Nhằm tạo ra môi trường thuận lợi, gần giống với tự nhiên, thúc đẩy quá trình sinh sản của Rùa câm, bể nuôi có thể xây ở nơi cao ráo, xung quanh thoáng mát. Với diện tích khoảng 1,5m2 – 2m2
, cần được thiết kế 3 ngăn nhỏ riêng biệt và liên hoàn, cao 50cm đến 60cm, các ngăn thông nhau bằng các ô cửa nhỏ khoảng 30cm, có mái che ở ngăn cát và ngăn chứa nước. Trong đó, một ngăn nước để Rùa câm bơi, ăn và giao phối chiếm 60% diện tích bể, mặt sàn hơi dốc để khi thay nước được thuận lợi (mực nước trong ngăn phải từ 25 đến 30 cm), bể xây ốp lát gạch hoa (nên lát màu sáng) để thuận lợi trong việc
theo dõi, phát hiện nấm bệnh ở Rùa câm, giảm thiểu rêu mốc và không làm cho Rùa câm bị mòn móng và mai, việc vệ sinh thức ăn bám trên mặt sàn được dễ dàng hơn. 20% diện tích làm sân chơi giúp Rùa câm lên nghỉ ngơi và tắm nắng để Rùa câm có thể hấp thụ canxi một cách tự nhiên, ngăn này không làm mái che. 20% diện tích còn lại làm ngăn trong cùng là ngăn chứa cát sạch để Rùa câm sinh sản và ngủ đông. Ở ngăn cát cần đảm bảo độ dày của lớp cát khoảng 30 cm – 40 cm, đảm bảo thông thoáng sạch sẽ, cần tạo độ ẩm cho ngăn cát khoảng 70% để Rùa câm đẻ trứng thuận lợi hơn, ở độ ẩm này Rùa câm dễ dàng bới tạo ổ để đẻ, như vậy trứng sinh ra ít bị dập vỡ hay bị hỏng. Vào mùa đông có thể phủ lên ngăn cát 1 lớp rơm để Rùa câm ngủ đông cho ấm.
Hình 4.7. Vệ sinh bể nuôi