4.2.2.1. Yếu tố tự nhiên:
Trong số các yếu tố tự nhiên thì các yếu tố có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng ở xã Cẩm Thịnh phải kể đến các yếu tố sau:
+ Vị trí địa lí: xã Cẩm Thịnh thuộc vùng đệm của KBTTN Kẻ Gỗ nằm phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh, và phía Đông dãy Trường Sơn Bắc. Cách thành phố Hà Tĩnh 15 km về phía Bắc, cách thị trấn Cẩm Xuyên 10 km về phía Đông, gần các trục giao thông chính, như: Quốc lộ 1A, đường 12, đường Hồ Chí Minh. Như vậy với vị trí nằm gần các khu dân cư, gần các trung tâm đô thị, các trục giao thông chính; xã Cẩm Thịnh vừa có những yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm đồng thời áp lực làm suy giảm tài nguyên rừng hết sức lớn như: khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, cháy rừng, chăn thả gia súc.
+ Khí hậu: Cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng. Mùa nắng nóng kéo dài tới từ tháng 4
đến tháng 9, ảnh hưởng của gió Tây Nam (gió Lào) khô, nóng nhiệt độ có khi lên tới 420C, lượng mưa một số tháng trong thời gian này thấp gây ra nạn hạn hán, ảnh hưởng đến sản xuất nông lâm nghiệp, nhất là gieo tạo cây giống và nguy cơ cháy rừng là rất lớn. Mùa Đông, thời tiết thay đổi thất thường, có khi mưa rét đậm kéo dài và xuất hiện hiện tượng sương muối; có khi mưa lớn xảy ra bão, lũ ảnh hưởng rất lớn đến xói mòn đất và đời sống nhân dân. Trong thời gian, điều kiện thời tiết phù hợp nên hiện tượng khai thác lâm sản trái phép xảy ra thường xuyên nhất là việc săn bắt động vật rừng.
Các chỉ số khí hậu thay đổi sẽ kéo theo sự biến đổi về nhiệt độ không khí, lượng mưa, và các yếu tố cực đoan khác gây ảnh hưởng đến các quần xã trong khu rừng, gây biến đổi gen của các loài động - thực vật quý hiếm...
+ Địa hình: Nhìn chung xã Cẩm Thịnh có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao phổ biến từ 150m đến 300m so với mặt nước biển. Từ năm 1990 về trước đây là địa bàn khai thác gỗ chính của lâm trường Cẩm Xuyên. Sau khi xác lập Khu bảo tồn Kẻ Gỗ, xã Cẩm Thịnh được quy hoạch và vùng đệm, mặc dù Ban quản lý cũng như UBND xã đã triển khai nhiều biện pháp quản lý bảo vệ rừng nhưng ảnh hưởng của yếu tố địa hình, gần các trục giao thông nên các hoạt động làm suy giảm tài nguyên rừng, như khai thác gỗ, lâm sản, săn bắt chim thú trái phép, lấn chiếm đất rừng diển ra khá phức tạp. Hiện tại những vùng đai thấp có địa hình băng phẳng tập trung chủ yếu là trạng thái rừng nghèo kiệt.
4.2.2.2. Yếu tố xã hội:
Kết quả thảo luận với cộng đồng đã xác định một số yếu tố xã hội cản trở đến hoạt động quản lý rừng ở xã Cẩm Thịnh bao gồm: những tập quán không có lợi cho quản lý rừng; dư thừa lao động trong lúc nông nhàn; thi hành pháp luật chưa nghiêm; thiếu những tổ chức cộng đồng cho quản lý rừng; hạn chế của nghiên cứu khoa học và công trình thủy lợi cận kề ranh giới rừng đặc dụng.
