Kết quả điều tra tuyến trên hiện trường, nghiên cứu chỉ ghi nhận có 03 sinh cảnh sống của 02 loài lan Hài gồm: Sinh cảnh rừng thường xanh trên núi đá vôi (SC1); Sinh cảnh rừng thường xanh á nhiệt đới (SC2); Sinh cảnh rừng thường xanh nhiệt đới (SC3). 03 sinh cảnh có một số đặc điểm như sau:
Sinh cảnh này có diện tích nhỏ 767 ha chiếm 3,28% tổng diện tích KBT. Một phần nằm ở phía nam, một phần ở phía tây nam bản Vịn và một diện tích nhỏ khác ở đỉnh Bù Ta Leo của xã Xuân Cẩm.
Rừng đã qua tác động của con người từ việc săn bắn các loài động vật hoang dã tới thu hái các loài đặc sản và các loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao như Chò chỉ (Shorea chinensis), Đinh (Markhamia stipulata)… Tuy nhiên do địa hình hiểm trở nên tác động của con người tới quần thụ này phần nào hạn chế. Rừng vẫn đảm bảo độ tàn che 0,5-0,6%. Thành phần thực vật vẫn thể hiện tính đặc trưng cho vùng núi đá vôi cao trên 800m với ưu thế của các họ Long não (Lauraceae), họ Dâu tằm (Moraceae), họ Ô rô (Acanthaceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), họ Chè (Theaceae), họ Hoa Hồng (Rosaceae)…, trong đó phải kể đến các loài như: Re lá bời lời (Cinnamomum litsaefolium), Bời lời xanh (Litsea viridis), Rè (Machilus platicarpa), Sụ (Phoebe lanceolata), Sồi lá bạc (Qercus glauca), Dẻ lá tre (Qercus bambusaefolia), Sâng (Pometia pintana), Trâm (Syzigium sp), Dâu da (Baccaurea sapinda), Cô tòng (Croton yunanensis), Săng máu (Knema conferta), các loài trong chi Đa si (Ficus)…. Các loài cây hạt trần chỉ có Thông nàng (Podocarpus imbricatus), Thông lá tre (Podocarpus neriifolius) với số lượng không nhiều. Tầng lâm hạ thường là các loài thuộc họ Cà phê (Rubiaceae), họ Ngũ gia bì (Araliaceae), họ Ráy (Araceae) và họ Quyển bá (Selaginellaceae). Thường gặp các ưu hợp: Đinh+ Re+Thông lá tre+Trâm.
Tuy sinh cảnh này chỉ có diện tích nhỏ trong khu vực, nhưng có ý nghĩa tương đối quan trọng đối với đa dạng sinh học, mà ở đây phải kể đến đa dạng hệ sinh thái và sinh cảnh. Đây là sinh cảnh lý tưởng nhất đối với các loài lan Hài…. Việc bảo vệ hệ sinh thái này phải được lưu ý. Như chúng ta đã biết kiểu rừng trên núi đá vôi có tính chất rất mỏng manh, nếu bị tác động mạnh mà mất đi lớp thảm thực vật, thì nó sẽ nhanh chóng trở thành trạng thái núi đá
không cây. Trạng thái này rất khó hồi nguyên phải mất một thời gian dài mới có thể khôi phục độ che phủ của rừng.
Hình 4.8. Sinh cảnh rừng rừng thường xanh trên núi đá vôi
* Sinh cảnh rừng thường xanh á nhiệt đới >800 m (SC2)
Sinh cảnh này phân bố từ độ cao 800m đến 1600m, nhiều nhất ở Bù Ban phía nam Bản Vịn và một diện tích nhỏ phía tây nam bản Vịn, sau đó là khối núi Bù Gió, Bù Tà Leo, có diện tích 2.259 ha, chiếm 9.65% tổng diện tích KBT.
