Vai trò và ảnh hưởng của các tổ chức bên trong cộng đồng địa phương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên đông sơn kỳ thượng, tỉnh quảng ninh​ (Trang 69 - 76)

4.2.2.1. Vai trò của các cấp chính quyền

Xã là đơn vị hành chính cơ sở quan hệ trực tiếp với người dân. Giữa chính quyền xã với người dân không chỉ có mối quan hệ hành chính mà còn có quan hệ gia tộc, xóm làng, những tập quán tốt đẹp cũng như một số tập quán lạc hậu.

Chính quyền xã trung tâm của các mối quan hệ giữa cộng đồng và các bên liên quan trong quản lý rừng cộng đồng;

Chỉ đạo quản lý rừng cộng đồng ở cấp thôn đáp ứng các mục tiêu bảo tồn thiên nhiên của KBT, đồng thời bảo đảm mục tiêu phát triển cộng đồng thôn bản;

Giám sát, đánh giá các hoạt động quản lý rừng cộng đồng thôn, bản trên địa bàn xã;

Phối hợp các hoạt động quản lý tài nguyên của KBT với các xã bạn và giải quyết mâu thuẫn giữa các cộng đồng.

Nhìn chung chính quyền địa phương ở khu vực này chưa thể hiện được hết vai trò của Nhà nước trong kiểm soát các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên. Hiện nay, rừng vẫn tiếp tục bị phá, thú rừng vẫn bị săn bắn, chưa có những biện pháp xử lý triệt để những trường hợp vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng.

- Vai trò của chính quyền thôn:

Là đơn vị cơ sở đại diện cho chính quyền nhà nước tại cộng đồng, có quyền điều hành các hoạt động và xử lý các vụ vi phạm pháp luật trên địa bàn theo quy định. Thôn cũng trung gian quan hệ với cơ quan nhà nước, các thôn bản bên cạnh.

Thôn có thể huy động sức mạnh của nhân dân, các hộ gia đình tham gia trong công tác quản lý tài nguyên rừng, đặc biệt là trong công tác PCCCR. Khi cháy rừng xảy ra Trưởng thôn có thể huy động các phương tiện hiện có trong dân và nhân dân trong thôn tham gia chữa cháy rừng theo phương châm

4 tại chỗ. Nhìn chung chính quyền các thôn đã làm tốt công tác phối hợp với Kiểm lâm địa bàn và Ban quản lý KBT trong công tác QLBVR.

4.2.2.2. Vai trò của các tổ chức Đoàn thể

Các tổ chức quần chúng như Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi, Nhóm sở thích,… được hình thành với những mục tiêu và nội dung hoạt động phong phú, gắn liền với việc quản lý tài nguyên thiên nhiên ở các cộng đồng có vai trò cụ thể sau:

- Tuyên truyền vận động người dân, các hộ gia đình nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và vận động họ tham gia các hoạt động quản lý tài nguyên rừng.

- Có năng lực trực tiếp tham gia một số các hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên.

- Có năng lực đánh giá giám sát các hoạt động của cộng đồng nói chung và quản lý rừng cộng đồng nói riêng.

Việc lôi cuốn các tổ chức này tham gia vào các hoạt động nhằm quản lý bền vững tài nguyên rừng, tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên đa dạng sinh học cũng như trong phòng chống thiên tai là rất cần thiết. Các thành viên của từng tổ chức sẽ đóng vai trò tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên.

Những cuộc thảo luận đều cho thấy để thúc đẩy quản lý tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở cộng đồng cần tổ chức, kiện toàn lại các đoàn thể, hội trong thôn, bản, xây dựng lại các quy ước cộng đồng về nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức quần chúng để thu hút sự tham gia của các thành viên.

Trước mắt với những khu rừng, đất rừng,..ở xa khu dân cư không giao được cho các hộ gia đình thì có thể giao trực tiếp cho các tổ chức cộng đồng để tài nguyên thiên nhiên (rừng, đất rừng, nước, cây,…) là có chủ, đảm bảo hạn chế tới mức thấp nhất các hoạt động khai thác tài nguyên.

