục tiêu lợi nhuận cũng có thể ảnh hưởng lên hành vi của NGOs. Họ có thể thay đổi chiến lược và quan điểm của họ để cạnh tranh với các tổ chức khác nếu điều này giúp họ tìm kiếm thêm nhiều nhà tài trợ (Rose-Ackerman, 1986). Điều này phát tín hiệu cho các nhà tài trợ rằng tổ chức không chỉ phục vụ người nghèo mà còn có thể kiếm lợi nhuận, cũng đồng nghĩa với việc họ có thể nâng cao phúc lợi cho người nghèo trong một khoảng thời gian dài hơn. Barr, Fafchamps và Owens (2005) đã tiến hành một cuộc khảo sát các NGOs ở Ugandan, kết quả cho thấy tổ chức nhận trợ cấp - NGOs phải chịu sự kiểm tra và giám sát gắt gao của những nhà tài trợ, trung bình năm lần mỗi năm.
Các TCTCVM theo hình thức có cổ đông sở hữu cũng có thể phát sinh các vấn đề đại diện - vấn đề về sự tách biệt của quyền sở hữu và quyền kiểm soát (Fama & Jensen, 1983). Không giống như NGOs, các thành viên của ban quản lý ở ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng thường đồng thời chủ sở hữu vốn đầu tư hoặc là người đại diện cho phần vốn góp này do đó họ sẽ có động lực để giám sát việc quản lý (Labie, 2001). Cổ đông sở hữu TCTCVM hướng đến cả hai mục tiêu:
xã hội và tài chính, bản chất của nguồn vốn và hình thức sở hữu là các yếu tố để xem xét trong việc quyết định cách thức quản lý TCTCVM (Rock, Otero, & Saltzman, 1998). Những nhà đầu tư chỉ đơn thuần tài trợ vốn cho các TCTCVM tư nhân thì chỉ quan tâm đến việc tạo ra lợi nhuận, tối đa hoá sự giàu có, trong khi đó, những nhà cấp vốn cho xã hội như NGOs, nhà hảo tâm cá nhân và đặc biệt là các quỹ góp vốn lại có những mối quan tâm khác (Labie, 2001). Ví dụ, những nhà đầu tư với mục tiêu xã hội sẽ đầu tư vào các quỹ cổ phần như MIVs, nơi mà vừa có động lực phục vụ xã hội, hướng đến lợi ích của khách hàng, lại vừa cam kết hoạt động tài chính tạo ra lợi nhuận. Ngoài ra, MIVs có một cách thức quản trị năng động và hỗ trợ quản lý bao gồm cả cung cấp CEO biệt phái sang (McKee, 2012). Sự pha trộn trong sở hữu rất quan trọng và có thể có tác động lớn lên quyết định đầu tư của MIVs cũng như là thành quả của TCTCVM được tài trợ. Theo kết quả khảo sát được tiến hành bởi MicroRate trên các nhà quản lý quỹ của các MIVs thì những nhà đầu tư cá nhân có vẻ coi trọng lợi ích xã hội hơn những nhà đầu tư tổ chức.
Trong số các TCTCVM có cổ đông sở hữu thì tại các tổ chức trung gian tài chính như ngân hàng hay các tổ chức tài chính phi ngân hàng, trách nhiệm của ban quản lý thường được đề cao hơn. Bởi vì họ phải tuân theo những luật lệ, quy định, ràng buộc để duy trì khả năng thanh toán, tuân theo cơ cấu để tạo ra lợi nhuận đầu tư, điều này chính lại là thách thức lớn đối với mục tiêu xã hội (CMEF, 2005). Bởi vì các ngân hàng phải tuân theo quy định hiện hành, chịu sự giám sát và sự điều tiết (Rock & Otero, 1997) nên họ thường giải quyết các vấn đề bất cân xứng thông tin khi cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình bằng cách xem xét tài sản đảm bảo và sử dụng điểm tín dụng trong việc mở rộng quy mô các khoản vay cá nhân và liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản vay nhóm. Tuy nhiên, điều này đặt ra vấn đề là để các hộ nghèo đáp ứng đủ điểu kiện cho các khoản vay cá nhân họ phải có đủ tài sản “đủ điều kiện” làm tài sản thế chấp (Ghosh, Mookherjee, & Ray, 2000). Điều này khá phổ biến ở các nước đang phát triển. Do đó, mặc dù lãi suất cho vay ở các ngân hàng thường thấp hơn nhưng những người nghèo thường tìm đến NGOs và các quỹ tín dụng. Đây như là một thách thức mà các TCTCVM có cổ