Kiểu rừng này ít bị tác động còn giữ được tính nguyên sinh về cơ bản. Độ tàn che 0,7- 0,8, có lâm phần có độ tàn che đạt 0,9. Thực vật chiếm ưu thế là các loài cây lá rộng thuộc các họ Dẻ (Fagaceae), họ Long não (Lauraceae), họ Thầu dầu (Euphoribiaceae), họ Đậu (Leguminoisae), họ Ngọc lan (Magnoliaceae), họ Hồng xiêm (Sapotaceae). Trong đó phải nói đến các loài cây đóng vai trò lập quần như Cà ổi (Castanopsis indicac), Sồi (Lithocapus dussaudi), Dẻ đá (Lithocarpus coatilus), Dẻ cau (Quercus fleuhy) thuộc họ Dẻ hay loài Cứt ngựa (Archidendron balansae) thuộc họ Thầu dầu, một số loài trong chi Re (Cinnamomum) thuộc họ Long não và các loài gỗ tốt thuộc họ Ngọc lan như: Vàng tâm (Manglietia fordiana), Giổi thơm (Tsoongiodendron
odorum). Ở các đỉnh núi cao trên 1200m vai trò lập quần thuộc về loài Dẻ lá tre (Quercus bambusaefolia), Cứt ngựa, Re, Côm tầng (Elaeocarpus dubilus), Giổi… Cũng ở độ cao này, đáng lưu ý là Pơ mu (Fokienia hodginsii), một loài cây gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao và kích thước cao lớn, chiếm tầng vượt tán của lâm phần có thể dễ dàng nhận thấy từ xa, đã tạo ra cho một số lâm phần có kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim. Một số lâm phần ở độ cao 800- 1200m, loài cây Sao mặt quỷ (Hopea mollissima) thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae) đóng vai trò rất quan trọng trong tổ thành loài cây.
Rừng chia làm 4 tầng: Tầng vượt tán (A1): ở độ cao trên 1200m, thường là các loài Pơ mu (Fokienia hodginsii) và Sa mộc dầu (Cunninghamia konishii), Thông nàng (Podocarpus imbricatus) những cây này có đường kính trung bình 70- 80 cm, chiều cao 30- 35m vượt lên khỏi tán rừng rất dễ nhận biết. Những lâm phần ở độ cao 800- 1200m, các cây ở tầng vượt tán thường là Gội (Aglaia sp), Trám (Canarium sp), Sấu (Dracontomelon duprttranum)…. Thường gặp các ưu hợp: Pơ mu+Sa mộc dầu+Thông nàng+Sấu.
Tầng ưu thế sinh thái (A2): Tạo nên tán rừng tương đối đồng đều, cao khoảng 20-22m với đa số cây lá rộng kể trên: Dẻ, Re, Sao mặt quỷ, Lát, Gội, Giổi, Sồi, Sến… các loài cây gỗ này có đường kính tương đối lớn, bình quân 20- 22cm, dễ dàng gặp những cây đường kính trên 40cm. Thường gặp các ưu hợp: Sao mặt quỷ Dẻ+ Re+ Giổi+ Sồi.
- Tầng gỗ dưới tán (A3): Có chiều cao 5- 10cm, gồm các loài cây nhỏ của tầng A1 và A2. Ngoài ra có các loài gỗ nhỏ khác thuộc các họ: họ Thị như các loài Thị rừng (Diospyros lanceifolia), họ Na như các loài Nhọc (Polyalthia cerasoides), Vối thuốc (Schima wallichii), Chè hoa đuôi (camelia caudata), họ Ngũ gia bì như loài Chân chim (Schefflera heptaphylla)… Thường gặp các ưu hợp: Thị rừng+Nhọc+Vối thuốc+Chân chim. Tầng này đa phần là các loài cây gỗ nhỏ giá trị kinh tế không lớn.
- Tầng thảm tươi ngoài Dương xỉ còn có Ráy, Thiên niên kiện, lá Dong, Cọ, Lá nón… ở các đỉnh núi hoặc đỉnh dông núi ở độ cao trên 100m, tầng này thường là các loài Cỏ (Poaceae sp) như Sặt (Arundiari sat).
