Tập quán ma chay (Chẩu miên)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đời sống kinh tế, văn hóa của người dao thanh phán ở huyện hải hà tỉnh quảng ninh (1986 2018) (Trang 77 - 80)

6. Bố cục luận văn

3.3. Văn hóa tinh thần

3.3.3. Tập quán ma chay (Chẩu miên)

Cũng như ở nhiều dân tộc khác, đồng bào Dao Thanh Phán quan niệm con người gồm hai phần: Thể xác và linh hồn. Cái chết chưa phải đã hết, người chết vẫn theo dõi mọi sinh hoạt của con cháu trong gia đình và đôi khi thường vòi "ăn" với con cháu. Đối với người Dao Thanh Phán nói chung và người Dao Thanh Phán ở Hải Hà nói riêng có 3 loại chết: Chết non, chết yểu (tạy lủn); Chết già (tạy củ); Chết bất đắc kỳ tử (tạy sung). Trường hợp chết bất đắc kỳ tử, người ta không mang tử thi vào nhà, chỉ liệm ở ngoài sân, rồi cho vào quan tài đem chôn sau đó mới làm chay tiễn hồn. Việc làm chay cũng đơn giản, chủ yếu là cúng báo với tổ tiên nhưng nhất thiết phải làm lễ giải hạn cho người xấu số. Khi tắt thở, người ta tắm rửa tử thi bằng nước ấm đun từ lá chè, thay quần áo mới (2 - 3 bộ), đầu đội mũ, chân đi tất, rồi liệm bằng vải trắng hai ba lượt. Liệm xong, tử thi được đặt trên giường, đầu gối bằng 2 cái bát, quay về phía bàn thờ ma nhà, buông màn rủ, trên phủ một chiếc chăn mỏng hay vải trắng trùm kín từ đầu đến chân. Đám tang của người Dao Thanh Phán gồm các lễ sau: Lễ xôi gà; Lễ nhập quan; Lễ xuất hành; Lễ cúng cơm; Lễ làm chay.

Lễ xôi gà

Khi có người chết, con cháu trong nhà phân công nhau đi báo tin cho anh em họ hàng xa gần, đồng thời người nhà làm lễ xôi gà (bát cơm, quả trứng bát hương) đặt phía đầu tử thi. Người ta kê một cái bàn mới bên cạnh bàn thờ ma nhà. Trên đó đặt 1 con gà luộc, 1 bát hương, 2 cây chuối nhỏ, 2 cây nến (hoặc 2 ngọn đèn), 2 tấm gỗ dán giấy trắng có ghi họ tên và ngày sinh, ngày mất của người quá cố, 2 gói gạo gói bằng vải

trắng. Người nhà tháo các tấm vách ở mặt tiền của nhà để thêm phần rộng rãi, thoáng đãng. Thầy cúng, cúng báo với tổ tiên về việc hệ trọng này [1] [46].

Khi con cháu họ hàng có mặt đông đủ, tất cả đều được chít khăn tang. Sau đó, tất cả mọi người khóc một lượt để tỏ lòng thương xót người quá cố và chính thức phát tang. Ở người Dao Thanh Phán, nếu làm chay luôn thì đám tang kéo dài trong 3 ngày đêm, cúng hàng trăm bài với nhiều nghi lễ phức tạp. Gia chủ phải thịt lợn cúng tiễn hồn người chết. Nếu chưa làm chay (chẩu chỉ) chỉ cúng trong một đêm bằng nhiều nghi thức, công đoạn. Khi phát tang xong, gia chủ đi mời thầy cúng về để làm các nghi thức trong đám tang. Ngoài thầy cả còn 2 thầy phụ giúp việc.

Lễ nhập quan

Ở người Dao Thanh Phán, người ta kiêng đóng quan tài sẵn, vì như thế là không có đạo đức với cha mẹ, muốn cha mẹ chết sớm, khi tắt thở, người ta mới đóng quan tài. Đóng xong, quan tài được khiêng về đặt ở sân trước nhà, xung quanh quan tài dán giấy 5 màu. Thầy cúng phụ cầm quẻ âm dương cúng bài mộc tinh rồi mới đưa vào trong nhà. Ở trong nhà thầy chính cúng bài dẫn đường bằng một con gà sống đặt phía đầu tử thi. Sau đó, mới bỏ tử thi vào quan tài. Quan tài được lót chiếu rồi bỏ tử thi vào, trên phủ vài lưới vải, quần áo của người quá cố rồi đậy nắp chéo chưa đóng đinh. Thời gian từ khi phát tang cho đến khi đưa tử thi vào quan tài kéo dài đến nửa đêm. Thầy cúng phải đọc hàng trăm bài cúng gồm các lễ lập bàn thắn, cấp thủy, lễ dâng rượu và gia súc, lễ phá ngục, dẫn đường, lễ cúng các thánh... Cuối cùng thầy cúng cầm gươm, chít khăn đỏ, dây lưng trắng, cầm cành lá xanh quạt đập vào quan tài, yểm bùa đọc phù chú rồi mới đậy nắp chốt đinh.

