Hình thức gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đời sống kinh tế, văn hóa của người dao thanh phán ở huyện hải hà tỉnh quảng ninh (1986 2018) (Trang 67 - 68)

6. Bố cục luận văn

3.2. Văn hóa xã hội

3.2.1. Hình thức gia đình

Hình thức gia đình nhỏ phụ hệ là loại gia đình chủ yếu của người Dao Thanh Phán. Có thể nói rằng loại gia đình này chiếm tỷ lệ cao và phổ biến rộng rãi ở tất cả các bản của người Dao Thanh Phán ở Hải Hà. Mỗi gia đình nhỏ phụ hệ có một cặp vợ chồng, các con chưa xây dựng gia đình cùng với ông bà. Ngoài ra còn có loại gia đình có hai cặp vợ chồng và các con của họ. Thậm trí trong một gia đình có thể có 4 thế hệ gồm ba cặp vợ chồng cùng sinh sống dưới một mái nhà, làm chung, ăn chung. Loại gia đình như thế người Dao Thanh Phán gọi là tầm dòi để phân biệt với gia đình nhỏ gọi là péo tầm [31, tr. 19 – 20].

Điểm đáng lưu ý là trong gia đình người Dao Thanh Phán thường có cả những người không cùng dòng máu là dân tộc Dao hoặc các dân tộc khác(giống với người Dao Thanh Y trong huyện). Sở dĩ có tình trạng này là do tục lệ ở rể đến nay vẫn còn khá phổ biến ở người Dao Thanh Phán. Ngoài ra nhiều gia đình Dao Thanh Phán cũng nhận con nuôi. Xu hướng tiến triển của gia đình người Dao Thanh Phán ở Hải Hà là các con trai sau khi lấy vợ, nếu có điều kiện thì tách ra ở riêng và thường dựng nhà gần bố mẹ. Khi tách ra ở riêng cặp vợ chồng trẻ được bố mẹ chia cho tài sản như ruộng, trâu, gia cầm, công cụ sản xuất, để có vốn liếng ban đầu nhằm đảm bảo cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.

Trong gia đình Dao Thanh Phán, chủ gia đình phải là đàn ông nếu bố chết, con trưởng sẽ thay thế. Trong gia đình, người bố luôn luôn giữ vị trí quan trọng có trách nhiệm chăm lo các công việc liên quan đến các kế hoạch làm ăn, dựng nhà cửa, cúng bái, mua bán gia súc và mua sắm các đồ dùng có giá trị đồng thời có trách nhiệm giáo dục các con trai và quan hệ với người ngoài. Trong lĩnh vực sản suất, gia đình Dao Thanh Phán ở Hải Hà có sự phân công công việc khá rõ rệt. Nam giới thường làm các công việc đòi hỏi nhiều sức lực như cày, bừa. Những công việc chủ yếu do người vợ đảm nhiệm gồm có cấy hái nhổ mạ. Còn những công việc cả vợ và chồng đều làm là đắp bờ, gieo mạ, gánh mạ. Tính chất phụ hệ và thứ bậc thể hiện khá rõ trong gia đình người Dao Thanh Phán. Trong công việc hàng ngày, vợ thường nghe lời chồng, con cái nghe lời cha mẹ, em nghe lời anh chị. Quan hệ chặt chẽ trong gia đình cũng là quan

hệ thứ bậc trong họ tộc. Điều này được phản ảnh rõ nét trong hệ thống tên đệm của từng dòng họ. Nhìn vào đó, người ta có thể phân biệt được những người cùng thế hệ và lứa tuổi. Cũng nhờ nhận biết tên đệm của mỗi thế hệ mà các thành viên trong dòng họ có cách ứng xử thích hợp với họ hàng của mình. Trong quan hệ ứng xử giữa con dâu và bố chồng anh chồng chú bác giữa con rể và mẹ vợ đều có sự qui định chặt chẽ. Con dâu không được đến chỗ ngủ của bố chồng, anh chồng và ngược lại, bố chồng anh chồng cũng không đến chỗ ngủ của con dâu, em dâu. Trước đây, khi có mặt bố chồng và anh chồng, con dâu không được ngồi trên ghế mà chỉ được ngồi xổm, hay ngồi xuống đất để bày tỏ thái độ tôn kính đối với người trên. Con dâu có thể ngồi ăn cùng mâm với bố mẹ chồng nhưng phải có bát thức ăn riêng [31].

Tính chất phụ hệ ấy còn thể hiện rõ trong mối quan hệ tài sản. Tài sản của gia đình gồm có nhà ở, ruộng vườn, trâu, lợn, gia cầm, công cụ sản xuất. Khi bố mẹ chia tài sản, các con trai được phần bằng nhau, bố mẹ sống với người con nào thì người con đó được hưởng phần tài sản của bố mẹ. Nói chung, bố mẹ thường ở với con trai út, do đó con trai út thường được hưởng phần nhiều hơn. Con gái không được hưởng tài sản của bố mẹ. Khi đi lấy chồng được bố mẹ cho một cái hòm, một chăn, một chậu, một chiếu, một màn, hai bộ quần áo, một đôi dép và một cái giường (nếu có). Con gái có chồng ở rể thì được quản lý toàn bộ tài sản do bố mẹ để lại. Bố mẹ tự chia tài sản cho các con trai, còn khi chia hồi môn cho các con gái dứt khoát phải mời ông cậu đến chứng kiến.

Tính chất phụ hệ trong gia đình người Dao Thanh Phán còn thể hiện trong quan niệm về sinh con. Họ thường mong muốn sinh con trai đầu lòng và thích có nhiều con trai vì theo quan niệm cổ truyền, con trai là người duy trì dòng giống của gia tiên, kế thừa tài sản. Vì thế không chỉ những người không có con trai đi tìm con nuôi, mà cả những người đã có con trai cũng muốn có thêm con nuôi. Người ta không chỉ nuôi con nuôi cùng dân tộc mà còn nuôi cả con khác tộc. Con nuôi đều được đối xử và hưởng tài sản như con đẻ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đời sống kinh tế, văn hóa của người dao thanh phán ở huyện hải hà tỉnh quảng ninh (1986 2018) (Trang 67 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)