4.2.2.3. Vai trò của già làng, trưởng thôn (bản):

Trong tổ chức cộng đồng dân tộc của xã mỗi thôn (bản) đều có một trưởng thôn (do dân bầu) và một già làng (chủ làng, thủ lĩnh của thôn bản), (trừ những thôn mới định cư thường không có già làng). Đây là người có nhiều uy tín, hiểu biết lịch sử và các phong tục tập quán của bản làng, hùng biện và được số đông dân làng kính trọng. Già làng cũng phải xuất thân từ gia đình thuộc loại khá giả, không nhất thiết phải là con cháu của người sáng lập ra bản làng.

Già làng có trách nhiệm với thôn bản về các công việc của cộng đồng nhưng không có quyền lợi gì về kinh tế trực tiếp từ địa vị này. Người dân trong buôn coi già làng như chỗ dựa tinh thần của họ và tầm quan trọng của vị trí này thể hiện ở những trách nhiệm như:

- Tham gia đầy đủ các cuộc họp của thôn: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của nhà nước.

- Duy trì sự đoàn kết trong nội bộ thôn bản. - Bảo vệ văn hoá truyền thống.

- Giải quyết các trường hợp vi phạm quy định của cộng đồng theo luật tục. - Tổ chức và chỉ đạo tất cả hoạt động của cộng đồng như việc dời làng, lễ hội, cúng bái.

Trưởng thôn cùng già làng, các trưởng họ tộc thường đóng vai trò trọng tài xử phạt các vụ vi phạm hương ước, động viên các thành viên thực hiện các hương ước.

Trong công tác giao đất, giao rừng, quy hoạch đất đai, trưởng thôn, bản là người chứng kiến và cùng các hộ xác định ranh giới tại hiện trường, xác nhận vào đơn của các hộ gửi lên địa chính xã,..là người đầu tiên chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về đất đai, tài nguyên rừng. Vai trò của các trưởng thôn rất lớn trong việc tổ chức lập kế hoạch phát triển cho thôn bản. Tuy nhiên, họ cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ nhất định và phương pháp lập kế hoạch thôn bản có sự tham gia của cộng đồng.

4.2.2.4. Vai trò của dòng họ

Ở KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng có 4 dòng họ chính thuộc dân tộc Dao sinh sống cùng nhau. Vai trò của dòng họ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quản lý tài nguyên rừng. Dòng họ là tập hợp các gia đình nhỏ cùng chung nguồn gốc, liên kết với nhau bởi luật tục chung và chịu sự quản lý chung của dòng họ. Trưởng họ thường tập chung đại diện các hộ gia đình trong họ 2 lần/năm vào dịp tết và tháng 7 âm lịch để bàn bạc công việc của họ, dạy dỗ con cái, nương tựa nhau. Họ hỗ trợ nhau bảo vệ khỏi những tác động bất thường của thiên nhiên, của kẻ xấu,… họ thường tự chế tạo các dụng cụ sản xuất, súng và bẫy săn bắn, thu hái và chế biến dược liệu,.. Ngoài ra, nếu một ai đó trong dòng họ bị chính quyền địa phương xử phạt thì dòng họ cũng xử phạt.

Những người trong một dòng họ thường động viên và giám sát nhau thực hiện những cam kết nhiều hơn là thực hiện các luật pháp và chính sách. Nếu động viên họ xây dựng được những cam kết phù hợp với các chính sách và luật pháp Nhà nước sẽ đảm bảo phát huy một cách hiệu quả nhất vai trò của dòng họ vào quản lý tài nguyên thiên nhiên ở địa phương.

4.2.2.5. Vai trò của cá nhân và hộ gia đình trong quản lý bảo vệ tài nguyên rừng

Cá nhân và hộ gia đình là thành phần trực tiếp tham gia vào sử dụng tài nguyên rừng như: Nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, làm giàu rừng, tu bổ rừng, khai thác gỗ, thu hái và chế biến, tiêu thụ lâm sản ngoài gỗ, trực tiếp tham gia xây dựng quy ước quản lý bảo vệ rừng, cơ chế hưởng lợi từ rừng, tham gia quản lý bảo vệ rừng,…

Đây là đối tượng chính để vận động, tuyên truyền, giáo dục cũng như là thành viên trực tiếp tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển tài nguyên rừng.

