Đánh giá nguyên nhân ngập lụt hạ lưu sông Ba

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính toán ngập lụt và xây dựng bản đồ ngập lụt hạ lưu sông ba​ (Trang 53 - 55)

4. Kết quả của đề tài

2.1. Đánh giá nguyên nhân ngập lụt hạ lưu sông Ba

Căn cứ trên đặc điểm tự nhiên, cơ sở hạ tầng của vùng lưu vực sông Ba (như đã phân tích trong chương 1) cho thấy, nguyên nhân chủ yêu gây ra tình trạng ngập lụt vùng hạ lưu sông Ba bao gồm:

 Do đặc điểm địa hình, vùng thượng lưu có cao độ lớn 600m ÷ 2.000m chiếm 62% tổng diện tích tự nhiên được bao bọc bởi ba phía: Bắc, Đông, Nam. Phía Tây có các cao nguyên đất đỏ bazan rộng lớn là: Plei Ku, Mang Yang, Chư Sê có cao độ biến đổi từ 600m ÷ 800m nên thời gian tập trung dòng chảy đến các sông, suối là rất ngắn. Trong khi đó, vùng hạ lưu là vùng đồng bằng rộng lớn có cao độ thấp biến đổi từ 0,5m ÷ 2m và được mở ra theo hướng Đông - Tây nên thuận tiện cho bão tràn vào gây gió mạnh và mưa lớn ở hạ lưu. Mặt khác, địa hình vùng thượng lưu và hạ lưu sông Ba bị chia cắt bởi dãy Trường Sơn, nên khi bão từ biển Đông tràn vào gặp dải Trường Sơn tạo thành vùng áp thấp nhiệt đới gây ra mưa lớn ở hạ lưu lưu vực sông Ba. Ngoài ra, vùng hạ lưu sông Ba có chênh lệch cao độ tự nhiên giữa lòng sông và mặt ruộng không lớn (khoảng 1,5 m), tiến gần ra vùng cửa sông và ven biển thì cao độ chênh lệch này càng giảm đi nên dòng chảy lũ thường xuyên tràn từ sông vào các khu vực diện tích đất đai ven sông ở vùng đồng bằng hạ du lưu vực sông Ba.

 Do đặc trưng khí hậu, tác động dải khí hậu Đông Trường Sơn (bão, gió mùa đông Bắc) và khí hậu Tây Trường Sơn nên lượng mưa và cường độ mưa trên lưu vực sông Ba rất lớn. Lượng mưa lũ chủ yếu tập tập trung trong thời gian ngắn là 1 ngày, số liệu quan trắc được cho thấy lượng mưa 1 ngày tại Tuy Hòa đạt 628,9 mm vào ngày 03/10/1993.

 Do đặc trưng thủy văn, mùa lũ ngắn chỉ tập trung trong 3 tháng từ tháng 10 đến tháng 12 nhưng thành phần nước mùa lũ chiến tới 65 ÷ 75% lượng nước cả năm.

 Do đặc trưng hình thái sông, Sông Ba có là sông ngắn (có chiều dài sông khoảng 388 km, chiều dài lưu vực đạt khoảng 386 km), dốc (độ dốc bình quân lưu vực 10,9%, độ cao nguồn sông là 1200 m, độ cao trung bình lưu vực là 400 m), hẹp (chiều rộng bình quân lưu vực là 48,6 km) nên tốc độ truyền lũ trên sông Ba là rất nhanh nên lũ trên

sông Ba thường có biên độ lũ cao, cường suất lũ lớn, hình dạng lũ có đỉnh nhọn với giá trị lưu lượng đỉnh lũ rất lớn (trong 100 năm đã xảy ra 3 trận lũ có lưu lượng tại Củng Sơn lớn hơn 20.000 m3/s). Cụ thể như trận lũ tháng 10/1993, tổng lượng lũ 5 ngày lớn nhất đạt tới 2,51 tỷ m3 tại Củng Sơn.

 Do cửa sông Ba (cửa Đà Rằng) nằm sát bờ biển nên chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, một số cơn bão mạnh đã làm nước dâng lên ở vùng ven biển thuộc thành phố Tuy Hòa và huyện Đông Hòa, nên dòng chảy lũ có cơ hội gặp đỉnh triều gây lũ lớn ở hạ du. Điển hình như trận lũ 12/1986 trên sông Ba gặp triều cường làm cho ảnh hưởng ngập lũ sâu và lâu hơn.

 Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa: Trong những năm qua, hiện trạng cơ sở hạ tầng trên lưu vực sông Ba có những thay đổi nhất định. Sự gia tăng đô thị hóa nhất là ở khu vực thành phố Tuy Hòa làm mất đi một số kênh rạch, ao, hồ tự nhiên nên làm gia tăng dòng chảy tràn, rút ngắn thời gian tập trung nước. Tại thành phố Tuy Hòa, tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh hơn so với cơ sở hạ tầng thoát nước. Hiện tại, hệ thống thoát nước cho thành phố Tuy Hòa chỉ tập trung ở khu vực trung tâm với tổng chiều dài 34 km với đường kính từ 4001250mm nên khi xảy ra mưa lớn lượng nước mưa tập trung nhanh kèm theo mực nước trên sông lớn nên xảy ra tình trạng tiêu thoát không kịp thời làm mức độ ngập úng gia tăng. Trong những trận lũ lớn như trận lũ xảy ra vào tháng 11/2009 kèm theo mưa lớn và triều cường thì khi mực nước sông tràn vào thành phố dòng chảy lũ sẽ chịu tác động cản trở của các cơ sở hạ tầng đô thị khiến thời gian ngập lũ của khu vực này bị gia tăng.

 Hiện tại, trong hệ thống công trình phòng chống lũ trên lưu vực sông Ba không có hệ thống đê sông ngăn lũ mà chỉ có một số công trình đê biển, kè bảo vệ bờ sông mà chỉ có hệ thống 6 công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện tham gia vào công tác giảm lũ cho hạ du là hồ thủy điện An Khê, Ka Năk, hồ Ayun Hạ, hồ Ia M’la, hồ Krông H’Năng, hồ Sông Hinh, hồ Sông Ba Hạ. Tuy nhiên, tổng dung tích phòng lũ của 6 công trình này mới chỉ đạt khoảng 537 triệu m3 (theo quyết định 878/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) chỉ đạt khoảng 27% so với tổng lượng lũ 5 ngày tương ứng với trận lũ tần suất 10% tại trạm thủy văn Củng Sơn nên hiệu quả của việc cắt giảm lũ cho vùng hạ du còn rất hạn chế.

Chính vì những nguyên nhân nêu trên nên vùng hạ lưu lưu vực sông Ba thường xuyên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt, đặc biệt là khu vực đồng bằng từ hạ lưu đập Đồng Cam tới cửa biển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính toán ngập lụt và xây dựng bản đồ ngập lụt hạ lưu sông ba​ (Trang 53 - 55)