Hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng tiến tới xây dựng xã hội học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hội khuyến học thành phố hạ long tỉnh quảng ninh từ năm 2004 đến năm 2018 (Trang 73 - 80)

6. Cấu trúc của luận văn

2.4. Hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng tiến tới xây dựng xã hội học

Xây dựng xã hội học tập là yêu cầu cơ bản và cấp thiết của chủ trương phát triển kinh tế tri thức - một nền kinh tế đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao, bao gồm những lao động tri thức trong mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân. Trong đó, mọi người dân được khuyến khích, hỗ trợ học tập, vừa học vừa làm, học liên tục thường xuyên, không ngừng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong xu thế toàn cầu. Xây dựng xã học tập là xây dựng hệ thống giáo dục mở có giáo dục trong nhà trường và giáo dục ngoài nhà trường, giáo dục cho mọi người và mọi người cho giáo dục.

Ngày 19/01/2001, Hội nghị lần III của BCH Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã đề cập đến vấn đề xây dựng xã hội học tập…

Năm 2002, BCH Trung ương Hội đã nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng xã hội

học tập bằng 10 biện pháp tác động vào nhà trường, 12 biện pháp tác động vào đối tượng ngoài nhà trường nhằm tạo điều kiện cho mọi người ai cũng được học tập, học tập suốt đời.

Ngày 27/10/2003, trong công văn số 176/CVCP-TB của Chính phủ đã giao cho Hội Khuyến học Việt Nam cùng Bộ GD-ĐT xây dựng đề án “Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”. Một trong những cách thức tổ chức hiệu quả của xã hội học tập là xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng.

Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là cơ sở giáo dục được thành lập tại xã, phường, thị trấn, hoạt động theo phương thức giáo dục không chính quy. TTHTCĐ lập ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi, ai cũng có thể đến đó để học, là nơi sinh hoạt chính trị, văn nghệ, thể thao,… nơi các ban ngành đoàn thể tổ chức mít tinh, hội họp…cùng phối hợp với nhau thực hiện thành công các chương trình kinh tế, xã hội địa phương.

Như vậy, TTHTCĐ là cơ sở giáo dục phi chính quy, có nhiều chức năng. Nó đã đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy”, học thường xuyên, học suốt dời với những hình thức linh hoạt, phù hợp với mọi người ngay tại địa phương.

Mô hình TTHTCĐ đã được xuất hiện rất sớm trên thế giới, như Nhật bản (1946), Thái Lan (1977), Ấn Độ (1994), …

Thực hiện chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng xã hội học tập theo đúng quan điểm của Đảng, đó là luôn tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Để dáp ứng nhu cầu học tập liên tục và suốt đời của người dân, những năm qua Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư hệ thống trường, lớp. Trên toàn tỉnh đã phủ khắp TTHTCĐ, bên cạnh đó, còn phát triển mạng lưới cơ sở nghề nghiệp và hình thành các trung tâm tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống ở nhiều địa phương.

Thành phố Hạ Long là một trong những địa phương xây dựng và hình thành được mạng lưới TTHTCĐ sớm trong tỉnh. Với phương châm “cần gì học nấy”, Hội khuyến học thành phố Hạ Long đã phối hợp chặt chẽ với các cấp quản lý giáo dục và

2008 thành lập được 4 TTHTCĐ đi vào hoạt động tại các phường: Hùng Thắng, Hà Tu, Hà Trung, Đại Yên. Đến năm 2010 toàn thành phố hiện đã có 20/20 phường thành lập TTHTCĐ, đạt tỷ lệ 100%. Tại mỗi phường, các TTHTCĐ đã chủ động phối hợp, liên kết vơí các phòng ban chuyên môn, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan doanh nghiệp trong việc khai thác các hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của trung tâm như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền về pháp luật, mở các lớp dạy nghề, các lớp phổ biến kiến thức, các hoạt động văn hoá, thể thao. Cụ thể từ năm 2005-2010:

Tổ chức 126 chuyên đề, trong đó có 18 chuyên đề tự biên soạn, 108 chuyên đề mời báo cáo viên hoặc dựa trên tài liệu đã phát hành.

Số lớp học đã tổ chức: 279

Số người tham gia:15.388 lượt người.

Số báo cáo viên, giảng viên tham gia lớp học: 124 người

Tham gia biên soạn 7 bộ học liệu địa phương gửi Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, gồm: TTHTCĐ Phường Hồng Gai (01), Bãi Cháy (01); Hà Tu (01); Cao Xanh (03); PGD (01) [4]. Tiêu biểu là hoạt động của TTHTCĐ phường Hồng Gai, Hà Tu, Cao Xanh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Phong, Trần Hưng Đạo... Đặc biệt là hoạt động của TTHTCĐ phường Cao Xanh đã nhận được sự đánh giá cao của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh trong đợt kiểm tra năm 2009. Thông qua hoạt động của TTHTCĐ, nhân dân có thêm các cơ hội và hình thức học tập, được học tập thường xuyên, góp phần nâng cao dân trí, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương, cải thiện đời sống nhân dân, tạo điều kiện để các gia đình chăm lo tốt hơn cho việc học hành của con em.

