Đặc điểm lâm sàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết quả vi phẫu điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tại bệnh viện trung ương thái nguyên (Trang 63 - 65)

4.2.1. Đặc điểm lâm sàng của hội chứng cột sống

Đau cột sống thắt lưng thấp là triệu chứng gặp ở tất cả các bệnh nhân. Qua hỏi bệnh và thăm khám chúng tôi thấy, hầu hết các triệu chứng đau lưng xuất hiện nhiều lần trước đó và xuất hiện từng đợt trong một thời gian dài. Thời gian diễn biến bệnh trung bình là 9 tháng, ngắn nhất có 06 bệnh nhân diễn biến trong 01 tháng. Điều đó phù hợp với cơ chế bệnh sinh của thoát vị đĩa đệm trong đó thoái hóa đĩa đệm là nguyên nhân bên trong, còn yếu tố cơ học là nguyên nhân bên ngoài. Điều đáng lưu ý là, khi triệu chứng rễ rầm rộ thì triệu chứng đau lưng thường dịu đi so với trước đó, có nhiều bệnh nhân đau lưng rất ít. Theo Peng và Yin, một trong những nguyên nhân chủ yếu là gây đau lưng do tổn thương đĩa đệm. Khi bao xơ chưa rách hoàn toàn, áp lực nội đĩa tăng cao tác động vào chỗ bao xơ bị rách, bị tổn thương do vi chấn thương sẽ tác động lên thụ thể cảm giác vùng bao xơ gây nên triệu chứng đau lưng. Khi thoát vị đã vỡ ra khỏi bao thì áp lực nội đĩa giảm nhanh và đau lưng vì thế cũng giảm. Bên cạnh đó, khi xuất hiện triệu chứng chèn ép rễ cũng làm giảm bớt sự chú ý của bệnh nhân về đau lưng. Co cứng cơ cạnh sống là thể hiện sự co khối cơ vùng thắt lưng do phản ứng đau mạnh. Trong nghiên cứu có 94,9%% bệnh nhân có dấu hiệu co cơ cạnh sống. Lệch vẹo cột sống thắt lưng gặp ở 2 bệnh nhân, đây là những trường hợp thoát vi đột ngột sau một sang chấn mạnh [52]. Động tác cúi người về phía trước được thể hiện qua chỉ số Shőberg, tỷ lệ 97,4%.

Triệu chứng kinh điển trong thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là đau kiểu rễ chi phối và kèm theo là vùng rối loạn cảm giác của rễ đó. Khi khối thoát vị chèn ép nhiều có thể gây liệt vận động. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu trên thực nghiệm và trên người cho thấy, nếu chỉ cơ chế chèn ép đơn thuần sẽ chỉ tạo ra triệu chứng rối loạn cảm giác và rối loạn vận động, trong khi đó hiện tượng đau vùng rễ chi phối là do cơ chế viêm tạo ra. Sự viêm, kích thích rễ thần kinh có thể tạo ra do bị chèn ép lâu, dẫn đến hiện tượng thiếu máu vi thể của rễ , hoặc cơ chế không do chèn ép mà là do yếu tố hóa sinh. Các nghiên cứu gần đây cho thấy vai trò của các yếu tố cytokines, prostaglandin E2, interleukin-6 trong nhân nhày của đĩa , khi vỡ sẽ kích thích, viêm rễ. Hiện tượng này giải thích tại sao có những trường hợp rất đau chân nhưng hình ảnh cộng hưởng từ thoát vị lại nhỏ, và không gây rối loạn vận động cũng như cảm giác. Trong nghiên cứu của chúng tôi, triệu chứng đau dọc theo rễ thần kinh chi phối gặp ở tất cả các bệnh nhân. Theo Bono, dấu hiệu Lasègue dương tính là một trong dấu hiệu quan trong chứng tỏ có sự chèn ép rễ do bệnh lý đĩa đệm. Nghiệm pháp sẽ dương tính khi chân bệnh nhân đưa lên một góc dưới 70 độ. Nếu trên 70 độ mà đau thì không phải do nguyên nhân của đĩa đệm. Nghiệm pháp rất tốt để đánh giá các rễ L4, L5, S1. Khi Lasègue chéo dương tính thì đó là dấu hiệu gợi ý mạnh mẽ cho chẩn đoán một thoát vị đĩa đệm và có thể là một khối thoát vị lớn [25]. Trong nghiên cứu có 94,9% các trường hợp có nghiệm pháp Lasègue dương tính , trong đó Lasègue dương tính cả 2 chân gặp 5 trường hợp, chiếm 12,8%. Triệu chứng rối loạn cảm giác gặp ở phần lớn các bệnh nhân, trong đó chân trái tỷ lệ 79,5%, chân phải tỷ lệ 38,5%. Rối loạn vận động mất vận động gặp ở 1 bệnh nhân chiếm 2,6%. Dấu hiệu Déjerine gặp ở 84,6%. Cũng theo Bono, tỷ lệ Lasègue dương tính thường khoảng 90% các trường hợp. Nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với một số nghiên cưu khác như: Bùi quang Tuyển, Ngô Tiến Tuấn, Vũ Quang Bích. Qua đây chúng tôi thấy rằng, việc hỏi bệnh, thăm

khám bệnh để phát hiện ra các triệu chứng lâm sàng, tìm các dấu hiệu kích thích rễ là những việc làm cần thiết để hướng tới chẩn đoán thoát vị đĩa đệm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết quả vi phẫu điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tại bệnh viện trung ương thái nguyên (Trang 63 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)