Văn học nghệ thuật và tri thức dân gian

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đời sống kinh tế, văn hóa của người dao thanh phán ở huyện hải hà tỉnh quảng ninh (1986 2018) (Trang 89 - 93)

6. Bố cục luận văn

3.3. Văn hóa tinh thần

3.3.6. Văn học nghệ thuật và tri thức dân gian

Văn học nghệ thuật

Đồng bào Dao có truyện cổ, thơ ca rất phong phú và đa dạng. Đồng bào hay kể các chuyện cổ vào ngày tết, đêm trăng… Có loại truyện kể bằng văn xuôi và chuyện kể bằng thơ. Nội dung các truyện thường đề cập tới mâu thuẫn giữa thiện và ác, người siêng năng và kẻ lười biếng, Truyện đề cao sự lao động sáng tạo của con người. Loại truyện thơ được in thành sách tập trung nhiều vào truyện “Bàn Vương”. Đây là một truyện thơ dài, đồng thời là một bài cúng, phản ánh những quan niệm của người Dao nói chung và nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc muôn vật, nguồn gốc người Dao…

“… Thái cự tiên sinh, sinh ra Bàn Cổ Khai bảo nguyên niên vua ra đời

Chưa có trời mà đã có đất

………..”

Nội dung được đề cập nhiều nhất trong thơ ca của người Dao là đề cao lao động, ca ngợi thiên nhiên tình yêu trai gái. Trong thơ ca, đức tính siêng năng lao động luôn được coi trọng nhất:

Dắt chéng cay đày niàng slỏ hí, Keng quấy tủi chẩn niàng hí slắn”.

(Gà gáy canh một em đã thức

Queng quý giục xuân em đã đi) [9, tr. 301-302].

Hay tình yêu tha thiết, dạt dào, cảnh đẹp thiên nhiên của người Dao luôn gắn với tình yêu lao động. Tình cảm trong thơ ca của người Dao vừa sâu sắc, vừa tế nhị. Một chàng trai thấy cô gái đẹp, muốn tỏ tình, thổ lộ một cách kín đáo:

Tủ chín khòa gòi sải khói ngan Màu chân tàu quái dả nản nhầm” (Thấy bông hoa nở bờ bên kia

Muốn sang hái mà không có thuyền) Cô gái đáp: “Ghiong đàn poỏng lau kỉa đẳm đâu

Mắt hiếp slổ chần lâu quái đẳm” (Anh muốn ngắt, đừng lo anh ạ Hái lá làm thuyền bơi sang lấy).

Ngoài ra, người Dao nói chung và người người Dao Thanh Phán nói riêng có nhiều thành ngữ, tục ngữ được sử dụng khá nhuần nhuyễn trong giao tiếp hàng ngày. Tục ngữ và thành ngữ của người Dao phong phú. Mỗi câu thường đúc kết một kinh nghiệm về cuộc sống như câu tục ngữ sau: “Dầu slim mò lày chẳm slay, Diếu mà xì quặn sló toòng slìn” (Có chí mài lưỡi cày thành kim, Có chí mài hòn đá thành tiền). Ngoài ra các câu tục ngữ còn được người Dao sử dụng làm lời khi hát, nhất là khi nói về sinh hoạt xã hội. Những cuộc hát triết lý thường diễn ra trong những dịp khuyên răn, nhắc nhở con cháu và mọi người làm theo phong tục, tập quán của dân tộc.

Không những thế đồng bào Dao có rất nhiều câu đố và có thể chia làm hai loại: Câu đố nói, có khi không có vần điệu, thường trẻ em vui chơi đố nhau. Ví dụ như đố về cây khoai sọ:”Cùng ngoại mà pẻng phản kà đía mài lảo chảo” (Ở trên có cái ô, ở dưới có ổ trứng); Câu đố là bài thơ dùng để hát đối nhau trong các cuộc vui hát.

Đố: “Dúng piền phảy

Dúng piền phảy phíu phảy mày mày? Dúng piềnphảy piếu phàm đằng khó? Dúng piền tráng lại dắt dằng pầy”?