TTHTCĐ được xác định là một trong những kênh hữu ích để xây dựng xã hội học tập. Vì vậy, thành phố Hạ Long đã “khá mạnh tay” để đầu tư cơ sở vật chất cũng như tăng cường công tác quản lý để phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm này. Tuy vậy, việc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm này cũng gặp không ít những khó khăn. Ngoài những khó khăn chung như: thiếu kinh phí, đội ngũ cán bộ ở các trung tâm thường xuyên thay đổi do luân chuyển công tác; cơ sở vật chất thiếu thốn… các TTHTCĐ ở Hạ Long còn vướng phải khó khăn khác do mô hình này chưa nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Thêm nữa, trên địa bàn lại có

khá nhiều loại hình đào tạo, vì thế TTHTCĐ khó phát huy được hiệu quả. Trên cơ sở những văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Hội Khuyến học thành phố và Phòng GD-ĐT, đã có công văn chỉ đạo cụ thể hướng dẫn các TTHTCĐ xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động, bồi dưỡng chuyên môn, liên kết mở các lớp bồi dưỡng cộng tác viên học viên của trung tâm; đặc biệt, yêu cầu các trung tâm TTHTCĐ tiếp tục tham mưu để UBND các phường bổ sung trang sắm cơ sở vật chất theo quy chuẩn. Để giúp các trung tâm tăng hiệu quả hoạt động, Phòng GD- ĐT đã chia 20 trung tâm thành 4 cụm chuyên môn; đồng thời yêu cầu mỗi cụm chuyên môn đều phải lên kế hoạch tổ chức chuyên đề cấp cụm để trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong quản lý. Phòng cũng tham mưu để UBND thành phố ra quyết định kiện toàn lại đội ngũ cán bộ quản lý trung tâm, cấp kinh phí hoạt động với mức 17,5 triệu đồng/ trung tâm/năm.

Năm 2012, Nhân dịp kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam 2/10, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tất cả các tỉnh thành trong cả nước đồng loạt tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời với chủ đề “Học để trở thành người công dân tốt”. Thực hiện chỉ đạo này 20/20 trung tâm đã tổ chức tốt “Tuần lễ học tập suốt đời” với các hoạt động tham dự mít tinh do Tỉnh tổ chức, Khai giảng các lớp học Chuyên đề (TTHTCĐ phường Hà Phong tổ chức điểm cho toàn tỉnh). Nối tiếp đó là rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Tổ chức lớp học chuyên đề cho từng đối tượng; tọa đàm về vấn đề “Học thế nào để trở thành người công dân tốt” hay “Học tập suốt đời là chìa khóa cho mọi thành công”… Ngày 11/3/2012, cụm chuyên môn số 2 gồm các trung tâm: Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Hồng Gai, Bạch Đằng đã tổ chức lớp tập huấn “kĩ năng sửa lỗi chính tả trong sử dụng tiếng Việt”. Với tổng số 80 học viên là cán bộ, công chức phường, đoàn viên thanh niên và các em thiếu nhi trên địa bàn phường, lớp học diễn ra sôi nổi và đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền về vai TTHTCĐ trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Ngoài ra, hàng năm các trung tâm đã mở được nhiều chuyên đề thiết thực với người lao động, thuộc nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau, như chuyên đề về nấu ăn, võ thuật, thể dục thể thao, nghiệp vụ du lịch, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi, tuyên truyền “ nói không với thuốc lá”… Trong số đó, có nhiều chuyên đề bổ ích và được đánh giá cao. Điển hình như chuyên đề tuyên

truyền phổ biến kiến thức, kiến thức phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng TTHTCĐ phường Bạch Đằng và phường Hà Phong. Đây là chuyên đề được triển khai theo chương trình dự án “giáo dục phòng chống HIV trong trung tâm học tập cộng đồng” do Bộ GD-ĐT thực hiện thí điểm tại 10 phường, xã, của thành phố Hạ Long và Tiên Yên. Tham gia Dự án, thành phố Hạ long có 5 phường là: Giếng Đáy, Hà Phong, Hà Lầm, Trần Hưng Đạo, Hồng Hải. Các trung tâm được Bộ GD- ĐT tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và cung cấp tài liệu. Tuy nhiên, ngay sau khi tham gia lớp tập huấn, các trung tâm tham gia dự án đã trích kinh phí để tổ chức triển khai tuyên truyền. Không những vậy, chuyên đề này còn được phổ biến rộng rãi ở cả những trung tâm không nằm trong diện tham gia dự án. TTHTCĐ phường đã phát huy tính tích cực trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng ở địa bàn 9 khu dân cư. Biểu hiện rõ nét nhất là sự phân biệt, kì thị với người có HIV có chiều hướng giảm; giúp cho người có HIV vượt lên được chính mình có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Các TTHTCĐ triển khai thực tốt các văn bản chỉ đạo cấp trên. Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của TTHTCĐ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Năm 2017, Hội Khuyến học các phường phối hợp với TTHTCĐ tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân, như TT HTCĐ phường Hà Trung đã tổ chức 02 lớp (võ vovina và cầu lông) cho 43 học viên; TTHTCĐ phường Hà Khánh đã tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức về khoa học kỹ thuật và tuyên truyền bảo vệ môi trường khí hậu cho 95 học viên.

