1.2.1. Khái niệm, vai trò và nguyên tắc của hỗ trợ xúc tiến thương mại của chínhquyền tỉnh quyền tỉnh
* Khái niệm hỗ trợ xúc tiến thương mại của chính quyền tỉnh
Hỗ trợ XTTM của chính quyền cấp tỉnh là việc chính quyền cấp tỉnh thông qua các chính sách của Nhà nước và của tỉnh, các giải pháp và công cụ phù hợp giúp cho thương nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh.
Theo khái niệm trên, các yếu tố cơ bản gồm:
- Chủ thể hỗ trợ: HĐND, UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Khoa học và công nghệ, Sở Kế hoạch và đầu tư,.. và một số tổ chức tham gia hỗ trợ (Ngân hàng, tổ chức hỗ trợ, tổ chức chính trị xã hội).
- Nội dung hỗ trợ chủ yếu: Hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu; Hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền, kết nối giao thương; Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực XTTM; Hỗ trợ kinh phí XTTM.
* Vai trò hỗ trợ xúc tiến thương mại của chính quyền tỉnh
Hỗ trợ xúc tiến thương mại là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung; phát triển thương mại nói riêng. Nhà nước thông qua bộ máy chính quyền các cấp từ trung ương cho đến địa phương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân phát huy được tính chủ động sáng tạo, tận dụng các thế mạnh, mở rộng mối liên kết với các loại thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước đứng vững trên thị trường; phát triển kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.
Thực hiện hỗ trợ xúc tiến thương mại là một nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại. Nội dung này nhấn mạnh tới việc quy định rõ trách nhiệm của tỉnh/thành phố và của doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, đưa ra các yêu cầu đối với cơ quan tổ chức xúc tiến thương mại. Hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp về nội dung, nghiệp vụ và phương pháp tiến hành xúc tiến thương mại. Kiểm tra hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
* Nguyên tắc hỗ trợ xúc tiến thương mại của chính quyền tỉnh
Việc hỗ trợ XTTM phải thực hiện theo các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, hỗ trợ XTTM được thực hiện nhất quán với chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là một bộ phần cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, do đó đều có thể nhận được hỗ trợ của chính quyền tỉnh nếu đáp ứng các điều kiện cần thiết.
Thứ hai, hỗ trợ XTTM phải phù hợp từng giai đoạn và gắn với mục tiêu phát triển của từng lĩnh vực và đặc biệt là gắn kết với điều kiện riêng của từng địa phương.
XTTM cho sản phẩm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của vùng kinh tế, quốc gia, phát triển thị trường xuất khẩu; Nâng cao hiệu quả nhập khẩu, phục vụ phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu; Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ngoại thương theo từng thời kỳ; Chương trình XTTM được Thủ tướng ban hành, có cơ chế phối hợp của bộ, ngành; Bộ Công Thương chủ trì, đầu mối; XTTM xuất khẩu, nhập khẩu liên kết giữa các bộ, ngành, giữa các ngành hàng hoặc giữa các địa phương; Triển khai thông qua các đề án thực hiện Chương trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định,
được ngân sách nhà nước hỗ trợ;
Đơn vị hưởng thụ các hỗ trợ phải có uy tín, mang tính đại diện, có năng lực tổ chức.
Thứ ba, hỗ trợ XTTM gắn với các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Hỗ trợ XTTM giúp cho thương nhân phát triển nâng cao chất lượng,hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển số lượng, đạt hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo. XTTM gắn với phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển ngành nghề truyền thống, trong đó đặc biệt hỗ trợ các thương nhân vùng sâu, vùng xa.
Thứ tư, hỗ trợ XTTM phải gắn với lộ trình cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Khi Việt Nam gia nhập tổ chức này, việc hỗ trợ không thể theo chiều hướng bảo hộ trong nước, mà phải tuân thủ theo lộ trình cam kết mở cửa. Nhất là những địa phương có các mặt hàng xuất khẩu cũng cần phải có chiến lược thâm nhập thị trường ngoài nước một cách cận trọng, bởi lẽ với quy chế thành viên của WTO chúng ta cần đảm bảo các tiêu chuẩn chặt chẽ của quốc tế đối với chất lượng các mặt hàng xuất sang các nước bạn. Do đó, cần phải có sự chuẩn bị như sau:
- Cung cấp đầy đủ thông tin và lộ trình cam kết để các thành phần kinh tế xây dựng chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
- Hỗ trợ XTTM để thương nhân tiếp cận các nguồn lực, nắm bắt thông tin điều kiện để gia nhập vào các thị trường xuất phát từ tiềm năng thế mạnh sản phẩm của mình và các nguồn lực khác mang yếu tố nước ngoài nhằm phát huy thế mạnh và hạn chế những bất lợi để phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vươn xa hơn nữa trong các thị trường khu vực và trên thế giới.