Người dân địa phương cũng nhận thấy một số tập quán không có lợi cho hoạt động quản lý rừng, trong đó có tập quán chăn thả gia súc, tập quán săn bắn động vật rừng, tập quán sử dụng lửa để săn bắt thú rừng, tập quán sử dụng gỗ rừng để làm
nhà v.v... Đây là những tập quán ảnh hưởng tiêu cực đến quản lý rừng. Trong nhiều trường hợp, hiệu quả kinh tế của những hoạt động trên đây rất thấp, song vì thói quen, vì tập quán mà người ta vẫn thực hiện và nó vẫn gây tổn hại đáng kể đến tài nguyên rừng.
Quyền lợi và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ và phát triển rừng được pháp luật quy định rõ ràng, tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên, một trong những nguyên nhân chính là thi hành luật chưa nghiêm, chưa quyết liệt của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Việc xử lý các vụ vi phạm còn nhẹ, chủ yếu là xử phạt hành chính, “ngại” hình sự, chưa trừng trị thích đáng kẻ chủ mưu tổ chức và xúi giục người khác vi phạm nên chưa có tác dụng răn đe, giáo dục, dẫn tới một số đối tượng khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng… trái phép có biểu hiện coi thường pháp luật, thách thức cơ quan công quyền, chống người thi hành công vụ với mức độ phổ biến hơn.
Những cuộc phỏng vấn đều cho thấy, một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động quản lý rừng ở xã Cẩm Thịnh nói riêng và KBTTN Kẻ Gỗ nói chung là thiếu sự tham gia tích cực của cộng đồng. Nhiều người còn “thờ ơ” với những hành vi xâm phạm tài nguyên rừng. Bên cạnh đó một số người khác muốn đấu tranh với những hành vi xâm hại rừng nhưng lại sợ bị trả thù, sợ bị cô lập v.v... Người ta cho rằng để cộng đồng tham gia vào quản lý rừng cần có những tổ chức và quy định hướng vào bảo vệ và phát triển rừng nhưng phải do cộng đồng xây dựng lên.
Kết quả phỏng vấn cho thấy tài nguyên rừng ở xã Cẩm Thịnh không chỉ chịu áp lực của đói nghèo mà còn phụ thuộc vào giá cả sản phẩm hàng hoá lâm sản. Trong nhiều trường hợp người ta xâm phạm tài nguyên rừng không phải vì đói mà vì giá cả của những sản phẩm từ rừng, đặc biệt là thịt thú rừng, gỗ quí, dược thảo quá cao. Lợi nhuận đã làm cho người ta bất chấp cả quy định của nhà nước và những cam kết cộng đồng để khai thác sản phẩm từ rừng. Một trong những nhiệm vụ của quản lý rừng trong tương lai là giảm áp lực của thị trường đến sản phẩm từ rừng. Người ta cho rằng không có con đường nào khác là phát triển sản xuất để tạo ra những sản phẩm tương tự sản phẩm của rừng.
4.2.2.3. Yếu tố Chính sách:
Trong thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách để phát triển rừng đặc dụng. Song trong công tác triển khai thực hiện tại địa phương cũng như BQL khu bảo tồn Kẻ Gỗ thường chậm;
Đầu tư cho lĩnh vực Lâm nghiệp nói chung còn nhiều bất cập, nguồn vốn đầu tư mang tính hỗ trợ, hết sức hạn chế và thường thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác; chế độ đãi ngộ đối với người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng còn nhiều bất cập.
Ở cấp xã hiện nay chưa có định biên Cán bộ lâm nghiệp xã, nếu có còn kiêm nhiệm làm công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp. Cần có một định biên lâm nghiệp tham mưu giúp chính quyền xã.
Chính sách chia sẻ lợi ích cộng đồng dân cư thông qua công tác quản lý bảo vệ rừng chưa thực hiện đồng bộ; Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái chưa được thực hiện.
Nhà nước chưa có cơ chế chính sách phát triển vùng đệm để từng bước giảm áp lực đối với rừng.
Những nhân tố này đã ảnh hưởng rất lớn đến quản lý và phát triển rừng của xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên trong thời gian qua.