3.4.1 Đề xuất chính sách về kinh tế :
Sử dụng kết hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế khác để tạo nhiều công ăn việc làm giảm tỷ lệ thất nghiệp.
3.4.1.1 Chính sách tiền tệ :
Chính sách tiền tệ mở rộng sẽ giúp tăng trưởng đầu tư, mở rộng tín dụng từ đó sẽ tạo thêm nhiều công việc giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên nếu chính sách tiền tệ mở rộng gây ra lạm phát cao thì sẽ không có tác dụng làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực tiễn cho thấy ở nước ta những năm có tỷ lệ lạm phát quá cao thì tỷ lệ thất nghiệp
không hề giảm xuống. Lý thuyết cho thấy lạm phát cao sẽ gây ra các tác động xấu như: giá cả hàng hóa tăng cao, thu nhập thực tế người lao động giảm sút dẫn đến chi tiêu giảm, tiêu dùng giảm dẫn đến các doanh nghiệp các nhà đầu tư không mở rộng sản xuất mà xó xu hướng thu hẹp sản xuất, bất ồn kinh tế xảy ra… điều này dẫn đến nhu cầu tuyển dụng người lao động giảm lại do thu hẹp sản xuất trong xã hội, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Do đó, một chính sách tiền tệ tối ưu nhất đó là kiểm soát được lạm phát duy trì tỷ lệ lạm phát vừa phải kích thích nền kinh tế tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức tốt nhất. Để phát huy tốt nhất tác động tích cực của chính sách tiền tệ đến mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp và không gây ra lạm phát cao, tác giả kiến nghị một số giải pháp sau:
- Xác định mục tiêu chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp với từng giai đoạn kinh tế. Xác định mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ có vai trò ý nghĩa quan trọng trong định hướng, xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ. Ở nước ta, mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát và tăng trường ở mức hợp lý, hàng năm quốc hội đều thông qua mục tiêu con số cụ thể về tỷ lệ lạm phát và tốc độ tăng trưởng, đây là bước tiến tích cực và nổi bật trong điều hành kinh tế - xã hội của chính phủ nước ta. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra kế hoạch chi tiết hơn để đạt mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước mới chỉ đề ra mục tiêu tỷ lệ lạm phát theo năm nhưng chưa có đề ra mục tiêu cho từng quý một cách rõ ràng, theo tác giả kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên đề ra mục tiêu cụ thể trong điều hành chính sách tiền tệ theo từng quý, như vậy sẽ tăng cao khả năng đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm.
- Phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ. Các công cụ chính sách tiền như: công cụ dự trữ bắt buộc, công cụ thị trường mở, công cụ lãi suất… có tác động rất mạnh đến thị trường, điều tiết toàn nền kinh tế do đó Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hiệu quả để
thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng hợp lý, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước cũng cần tính toán kỹ lưỡng tác động của các công cụ chính sách tiền tệ giảm những tác động không mong muốn, tránh gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
- Tăng cường thanh tra giám sát đảm bảo an toàn trong hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng. Hiện nay vấn đề nợ xấu đang là vấn đề nổi bật trong hoạt động ngân hàng, do đó Ngân hàng Nhà nước cần có những biện pháp hữu hiệu xử lý nợ xấu và kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng ở các ngân hàng thương mại để phòng tránh nợ xấu tiếp tục gia tăng, phòng ngừa rủi ro tín dụng ở các ngân hàng, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả lành mạnh phát huy tốt vai trò ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế vững mạnh.
- Tăng cường công tác dự báo tình hình diễn biến kinh tế để chính sách tiền tệ kịp thời với diễn biến kinh tế thị trường, tránh hiện tượng chính sách tiền tệ đi sau thị trường. Chính sách tiền tệ luôn có độ trễ nhất định cần mất một khoảng thời gian mới phát huy tác dụng do đó công tác dự báo có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bên cạnh đó trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, diễn biến kinh tế quốc tế phức tạp sẽ là thách thức lớn đối với kinh tế nước ta, chính phủ nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng cần hoàn thiện công tác dự báo tình hình diễn biến kinh tế giúp các chính sách kinh tế đưa ra một cách chủ động hơn tránh phải bị động như những giai đoạn trước đây.
3.4.1.2 Chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa là một trong những chính sách chủ chốt quan trọng của chính phủ trong quản lý kinh tế vĩ mô quốc gia. Chính sách tài khóa là hệ thống các chính sách của chính phủ nhằm tác động đến các định hướng phát triển của nền kinh tế
thông qua những thay đổi trong kế hoạch chi tiêu chính phủ và chính sách thu ngân sách, trong đó thu ngân sách chủ yếu là các khoản thu về thuế.
