7. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Thiên nhiên của núi rừng Bắc bộ
Kế thừa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước như Hoàng Triều Ân, Dương Nhật Thanh, Nông Quốc Chấn… và đặc biệt là nghiên cứu của TS Phạm Quốc Tuấn trong Luận án Nghiên cứu so sánh một số truyện thơ Nôm
Tày cùng cốt truyện với truyện thơ Nôm Kinh, chúng tôi tổng hợp một số đặc
thế giới của người Tày để từ đó đi đến những nhận định về đặc sắc trong nội dung một số truyện thơ Nôm Tày giao thoa cốt truyện với truyện thơ Nôm Kinh.
3.1.2.1. Thiên nhiên núi rừng gắn bó với đời sống con người và mang hơi hướng tâm linh
Người Tày ở phía Bắc Việt Nam sống trong một địa bàn trải rộng qua nhiều tỉnh, địa hình chủ yếu là trung du và miền núi. Với đặc điểm sinh hoạt phụ thuộc vào thiên nhiên nên cũng như người Kinh, người Tày luôn mang trong mình sự tôn trọng và tôn thờ tự nhiên. Sống hòa hợp với thiên nhiên là sự mong muốn và cũng là phương châm hành xử của người Tày tự ngàn đời. Bởi thế, thiên nhiên đi vào tác phẩm của họ bình dị, gần gũi và nó phản ánh một phần đời sống tâm linh của dân tộc Tày.
Người Tày sinh ra trong môi trường miền núi, họ cư trú, sinh sống trong hoàn cảnh miền núi nên cuộc sống của họ luôn gắn liền với không gian rừng cây, núi đá. Trong những bức tranh thiên nhiên của người Tày, núi rừng hiện ra hoang sơ, huyền bí nhưng lại gần gũi với cuộc sống của mỗi buôn làng, mỗi cá nhân. Ở truyện Thạch Seng, thiên nhiên núi rừng đồng hành với mỗi chặng đường đời của chàng trai trẻ. Theo thống kê của TS Phạm Quốc Tuấn, tác phẩm này có đến hơn 50 câu, đoạn miêu tả cảnh thiên nhiên. Thạch Seng sinh ra nơi rừng già ngàn tuổi. Rừng núi chứng kiến nỗi đau mất cha mẹ của chàng. Đó cũng là nơi sau khi giết Chằn tinh, bị Lý Thông tranh công, và cũng là nơi Thạch Seng quay về nương náu sau khi bị lừa gạt:
Lại trốn về ở gốc cây đa Chốn suối sâu rừng già xa lắc
Làm bạn cùng hươu hoẵng nuôi thân Ngày gánh củi lần lần nuôi miệng
(Thạch Seng, câu 600 - 604)
Những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn Thạch Seng lại chia sẻ với người bạn đại ngàn. Khi Thạch Seng ra đi, cây cỏ héo hon, buồn bã, lúc chàng trở về sau
bao biến cố, cả núi rừng như bừng sáng đón chào. Dường như giữa Thạch Seng và cỏ cây, hoa lá có một mối đồng cảm, tương giao đặc biệt:
Từ ngày Thạch Seng lại về đây Hoa đua nở lá tươi mùa mới.
(Thạch Seng, câu 1418 - 1419)
Ngoài ra, thiên nhiên đại ngàn cũng là nơi Thạch Seng rèn luyện bản lĩnh để sau này lập được những chiến công hiển hách. Sinh ra, lớn lên ở núi rừng Bắc bộ, Thạch Seng là đại diện đầy tự hào của núi rừng.
Truyện Phạm Tử - Ngọc Hoa cũng có một số đoạn miêu tả thiên nhiên khá đặc sắc. Mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng nhiều của bản Kinh song qua sự biến tầu của tác giá người Tày, khung cảnh thiên nhiên miền núi vẫn có những màu sắc riêng của núi rừng Bắc bộ. Chẳng hạn như những câu thơ sau :
Thảo mộc, trúc, vườn hoa sáng rực Có hoành phi câu đối hoành tương Bên ngoài trồng bóng dương liễu trúc Ngoài thềm thêm mọi thứ loài hoa
(Phạm Tử - Ngọc Hoa, câu 634 - 637).
