2.3.2.1. Điểm mạnh
Trong suốt 3 năm (2017-2019), được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh Ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp triển khai đồng bộ của các ngành, sự ủng hộ đồng tình rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các chính sách hỗ trợ XTTM đã gặt hái được nhiều thành công. Hoạt động XTTM đã mang lại hiệu quả đáng kể cho tiêu thụ mặt hàng quả của Sơn La. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm đã triển khai đồng bộ trên cả 3 thị trường (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu). Đặc biệt, nhờ tích cực thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ mà xuất khẩu nông sản đã đạt được những kết quả tích cực, vượt Kế hoạch đề ra. Một số sản phẩm của Sơn La đã bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu như cà phê, chè, tinh bột sắn, sữa, một số sản phẩm quả của tỉnh đã thâm nhập vào một số thị trường cao cấp như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,…
Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ quan trọng, trong đó, xuất khẩu được xác định là khâu đột phá. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã tranh thủ được sự hỗ trợ tuyên truyền quảng bá của các Bộ, ngành, các tỉnh bạn, các cơ quan truyền thông, báo chí trung ương và địa phương, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có thị trường trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nói chung, mặt hàng quả nói riêng.
Hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách về XTTM ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp.
Mặt hàng quả được triển khai tốt trên cả 3 thị trường (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu), giá trị xuất khẩu nông sản năm 2019 tăng 50% so với năm 2017. Giá cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cơ bản hợp lý. Thu nhập bình quân trên 1 ha đạt từ 150 triệu đồng đến 500 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao mức sống của người dân và mở rộng phát triển sản xuất. Qua các hoạt động và kết quả đạt được trong tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm trái cây đã cho thấy chủ trương đúng đắn của tỉnh về phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả gắn với chế biến, tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu.
Công tác khảo sát nghiên cứu thị trường trong và ngoài tỉnh bước dầu đã có sự quan tâm như nghiên cứu cung - cầu, giá cả, xu hướng vận động của cung -cầu, diễn biến của hệ thống giá cả và khả năng thâm nhập của các doanh nghiệp trong tỉnh đã được ngành công thương thực hiện. Bước đầu đã có sự phối hợp giữa các cấp, ngành chức năng trong công tác thông tin và dự báo nhằm đảm bảo mục đích xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Qua các chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và hoạt động xuất khẩu, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La đã được người tiêu dùng nhiều nơi trong cả nước biết đến, đánh giá cao về chất lượng; cơ b ản tiêu thụ hết sản lượng trái cây, không để xảy ra hiện tượng phải “giải cứu” nông sản; công tác hỗ trợ tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm đã đạt được nhiều thành quả, không ngừng góp sức cho doanh nghiệp/HTX quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, từ đó tạo đà cho việc mở rộng quy mô và phát triển cho các giai đoạn sau này.
Công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN/HTX trên địa bàn tỉnh, tạo ra một sự tăng trưởng bền vững thông qua yếu tố con người. Để từ đó khai thác và sử dụng mang tính chiến lược với chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Đối với địa phương như Sơn La còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết về mặt số lượng và chất lượng. Một lực lượng lao động đông đảo, người dân nơi đây với đức tính sáng tạo, cần cù, ý chí, mang đậm nét bản sắc truyền thống, nếu biết khai thác sẽ là một trong những động lực tạo ra tăng trưởng nhanh cho DN/HTX.
Chính quyền thực hiện việc hỗ trợ thông qua các chương trình trợ giúp của Chính phủ. Chính quyền tỉnh căn cứ vào quy định của trung ương xây dựng nội dung xúc tiến thương mại và mức hỗ trợ kinh phí phù hợp với thực tế của địa phương và các quy định của luật pháp hiện hành về xúc tiến thương mại để làm căn cứ cho các tổ chức xúc tiến thương mại của địa phương tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.
2.3.2.2. Điểm yếu
Một là, công tác hỗ trợ xây dựng thương hiệu chưa thực sự chuyên nghiệp, thiếu định hướng và còn nhiều bất cập. Nguồn lực hạn chế, sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh mang tính chọn lọc, tập trung chủ yếu vào các khu vực, địa bàn, nhóm đối tượng nằm trong quy hoạch và kế hoạch phát triển của tỉnh. Do đó, điều này đã bỏ sót rất nhiều đối tượng chưa thể nhận được hỗ trợ.
