Thực trạng về kỹ thuật nhân nuôi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hiện trạng chăn nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh quảng ninh và đề xuất các giải pháp phát triển​ (Trang 62 - 63)

Nghề chăn nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam mặc dù mới hình thành nhưng đã và đang phát triển rất mạnh mẽ ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó thì vấn đề khó khăn vấp phải chính là nhiều hộ gia đình, cơ sở nhân nuôi hình thành theo hướng tự phát, không có hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ. Điều này đã dẫn đến năng suất và chất lượng vật nuôi thấp, thị trường không ổn định, hiệu quả mang lại không cao. Những vấn đề còn tồn tại này là thực trạng chung đối với nghề nhân nuôi động vật hoang dã của cả nước, không ngoại trừ tỉnh Quảng Ninh.

Các đối tượng nuôi đa dạng, đòi hỏi các chủ hộ phải có những kiến thức nhất định. Đối với những loài được nhân nuôi lâu năm hoặc nuôi với số lượng cá thể lớn, nhiều hộ tham gia như Nhím, Lợn rừng, Rắn hổ mang,

Hươu sao...thì kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi về cơ bản đáp ứng được yêu cầu và ngày càng hoàn thiện. Những hộ nuôi này thường tích lũy kinh nghiệm trong nhiều năm hoặc có nhiều thời gian, địa chỉ để trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau cùng phát triển.Kết quả phỏng vấn cho thấy các chủ hộ nuôi các loài này thường đánh giá mức độ hoàn thiện kỹ thuật từ 60-70%.

Trái lại với những chủ hộ nuôi nuôi lâu năm, quy mô lớn thì những hộ, cơ sở chọn những đối tượng mới, quy mô nhỏ hoặc có số lượng hộ nuôi ít thường thiếu kỹ thuật nuôi cơ bản.Hầu hết các chủ hộ phải tự tìm hiểu kỹ thuật nuôi dẫn đến hiệu quả nuôi không cao. Điển hình như các hộ nuôi Dúi, Đon, Cầy hương...Kết quả điều tra cho thấy các hộ này chỉ hiểu biết về kỹ thuật nuôi từ 20 – 30%.

Một vấn đề chung gặp phải của hầu hết các hộ chăn nuôi là khó khăn trong công tác phòng trị bệnh. Các loài động vật hoang dã thường ít bệnh tật hơn các động vật nuôi thông thường, tuy nhiên khi đã mắc bệnh, việc điều trị sẽ rất khó khăn, phức tạp. Hầu hết các hộ và cơ sở nhân nuôi không có cán bộ thú y chuyên trách nên các chủ hộ phải tự tìm hiểu về các loại bệnh và tìm cách điều trị theo kinh nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, do không có những hướng dẫn chi tiết về các biện pháp phòng và trị bệnh cho các loài vật nuôi nên hiệu quả chăn nuôi không cao.

Kỹ thuật nuôi là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả của công tác nhân nuôi.Nếu kỹ thuật nuôi được hoàn thiện, chắc chắn hiệu quả công tác chăn nuôi sẽ được nâng cao đáng kể. Từ thực trạng của các hộ và cơ sở nhân nuôi được điều tra, việc phổ biến kỹ thuật nhân nuôi động vật hoang dã là một yêu cầu cấp thiết, quyết định đến sự thành công hay thất bại của việc nhân nuôi động vật hoang dã.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hiện trạng chăn nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh quảng ninh và đề xuất các giải pháp phát triển​ (Trang 62 - 63)