Lịch sử truyền thống hữu nghị Lào Cai Vân Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động giao thương việt nam trung quốc qua cửa khẩu quốc tế lào cai (1991 2011) (Trang 28 - 33)

Hai nước Việt Nam - Trung Quốc, cũng như hai địa phương Lào Cai - Vân Nam núi liền núi, sông liền sông, là hai tỉnh láng giềng có mối quan hệ đặc biệt, có chung đường biên giới quốc gia dài trên 200 km và có chung dòng sông Hồng dài trên 50km. Trong lịch sử, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung và mối quan hệ giữa nhân dân hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam nói riêng luôn là mối quan hệ láng giềng hữu nghị, gắn bó thân thiết.

Thời Bắc thuộc, Lào Cai đã trở thành cửa ngõ nối liền Giao Chỉ (Bắc Bộ) với các quốc gia vùng Tây Nam (Trung Quốc) và có thể thông thương với các nước Tây Vực... Do đó cư dân Lào Cai đã có sự giao lưu kinh tế với các cư dân Vân Nam và qua Vân Nam tới Trung Á, Trung Nguyên. Thời kỳ này đường giao thông thủy bộ (dọc thung lũng sông Hồng) đã phát triển nối liền Lào Cai với đồng bằng Bắc Bộ, từ Lào Cai có thể ngược lên phía Bắc tới Côn Minh, Tứ Xuyên... Việc giao thương buôn bán đã tạo lập mối quan hệ gắn kết giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam.

Đến thời phong kiến tự chủ (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX), mối quan hệ giao lưu kinh tế văn hóa giữa Lào Cai và Vân Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Bảo

Thắng Quan (thành phố Lào Cai ngày nay) trở thành một cửa khẩu quan trọng, đã thúc đẩy mối quan hệ giao lưu hợp tác phát triển kinh tế - văn hóa giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam thời phong kiến.

Ngoài quan hệ giao thương truyền thống, nhân dân các dân tộc hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam còn kề vai sát cánh chống quân xâm lược, cùng chống kẻ thù chung. Vào đầu thế kỷ XIII đế quốc Mông Cổ xúc tiến mạnh mẽ công cuộc thôn tính nước Tống và các quốc gia phong kiến vùng Vân Nam. Năm 1236, Mông Cổ chính thức xâm lược nhà Nam Tống. Năm 1256, toàn bộ nước Đại Lý (nay là tỉnh Vân Nam) đã chia thành phủ, huyện đặt dưới quyền cai trị của người Mông Cổ. Đồng thời chúng đưa quân áp sát vùng Thủy Vĩ - Quy Hóa (địa phận tỉnh Lào Cai ngày nay), nhòm ngó Đại Việt. Khi đó Châu Thủy Vĩ được coi là vị trí cửa ngõ xung yếu, quan trọng nhất của nước ta. Quân dân Lào Cai đã luôn nêu cao cảnh giác chuẩn bị kháng chiến chống quân xâm lược. Trước tình hình đó vào năm 1257, đích thân vị tướng trẻ Trần Quốc Tuấn đã trực tiếp chỉ huy quân đội Ðại Việt tiến lên Thủy Vĩ phòng giữ biên ải và lãnh đạo quân, dân đánh tan quân Nguyên - Mông.

Để tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã lập đền thờ ông trên đồi Hỏa Hiệu, thành phố Lào Cai. Ngày nay, mỗi dịp đầu xuân nhân dân Lào Cai, nhân dân Vân Nam và du khách bốn phương lại tìm về đền Thượng để tưởng nhớ và cầu mong thiên hạ thái bình, nhân dân hai bên biên giới Việt - Trung hạnh phúc ấm no.

Thời Pháp thuộc, sau khi thôn tính toàn bộ Việt Nam thì Lào Cai và Vân Nam đã trở thành trọng điểm khai thác của thực dân Pháp, một trong những chương trình đầu tư hàng đầu của thực dân Pháp là mở tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh. Để thực hiện điều đó, vào năm 1898 thực dân Pháp ký với triều đình Mãn Thanh một hiệp định cho Pháp “thành lập đường xe lửa từ Hải Phòng qua Lào Cai đi Vân Nam phủ do một Công ty tư doanh lấy tên Công ty Đường sắt Việt Điền”. Tuyến đường sắt từ Hà Khẩu đến Côn Minh dài hơn 400 km khởi công xấy dựng từ năm 1904 đến năm 1910 mới hoàn thành [17, tr.26]. Trong 7 năm thi công đã có hàng vạn công nhân Việt Nam và Trung Quốc đã phải hy sinh mồ hôi, nước mắt và xương máu. Tuyến đường sắt đã nối liền Vân Nam (Trung Quốc) với cửa biển Hải Phòng

(Việt Nam). Đây là tuyến đường sắt mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với các tuyến đường sắt khác mà Pháp đã xây dựng tại Việt Nam.