Với mục tiêu phục hồi kinh tế và tạo việc làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, chính phủ có xu hướng áp dụng chính sách tài khóa mở rộng như giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ. Khi chính phủ tăng chi tiêu tức là tăng chi mua hàng hóa và dịch vụ sẽ tác động làm tăng tổng cầu và đồng thời giảm thuế sẽ tác động làm tăng thu nhập khả dụng cho mỗi hộ gia đình khi đó sẽ kích thích tiêu dùng tăng lên và tổng cầu tăng lên, khi tổng cầu tăng lên sẽ kích thích việc sản xuất của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất sẽ tăng nhu cầu lao động tạo thêm nhiều việc làm. Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế của chính phủ còn tác động tích cực đến các doanh nghiệp khi khuyến khích đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất, tổng cung trong nền kinh tế tăng lên và tạo thêm nhiều việc làm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Qua đó cho thấy, chính sách tài khóa mở rộng sẽ là một trong những biện pháp giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên để phát huy hơn nữa tác dụng tích cực của chính sách tài khóa đến giảm tỷ lệ thất nghiệp thì nước ta cần phải:
- Cân đối thu chi ngân sách nhà nước hợp lý. Một quốc gia có ngân sách nhà nước cân đối là tốt nhất, không phải bội thu ngân sách luôn luôn là tốt và cũng không phải bội chi ngân sách luôn luôn là xấu. Bội thu ngân sách do huy động nguồn lực quá mức cần thiết, tận thu, không xây dựng được chương trình chi tiêu tương xứng với khả năng tạo nguồn thu thì sẽ không tốt. Nếu bội chi ngân sách trong phạm vi kiểm soát được, sử dụng tiền vay hiệu quả thì giúp nền kinh tế phát triển. Trong kinh tế học thì ngân sách nhà nước thặng dư là tiêu cực vì lãng phí nguồn tài nguyên tài chính không sinh lời không tạo ra lực lượng sản xuất mới, ngân sách cân bằng cũng không tạo ra động lực phát triển, mà thâm hụt ngân sách ở mức nhất định là tích cực nhất vì nó tạo động lực cho sự phát triển. Thâm hụt ngân sách ở mức nhất định sẽ tốt cho nền kinh tế nhưng nếu thâm hụt ngân sách quá lớn sẽ gây hại cho nền kinh tế, nếu chi ngân sách
quá giới hạn sẽ làm tổng cầu tăng quá mức chịu đựng của nền kinh tế. Ở Việt Nam, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và hai năm gần đây thâm hụt ngân sách ở tỷ lệ 5,3% so với GDP đã vượt quá mức 5%, hàng năm chính phủ phải vay trong nước và ngoài nước để bù đắp thâm hụt ngân sách, do đó cần có chính sách cân đối thu chi ngân sách nhà nước hợp lý để đảm bảo duy trì thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức giới hạn cho phép.
- Tăng cường kiểm soát trong việc chi ngân sách nhà nước. Chính sách chi ngân sách nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng trong chính sách tài khóa, nếu chi sai và thiếu hiệu quả sẽ dẫn đến mất cân đối ngân sách và mất cân đối đến tổng cung và tổng cầu nền kinh tế gây ra những bất ổn kinh tế vĩ mô như lạm phát tăng cao, doanh nghiệp sản xuất khó khăn, thất nghiệp tăng lên… Hiện nay ở nước ta sử dụng ngân sách chưa thật sự hiệu quả, do đó chính phủ cần thực hiện các giải pháp: nâng cao hiệu quả sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước đóng góp cho sự phát triển kinh tế, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tập trung đầu tư vào những dự án có hiệu quả cao, ưu tiên những dự án sử dụng nhiều lao động để có thể tạo thêm nhiều việc làm góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp cả nước.
- Tăng cường đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, chống thất thu. Chính sách thu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt chính sách thuế hợp lý vừa đảm bảo là nguồn thu chính ổn định của ngân sách nhà nước và đồng thời hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển theo hướng ổn định. Bộ Tài chính cần đưa ra những chính sách thuế, chính sách tín dụng nhà nước thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, điều tiết cơ cấu nền kinh tế theo hướng ổn định bền vững từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp và kiềm chế lạm phát.
