Nhưng có lẽ do tính bảo thủ nên các loài chim không thấy làm tổ ở đó. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích làm tổ của các loài chim trong mùa sinh sản.
- Sự giảm đi về diện tích, hình thức khai thác các vùng đất ngập nước là nơi kiếm ăn của các loài chim ở vườn chim trong và ngoài mùa sinh sản, sử dụng thuốc hoá học bảo vệ thực vật ở các khu vực này.
Các vùng đất ngập nước là một trong các hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao và là nơi cung cấp năng suất sơ cấp để các loài động vật và thực vật tồn tại. Vì vậy, các vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng cho nhiều quần thể chim nước trong và ngoài mùa sinh sản. Tại khu vực nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy những vùng đất ngập nước như ao hồ, đầm hoặc ruộng nước là những bãi ăn của chim đang bị thu hẹp dần diện tích. Chẳng hạn như khu vực xung quanh rừng Bằng Tạ trước đây là vùng đất ngập nước rộng thì nay đều thành ruộng lúa và các loại hoa màu khác. Vùng đất ngập nước gần nhất Đầm Long cũng đang bị thu hẹp diện tích. Nhiều ao ở các thôn trong xã Cẩm Lĩnh và các xã lân cận cũng trong tình trạng đang bị thu hẹp, do bị lấp đi để làm nhà hoặc làm vườn.
Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước tại các vùng đất ngập nước của khu vực nghiên cứu cũng là nguyên nhân gây suy thoái tính đa dạng các loài thuỷ sinh như các loài cá ,ốc, cua.... Đó là do việc sử dụng phân bón và chất bảo vệ thực vật không hợp lý, sử dụng tự phát trong sản xuất nông nghiệp, mà thuốc trừ sâu là nhân tố gây ô nhiễm nặng nề và được khuyến cáo từ năm 1962 (Rachel Carson,1962). Thuốc trừ sâu DDT( Diclorodiphenyltricloro-ethene ) và các loại thuốc trừ sâu có chất Clo hữu cơ khác là những chất không phân huỷ hoàn toàn và được tích luỹ tăng lên theo các bậc tháp của chuỗi thức ăn tự nhiên. Việc sử dụng thuốc trừ sâu để diệt các loài côn trùng gây hại cho cây trồng, diệt ấu trùng của các loài muỗi trong nước đã gây nhiều tổn hại tới các quần thể sinh vật khác cùng sống trong môi trường. Nồng độ thuốc trừ sâu tăng đến một mức cao trong các tế bào cơ thể của nhiều loài chim (đặc biệt là các loài chim ăn thịt thuộc họ Ưng) thì sẽ làm cơ thể của chúng yếu đi và đẻ
ra các quả trứng có vỏ mỏng. Các quả trứng này rất dễ vỡ nên tỉ lệ sinh sản, nở con của các loài chim giảm, quần thể bị suy thoái ở mức độ rộng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thường phải tăng nồng độ theo thời gian do các sinh vật gây hại bị nhờn hoá chất [10]. Thuốc bảo vệ thực vật không những giết hại nhiều loài sinh vật có ích mà còn gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm các yếu tố khác trong môi trường sống của con người quanh khu vực. Đó còn phải nói đến sự ô nhiễm không khí do lò gạch phía Đông Bắc của vườn gây ra. Bên cạnh đó, trong khu vực này cũng có nhiều kho khí tài quân sự của một số đơn vị quân đội đóng quân. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường khu vực đặc biệt là những lần tiêu huỷ vũ khí hoá học dưới lòng đất cũng có thể đã làm giảm đáng kể số lượng các loài động vật thuỷ sinh như tôm, cá, ốc, nhái... Ngoài ra, nước thải sinh hoạt từ các hàng quán và cư dân sống trong và quanh vùng nghiên cứu cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm các vùng đất ngập nước này, đặc biệt ở vùng bờ hồ đập Suối Hai.
Qua theo dõi chúng tôi thấy trong mùa sinh sản có nhiều cò non và cò trưởng thành chết, ví dụ: ngày 20/4/2010 có 1 cò Bợ trưởng thành và 1 Vạc đã yếu không di chuyển được, ngày 25/6/2010 có 2 cò Bợ non đi lại chậm chạp, có lúc đi vòng tròn . Ngoài những biểu hiện trên chúng tôi còn trực tiếp quan sát và thấy rằng hầu hết các cò vạc chết đều có phân dính bết lại ở lông quanh hậu môn. Trong khi khảo sát thực địa ngày 23/6/2010 chúng tôi quan sát thấy một số đàn cò Bợ kiếm ăn trên cánh đồng chỉ cách vườn chim khoảng 200 mét. Trong khi cò kiếm ăn thì cùng trên cánh đồng đó, cách mấy ruộng lúa có người nông dân đang phun thuốc trừ sâu.
(Nguồn điều tra: Trần Văn Long, 2010)