Đặc điểm sản xuất tự cung tự cấp đã làm cho tính độc lập trong sử dụng đất của họ cao hơn so với các hộ gia đình vùng thấp. Làm giảm vai trò của

cộng đồng trong quản lý rừng. Vì vậy, để tăng cường vai trò của cộng đồng trong hoạt động quản lý rừng cần phát triển các chương trình tạo mối liên kết giữa họ với cộng đồng như phát triển sản xuất hàng hoá, phát triển các chương trình phòng chống thiên tai và rủi ro, phát triển các dịch vụ cộng đồng,…

4.2.3. Vai trò và ảnh hưởng của các tổ chức bên ngoài cộng đồng địa phương đến công tác QLBVR tại KBTTN Đồng Sơn -Kỳ Thượng.

4.2.3.1. Vai trò của Ban quản lý KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Ban quản lý KBTTN Đồng Sơn -Kỳ Thượng là đơn vị trực tiếp quản lý bảo vệ rừng của KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Ban quản lý phải xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên diện tích được giao, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và cơ quan liên quan nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học quần thể các loài động, thực vật rừng quý hiếm, các loài đang bị đe doạ và các loài đặc hữu.

- Phục hồi, tái tạo vốn rừng nhằm nâng cao độ che phủ của rừng.

- Phát huy tác dụng phòng hộ môi trường của rừng, đặc biệt là tác dụng giữ đất, giữ nước đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long.

4.2.3.2. Vai trò của Hạt Kiểm lâm và các lực lượng Công an, Quân đội… huyện Hoành Bồ

Phối hợp với Ban quản lý KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng và chính quyền địa phượng các xã tuyên truyền giáo dục vận động quần chúng thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời các hành vi tàn phá rừng trên địa bàn huyện Hoành Bồ nói chung và KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng nói riêng. Hạt Kiểm lâm huyện Hoành Bồ đã cử cán bộ Kiểm lâm thường xuyên bám sát địa bàn để thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho UBND xã và lãnh đạo Hạt Kiểm lâm trong việc QLBVR, đồng thời phối hợp với các lực lượng có liên quan thực hiện công tác QLBVR trên địa bàn được phân

công. Tổ Kiểm lâm cơ động & PCCCR của Hạt Kiểm lâm huyện Hoành Bồ cũng thường xuyên phối hợp với Công an huyện Hoành Bồ trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

4.2.3.3. Sự đầu tư của nhà nước

Những chương trình, dự án trong nước có vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng, phát triển đường, hỗ trợ phát triển kinh tế - Xã hội vùng đệm, có các dự án cụ thể:

- Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661) thực hiện từ năm 2005- 2010, kết quả thực hiện: Giao khoán bảo vệ rừng 23.969 lượt ha, trồng mới 337,3 ha, chăm sóc 95,6 ha rừng đặc dụng, xây mới 3 trạm bảo vệ rừng và làm mới 10 km đường băng cản lửa.

- Chương trình bảo vệ & Phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2012, kết quả thực hiện: Giao khoán bảo vệ rừng 6.100 lượt ha, chăm sóc rừng trồng 261,2 ha. Xây mới 1 trạm bảo vệ rừng, xây mới và sửa chữa 2 bảng tin tuyên truyền, 03 công trình khác.

- Dự án VCF do quỹ bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam “nguồn vốn do Ngân hàng thế giới WB, EU và GEF tài trợ” thời gian thực hiện 2009 - 2012. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực thực thi về quản lý bảo tồn KBTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học và cải thiện đời sống nhân dân trong vùng đệm. Nội dung của dự án gồm 3 hợp phần: Phát triển và nâng cao năng lực quản lý KBT, tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý KBT, xây dựng các phương pháp đồng quản lý bền vững và đồng thuận cho các hoạt động bảo tồn và giải quyết xung đột về tài nguyên ở KBT.

4.3. Một số nhân tố ảnh hưởng tới sự tham gia của người dân địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại KBTTN Đồng Sơn -Kỳ Thượng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên đông sơn kỳ thượng, tỉnh quảng ninh​ (Trang 69 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)