đông sở hữu hướng đến các cam kết thực hiện mục tiêu xã hội của ngành TCVM. Mặc dù theo quan điểm liên quan đến chi phí đại diện thì TCTCVM theo đuổi mục tiêu lợi nhuận sẽ có thành quả tài chính tốt hơn NGOs vì cấu trúc quản lý của các TCTCVM theo đuổi mục tiêu lợi nhuận ít chịu sự chi phối của nhà quản lý, tuy nhiên bằng chứng thực nghiệm gần đây lại cho thấy NGOs thậm chí kiếm được lợi nhuận cao hơn cả các TCTCVM theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Mersland và Strom (2008, 2009) chứng minh rằng TCTCVM do các cổ đông sở hữu và các tổ chức phi lợi nhuận có thành quả tài chính và xã hội không khác biệt nhau. Cull và cộng sự (2009) lập luận rằng, để bù đắp chi phí tương đối cao liên quan đến các khoản vay nhỏ, NGOs thường phải áp lãi suất cao hoặc chấp nhận nhận trợ cấp. Và họ thấy rằng tổ chức với mục tiêu phi lợi nhuận thường nhắm tới phục vụ hộ gia đình nghèo hơn là các tổ chức theo đuổi mục tiêu lợi nhuận và đã bù đắp đủ các chi phí cho hoạt động của họ. Hơn nữa, trái với quan điểm phổ biến là những tổ chức theo đuổi mục đích lợi nhuận đưa ra mức lãi suất thấp và kiếm lợi nhuận cao hơn, Roberts (2013) cho thấy rằng một số TCTCVM với mục tiêu lợi nhuận áp mức lãi cao hơn nhưng không làm lợi nhuận tăng lên. Điều này là bởi vì họ phải chịu chi phí hoạt động cao, chủ yếu là tiền lương nhân viên. Trong khi đó, Gutie´rrez-Nieto và cộng sự (2007) cho rằng NGOs lại dựa vào đội ngũ nhân viên có tay nghề và chuyên môn cao để tạo ra danh mục cho vay có lợi nhuận, NGOs cố gắng hoạt động với chi phí càng rẻ càng tốt và có thể cung cấp nhiều khoản vay hơn nữa.
Pe´rilleux và cộng sự (2012) cho thấy rằng, giống như các quỹ tín dụng và các TCTCVM do cổ đông sở hữu, NGOs vẫn tạo ra thặng dư. Nhưng không giống như các quỹ tín dụng, NGOs và các TCTCVM do cổ đông sở hữu muốn giữ phần lớn lợi nhuận để đầu tư lại vào hoạt động kinh doanh, với NGOs thì đây là khoản để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xã hội của mình. Ngoài ra, Hudon và Traca (2011) cũng đã đưa ra bằng chứng cho thấy vai trò tích cực của sự trợ cấp lên hiệu quả hoạt động của TCTCVM nhưng chỉ đạt đến một ngưỡng nhất định.
Quỹ tín dụng phải đối mặt với những thách thức xuất phát từ rủi ro liên quan đến bản chất của nó, đó là chủ sở hữu chính cũng là khách hàng. Hơn nữa, tại các
quỹ tín dụng luôn tồn tại quyền dân chủ trong cấu trúc quản trị “ một thành viên - một quyền bỏ phiếu” (Shaw, 2006). Cấu trúc sở hữu pha loãng của các quỹ tín dụng sẽ gia tăng quyền quyết định của người quản lý từ đó làm tăng chi phí đại diện. Bởi vì nhà quản lý có thể chịu ít kiểm soát, thặng dư hay lợi nhuận có thể không được phân phối cho các chủ sở hữu thông qua tăng vào chi phí quản lý (hành vi ưu tiên chi phí) (Cuevas & Fischer, 2006). Pe´rilleux và cộng sự (2012) tìm ra rằng phần lớn thặng dư của quỹ tín dụng được phân bổ cho nhân viên và nhà tạo quỹ. Hơn nữa, xung đột lợi ích giữa những người chỉ đơn thuần đi vay và những người gửi tiết kiệm cũng có thể xảy ra. Điều này xảy ra khi hội đồng quản trị trở thành người đi vay và bị kiểm soát làm cho quỹ tín dụng càng nhạy cảm với rủi ro tín dụng (Westley & Shaffer, 1999, 2000). Tuy nhiên, quỹ tín dụng vẫn có một lợi thế tạo ra do các thành viên cũng đồng thời là khách hàng vay (Gurtner, Jaeger, & Ory, 2002; Ory, Jaeger,& Gurtner, 2006; Valnek, 1999), cụ thể là Quỹ tín dụng có thể bỏ qua vấn đề về các điều kiện trong việc cấp tín dụng, trong khi các TCTCVM do cổ đông sở hữu như ngân hàng xem đó như là một trong những cơ chế được dùng để đối phó với bất cân xứng thông tin trên thị trường tài chính. Do đó, họ có thể có một lượng khách hàng rộng lớn, điều đó có nghĩa là khả năng tiếp cận cộng đồng của quỹ tín dụng lớn hơn các TCTCVM do cổ đông sở hữu như ngân hàng.
