Kiểu thảm này phân bố ở các khu vực có địa hình hiểm trở (đồi cao, độ dốc lớn) như: dãy Bạc tóc, mốc Len, mốc Bưởi, mốc Tám Lớ và khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Bình. Rừng đã bị chặt chọn một số cây có giá trị kinh tế, tuy nhiên kết cấu tầng thứ chưa thay đổi nhiều. Thành phần loài thực vật khá phong phú. Ở độ cao trên 300m ưu thế là các loài Sao hòn gai, Táu mặt quỉ, dưới 300m các loài thực vật ưu thế không rõ ràng, thường gặp các loài: Re (Cinnamumum spp), (Dẻ Castanopsis spp), Giổi (Michelia spp), Trín (Schima wallichii), Lèo heo (Polyalthia nemoralis), Chua lũy (Dacryodes dungii), Trường (Nephelium spp),Trôm (Syzygium spp), Sến (Madhuca pasquieri), Mỡ (Manglietia hainanensis), đôi khi xen cả Lim xanh (Erythrophleum fordii) và Gụ (Sindora tonkinensis). Rừng thường có 4 tầng, tầng tán khá liên tục, tầng dưới tán đứt đoạn và biến động lớn cả về đường kính lẫn chiều cao. Thực vật của tầng dưới tán thường gặp các loài: Ngát, Đẻn ba lá, Ba bét trắng, Mơi táp. Tầng cây bụi phổ biến là các loài trong họ Cau dừa, đặc biệt loài Lá nón phát triển nhiều. Tầng thảm tươi có Quyết, Bồng bồng Dracaena gracilis và các loài trong họ Rô Acantaceae.
Tại sinh cảnh này, chúng tôi đã phát hiện 57 loài chim thuộc 9 họ và 21 bộ chiếm 40,71% tổng số loài quan sát được.
Với kết quả đó chúng ta có thể thấy rằng, thành phần loài chim ở sinh cảnh này tương đối đa dạng, số loài thu được đứng thứ 2, xếp sau sinh cảnh rừng phục hồi. Giải thích cho sự đa dạng này chính là khả năng cung cấp về thức ăn, nơi ở và mức độ tác động của các hoạt động do con người gây ra. Số loài chim phát hiện được ở rừng tự nhiên ít bị tác động ít hơn so với sinh cảnh rừng phục hồi một phần là do thời gian điều tra ở rừng tự nhiên ít bị tác động ngắn hơn.
Về thức ăn, có thể nói đây là dạng sinh cảnh có nguồn thức ăn tương đối phong phú bởi ở đây có tổ thành thực vật đa dạng, có nhiều loài cây cho quả là thức ăn của chim. Bên cạnh đó sinh cảnh này còn có nhiều loài côn trùng là nguồn thức ăn hấp dẫn của các loài chim như Kiến, Mối.v.v.
Về nơi ở, đây là dạng sinh cảnh đã từng bị tác động bởi các hoạt động khai thác của con người, song sinh cảnh vẫn còn mang tính chất của rừng và đang có chiều hướng phục hồi. Vì những tác động của con người vào đây đã giảm dần, công tác khoanh nuôi bảo vệ được nâng cao. Chính vì thế đây là nơi thích hợp cho nhiều loài cư trú.