Năm 2018, các Trung tâm HTCĐ đã mở được hơn 25 lớp học, cho hơn 1200 học viên. Nội dung của các lớp tập trung như: Viết chính tả, chữ đẹp; Kỹ thuật nuôi trồng, chăn nuôi; Luật Hòa giải tại cơ sở; các lớp về tư vấn pháp luật, chăm sóc sức khỏe,…Hiện nay, bên cạnh nguồn kinh phí được hỗ trợ, 20/20 TTHTCĐ huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp và các tổ chức trên địa bàn phường, ủng hộ, giúp đỡ cho hoạt động chuyên môn của các TTHTCĐ ngày một phát triển. Sự phối kết hợp giữa TTHTCĐ với các đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội ở các phường ngày càng trở nên chặt chẽ và thường xuyên, đi vào nền nếp.

TTHTCĐ thật sự là tổ chức giáo dục đưa đến tận những người dân, đặc biệt là những người lao động không có điều kiện tới trường chính quy và những người nghèo có cơ hội học tập. Có thể khẳng định nếu không có TTHTCĐ ở các phường, xã thì không thể nghĩ đến việc thực hiện khẩu hiệu “ai cũng học tập” và không thể xây dựng thành công xã hội học tập, “TTHTCĐ có thể coi là phát minh quan trọng nhất mà bấy lâu nay thế giới đang tìm kiếm” [54, tr.229]. Vì vậy các TTHTCĐ được thành lập ngày càng nhiều và bám rễ vào từng thôn, ấp, bản, làng, phường, xã…từ đó góp phần nâng cao dân trí, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương và cải thiện đời sống nhân dân.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Với ý thức không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Hội Khuyến học thành phố Hạ Long đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra hàng năm, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài đã được phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, chỉ trong thời gian ngắn, các tổ chức cơ sở Hội được xây dựng đi vào hoạt động, số hội viên ngày càng đông đảo, tập hợp mọi lứa tuổi, ngành nghề và đặc biệt nhận được sự hưởng ứng tích cực của của toàn xã hội. Trên cơ sở lấy việc xây dựng “gia đình hiếu học” làm hạt nhân, các chi Hội rất chú trọng khuyến khích nhân dân xây dựng khu dân cư hiếu học, đơn vị hiếu học. Đây được xác định là yếu tố quan trọng, trong việc thúc đẩy hỗ trợ, tạo điều kiện để nuôi dưỡng và phát triển phong trào xây dựng xã hội học tập trong thành phố.

Bên cạnh đó, một trong những hoạt động có vai trò và ý nghĩa quan trọng của Hội đó là phong trào “Ba đỡ đầu”. Đây là một hoạt động sáng tạo rất riêng của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh đối với công tác khuyến học, khuyến tài. Hoạt động này đã chắp cánh ước mơ cho các số phận không may mắn có thể vươn lên thực hiện hóa ước mơ của mình. Vì thế, phong trào “Ba đỡ đầu” đã tạo sức lan tỏa sâu rộng và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm. Để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, thông qua các TTHTCĐ đã khơi dậy được nhu cầu “cần gì học nấy”, “học tập suốt đời”. Với nội dung phù hợp, TTHTCĐ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc truyền đạt kiến thức cho các tầng lớp nhân dân. Những hành động thiết thực trên, đã khẳng định vị trí nòng cốt của hoạt động khuyến học thành phố trong phong trào xây dựng xã hội học tập hiện nay.

Mục tiêu cao cả của hoạt động khuyến học ngày nay là xây dựng xã hội học tập, trong đó mọi người từ trẻ đến già đều ra sức học tập. Vì vậy, phong trào xây dựng GĐHH, DHHH, khu dân cư, đơn vị hiếu học và phong trào “Ba đỡ đầu” cứ thầm lặng đi vào cuộc sống của mỗi gia đình, dòng họ, cơ quan, trường học. Hoạt động của Hội khuyến học là người kế tục và phát triển truyền thống hiếu học của quê hương.

Chương 3

NHẬN XÉT VỀ HỘI KHUYẾN HỌC THÀNH PHỐ HẠ LONG TỈNH QUẢNG NINH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hội khuyến học thành phố hạ long tỉnh quảng ninh từ năm 2004 đến năm 2018 (Trang 73 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)