Các mối đe dọa tới loài và sinh cảnh tại khu vực nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tập tính sử dụng vùng sống của hai cá thể voọc cát bà (trachypithecus poliocephalus trouessart, 1911) tại vườn quốc gia cát bà, hải phòng​ (Trang 65 - 72)

4.4.1. Các mối đe dọa

Săn bắt

Săn bắt luôn là một trong những mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng và là nguyên nhân trực tiếp của sự suy giảm số lượng đối với các loài động vật hoang dã nói chung và Voọc Cát Bà nói riêng. Kể từ trước năm 2000, các cơ quan chức năng ở địa phương hầu như không có sự kiểm soát các hoạt động săn bắt. Nhiều loài thú, trong đó có nhiều cá thể Voọc Cát Bà đã bị giết.

Các dụng cụ được thợ săn sử dụng để săn bắt động vật hoang dã chủ yếu là sử dụng súng thể thao thể thao quốc phòng và bẫy các loại. Ngoài ra, thợ săn còn sử dụng lưới bịt miệng hang để bắt Voọc, sau khi biết đàn Voọc về hang ngủ qua đêm, thợ săn trèo lên hang và bịt miệng hang lại, sau đó chui vào hang dùng vợt hoặc gẫy tre để bắt Voọc cho đến khi hết cả đàn.

Hình 4.13: Súng săn

(Nguồn dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà)

Hình 4.14: Bẫy các loại

Tháng 6 năm 2001, chính quyền địa phương đã thực hiện chương trình thu hồi súng trên toàn bộ đảo Cát Bà. Do vậy, các hoạt động săn bắn thú rừng trong khu vực đã giảm hẳn. Tuy nhiên, theo báo cáo của thành viên tổ Bảo vệ rừng, kiểm lâm và công an xã, tại xã Việt Hải và xã Gia Luận mỗi xã vẫn còn 3 - 4 khẩu súng. Như vậy, chỉ tính trên hai xã vẫn còn ít nhất 6 khẩu súng săn, tất cả các khẩu súng này đều được thợ săn cất giấu trong rừng, do vậy rất khó để phát hiện và tịch thu. Đây là một nguy cơ tiềm tàng đối với sự tồn tại của quần thể Voọc Cát Bà.

Các hoạt đông săn bắn và bẫy bắt động vật hoang dã vẫn diễn ra, mặc dù không phổ biến và công khai như trước. Vào năm 2001 một cá thể Voọc đực đã bị thợ săn giết tại bán đảo Đồng Công, đã làm cho đàn Voọc này chỉ còn lại các cá thể Voọc cái (Schrudde, 2009) []. Theo báo cáo của Vũ Đức Tăng (người gác Voọc tại khu vực Cửa Đông) cho biết đã nghe tiếng súng nổ và nhìn thấy thợ săn cầm súng trong. Cũng trong thời gian nghiên cứu thực địa, chúng tôi phá 1 lán trại của thợ săn tại tọa độ (20048'44.55''N/ 10704'56.78''E) trong vùng sinh sống của tiểu quần thể Voọc nhất trên đảo Cát Bà, ngoài ra thông tin một cá thể Voọc đã bị thợ săn giết ở khu vực Gia Luận cũng được ghi nhận. Mặc dù, thông tin này chưa được kiểm chứng mức độ chính xác.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Bà đã phá hủy và thu giữ 509 bẫy các loại (Nguồn: Hạt kiểm lâm,

Vườn Quốc gia Cát Bà). Như vậy, tình trạng săn bắt động vật hoang dã là một

trong những mối đe dọa đối với khu hệ thú nói chung và Voọc Cát Bà nói riêng ở trên đảo Cát Bà.

Các con vật săn bắt được thường được sử dụng vào hai mục đích: buôn bán và sử dụng làm thức ăn. Các con mồi có giá trị thương mại thường là: các loài ăn thịt (các loại Cầy, Mèo rừng, ...), thú móng guốc (Sơn dương, ...), linh

trưởng, ... Các con vật được dùng làm thức ăn chỉ là các con thú nhỏ không có giá trị thương mại như: các loài sóc, chuột, ...

Vào cuối năm 1999 và đầu năm 2000 sau công trình nghiên cứu của Tilo Nadler và Hà Thanh Long về quá khứ, hiện tại và tương lai của Voọc Cát Bà. Nhận thấy, hiện trạng của quần thể Voọc Cát Bà vô cùng nguy cấp. Đến tháng 11 năm 2000 hai tổ chức bảo tồn Vườn thú Munster và Hội động vật về bảo tồn loài và quần thể của Đức phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam thành lập Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà để tiến hành triển khai các hoạt động tuần tra, giám sát nhằm bảo tồn quần thể và sinh cảnh sống của Voọc Cát Bà tại khu vực Vườn Quốc gia Cát Bà.