Chính quyền cấp tỉnh còn chậm chạp trong việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ của nhà nước và của tỉnh trong hỗ trợ XTTM, nhất là hỗ trợ các HTX, hộ gia đình trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Có thể nói xây dựng và phát triển thương hiệu là hoạt động đòi hỏi tính chuyên môn rất cao, tính quốc tế hóa, hồ sơ thủ tục phức tạp, nếu không có sự hỗ trợ và đồng hành của Nhà nước, của các cơ quan chuyên môn thì các DN, HTX và hộ gia đình không thể làm nổi.
Hai là, hỗ trợ tiếp cận thị trường và quảng bá thương hiệu mới chỉ dừng lại ở việc quảng bá những thương hiệu lớn, thị trường thâm nhập chưa sâu và chưa rộng, chưa đánh giá được hiệu quả lâu dài của công tác hỗ trợ. Vấn đề dự báo cung - cầu, giá cả chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo điều hành vĩ mô. Công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, thông tin về thị trường còn nhiều hạn chế, nhất là nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường nước ngoài cho các DN của tỉnh.
Ba là, về hỗ trợ nguồn nhân lực đào tạo hiện nay chủ yếu hiện nay vẫn là nguồn lao động ở bậc thấp, chưa có nhiều chương trình dành cho nguồn nhân lực bậc cao, nhằm lấp dần khoảng trống về đội ngũ nhân lực có trí tuệ.
Chủ yếu các khóa đào tạo hiện nay là khóa đào tạo về nghề, về các kiến thức kỹ năng liên quan đến công việc của người lao động, về chính sách và pháp luật. Tuy nhiên đề có một lực lượng làm thay đổi nền kinh tế địa phương thì cần gấp một đội ngũ các chủ doanh nghiệp, những nhà quản lý, những người lãnh đạo trẻ và tài năng.
Ngoài ra là công tác đào tạo đội ngũ cán bộ công chức làm công tác XTTM trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp thực tế, còn nhiều hạn chế, yếu kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động XTTM trên địa bàn tỉnh. Thương mại tư nhân của Sơn La còn nhiều hạn chế về trình độ phát triển. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang bị và phương tiện làm việc, trình độ của cán bộ công nhân viên trong quản lý Nhà nước về thương mại chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ mới.
Bốn là, hỗ trợ kinh phí XTTM với định mức thấp, điều kiện quá chặt chẽ, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, nên số lượng DN, HTX và hộ gia đình nhận được kinh phí còn rất hạn chế, quy mô kinh phí nhỏ bé, nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng.
2.3.2.3. Nguyên nhân của điểm yếu * Nguyên nhân từ chính quyền tỉnh
Thứ nhất, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và giải pháp XTTM còn chậm đổi mới, thiếu nhất quán và chưa phù hợp với các cam kết quốc tế. Nguồn kinh phí hỗ trợ là các nguồn được lấy từ Ngân sách nhà nước, hiện nay nguồn ngân sách nhà nước vẫn đang nghèo nàn, cơ chế giải ngân vẫn chưa được thông thoáng trong khi đó ngân sách các tỉnh miền núi đa số rất thấp (chỉ tự chủ được khoảng 20%). Đây là thách thức lớn đối với chính quyền tỉnh.
Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của quản lý nhà nước còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, dàn trải. Việc triển khai công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động XTTM phát triển thương mại tư nhân trên địa bàn tỉnh có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt, uốn nắn kinh tế tư nhân trong lĩnh vực thương mại theo đúng các quy định của pháp luật và định hướng phát triển
đồng thời hạn chế những hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình triển khai thực hiện quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế này còn nhiều bất cập, thiếu định hướng mục tiêu rõ ràng,dàn trải ra nhiều lĩnh vực, công tác mang tính sự vụ đã làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước như chưa có đột phá trong thúc đẩy xuất khẩu, thiếu thông tin các loại thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại chỉ dành cho hội trợ, triển lãm, kiểm soát thị trường còn gây khó khăn cho thương mại tư nhân, thiếu hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ba là, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về XTTM còn hạn chế, yếu kém. Mặc dù trong những năm qua, trình độ chuyên môn, nghiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về XTTM được nâng lên, nhưng so với yêu cầu phát triển thì chưa thể đáp ứng được. Điều này thể hiện ở trình độ chuyên môn được đào tạo chưa cao, đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu quản lý. Hơn thế nữa việc bố trí, sử dụng cán bộ, viên chức XTTM chưa phù hợp… Đã làm cho hiệu lực, hiệu quả công tác hỗ trợ XTTM trên địa bàn tỉnh Sơn La không cao.