Lễ xuất hành

Thầy cúng đọc bài xuất hành xong, ông ta cầm cành cây lá xanh và thanh gươm đi xung quanh nhà, vào trong bếp, trong buồng, vừa đọc phù chú yểm bùa, vừa gõ thanh gươm vào cột nhà, cột bếp cửa, giường để yểm bùa. Đi lại như thế 3 lần, rồi vào cùng 1 lúc, xong ông ta ngậm nước lã phun 4 lần về 4 hướng. Quan tài được khiêng ra trước cửa đặt xuống. Thầy cúng dùng thanh gươm chém vỡ bát ở phía sau quan tài rồi khiêng ra đồng, khi đi chân đi phía trước, đầu phía sau. Quan tài chỉ khiêng 1 đòn, vừa đi vừa đánh trống. Người con cả cầm cành vạn, mâm cơm và 1 con gà sống ra huyệt trước. Thầy cúng đi sau cùng. Giờ xuất hành không có quy định cụ thể, tuỳ theo tuổi từng người có thể đi tối hay sáng, đêm hay ngày.

Người Dao Thanh Phán không chôn theo dòng họ mà còn rải rác. Huyệt chọn chỗ đồi gò không trũng nước. Con cả trực tiếp chọn nơi, sau đó thuê người khác đào. Người đào huyệt chém 4 phát xẻng lấy lên một miếng đất đầu tiên hình vuông. Sau đó đào sâu khoảng 1,5 mét. Hướng huyệt tuỳ thuộc vào năm. Phía đầu có chôn hòn mồ làm dấu ghi nhớ. Quan tài khiêng ra đến nơi, người con cả quay về trước bằng đường khác. Thầy cúng đọc bài tiễn biệt lần cuối rồi hạ huyệt, đắp ụ cao. Trên mặt đặt miếng đất vuông lúc đào ban đầu và cắm hướng. Thầy cúng về thứ 2, dọc đường về cứ một đoạn chỗ đường rẽ, thì ông ta cắm 3 nhát lá xanh xuống mặt đường, đọc phù chú, yểm bùa. Cứ làm như vậy 3 lần thì thôi. Việc cắm cành lá xanh xuống đường tượng

trưng cho việc rào đường không cho hồn người chết quay về quấy phá khi chưa được đón về.

Lễ cúng cơm

Lễ này được cúng 3 lần. Lần 1 vào sáng hôm sau. Người ta bê cơm canh, chậu nước lã ra mộ mời bố (mẹ) rửa tay, rửa mặt, ăn cơm. Đồng thời con cái dùng tre nứa rào xung quanh mộ. Lần 2: bê thau nước lã, khăn mặt, cơm canh ra nửa đường thì đặt xuống khấn vài lần, chờ một lúc rồi về. Lần 3: chỉ đặt thau nước ở sân và cúng cơm trên bàn thờ. Sau 3 ngày, người ta dọn cất chiếc giường mà người chết đã nằm, đem chăn chiếu vứt bỏ [46].

Sau 3 ngày (có người 7 hoặc 9 ngày) gia chủ mời thầy cúng về thịt con gà đón ma bố (mẹ) về nhập bát hương vào bàn thờ tổ tiên. Cũng ngày này, người ta cắt giấy vàng cúng, rồi đốt hóa vàng tượng trưng cho tiền bạc nộp cho người chết để người chết tự lo liệu cuộc sống, con cháu không cúng cơm nữa.

Lễ làm chay

Như đã nói ở trên, lễ làm chay kéo dài 3 đêm. Con cháu phải nộp lợn gà để cúng tiễn hồn người chết lên trời. Nếu đời con chưa làm được thì đời cháu phải làm. Có khi vài năm, chục năm mới làm cũng được. Nội dung của lễ làm chay là việc con cháu nộp dâng lễ vật (lợn, gà) tiễn đưa hồn người chết lên trời. Lễ này thể hiện sự báo hiếu của con cái đối với công lao sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ.

Trong những ngày có tang, các em, các con, các cháu nội đều phải để tang. Hình thức để tang tuỳ từng nơi có khác nhau. Có nơi chỉ chít khăn trắng, có nơi ngoài khăn ra, mặc áo trắng (các con trai), phụ nữ mặc áo xổ gấu. Ở người Dao Thanh Phán con

rể, em dâu không phải để tang. Thời hạn để tang, chỉ sau khi cúng cơm (thậm chí sau 3 ngày) là có thể cất khăn tang. Việc kiêng kỵ không có gì lớn. Trong thời gian có tang, con cháu phải ăn chay, kiêng thịt mỡ, phụ nữ không đeo đồ trang sức khi chưa nhập bát hương vào bàn thờ tổ, con cháu không được cưới gả, làm nhà... Sau 4 năm đồng bào tiến hành bốc mộ sang cát, xương được bỏ vào tiểu đem chôn chỗ khác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đời sống kinh tế, văn hóa của người dao thanh phán ở huyện hải hà tỉnh quảng ninh (1986 2018) (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)