Với số lượng còn ít ỏi trên thế giới, 60 - 70 cá thể, thì một cá thể bị săn bắt cũng là thảm họa và đặt ra mối đe dọa trực tiếp lên sự sinh tồn của loài này. Bởi vì, không chỉ có con Voọc bị săn bắt mất đi, mà còn mất đi cả những thế hệ con cháu của nó có thể sinh ra nếu không bị giết. Sự đa dạng di truyền, điều rất quan trọng với những quần thể nhỏ như thế này, cũng do đó mà bị giảm đi.

Bảo vệ chống lại việc săn bắt trên đảo Cát Bà là hết sức khó khăn, do thợ săn tiếp cận từ đất liền vào và theo đường biển một cách dễ dàng, địa hình hiểm trở, địa bàn lại rộng lớn đối với lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Bà và những người dân địa phương làm việc cho Dự án Bảo tồn Voọc, nên thật khó có thể bảo vệ một cách hiệu quả và toàn diện.

Buôn bán và sử dụng

Mặc dù việc buôn bán và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã không còn diễn ra công khai và mạnh mẽ như trước đây, nhưng hoạt động này vẫn diễn ra một cách tinh vi và bí mật trên địa bàn xung quanh Vườn Quốc gia Cát Bà. Người ta vẫn có thể buôn bán và vận chuyển chúng khá dễ dàng. Các loại hàng hóa là động vật hoang dã bị buôn bán là những

con thú săn được còn nguyên con (có thể còn sống hay đã chết), thịt hoặc các sản phẩm khác như (xương, mật...). Đặc biệt sản phẩm của các loài quý hiếm luôn được các con buôn tìm kiếm, ví dụ: Sơn dương, các loài linh trưởng, ... với giá cao. Điều này đã kích thích không ít thợ săn hám lời và ảnh hưởng gián tiếp đến việc bảo vệ động vật hoang dã trong khu vực.

Hình 4.15: Buốn bán rượu ngân DVHD

(Nguồn dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà)

Hình 4.16: Kiểm lâm làm việc với nhà hàng

(Nguồn dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà)

Ngoài các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, một số lâm sản phi gỗ cũng là hàng hóa bị buôn bán và vận chuyển, đặc biệt việc buôn bán đã kích thích hoạt động khai thác các loài lâm sản phi gỗ ở khu vực Vườn Quốc gia Cát Bà.

Hiện nay, việc kiểm soát hoạt động buôn bán các sản phẩm từ rừng hết sức khó khăn đối với các lực lượng quản lý và bảo vệ, do thiếu nhân lực và phương tiện kiểm tra.

Sự chia cắt quần thể

Số lượng Voọc Cát Bà hiện còn là cực kỳ ít và quần thể Voọc bị chia cắt nghiên trọng. Một số đàn Voọc còn lại với kích thước nhỏ và có những đàn với cấu trúc toàn cái hoặc đàn với cấu trúc chỉ có các cá thể đực và bị cô lập không thể đáp ứng chức năng sinh sản. Hiện còn 5 cá thể Voọc cái bị cô lập tại khu vực Hang Cái - Gia Luận và chúng không thể di chyển vào đảo

chính nơi có các cá thể đực sinh sống. Do sự cô lập giữa các đàn nên việc trao đổi giữa các thành viên giữa các đàn là không có. Đa số các cá thể Voọc còn lại hiện nay có các thành viên xung quanh là những cá thể có cùng huyết thống và đó là sự lựa chọn bạn đời duy nhất của chúng.

Với cấu trúc quần thể như vậy sẽ dẫn đến một số rủi ro: (1) Rủi ro lớn về sinh sản nội dòng đối với loài Voọc Cát Bà. Sinh sản nội dòng có thể dẫn tới việc giảm thiểu đa dạng gen và có thể dẫn tới giảm thiểu khả năng sinh tồn của loài. (2) Mặt khác, có nguy cơ cao rằng việc sinh sản của loài Voọc Cát Bà có thể dừng hoàn toàn trong tương lai gần do tiềm năng lựa chọn bạn đời của các đàn bị cô lập này không có hoặc do tập tính tránh giao phối cận huyết của loài. (3) Rủi ro lớn là những con non sinh ra sẽ bị giết chết bởi con đực đầu đàn do trong đàn có quá ít con cái để con đực có thể giao phối, và chúng không thể thực hiện được nếu con cái có con non.