CHƯƠNG 3. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1. Dữ liệu nghiên cứu
3.1.1. Mẫu quan sát
Bài nghiên cứu sử dụng mẫu dữ liệu được lấy từ báo cáo của các TCTCVM tại 9 quốc gia ASEAN là Cambodia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan, Đông Timor, Malaysia, Myanmar và Việt Nam trong giai đoạn 2008 đến 2016 được công bố trên trang điện tử Mixmarket.
Tuy số lượng TCTCVM, chương trình, dự án của tài chính vi mô (trong đề tài này gọi tắt là tổ chức tài chính vi mô - TCTCVM) tại các nước thuộc ASEAN chưa thể thống kê toàn bộ, nhưng chỉ có 269 TCTCVM cung cấp báo cáo tài chính lên Mixmarket trong giai đoạn 2008-2016, trong số đó chỉ có 123 TCTCVM từ 9 quốc gia thuộc ASEAN là Cambodia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan, Đông Timor, Malaysia, Myanmar và Việt Nam cung cấp báo cáo tài chính 3 năm trở lên. Do đó, đề tài nghiên cứu tập trung vào 123 TCTCVM nêu trên có thông tin trên MIX.
Do bộ dữ liệu trên Mixmarket có được là do các TCTCVM tự báo cáo nên có một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng bộ dữ liệu. Đầu tiên, để một TCTCVM có khả năng báo cáo một bộ các chỉ số tài chính thì tổ chức này phải có sẵn hệ thống thông tin được dùng để giám sát các hoạt động hàng ngày. Do đó, các TCTCVM không có khả năng báo cáo lên Mix market có thể không có công cụ tốt nhất trong việc theo dõi danh mục đầu tư của họ. Thứ hai, do việc tham gia báo cáo của các TCTCVM là hoàn toàn tự nguyện nên bộ dữ liệu có thể bị bóp méo vì mục tiêu tiếp cận các nhà đầu tư và các nhà tài trợ. Hơn nữa, hầu hết báo cáo của TCTCVM trên Mix market đều cho thấy hiệu quả hoạt động rất hiệu quả và chú trọng đến chất lượng danh mục đầu tư và lợi nhuận hoạt động. Do đó, các TCTCVM trong mẫu được kỳ vọng sẽ là một mẫu ngẫu nhiên tốt nhất ở Đông Nam Á, nhưng chắc chắn không phải là đại diện đầy đủ tất cả các TCTCVM.
3.1.2. Mô tả biến
Các biến được sử dụng trong bài nghiên cứu chủ yếu thuộc bốn nhóm biến chính sau: hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận cộng đồng của TCTCVM, cấu trúc sở hữu và nhóm biến kiểm soát.
3.1.2.1. Các biến liên quan đến hiệu quả hoạt động kinh doanh
Hiệu quả hoạt động kinh doanh được giải thích thông qua hai khía cạnh chính là: khả năng sinh lợi và hiệu quả hoạt động.
* Khả năng sinh lời
Chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản, ROA cho biết TCTCVM có tạo ra lợi nhuận hay không.
ROA = Lãi ròng/ Tổng tài sản
Ngoài ra, trong bài nghiên cứu cũng có sử dụng biến ROA điều chỉnh, ADJROA, chỉ số này đã được điều chỉnh rủi ro. Biến ADJROA được tính bằng cách lấy ROA chia cho độ lệch chuẩn của nó trong suốt kỳ nghiên cứu.
ADJROA = ROA/ Độ lệch chuẩn
* Hiệu quả hoạt động
Để hiểu rõ cách thức tạo ra lợi nhuận của TCTCVM, bài nghiên cứu tập trung vào hiệu quả hoạt động của nó và cho biết liệu một TCTCVM có được tổ chức hiệu quả hay không. Về tổng quát, hiệu quả hoạt động được xác định bằng chi phí đầu vào chia cho giá sản phẩm đầu ra. Những chỉ số này có ưu điểm là khó bị ngụy tạo và nó có thể được dùng để so sánh giữa các TCTCVM.
Hiệu quả hoạt động = Tổng chi phí hoạt động/Tổng dư nợ
3.1.2.2. Các biến liên quan đến khả năng tiếp cận cộng đồng của TCTCVM
Nhiệm vụ xã hội của TCTCVM là cải thiện phúc lợi xã hội của người nghèo. Khả năng tiếp cận cộng đồng đo những lợi ích xã hội mà TCTCVM mang lại. Trong bài nghiên cứu này sẽ xem xét hai khía cạnh chính: khả năng tiếp cận cộng đồng theo chiều rộng và theo chiều sâu.
* Theo chiều sâu
Mức độ tiếp cận cộng đồng theo chiều sâu cho thấy những lợi ích xã hội mà khách hàng nhận được từ TCTCVM. Theo lý thuyết về phúc lợi xã hội, chiều sâu