Bài nghiên cứu này cho thấy NGOs dẫn đầu về khả năng tiếp cận cộng đồng trong các loại hình sở hữu và đạt được lợi ích kinh tế từ việc cung cấp các dịch vụ TCVM cho các hộ gia đình nghèo khi đạt tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản cao hơn các loại hình khác. Do đó, có thể nói rằng tại các quốc gia nơi mà chính phủ quan tâm đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội thì hình thức TCTCVM như NGOs sẽ phù hợp để phát triển. Ngược lại, các TCTCVM có định hướng về lợi nhuận như các ngân hàng sẽ không tham gia vào thị trường TCVM một cách nhiệt tình nhất. Như vậy, việc chuyển đổi hình thức pháp lý sang NGOs được xem là một giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận cộng đồng của các TCTCVM hoạt động tại các nước ASEAN. Vấn đề đặt ra là cần phải làm gì để NGOs phát huy được tốt vai trò và nhiệm vụ của mình. Các kiến nghị được xây dựng dựa trên hai hướng: chính sách và nâng cao năng lực của NGOs.
Về chính sách: Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý các tổ chức phi chính phủ. Xây dựng hành lang pháp lý theo hướng đơn giản hóa hơn nữa và sửa đổi, bổ sung những quy định cụ thể và phù hợp, đẩy mạnh công tác phổ biến các quy định pháp luật liên quan tới việc phê duyệt, quản lý dự án, quy chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và đảm bảo việc thực hiện các văn bản pháp quy một cách hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho quá trình triển khai các hoạt động TCVM của NGOs. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo việc kiểm tra giám sát, nắm bắt được tình hình hoạt động của NGOs để đánh giá kết quả hoạt động của NGOs cũng như có thể phát hiện sớm những sai phạm để xử lý kịp thời.
nhân lực được xem là bộ mặt của NGOs, NGOs với một người điều hành giàu kinh nghiệm và một đội ngũ nhân viên có chuyên môn sẽ dễ dàng nhận được các khoản tài trợ hơn vì các nhà tài trợ thường có tâm lý “chọn mặt gửi vàng”, họ kỳ vọng đồng vốn của mình được sử dụng có ích về mặt kinh tế lẫn xã hội. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đó thu hút nguồn tài trợ, NGOs cần có chính sách tuyển dụng, chính sách đào tạo và đào tạo lại, chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng cán bộ để đáp ứng được yêu cầu của công việc trong điều kiện mới.