(Hạt gì bé?

Hạt gì bé, thật bé tí ti Hạt gì bé có ba lần vỏ? Hạt gì lớn có một lần vỏ). Đáp: “Lày lện phảy

Lày lện phảy phíu phảy mày mày Mùi chay phảy phíu phàm đằng khó Vi ằng vìa cháng tạu đất đằng pầy.

(Hạt rau giền bé

Hạt rau giền bé nhỏ li ti Hạt kê bé có ba lần vỏ

Hạt thóc to có một lần vỏ) [9, tr. 308 – 309].

Đồng bào Dao không có nhạc cụ riêng. Họ sử dụng một số nhạc cụ phổ biến của các dân tộc ở phía Nam Trung Quốc như kèn loa, sáo, tiêu, đàn trống… Một số loại nhạc cụ làm bằng gỗ, nứa, sừng trâu… mới do đồng bào tự làm. Một loại nhạc cụ được

người Dao Thanh Phán ở Hải Hà sử dụng nhiều trong các dịp lễ, tết đó chính là kèn đồng. Người Dao Thanh Phán ở huyện hay thổi kèn đồng.

Thổi kèn đồng là một hình thức trình diễn không thể thiếu được trong tất cả các nghi thức phong tục tập quán của người Dao Thanh Phán ở Hải Hà. Tiếng kèn được vang lên báo hiệu cho mọi người về sự kiện đang diễn ra trong bản làng. Kèn đồng theo tiếng Dao gọi là “Piếng diệt”. Kèn đồng được thổi trong dịp lễ cưới, nghi lễ cầu mùa, lễ cấp sắc, tang ma và trong mỗi nghi lễ thì thổi các giai điệu khác nhau.

Thổi kèn đồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn độc đáo của người Dao Thanh Phán. Tiếng kèn với âm thanh đặc biệt nghe vang vọng cả bản làng núi rừng. Thổi kèn đồng là một sự sáng tạo hết sức độc đáo của người Dao Thanh Phán mang lại niềm vui, hạnh phúc cũng như cầu cho gia đình luôn khỏe mạnh, làm ăn phát đạt và xua đi những điều không tốt.

Người Dao Thanh Phán có dân ca dân gian, đó là pả dung. Với giai điệu dịu dàng, tha thiết, âm vực hẹp, lời ca là những câu ca dao có sẵn hoặc ứng tác, pả dung thường hát lên để giao duyên.

Nguồn gốc của làn điệu pả dung xuất phát từ trong tín ngưỡng cấp sắc. Giống như làn điệu hát then, lối hát xuất phát từ tín ngưỡng làn then của đồng bào dân tộc Tày, trong nghi lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán, ở phần cuối nghi lễ, sau khi đã thực hiện các nghi lễ cấp sắc ba đèn, bảy đèn, đặt tên cho người được cấp sắc là đến giai đoạn hát trường ca. Đây chính là những giai điệu hát pả dung. Nội dung của hát trường ca kể về nguồn gốc của người Dao Thanh Phán, hát về tổ tiên chung của người Dao là Bàn Vương, quá trình di cư, di chuyển của họ tới khai hoang và sinh sống tại vùng đất Hải Hà. Lối hát pả dung là đồng nam, đồng nữ hát đối đáp giao duyên, khi người con trai cất lên tiếng hát thì người con gái hát đối đáp lại. Có khi hát pả dung là những lời hát tự sáng tác, xuất khẩu thành lời hát đối đáp và đôi khi còn dựa vào những bài hát đã được sáng tác và dịch sang tiếng Dao Thanh Phán như bài hát: Như có bác trong ngày vui đại thắng, nhạc và lời Phạm Tuyên:

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng Ba mươi năm đấu tranh dành toàn vẹn non song

Kháng chiến đã thành công Việt Nam Hồ Chí Minh (3 lần). Lời dịch của người Dao Thanh Phán:

Ây mài pé Hồ nhua noi vui tọi hinh Lây pé chay tú pỉn pỏng hính huy hoàng Phàm chiệp hẳng bó chạ liều tú lỉu kìm sluông

Phàm chiệp hẳng dân chủ cộng hòa Bó chạ lụ pỉn cộng

Việt Nam Hồ Chí Minh (3 lần) [23, tr.15].