Nguồn nhân lực (có kiến thức về XTTM) cho phát triển hoạt động xúc tiến thương mại ở các tỉnh miền núi nhìn chung là yếu và thiếu, yếu về trình độ, năng lực, thiếu về số lượng, đại đa số nhân lực được đào tạo không chính quy. Nhân lực có trình độ tập trung ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế nơi các hoạt động XTTM phát triển hơn. Ý thức và hiểu biết của người dân về thương mại, về sản xuất hàng hoá còn rất hạn chế, người dân phần lớn tham gia buôn bán để tìm kiếm chênh lệch giá là chính.
Cải cách hành chính, thủ tục hành chính tuy có tiến bộ nhưng còn rườm rà, chậm đổi mới dẫn đến hiệu quả trong quản lý Nhà nước về XTTM còn hạn chế, nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu cụ thể; còn hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn. Bộ máy quản lý Nhà nước về XTTM của Sơn La tuy đã có nhiều đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn còn nhiều thụ động. Việc ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn và quản lý Nhà nước về
thương mại tư nhân còn hạn chế và hiệu quả thấp. Việc ban hành danh mục thủ tục hành chính kèm với đó là thời gian giải quyết việc ở cơ quan hành chính trong tỉnh khá công phu, chặt chẽ như việc áp dụng ở nhiều nơi còn chưa nghiêm túc. Đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Sơn La cho thấy, trong 7 chỉ tiêu về tính minh bạch và tiếp cận thông tin có 5 chỉ tiêu đạt ở mức trung bình trở lên, còn có 2 chỉ tiêu đạt ở mức thấp.
* Nguyên nhân từ đối tượng hưởng thụ
Đối tương hưởng thụ trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về tài chính, nhân lực, quản trị còn hạn chế, cơ sở vật chất và trình độ công nghệ còn yếu kém lạc hậu; năng suất lao động thấp, sử dụng nhiều lao động thủ công tận dụng nguồn nhân công giá rẻ làm cho sức cạnh tranh kém của các doanh nghiệp; khả năng tiếp cận thông tin và tiếp cận thị trường còn nhiều vấn đề.
Chủ yếu các đối tượng hưởng thụ khó có thể nhận được các hỗ trợ của chính quyền cấp tỉnh một cách hiệu quả bởi xuất phát từ năng lực của họ, chủ yếu do các nguyên nhân sau: Nguồn vốn tài chính hạn chế; trình độ quản lý nói chung và quản trị theo chức năng còn nhiều hạn chế; về cơ sở vật chất và trình độ công nghệ còn yếu kém lạc hậu; năng suất lao động thấp, sử dụng nhiều lao động thủ công tận dụng nguồn nhân công giá rẻ làm cho sức cạnh tranh kém của các doanh nghiệp; khả năng tiếp cận thông tin và tiếp cận thị trường còn nhiều vấn đề.
* Nguyên nhân khác
- Do điều kiện về vị trí địa lý, địa hình, hạ tầng giao thông không thuận lợi trong lưu thông, tiêu thụ hàng hóa. Cước vận tải lớn, thời gian vận chuyển lâu ảnh hưởng tới chi phí và chất lượng hàng hóa. Xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thuộc tỉnh khó khăn nên vốn đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích cho phát triển công nghiệp quá thấp.
- Quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực đem lại nhiều cơ hội xong cũng không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sản phẩm quả của Sơn La phải có
thương hiệu, chất lượng cao hơn. Trong khi đó các sản phẩm quả của Sơn La chưa khẳng định và bền vững, sản phẩm chưa có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh thương mại tăng cao, tuy nhiên việc thu xếp vốn đầu tư còn khó khăn do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ, đầu tư làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra.
CHƯƠNG 3
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HỖ TRỢ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI MẶT HÀNG QUẢ CHỦ LỰC
CỦA CHÍNH QUYỀN TỈNH SƠN LA