Ðiều kiện kinh tế xã hội của xã còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư và phát triển về lĩnh vực lâm nghiệp chưa thoả đáng. Cơ sở hạ tầng lâm nghiệp hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ðội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng được phát triển ngành trong thời kỳ mới, thiếu ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất lâm nghiệp;
Lực lượng lao động của xã tuy nhiều nhưng lại thiếu việc làm, chưa qua đào tạo nghề, phần lớn là lao động phổ thông, giản đơn, năng suất thấp, lao động kỹ thuật thiếu, nhất là lao động có tay nghề cao;
Sự gia tăng dân số, đời sống của một số người dân còn hoàn toàn dựa vào rừng, áp lực về nhu cầu gỗ xây dựng và dân dụng ngày một tăng, nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng đang là vấn đề bức bối đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội;
Địa bàn xã có nhiều gió bão xảy ra gây tổn thất và ảnh hưởng đến công tác trồng rừng. Diện tích đất Lâm nghiệp nằm trên địa bàn rộng lớn, địa hình bị chia cắt phức tạp;
Hệ thống chính sách của ngành lâm nghiệp trong những năm qua còn thiếu tính đồng bộ, thiếu tính định hướng để phát triển ổn định kinh tế lâm nghiệp, chưa phù hợp với chủ trương xã hội hoá nghề rừng và sản xuất kinh tế theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, hiện nay ở địa phương chưa có giải pháp hiệu quả cho việc tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp. Ở xã Cẩm Thịnh cũng như khu vực lân cận vẫn chưa hình thành được kênh tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp như gỗ nguyên liệu, các loại lâm sản ngoài gỗ. Hiện nay người dân trồng rừng nguyên liệu chủ yếu bán sản phẩm cho những người buôn chứ chưa có nguồn tiêu thụ sản phẩm trực tiếp từ các
doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Do đó giá cả các sản phẩm, nguyên liệu bán ra còn thấp, không ổn định.