Hiện nay, làn điệu hát pả dung không chỉ còn là hát trường ca trong nghi lễ cấp sắc mà còn được hát trong dịp đám cưới, trong ngày hội kiêng gió, hay trong các dịp gặp gỡ tâm tình. Nội dung của pả dung có thêm những bài hát ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa. Pả dung trở thành lời tâm tình, tâm sự của đôi trai gái và là sợi dây tơ hồng gắn kết nam thanh nữ tú thành đôi vợ chồng.

Một điều cần nói đến của tộc người Dao nói chung và người Dao Thanh Phán nói riêng đó chính là hội họa. Khả năng hội họa của người Dao tập trung rất rõ trong nghệ thuật trang trí. Nó được thể hiện qua các hoa văn thêu thùa trên áo, quần, váy, khăn, các bức dệt thổ cẩm, mặt địu… Một số ít hình mẫu trong các đồ cùng bằng gỗ như vỏ dao, chuôi dao, con dấu… Người Dao thường thêu những hình mẫu rất quen thuộc gần gũi với đời sống vào khăn, áo quần của mình như con chó, con ngựa, hình chữ thập đơn và kép… Ở mũ áo của thầy cúng có hình con rồng, con hổ… Tất cả những hình họa này được đồng bào cách điệu rất tài tình.

Tri thức dân gian

Người Dao Thanh Phán có tri thức dân gian về chăm sóc sức khỏe - cộng đồng, biểu hiện quan niệm và phương thức sống hài hòa với tự nhiên, sự hiểu biết của người Dao Thanh Phán với môi trường sống. Bảo tồn và phát huy văn hóa gắn với du lịch có thể khai thác các tour khám phá sinh thái (cỏ cây trong rừng, thu hái lá thuốc bào chế để làm thuốc ngâm chân, tắm thuốc lá người Dao). Người Dao Thanh Phán có tri thức dân gian với những kinh nghiệm về y học chữa bệnh.

Người Dao sống tại những khu vực núi cao thường xuyên có sương mù quanh năm, độ ẩm cao. Đây là điều kiện sinh sôi và phát triển của nhiều loại dược liệu quý để

chữa bệnh tốt. Có các loại cây nằm trong sách đỏ Việt Nam như lan kim tuyến, ngũ gia bì, vàng đắng, sâm vũ điệp...

Từ xa xưa, người Dao Thanh Phán đã lưu giữ, lưu truyền nhiều bài thuốc gia truyền để chữa nhiều bệnh từ những bệnh cảm cúm thông thường cho đến bệnh nan y. Các bài thuốc chữa bệnh về gan, phổi, hoặc các bệnh thông thường của trẻ em, phụ nữ, người già. Bản làng đặt ra quy định, quy ước chung bảo tồn các loại dược liệu quý ở trên rừng để cùng nhau khai thác.

Ngoài ra người Dao nói chung và Dao Thanh Phán nói riêng còn có cách tính thời gian: Cách tính thời gian của người Dao hoàn toàn theo cách tính lịch của Trung Quốc. Việc tính toán thời gian có quan hệ đến sinh hoạt của đồng bào Dao như: biết ngày lễ tết, hội hè, chọn ngày cưới xin…Không những thế người Dao Thanh Phán ở Hải Hà còn bảo lưu nhiều tri thức dân gian khác như: Cách phán đoán thời tiết, khí hậu; Tri thức làm nông nghiệp; Trồng và bảo vệ rừng; Tri thức sử dụng và bảo vệ nguồn nước…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đời sống kinh tế, văn hóa của người dao thanh phán ở huyện hải hà tỉnh quảng ninh (1986 2018) (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)