Các giải pháp cần được đánh giá, đưa ra và thực hiện càng sớm càng tốt để có thể giúp các đàn cô lập tiếp cận được với nhau và tạo thành những tiểu quần thể và các đàn có số lượng cá thể lớn hơn. Điều này sẽ thúc đẩy tỷ lệ sinh sản tự nhiên của loài thông qua việc gia tăng lựa chọn bạn đời. Bên cạnh đó nó sẽ giảm thiểu tỷ lệ sinh sản nội dòng và tỷ lệ các con non bị giết chết bởi con đực đầu đàn.

Với hiện trạng phân bố số lượng Voọc còn lại và vị trí của các khu vực phát triển trên đảo Cát Bà, chỉ còn duy nhất 2 lựa chọn: (1) Di dời những cá thể đơn lẻ hoặc các đàn nhỏ tới những khu vực bảo tồn Voọc được bảo vệ nghiêm ngặt, nơi có một số cá thể đực sinh sống. (2) Tạo hành lang di chuyển an toàn cho các đàn Voọc. Giải pháp thứ 2 chỉ có thể áp dụng đối với một số đàn cô lập tại khu vực phía Tây bắc của đảo Cát Bà và cũng chỉ thực hiện được nếu khu vực này không đưa vào các kế hoạch, dự án phát triển.

Sinh cảnh bị tác động

Mỗi loài sinh vật đều không thể tồn tại nếu tách ra khỏi sinh cảnh, thậm chí với một số loài động vật nhạy cảm thì dù chỉ tác động nhỏ đến sinh cảnh sống cũng có ảnh hưởng lớn đến đời sống của chúng.

Trên đảo Cát Bà - Vườn Quốc gia Cát Bà, hầu như trước đây tất cả các khu rừng đều có dấu tích tác động của con người đó là:

Khai thác gỗ trái phép

Hiện nay, các hoạt động này không còn diễn ra trong vùng lõi của Vườn Quốc gia, nhưng khu vực bìa rừng vẫn còn lưu giữ một khối lượng gỗ khá lớn đối với nhu cầu sử dụng của người dân địa phương. Người dân vẫn lén lút vào rừng khai thác gỗ về làm của nhà. Nên luôn gây áp lực tiềm năng đối với khu vực.

Hình 4.17: Khai thác gỗ Hình 4.18: Lâm sản phi gỗ bị tịch thu

Khai thác lâm sản phi gỗ

Đặc biệt là các loại thảo dược, hiện đang là áp lực rất lớn đối với khu vực. Trong thời gian điều tra, chúng tôi đã ghi nhận một số người dân địa phương vào rừng thu hái lâm sản phụ, đặc biệt là các loài có thể làm thuốc. Mặc dù, không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các loài động vật hoang dã và loài Voọc Cát Bà, nhưng những hoạt động này đang quấy nhiễu đến đời sống của chúng.

Phát triển Du lịch

Du lịch đang trở thành yếu tố ảnh hưởng tới quần thể Voọc Cát Bà và cho công tác bảo tồn chúng. Du lịch mão hiểm đang trở nên phổ biến tại Cát Bà. Ngày càng có nhiều khách du lịch đến đảo Cát Bà, họ được hướng dẫn đến những khu vực tự nhiên mới, bao gồm cả những vách đá nơi Voọc sinh sống để thực hiện các hoạt động du lịch ngoài trời như: leo vách đá, chèo thuyền cai-ack. Du lịch xem Voọc mới đây cũng đã được thực hiện trong hoạt động du lịch trên đảo Cát Bà. Hiện nay, vẫn chưa được thực hiện một cách có hiệu quả. Du lịch vẫn diễn ra một cách hoàn toàn không kiểm soát và chính vì điều này tạo nên mối xung đột đối với các mục tiêu bảo tồn.

Hình 4.19: Hoạt động du lịch Hình 4.20: Chèo cai-ack trong khu bảo tồn

Một số vấn đề và thách thức gia tăng từ việc phát triển du lịch đó là: mất môi trường sống và môi trường sống bị chia cắt, nhu cầu về động vật hoang dã gia tăng, hình thành những thị trường buôn bán động vật hoang dã lén lút trên đảo, tác động trực tiếp tới động vật hoang dã bao gồm cả loài Voọc Cát Bà thông qua những tour du lịch mạo hiểm, khám phá và các tour đi xem Voọc không kiểm soát.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tập tính sử dụng vùng sống của hai cá thể voọc cát bà (trachypithecus poliocephalus trouessart, 1911) tại vườn quốc gia cát bà, hải phòng​ (Trang 65 - 72)