Tổng quan kết quả nghiên cứu trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giám sát sự lưu hành của virus cúm a h5n6 trên đàn gia cầm sống tại một số chợ của tỉnh quảng ninh và ứng dụng phương pháp real time RT PCR trong chẩn đoán bệnh​ (Trang 28 - 32)

Chương 1 : TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.2. Tổng quan kết quả nghiên cứu trên thế giới

Cúm gia cầm lần đầu được phát hiện ở Italia vào năm 1878 với tên gọi là dịch tả gia cầm (Fowl plague) (Stubb và cs., 1965) nhưng mãi tới năm 1901 mới xác định được yếu tố gây bệnh là căn nguyên siêu nhỏ có khả năng qua màng lọc và tới năm 1955 mới xác định được nguyên nhân chính xác nguyên nhân gây bệnh cúm gia cầm là virus cúm type A thông qua kháng thể bề mặt A/H7N1 và A/H7N7 gây chết nhiều ở gà, gà tây và các loại động vật khác (Beard và cs., 1998).

Bên cạnh đó virus cúm gia cầm còn lây lan và tạo ra các đại dịch gây tử vong rất lớn trên người.

Từ năm 1889 – 1890 đã xảy ra 1 đợt dịch cúm làm chết khoảng 1 triệu người trên thế giới. Nguyên nhân được xác định có thế do 2 chủng virus cúm H3N8 hoặc H2N2 (Valleron, 2010).

Năm 1918 – 1919, một đại dịch cúm (cúm Tây Ban Nha) đã nổ ra với mức độ trầm trọng đã gây tử vong khoảng 20 – 100 triệu người trên toàn thế giới. Các nghiên cứu sau này đã chứng minh được virus gây ra đại dịch này là H1N1 (Taubenberger và cs, 1997).

Cúm Châu Á hay cúm Nga xảy ra trong giai đoạn 1889 - 1890 do virus cúm type A/H2N2 gây nên, bắt đầu từ Hong Kong năm 1957. Số người tử vong ước tính từ 1 đến 1,5 triệu người.

Cúm Hong Kong – Hong Kong Flu do virus cúm type A/H3N2, xảy ra năm 1968. Tổn thất tử vong ước tính vào khoảng 0,75 đến 1 triệu người

Cúm Nga – Russia flu do virus cúm type A/H1N1 xảy ra năm 1977.

Đại dịch cúm H1N1 giai đoạn 2009 – 2010 đã gây tử vong cho khoảng hơn 100 nghìn tới gần 400 nghìn người trên thế giới.

Chủng virus cúm A/H5N1 được phát hiện lần đầu tiên gây bệnh dịch trên gà tại Scotland vào năm 1959 và có thể là biến thể H5N1 đầu tiên trên thế giới.

Năm 1997 ở Hong Kong, lần đầu tiên virus cúm gia cầm H5N1 đã gây ra ổ dịch trên gia cầm và lây sang người làm 18 người nhiễm bệnh, 6 người chết và hàng triệu gia cầm đã bị tiêu hủy nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Đây là lần đầu tiên virus cúm A/H5N1 gây bệnh trên người (Wu và cs, 2008).

Từ tháng 12/2003 đến tháng 3/2004, bệnh cúm gia cầm đã liên tiếp xảy ra với quy mô lớn ở 11 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Sự lây lan nhanh chóng dịch cúm gia cầm xảy ra đồng thời ở một số nước đã trở thành mối quan tâm lớn trên toàn cầu. Các chủng virus gia cầm độc lực cao đã được phân lập và định type là chủng H5N1, ở Đài Loan là chủng H5N2 (Bùi Quang Anh, 2005; Nguyễn Tiến Dũng và cs, 2004; Phạm Sỹ Lăng, 2004; Tô Long Thành, 2004). Từ đó đến nay, hàng năm dịch đều xảy ra tại nhiều nước trên thế giới với nhiều chủng virus khác nhau.

Tính đến hết tháng 12 năm 2019, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ tại tất cả các châu lục trong đó chủ yếu tại các quốc gia châu Á (http://www.oie.int).

Từ khi dịch cúm gia cầm tái bùng phát trở lại tới nay, hàng năm vẫn có rất nhiều quốc gia giới thông báo đã xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm.

Các quốc gia thuộc Châu Á đặc biệt là khu vực Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Camphuchia, Indonesia, Việt Nam... Được coi là khu vực tồn tại lâu dài các ổ dịch do có nhiều điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh lưu hành như tổng đàn gia cầm lớn, phương thức chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lạc hậu (Phạm Thành Long, 2016).

Virus cúm liên tục biến đổi tạo ra các chủng virus mới gây bệnh trên gia cầm. Ở giai đoạn 2003 - 2004 mới chỉ có 2 chủng virus gây bệnh là H5N1 và H5N2 thì tới nay đã xuất hiện hơn 10 chủng virus cúm có khả năng gây bệnh cho gia cầm và bùng phát thành dịch. Tại một số quốc gia hiện mới chỉ phát hiện 1 chủng virus như Ấn Độ (H5N1), Nam Phi (H5N2), Mexico (H7N3)… Bên cạnh đó tại các quốc gia

khác đã phát hiện nhiều chủng virus khác nhau gây bệnh cho gia cầm như: Trung Quốc (H5N1, H5N2, H5N3, H5N6, H5N8, H5N9), Đức (H5N1, H5N8, H7N7), Việt Nam (H5N1, H5N6)... gây khó khăn cho công tác chẩn đoán xác định mầm bệnh cũng như tốn kém về kinh tế cho công tác phòng chống dịch.