Đây là kiểu rừng ít bị tác động nhất trong khu vực. Những tác động chính của con người tới kiểu rừng này chủ yếu là săn bắn động vật hoang dã và khai thác Pơ mu. Đây chính là loại sinh cảnh lý tưởng cho các loài lan Hài phân bố... Như vậy, kiểu rừng này là sinh cảnh ưu tiên bảo vệ trong công tác bảo tồn của KBTTN Xuân Liên sau này.
Hình 4.9. Sinh cảnh rừng rừng thường xanh á nhiệt đới
* Sinh cảnh rừng thường xanh nhiệt đới<800m (SC3)
Kiểu rừng này còn lại một diện tích nhỏ 2.801 ha, chiếm 11,97% tổng diện tích KBT, phân bố ở độ cao dưới 800m ở phía tây nam bản Vịn và phía Nam Bù Hòn Hàn. Đất dưới tán rừng Feralite vàng đỏ phát triển trên đá Granit, sa thạch phiến thạch sét,… Kiểu rừng này mới bị tác động nhẹ về căn
bản còn giữ được tính nguyên sinh, được thể hiện qua tổ thành loài cây thực vật và cấu trúc rừng. Thành phần thực vật có mặt hầu hết các họ thực vật nhiệt đới ở Việt Nam. Tuy nhiên sự ưu thế của các loài và các ưu hợp thực vật rất khó xác định. Các họ thường gặp là: Họ Đậu (Leguminoisae), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), họ Long não (Lauraceae), họ Cam (Rutaceae), họ Hoa hồng (Rosaceae), họ Xoan (Meliaceae). Ở đây có cả đại diện của thực vật di cư Phía nam lên, đó là loài Sao mặt quỷ (Hopea mollissima), đồng thời có mặt các đại diện của luồn thực vật phía tây nam đến như Chò xanh (Terminalia myriocarpa) thuộc họ Bàng (Combretaceae), và một số loài rụng lá như Săng lẻ (Lagerstroemia tomentosa) thuộc họ Tử vi (Lythraceae), Thung (Tetrameles nudiflora) thuộc họ Thung (Datisseaceae)…. Thường gặp các ưu hợp: Sao mặt quỷ+ Thị rừng+ Săng lẻ+ Vỏ mãn.
Cấu trúc rừng được chia làm 4 tầng: Tầng vượt tán (A1) : Gồm các cây gỗ lớn vượt hẳn lên khỏi tán rừng như: Gội nếp (Aglaia gigantea), một số loài trong chi Ficus, Trám (Canarium album), Thanh thất (Ailanthus tripphysa), Sấu (Dracontomelum duperreanum),….Thường gặp các ưu hợp: Gội+ Trám+ Thanh thất+ Sấu. Có chiều cao đạt tới 25- 30m, thậm chí trên 30m. Đường kính đạt tới 40- 50 cm, cá biệt có những cây đường kính đạt trên 100cm.
- Tầng ưu thế sinh thái (A2): Rất nhiều loài tham gia và tạo thành tán rừng liên tục. Có thể kể tới các loài: Mán đỉa (Albizia), Cứt ngựa (Archidendron balansae), Chẹo tía (Engelhardtia roxburghiana), Bứa (Garcinia cochinchinensis), Lim vàng (Peltophorum dasyrrhachis), Ngát vàng (Gironniera subaequalis), Côm (Elaeocarpus sp), Dung (Symplocos), Ràng ràng mít (Ormosia balansae), Trâm (Syzigium sp), Chay lá nhỏ (Artocarpus styracifolius), Giổi (Michelia sp), Sao mặt quỷ (Hopea mollissima), Bời lời (Litsea sp), Re (Cinnamomum sp),… Thường gặp các ưu
hợp: Chẹo+ Mán đỉa+ Bứa+ Dung+ Giổi. Với đường kính bình quân 25- 30 cm, chiều cao 18- 20m.
- Tầng dưới tán: Có nhiều loài như Sảng, Móng bò và rất nhiều các loài trong các họ Thầu dầu, Cam, Đay, Cà phê…. Đường kính dưới 20cm, chiều cao 12- 16m.
- Tầng cây bụi thảm tươi: Bao gồm các loài Dương xỉ, Cọ, Lụi, Song, Mây, Ráy, Trọng đũa, Lấu…