Sau khi có tuyến đường sắt, việc giao thương, buôn bán giữa Vân Nam và Lào Cai tăng lên nhanh chóng, nhờ đó mà mỗi năm thực dân Pháp đã thu được những nguồn lợi lớn, đặc biệt là thuế nhập cảnh.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng Việt Nam phát triển nhanh. Trước tình hình đó thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố cách mạng. Tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh bị kiểm soát gắt gao. Ở Lào Cai chúng tiến hành chia rẽ các dân tộc, tuyên truyền nói xấu cách mạng... nhiều chiến sĩ cách mạng phải ra nước ngoài hoạt động. Được sự giúp đỡ của Việt kiều và nhân dân Vân Nam, nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng tại đây, tiêu biểu là Chi bộ Vân Quý - một Chi bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập năm 1935 tại Côn Minh. Năm 1937, cuộc chiến tranh Trung - Nhật đe dọa nền hòa bình châu Á. Chi bộ Vân Quý quyết định thành lập Hội Việt Nam dân chúng hưởng ứng Trung Quốc chống Nhật (Hội chống Nhật) [17, tr.26]. Đến khi cuộc chiến tranh Trung - Nhật bước vào giai đoạn quyết liệt, vũ khí đạn dược của Vân Nam đều đi qua cửa biển Hải Phòng, chuyên chở bằng đường sắt lên Côn Minh. Dưới sức ép của Nhật, thực dân pháp không thực hiện chuyên chở. Trước tình hình đó, Hội chống Nhật đã đề nghị tổ chức một cuộc đình công trên dọc tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu đòi Công ty xe lửa phải chuyên chở vũ khí của Vân Nam từ Hải Phòng tới Côn Minh, kết hợp với yêu cầu đòi tăng lương cho công nhân. Ngay sau đó Ủy ban đình công của công nhân viên chức Hoa - Việt được thành lập. Trước áp lực đó, Công ty xe lửa Pháp phải nhượng bộ cho chuyên chở vũ khí đến Côn Minh.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và tiễu phỉ, lực lượng vũ trang của Lào Cai và Vân Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ. Từ những năm 50 nhằm cứu vãn tình thế nguy ngập của quân Pháp trên dọc tuyến biên giới Việt - Trung, thực dân Pháp một mặt tăng cường hoạt động quân sự, kích động nổi phỉ ở Lào Cai, Hà Giang,... Mặt khác giúp cho bọn thổ phỉ, đặc vụ và tàn quân Tưởng tổ chức các cuộc phục kích quấy rối ở các khu vực Kha Phàng, Sèo Thầu, Mù Sa (Trung Quốc). Trong chiến dịch Lê Hồng Phong I (chiến dịch Tây Bắc), Ban Thường vụ

Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ thị cho liên khu 10, lấy Lào Cai làm hướng chính, với nhiệm vụ phối hợp với giải phóng quân Trung Quốc tiêu diệt tàn quân Quốc dân Đảng nếu chúng tràn qua biên giới, làm tan rã khối ngụy binh, tiêu diệt một số vị trí địch, khôi phục Lào Cai, mở thông đường quốc tế. Trong chiến dịch này, lực lượng vũ trang hai bên đã phối hợp ăn khớp và giành thắng lợi lớn. Lực lượng vũ trang Lào Cai và Vân Nam còn lập nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có trận tiêu biểu tiêu diệt tên trùm thổ phỉ Châu Quán Lồ.

Sau khi miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng (1954), nhân dân các dân tộc Lào Cai tiến hành xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa và góp phần chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Mối quan hệ hợp tác giữa Lào Cai và Vân Nam bước sang một trang mới thắm tình hữu nghị. Nhà máy điện Phố Mới - Lào Cai chẳng những cung cấp điện cho thị xã Lào Cai mà còn cung cấp điện cho cả thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc). Đây có thể nói là ánh sáng của tình hữu nghị giữa hai địa phương của hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Bên cạnh đó bộ đội Trung Quốc sang giúp Lào Cai sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường liên huyện, liên tỉnh. Tiêu biểu là Quốc lộ 70 trước đây thường được gọi với tên là đường “Hữu Nghị 7”.

Sang thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh Lào Cai (10/1991) đến nay, mối quan hệ giữa hai tỉnh được nâng lên một tầm cao mới. Với quan điểm hợp tác toàn diện trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và cùng thống nhất các biện pháp nhằm xây dựng cửa khẩu ngày càng phát triển hai nước đã cùng nhau xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nhằm đem lại lợi ích cho hai tỉnh và nhân dân hai nước. Trong tiến trình hội nhập với các nước ASEAN, Lào Cai đã và đang trở thành cầu nối giữa các tỉnh thành của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam - Trung Quốc.

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1, tác giả đã khái quát chung về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai như điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện lịch sử... Những điều kiện đó là tiềm năng, nguồn lực tự nhiên và nguồn lực xã hội để tạo nên thế mạnh cho kinh tế của tỉnh Lào Cai đó là hoạt động của kinh tế cửa khẩu.

Lào Cai có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hệ thống giao thông rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản và tài nguyên rừng, đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp và dược liệu cho giá trị xuất khẩu cao. Từ đó Lào Cai có lợi thế để sản xuất chế biến một số mặt hàng thế mạnh của mình để đẩy mạnh xuất khẩu.

Với truyền thống hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đã trở thành cơ sở, nền tảng cho quá trình đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực của hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung và của hai địa phương Lào Cai - Vân Nam nói riêng. Qua đó ta có thể khẳng định cơ sở lịch sử truyền thống hữu nghị giữa Lào Cai và Vân Nam chính là một yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển giao thương trong thời kỳ đổi mới.

Bên cạnh đó với vị trí quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu với hệ thống giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng cửa khẩu ngày càng khang trang hiện đại góp phần đẩy mạnh giao lưu trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Chương 2

HOẠT ĐỘNG GIAO THƯƠNG VIỆT NAM - TRUNG QUỐC QUA CỬA KHẨU QUỐC TẾ LÀO CAI (1991 - 2011)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động giao thương việt nam trung quốc qua cửa khẩu quốc tế lào cai (1991 2011) (Trang 28 - 33)