Phương pháp xác định các đặc trưng tập tính sử dụng vùng sống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tập tính sử dụng vùng sống của hai cá thể voọc cát bà (trachypithecus poliocephalus trouessart, 1911) tại vườn quốc gia cát bà, hải phòng​ (Trang 28 - 30)

Chiều dài quãng đường di chuyển theo ngày

Hai cá thể Voọc Cát Bà sau thả được gắn thiết bị GPS đeo cổ, thiết bị này đã được cài đặt sẵn, cứ 2 tiếng đồng hồ nó sẽ ghi lại tọa độ một điểm từ 5 giờ đến 17 giờ hàng ngày, điều này có nghĩa là trong mỗi ngày thiết bị GPS đeo cổ Voọc sẽ ghi lại 7 vị trí của Voọc ngoài thực địa. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngày trong tháng đều có thể ghi được 7 tọa độ, có thể ít hơn vì còn phụ thuộc vào thời tiết, vị trí của Voọc ngoài thực địa cũng như độ mạnh yếu của vệ tinh. Việc ước tính quãng đường di chuyển theo ngày được tính thông qua xác định tổng khoảng cách thẳng giữa 5 điểm ghi nhận Voọc liên tiếp trong từng ngày của tháng. Điểm đầu tiên được tính từ 5 - 7 giờ, điểm cuối được tính từ 15 - 17 giờ hàng ngày (hai tiếng lấy mẫu một lần). Đây là thời điểm rời hang và về hang ngủ của Voọc Cát Bà, tập tính rời hang và về hang việc di chuyển là không đáng kể. Những ngày trong tháng thiết bị GPS đeo cổ ghi được ít hơn 5 điểm, kể cả những ngày ghi được 5 vị trí nhưng điểm đầu tiên không phải từ 5 - 7 giờ, điểm cuối từ 15 - 17 giờ cũng không được sử dụng để ước tính quãng đường di chuyển theo ngày.

Xác định kích thước vùng sống

Căn cứ vào số liệu thu thập được từ thiết bị GPS đeo cổ Voọc Cát Bà ngoài thực địa, nếu cá thể Voọc được phát hiện tại mỗi ô lưới. Như vậy, ô lưới đó sẽ được tính trong vùng sống của chúng.

Phần mềm MapInfo 10.0 sẽ được sử dụng để chồng xếp hệ thống các ô lưới có kích thước 250x250m và 500x500m lên toàn bộ diện tích khu vực nghiên cứu (khoảng 3000 ha).

Như vậy, kích thước vùng sống (HRs) của mỗi cá thể Voọc Cát Bà sẽ được ước tính bằng km2 thông qua công thức:

HRs = (Số ô lưới ghi nhận Voọc xuất hiện) x (0,0625km2 và 0,25km2). Phương pháp đa giác lồi tối thiểu (Minimum Convex Polygons - MCP) là một trong những phương pháp đầu tiên được sử dụng để ước tính vùng sống của một loài động vật [33]. Đây là một phương pháp trực giác đơn giản để ước tính vùng sống trong phạm vi một loạt điểm (Bekoff and Mech, 1984). Phương pháp này được xác định bằng cách nối các điểm ngoại biên của một nhóm các điểm của một loài động vật, như vậy nó sẽ tạo ra một đa giác lồi với góc trong không quá 1800 [44].

Sử dụng thanh công cụ HRT (Home range Tools) cài đặt thêm trong phần mềm ArcGIS 9.3 để ước tính vùng sống bằng phương pháp đa giác lồi tối thiểu (Minimum Convex Polygons - MCP).

Cường độ sử dụng sinh cảnh

Cường độ sử dụng sinh cảnh được xác định thông qua việc tổng hợp, đếm số lần ghi nhận Voọc xuất hiện trên mỗi ô lưới, sau đó sử dụng phần mềm MapInfo 10.0 tiến hành xây dựng và chồng xếp hệ thống ô lưới kích thước 250x250m và bản đồ thảm thực vật để xác định cường độ sử dụng sinh cảnh. Tổng số lần xuất hiện của Voọc trên mỗi ô lưới sẽ được phân nhóm và sắp xếp theo từng cấp, tương ứng với đó là cường độ sử dụng khác nhau giữa các dạng sinh cảnh trong khu vực nghiên cứu.

Nơi ngủ

Nơi ngủ của Voọc Cát Bà bao gồm nơi ngủ đêm và ngủ ngày (ngủ trưa, nghỉ trưa). Nơi ngủ đêm được quy ước là khu vực bất kỳ trong đó chúng dành thời gian ngủ qua đêm. Nơi ngủ trưa (nghỉ trưa) được quy ước là nơi chúng ngừng hoạt động kiếm ăn, hạn chế di chuyển và dành thời gian chủ yếu để nghỉ ngơi. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ tiến hành xác định các vị trí ngủ qua đêm thông qua tọa độ GPS đeo cổ vào lúc 5 giờ sáng hàng ngày.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tập tính sử dụng vùng sống của hai cá thể voọc cát bà (trachypithecus poliocephalus trouessart, 1911) tại vườn quốc gia cát bà, hải phòng​ (Trang 28 - 30)