Không chỉ gây bệnh cho gia cầm, các chủng virus cúm đã lây sang người gây tỷ lệ tử vong rất cao có khi lên tới 100%. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến tháng 9/2018, tổng cộng có 861 người bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 455 (chiếm 52,8%) trường hợp tử vong, được tổng hợp như sau: từ năm 2003 - 2009: virus CGC đã lây nhiễm cho 468 người của 16 quốc gia, trong đó 282 người tử vong (gồm cả Việt Nam). Từ năm 2010 - 2014: Vi rút A/H5N1 CGC đã lây nhiễm cho 233 người tại 07 quốc gia, trong đó 125 người tử vong (gồm cả Việt Nam). Từ năm 2015 - 2017: virus CGC A/H5N1 đã lây nhiễm cho 159 người tại 04 quốc gia, trong đó 47 người tử vong (không có Việt Nam). Năm 2018 – 10/2019 không ghi nhận ca bệnh cúm A/H5N1 trên người (http://www.who.int).

Trong các quốc gia có người mắc và tử vong do bệnh cúm thì Ai Cập là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất với 346 ca mắc, 116 ca tử vong trong đó đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2015 với 136 ca mắc và 39 ca tử vong. Cùng với Indonesia với 199 ca mắc, 167 ca tử vong. Hai quốc gia này năm nào cũng có người mắc và tử vong do bệnh cúm gia cầm.

Các ca mắc và tử vong trên người tập trung chủ yếu ở các nước thuộc Châu Á và Châu Phi đặc biệt là khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Năm 2013, tại Trung Quốc đã xảy ra dịch cúm A/H7N9 trên người nhiều tỉnh thành trong cả nước sau đó dịch tiếp tục được phát hiện tại một số quốc gia khác như Hồng Kong, Đài Loan, Canada và Malaysia. Đến tháng 9/2018 đã ghi nhận 1.625 trường hợp dương tính với cúm A/H7N9 ở người trong đó 623 người chết (tỷ lệ 38,3%). Trung Quốc là quốc gia ghi nhận nhiều nhất. Hiện tình hình dịch cúm A/H7N9 trên người tại Trung Quốc vẫn diến biến phức tạp. Đặc tính của virus cúm A/H7N9 là dễ biến đổi, thích nghi cao với động vật có vú, có khả năng lây lan

rộng. Tuy nhiên, đến nay chưa có hiểu biết đầy đủ các nguồn lây bệnh. Đặc biệt biểu hiện cúm A/H7N9 ở gia cầm không rõ ràng (http://www.fao.org).

Cũng vào cuối năm 2013 tại tỉnh Giang Tây - Trung Quốc đã phát hiện 1 ca mắc và tử vong do virus bệnh cúm A/H10N8 kết quả nghiên cứu cho thấy đã tìm thấy virus trên các loài chim hoang dã, đã có biến đổi và lây sang người.

* Tình hình dịch cúm H5N6 trên thế giới

Chủng virus cúm type A/H5N6 đã từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ và Đài Loan tuy nhiên chưa ghi nhận các ổ dịch trên gia cầm. Chủng virus này lần đầu được phát hiện gây bệnh trên gia cầm vào tháng 4 năm 2014 tại Tứ Xuyên, Tây Nam, Trung Quốc, cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy 1.338 con gà. Cũng tại đây, lần đầu tiên một người đàn ông 49 tuổi tử vong do nhiễm virus cúm A/H5N6.

Vào tháng 7 năm 2014, tại tỉnh Luang Phabang, Lào cũng đã phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm 200 con của 1 hộ chăn nuôi (WWW.oie.int).

Tháng 9/2014, tiếp tục phát hiện các ổ dịch cúm A/H5N6 tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc với hơn 86 nghìn con ngỗng đã bị tiêu hủy bắt buộc (WWW.oie.int).

Đầu năm 2015 xuất hiện 1 trường hợp bệnh nhân nam 44 tuổi, sống ở Khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có tiền sử tiếp xúc với chim hoang dã chết. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H5N6. Như vậy, tính tới tháng 6/2016, trên lãnh thổ Trung Quốc đã xảy ra 35 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 với gần 52 nghìn con mắc bệnh, số gia cầm phải tiêu hủy lên tới 273 nghìn con và 2 trường hợp mắc bệnh trên người trong đó có 1 trường hợp tử vong (http://www.vncdc.gov.vn).

Năm 2016, thông qua chương trình giám sát chủ động, các nhà khoa học Hồng Kong đã phát hiện virus H5N6 trên mẫu bệnh phẩm thu thập từ chim hoang dã (WWW.oie.int). Cũng theo Tổ chức thú y thế giới, virus cúm A/H5N6 là chủng virus có độc cao nhưng chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người.

Năm 2017 tái tổ hợp địa phương tại Trung Đông và Châu Âu đã kết luận virus H5N6 tại Hà Lan không phải bệnh lây truyền giữa động vật và người do khác gen.

Từ 2018 đến nay có 23 ca nhiễm bệnh trên người, tất cả các ca nhiễm trên người đều ở Trung Quốc.(http://www.fao.org)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giám sát sự lưu hành của virus cúm a h5n6 trên đàn gia cầm sống tại một số chợ của tỉnh quảng ninh và ứng dụng phương pháp real time RT PCR trong chẩn đoán bệnh​ (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)