Ở một khía cạnh khác, thiên nhiên như biết lắng nghe, đồng cảm, sẻ chia với nỗi lòng tình cảm con người. Điều này chứng tỏ năng lực sáng tạo đặc biệt của tác giả truyện thơ Nôm Tày trong quá trình tìm cách “Tày hóa” tác phẩm người Kinh. Khảo sát truyện thơ Nôm Tày cùng cốt truyện với truyện thơ Nôm Kinh nói riêng và tác phẩm truyện Nôm bình dân, tác phẩm truyện thơ Nôm Tày đã được chuyển dịch ra tiếng Việt nói chung thì đây là hiện tượng rất hiếm gặp. Chẳng hạn khung cảnh thiên nhiên trong Tổng Tân - Cúc Hoa (đoạn từ câu 849 đến câu 880). Đoạn thơ này miêu tả tâm trạng của Tổng Tân trên đường đi sứ sau khi từ biệt mẹ già và Cúc Hoa. Vừa giành được ngôi vị Trạng nguyên, vì từ chối làm phò mã, chàng bị nhà vua bắt đi sứ nước Tần. Mặc dù ngàn vạn lần không muốn ra đi nhưng vì lệnh vua xuống, không thể chối từ, Tổng Tân đành
gác lại tư gia lên đường vì việc nước. Trên bước đường đi sứ của chàng, thiên nhiên như cùng lắng nghe và chia sẻ, đặc biệt là tiếng chim khảm khắc. Tiếng chim này như tấu lên bản nhạc buồn của Tổng Tân :
Khảm khắc hót xa gần ngàn dã
Trạng nguyên quan nhớ mẹ nhớ nàng Khảm khắc gọi tiếng vang cao thấp Tiếng vẳng xa đưa lọt êm tai
Quan nghe thấy buồn thay lại oán Khảm khắc hót thanh thản ngàn xa Mẹ ta ở lại nhà tuổi lão.
(Tổng Tân - Cúc Hoa, câu 872 - 878)
Người đọc bị ấn tượng mạnh bởi hình ảnh và âm thanh của con chim khảm khắc. Khảm khắc là một loài chim sống trong rừng sâu nơi núi rừng Việt Bắc, loài chim này rất thân thuộc với người dân nơi đây, tiếng kêu của nó báo hiệu thời khắc sang canh. Hình ảnh chim khảm khắc cũng gợi lên nỗi nhớ mẹ già và người vợ đảm của chàng Trạng nguyên trẻ Tổng Tân. Nó nhắc nhở chàng thời gian đang trôi chảy đằng đẵng, và cũng như báo hiệu một thời gian dài nữa mới đến được ngày đoàn viên với gia đình. Người miền núi tâm sự qua sự liên tưởng với những gì thân quen, so sánh với những gì dễ hình dung nhất ngay trong cuộc sống của họ.
Hơi hướng tâm linh là một đặc điểm quan trọng của thiên nhiên trong truyện thơ Nôm Tày.
Mỗi một dân tộc đều có những tín ngưỡng riêng thuộc về bản sắc văn hóa. Người Tày cũng vậy, họ có một tín ngưỡng khá đặc biệt, đó là tín ngưỡng “hoa”. Trong cuốn Văn hóa dân gian Tày, các tác giả cho biết về tín ngưỡng này như sau: “Về tín ngưỡng Hoa, có thể nêu lên một huyền thoại phổ biến trong dân gian Tày về bông hoa chúa: Hoa vặc viền (hay pặc piền). Bông hoa được mô tả rực rỡ giữa muôn hồng ngàn tía, chói lọi trong thẳm xanh rừng núi. Có điều lí thú là:
người Tày Cao Bằng nói đó là bông hoa chúa treo trên vách đá Hồ Ba Bể, người Tày ở vùng hồ Ba Bể lại nói ở Na Hang (Tuyên Quang)…
Trong hệ thống thần thoại Pựt luông có nhều chi tiết kể lại việc Pựt nhuộm hoa muôn màu… từ loại hoa cao quý như hoa van chư, van ví, đến hoa rồm, hoa mạ, hoa phón, hoa ke tóm… lấm tấm nở trong mắt người dân dã. Trong tín ngưỡng Tày cũng ghi nhận một số hoa như vặc viền, van chư, van ví là hoa thiêng, hoa thanh cao, tương truyền là con của Pựt luông mà con người chịu dày ơn huệ. Song song với tín ngưỡng thờ mẹ Pựt như nói ở trên, dường như là tín ngưỡng thờ mẹ Then, mẹ Hoa cùng tồn tại… Tục ngữ Tày có câu:
Mẹ Then ở trên cao
Mẹ Hoa ở trên trời.
Nhưng cũng có câu:
Mẹ Hoa sinh ra Mẹ Hoa đặt lại.
Đối chiếu câu khấn ở trên của các Pựt mỗi khi hành lễ, ta thấy rất có khả năng mẹ Hoa là tên gọi chuyển hóa của mẹ Then trước cả mẹ Pựt xích ca. Trong các lễ cầu yên giải hạn, người Tày khấn mẹ Hoa, và dùng hoa làm vật cúng với biểu tượng là trái tim (tương tự như biểu tượng quả trứng). Trong lễ này, bà Then làm hai ngăn chòi bằng tám cọng lá chuối, ngăn trên để vài bông hoa rừng, ngăn dưới đặt mấy miếng thịt và bà tự giải thích: đây là thân người, trên là tim gan, dưới là ruột và bao tử. Trong lễ hồn hoa (khoăn bjoóc), người ta cũng hình dung ra một cảnh tượng thật kì thú: Nàng hoa đi qua ba mươi cửa, cùng khắp sáu mươi chợ trên mường trời, lại qua một trăm hai mươi chợ dưới mường người để ban phát nụ cười cho khắp thế gian. Như vậy, Hoa là biểu tượng của niềm vui sống và sự sung túc no đủ” [43, 166 - 167]. Từ trích dẫn này có thể thấy, vai trò của hoa vô cùng quan trọng và đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Tày.
