QLBVR.
4.3.1.1. Chính sách về hưởng lợi từ quản lý rừng và đất rừng của Nhà nước
Những yếu tố xã hội có ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tài nguyên quan trọng là chính sách sở hữu tài nguyên rừng. Trong những năm gần đây các chính sách giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đã tạo ra động lực mạnh mẽ, giúp người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, tham gia bảo vệ phát triển rừng, hỗ trợ cho người dân về vốn, kỹ thuật,… tăng cường nguồn lực để sản xuất nâng cao đời sống và dân trí, đồng thời tạo nên những liên kết giữa các gia đình trong nhóm hộ được giao đất, giao rừng, giữa nhóm hộ với chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý rừng và đất rừng ở địa phương.
Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993, số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 về việc giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông lâm nghiệp; Nghị định 01/NĐ-CP ngày 04/01/1995 về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước. Quyết định 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, các cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp. Quyết định 186/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/8/2006 về việc ban hành Quy chế quản lý rừng. Luật đất đai năm 2003. Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, v.v... Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để cộng đồng xây dựng những luật lệ nhằm liên kết các thành viên bảo vệ quyền lợi quan trọng trong quản lý tài nguyên rừng và đất đai, đấu tranh chống lại những hành vi phá hoại tài nguyên, sử dụng lãng phí tài nguyên.
4.3.1.2. Tiềm năng sản xuất hàng hoá ở địa phương
Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp rộng lớn có tiềm năng cho phát triển sản phẩm hàng hoá từ lâm nghiệp. Theo kết quả thống kê đã phát hiện được tại Khu bảo tồn 428 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 330 chi, 125 họ của 4 ngành thực vật bậc cao và nấm ,một trong những loài cây làm thuốc quý như Ba Kích, thực vật thân gỗ có 546 loài, thuộc 332 chi của 97 họ, trong 2 ngành thực vật, đặc biệt có các loài đặc trưng nhất của khu Đông Bắc như Táu mật, Gụ Lau, Sao Hòn Gai, Dẻ Cuống, Dẻ gai thô, Sồi quả lông…đều có mặt ở đây.
Điều kiện lập địa và giao thông ở đây cũng khá thuận lợi cho việc trồng rừng thâm canh cây nguyên liệu giấy, sợi đặc biệt là loài keo và bạch đàn để xuất khẩu vì gần cảng biển Cái Lân.
Sản xuất hàng hóa phát triển là một trong những yếu tố quan trọng nhất có vai trò thúc đẩy hình thành những liên kết cộng đồng, những tổ chức và luật lệ cộng đồng trong quản lý tài nguyên. Nhu cầu ổn định sản xuất và đời sống của mỗi thành viên sẽ thúc đẩy hình thành những liên kết cộng đồng, những tổ chức và luật lệ cộng đồng nhằm đảm bảo tính ổn định nói chung của cả hệ thống kinh tế hàng hoá, mà quản lý tài nguyên là một trong những bộ phận hợp thành quan trọng, ở đâu có tiềm năng phát triển kinh tế hàng hóa càng lớn thì ở đó có tiềm năng cho hình thành và phát triển các liên kết cộng đồng càng nhiều.
4.3.1.3. Những mối liên kết truyền thống trong cộng đồng
Tính cộng đồng cao của người dân địa phương được coi là một truyền thống quý giá, hầu hết các dân tộc địa phương đều có tính cộng đồng rất cao. Mặc dù nền kinh tế của họ chưa phát triển, đời sống khó khăn, song họ sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ bình đẳng những lợi ích chung của cộng đồng. Họ dựa vào cộng đồng để tồn tại và tự nguyện tuân theo các quy chế, các luật
lệ cộng đồng. Đây là nhân tố thuận lợi cho việc phát triển những tổ chức và luật lệ của cộng đồng về quản lý tài nguyên trong đó có TNR.
4.3.1.4. Ý thức tôn trọng luật pháp của Nhà nước
Phân tích kết quả phỏng vấn còn cho thấy: Một bộ phận lớn người dân ở đây đều có ý thức tôn trọng luật pháp Nhà nước. Tuy hiện tại có trường hợp chấp hành chưa nghiêm một vài quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý rừng nhưng phần lớn đây là những trường hợp chưa được tuyên truyền giáo dục một cách đầy đủ, mặt khác có liên quan đến việc thực hiện không nghiêm túc của cả một số cán bộ thừa hành ở địa phương. Ý thức tôn trọng luật pháp chính là nhân tố thúc đẩy sự tham gia của mọi thành viên cộng đồng vào quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
4.3.1.5. Tiềm năng lao động dồi dào
Kết quả điều tra cho thấy ở địa phương còn có tiềm năng lao động dồi dào đặc biệt trong thời kỳ nông nhàn. Nếu được hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng được tổ chức tốt thì với bản tính cần cù trong lao động sản xuất người dân sẽ hưởng ứng một cách tích cực vào các chương trình phát triển lâm nghiệp nhằm cải thiện cuộc sống của mỗi gia đình và cộng đồng.
4.3.1.6. Hệ thống kiến thức bản địa phong phú
Những cuộc trao đổi với người dân đã cho thấy sự tồn tại thực sự trong cộng đồng người dân địa phương một hệ thống kiến thức bản địa phong phú trong đó có những kiến thức liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng. Những kiến thức bản địa được đánh giá là có hiệu ích nhất với quản lý rừng gồm kiến thức về sử dụng đất, sử dụng rừng, phân loại động thực vật rừng, kiến thức về khai thác và sử dụng các sản phẩm từ rừng, v.v... đây là một nhân tố thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng vào quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.