- Kiểm soát chặt chẽ về huy động và sử dụng hiệu quả nợ vay trong nước và ngoài nước. Nghị định số 79/2010/NĐ-CP [23] về nghiệp vụ quản lý nợ công là bước
đột phá của chính phủ nước ta trong việc quản lý vay và trả nợ của chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ cần chú trọng đến ngưỡng an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng, nếu nợ chính phủ tăng cao vượt ngưỡng an toàn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ lạm phát, tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp. Ngoài ra chính phủ cần xem xét thận trọng giữa chi phí vay và hiệu quả lợi ích từ việc sử dụng vốn vay, chính phủ cần cung cấp công khai minh bạch các thông tin về nợ vay và trả nợ chính phủ để đảm bảo tính hiệu quả khả thi và an toàn về nợ quốc gia.
3.4.1.3 Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa:
Việc phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, khi hai chính sách này kết hợp với nhau sẽ tác động đến kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn so với tác động riêng lẻ của từng chính sách, hoặc nếu hai chính sách này mâu thuẫn nhau cũng sẽ làm giảm hiệu quả tác động của từng chính sách và dẫn đến không đạt được những mục tiêu kinh tế vĩ mô đề ra. Để đạt được kết quả tốt nhất trong phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, từ đó thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát và đồng thời chống suy thoái, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tác giả có một số kiến nghị như sau:
- Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần đạt được sự thống nhất trong mục tiêu chính sách, tránh tình trạng trong thực tế xảy ra khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát trong khi Bộ Tài chính vẫn thực hiện chính sách tài khóa mở rộng dẫn đến giảm hiệu quả của từng chính sách và không đạt được mục tiêu chung của chính phủ đặt ra. Sự thống nhất trong mục tiêu chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có vai trò hết sức quan trọng, là tiền đề định hướng cho sự phối hợp giữa hai cơ quan Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng như phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
- Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần có sự tăng cường phối hợp trao đổi thông tin liên lạc giữa hai cơ quan về: xây dựng hoạch định chính sách, thực thi chính sách, điều hành quản lý thực hiện chính sách của mỗi cơ quan. Điều này sẽ giúp cho chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đạt được sự phối hợp nhịp nhàng linh hoạt phù hợp với mục tiêu kinh tế của từng giai đoạn, tránh xảy ra những bất cập trong thực hiện chính sách mà có sự đồng bộ nhất quán trong trong định hướng và điều hành chính sách. Đây là hai cơ quan của chính phủ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ chặt chẽ này được thể hiện thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, khi các chính sách về thuế, vấn đề về thâm hụt ngân sách nhà nước, việc phát hành trái phiếu của chính phủ đều tác động đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
- Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cùng phối hợp trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. Thâm hụt ngân sách nhà nước tăng lên và vượt quá dự toán trong những năm gần đây đang là vấn đề đặt ra đối với chính phủ do đó Bộ tài chính cần chủ động cân đối ngân sách để chủ động giảm bớt áp lực lên chính sách tiền tệ bên cạnh đó Bộ Tài chính cũng cần cung cấp nhu cầu vay nợ trong nước và ngoài nước, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ, sau đó phối hợp với Ngân hàng Nhà nước quyết định khối lượng phát hành, lãi suất và thời điểm phát hành để đợt phát hành trái phếu chính phủ thành công nhất và không gây ra những bất ổn kinh tế vĩ mô.
- Chính phủ nước ta cần giao nhiệm vụ cụ thể cho một cơ quan chính phủ chủ trì thực hiện công việc phối hợp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và chính sách tài khóa của Bộ Tài chính. Tác giả kiến nghị chính phủ nước ta nên giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện việc phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, như vậy sẽ đạt được kết quả tốt hơn vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chính phủ có chức năng: tham mưu và trình chính phủ về chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của cả nước cùng với các cân đối vĩ mô của nền kinh tế
quốc dân, xây dựng lộ trình kế hoạch sửa đổi các cơ chế chính sách quản lý kinh tế chung và chính sách kinh tế vĩ mô.
3.4.2 Đề xuất các chính sách khác: 3.4.2.1 Thu hút nhà đầu tƣ nƣớc ngoài: 3.4.2.1 Thu hút nhà đầu tƣ nƣớc ngoài:
Khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào Việt Nam sẽ gia tăng nguồn lực tài chính thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh trong nước từ đó tạo ra được rất nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động trong nước. Để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nước ta cần thực hiện các giải pháp sau:
Hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến đầu tƣ nƣớc ngoài:
Hiện nay, trong bối cảnh nguồn đầu tư nước ngoài có phần chững lại do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự cạnh tranh thu hút vốn nước ngoài ngày càng gay gắt giữa các nước trong khu vực. Do đó nước ta cần phải xây dựng các chính sách ưu