Thể hiện tinh thần này, ngay ở câu mở đầu truyện Phạm Tử - Ngọc Hoa
hình ảnh hoa đã được nhắc đến:
Nói đến truyện hoa vàng
Theo Phạm Quốc Tuấn, “Hoa lạ, hoa vàng” ở đây chính là hoa “vặc viền” - một loài hoa tồn tại trong trí tưởng tưởng của người Tày. Bông hoa này nở trên vách núi vào mùa xuân. Mỗi khi hoa nở thường có từng đàn ong bướm bay lượn xung quanh làm nên những đám mây ong. Nhưng khi con người lên đến nơi thì bông hoa đã biến mất. Đó cũng chính là biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên miền núi. Một vẻ đẹp mà người ta chỉ có thể vừa quan sát vừa cảm nhận mới thấy. Vẻ đẹp ấy vừa thực tế lại siêu nhiên và mang màu sắc tâm linh. Hình ảnh hoa (bjoóc) không chỉ xuất hiện một lần mà được nói tới khá nhiều trong các tác phẩm. Có khi, hình ảnh thiên nhiên lại được “hóa thân” trong vẻ đẹp con người.
3.1.2.2. Thiên nhiên hung dữ và đối nghịch với con người
Bên cạnh bức tranh thiên nhiên gần gũi, quen thuộc, mang màu sắc tâm linh thì thiên nhiên trong truyện thơ Nôm Tày còn hiện lên đầy hung dữ, đối nghịch với con người. Để tồn tại giữa thiên nhiên rừng thiêng nước độc với bao hiểm nguy rình rập, con người buộc phải chiến đấu và chiến thắng. Đấu tranh với những thử thách của thiên nhiên để tồn tại là công việc mà đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc trong đó có dân tộc Tày đã làm từ bao đời nay. Cuộc đấu tranh giữa cái hữu hạn (con người) và cái vô hạn (thiên nhiên) để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn là ước mơ, khát vọng của con người dân tộc Tày. Cuộc đấu tranh ấy cũng là nơi họ thể hiện bản lĩnh, ý chí và sức mạnh của những người con sinh ra từ núi. Thiên nhiên càng khắc nghiệt, hung bạo bao nhiêu thì ý chí con người càng rắn rỏi, kiên cường bấy nhiêu. Tất cả những điều đó đã được tác giả người Tày phản ánh vào trong truyện thơ Nôm của dân tộc mình. Thiên nhiên miền núi được miêu tả trong các truyện thơ Thạch Seng, Tổng Tân - Cúc Hoa
ít nhiều mang nội dung trên.
thách đầu tiên được miêu tả rất hoang lạnh, âm u thoáng chút huyền bí, ghê rợn. Thiên nhiên dự cảm con đường phía trước đầy bất trắc và hiểm nguy:
Một mình qua rừng núi vượt non Cảnh âm u bốn phương vắng ngắt Dù gai cào quần rách cũng đi Dù đường bao dặm xa cũng bước …Bốn phương trời tối bưng mắt bịt Da trời đen như mực trên nghiên
(Thạch Seng, câu 471 - 477)
Đại diện cho thiên nhiên hung bạo trong truyện Tổng Tân - Cúc Hoa là tiếng hổ gầm, từng đàn ác thú tung hoành gây hại cho cuộc sống dân lành, bên cạnh đó còn có núi rừng âm u như muốn nhấn chìm những con người bé nhỏ. Thên nhiên như dàn trải trên những trang thơ Tày, và đồng hành cùng mỗi chặng đường đời nhân vật. Xét trong mối quan hệ giao lưu - tiếp biến văn học, truyện thơ Nôm Kinh cùng cốt truyện với truyện thơ Nôm Tày chưa chú ý đến việc miêu tả thiên nhiên, và theo đó những hình ảnh thiên nhiên không thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm. Ngược lại trong các truyện thơ Nôm Tày, thiên nhiên đã trở thành không gian, môi trường hoạt động gắn bó chặt chẽ với đời sống con người. Thiên nhiên nhiều khi là nơi nhân vật ký thác tâm trạng, nỗi niềm của bản thân. Ngoài tác dụng tạo ra không khí miền núi đặc trưng cho tác phẩm, việc tăng cường miêu tả cảnh thiên nhiên càng làm cho tính cách, phẩm chất nhân vật được bộc lộ. Đây là nét riêng biệt của truyện thơ Nôm Tày trong tương quan so sánh với truyện thơ Nôm Kinh. Và có lẽ đây là một trong những điểm nổi bật của sự tiếp biến văn học.