6. Bố cục luận văn
3.3. Văn hóa tinh thần
3.3.1. Quan niệm về sinh đẻ và nuôi con
Phụ nữ Dao Thanh Phán có thai khi may vá kiêng mặt trời chiếu thẳng vào bụng vì sợ con bị lác, bị ngạt, kiêng bước qua dây thừng, kiêng chuyển chỗ ngủ vì sợ đẻ non. Họ đẻ ngồi trong buồng, mẹ chồng, em dâu thường là người đỡ đẻ. Nhau trẻ được gói rồi đem treo lên cành cây, là con trai thì treo cao, con gái treo thấp. Người ta cắt rốn bằng cật nứa hoặc buộc chỉ. Nếu khó đẻ, người ta dùng vảy tê tê và lá cây đìu hiu đốt lên rồi pha vào nước cho uống. Nếu đẻ ngược, hay quái thai, người ta cho là điểm gở, đứa trẻ mang tang tóc đến cho gia đình phải mời thầy cúng về làm vía giải hạn. Thầy cúng lấy thúng úp lên đứa trẻ, đọc phù trú trừ tà [31, tr. 532].
Trẻ đẻ ra được tắm nước ấm đun từ lá bưởi, lau khô rồi quấn tã lót. Người mẹ phải ở cữ 30 ngày kể từ khi đẻ. Trong thời gian này, sản phụ được bồi dưỡng thịt gà mái rang gừng muối, ăn cơm lam. Trong thời gian ở cữ, người mẹ kiêng ăn mỡ, các thức ăn tanh như: tôm, trứng kiêng tắm nước lã vì sợ lưng còng, trẻ mọc lông như lông gà. Trong thời gian ở cữ, chủ nhà cắm lá xanh trước cửa làm dấu hiệu kiêng cữ. Cành lá cắm ngả ra phía ngoài tức sinh con trai, ngả vào trong là con gái. Trẻ sinh được 3 ngày, người ta cho mời thầy cúng đến thịt gà cúng ma nhà, làm lễ đặt tên. Hôm đó chủ nhà đặt mâm xôi gà lên bàn thờ cúng báo để tổ tiên chứng nhận một sinh linh mới ra đời. Tên do bố mẹ đặt với nguyên tắc tên đệm không trùng với tên đệm những thành viên trong gia đình dòng họ. Thầy cúng ghi tên, ngày tháng năm sinh, giờ sinh... vào sổ gia phả của gia đình. Nếu con gái đặt tên xong người ta tiến hành xâu tai cho trẻ.
Các họ của người Dao Thanh Phán ở huyện Hải Hà gồm có các họ Dường, Chíu, Chìu, Sản, Tằng, Đặng, Voòng... Cách đặt tên đệm của người Dao Thanh Phán trước đây con trai đặt là A. Con trai cả đặt A Tài, thứ hai A Nhì, thứ ba Á Xám, thứ tư A Xí, thứ năm là A ửng, thứ sáu A Lộc. Đối với con gái, con gái cả là A Múi, thứ nhì A Nảy, thứ ba là Xám Múi, thứ tư là Xí Múi, thứ năm là Ủng Múi, thứ sáu là Tài Lửa, thứ bảy là Tài Chiết.
Cách đặt tên này phân theo thứ tự người trong gia đình, với dòng họ cách này dễ gây sự nhầm lẫn tên anh chị em trong dòng họ hoặc tên người ở các dòng họ khác. Ngày nay, cùng với cách đặt tên như trước đây, người Dao Thanh Phán quy định các tên đệm trong thứ bậc của dòng họ. Tên đệm 9 đời của dòng họ Dường (thôn 1, xã Đường Hoa): Dì, Chống, Cắm, Phúc, Sỏi, Quay, Chăn, Vằn, Sáng.
Đàn ông người Dao Thanh Phán ngoài tên gọi thông thường thì cần phải có một tên âm. Tên âm này sẽ được đặt tại lễ cấp sắc đặt tên. Tên âm có vai trò quan trọng đối với người đàn ông Dao Thanh Phán và quy định bắt buộc phải có. Tên này sẽ đi theo suốt cuộc đời của họ để báo cáo với tổ tiên dòng họ, cúng bái và để có thể trở về đoàn tụ với tổ tiên, dòng tộc sau khi chết.
Người Dao Thanh Phán thường chiều con cái nhất là con trai ít khi đánh đập, mắng mỏ trẻ con. Tâm lý của đồng bào thích đẻ nhiều con, nhất là con trai để có người nối dõi, thờ phụng. Trẻ em thường phải tập lao động từ sớm, theo cha mẹ lên nương, hái lượm, bắt tôm cá, chăn trâu bò, bế em nhỏ. Tuy nhiên, ở tuổi thiếu niên, trẻ em thường làm các việc theo phân công lao động giỏi [46].
Một nét độc đáo trong quan niệm của người Dao Thanh Phán về cách xưng hô. Họ quan niệm rằng người nào lớn tuổi hơn là bậc anh, người ít tuổi là bậc em, không tính theo thứ bậc anh em họ hàng và không chia vai vế. Kể cả là con của bác nhưng ít tuổi hơn vẫn là bậc em.