Hoạt động giao thương Việt Nam Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động giao thương việt nam trung quốc qua cửa khẩu quốc tế lào cai (1991 2011) (Trang 33 - 37)

Cai trước năm 1991

Lào Cai là vùng đất có giá trị chiến lược về kinh tế, chính trị, nơi đây là “cửa ngõ phên dậu” phía Tây Bắc của Tổ quốc. Ngay từ thời bình minh của lịch sử dựng nước, Lào Cai đã là một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị lớn của toàn vùng. Từ trung tâm này Lào Cai đã vươn lên, khẳng định vị trí của mình. Việc tận dụng khai thác triệt để những thế mạnh của tự nhiên và vị trí địa lý chiến lược góp phần thúc đẩy sự giao lưu buôn bán Lào Cai - Vân Nam. Do vậy mà con đường giao thương qua cửa khẩu Lào Cai dọc theo sông Hồng đã hình thành từ rất sớm trong trong lịch sử.

Đầu thế kỷ thứ IX, Giả Đam - Tể tướng thời Đức Tông (niên hiệu Trinh Nguyên) nhà Đường có viết “An Nam qua Thái Bình Giao chỉ hơn 100 dặm đến Trung Thành châu, lại đi 200 dặm đến Đa Lợi châu (vùng Hưng Khánh - Chấn Yên), lại đi 300 dặm đến Chu Quý châu (Văn Bàn), đi tiếp 400 dặm đến Đan Trường châu (Cam Đường)” [17, tr.25]. Hoạt động giao thương qua cửa khẩu Lào Cai đã hình thành và phát triển mạnh mẽ theo đường giao thông thủy bộ (dọc thung lũng sông Hồng).

Thời kỳ Phong kiến tự chủ, Lào Cai là địa bàn của châu Thủy Vĩ, châu Văn Bàn, một phần thuộc châu Chiêu Tấn và một phần nhỏ thuộc châu Lục Yên, thuộc phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa. Quan hệ giao thương qua cửa khẩu Lào Cai tiếp tục được đẩy mạnh. Từ giữa thế kỷ XIX, Lào Cai trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất, thuế quan mỗi năm thu được từ 50.000 đến 60.000 quan. Hàng năm, từ Hà Nội lên Lào Cai có khoảng 2000 thuyền buôn chở hàng ngược sông Hồng qua cửa khẩu Lào Cai lên Mạn Hảo [18, tr.49]. Đây là một minh chứng cho mối quan hệ giao lưu hợp tác và phát triển kinh tế - văn hóa giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam thời phong kiến.

Thời Pháp thuộc, hoạt động buôn bán giữa Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) phát triển mạnh. Hàng hoá của nước Pháp cũng như hàng hoá từ các tỉnh Bắc Kỳ được vận chuyển lên Lào Cai xuất khẩu sang thị trường Vân Nam (Trung Quốc) và lượng hàng hoá các nhà buôn thu gom từ nội địa Trung Quốc được đưa đến Mông Tự và vận chuyển đến Mạn Hảo, xuôi dòng sông Hồng vào Lào Cai. Đây cũng là con đường giao thương từng nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, mang hàng hóa và ước vọng phồn thịnh, giao lưu văn hóa của cộng đồng của người dân dọc lưu vực sông Hồng.

Bắt đầu từ Phố Hiến, Kinh Kỳ con đường ngược sông Hồng qua Lão Nhai (Lào Cai) đến Vân Nam, Tứ Xuyên (Trung Quốc). Từ các triều đại phong kiến, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa Lào Cai và Vân Nam chủ yếu thông qua đường sông Hồng. Tuy nhiên, phải đến thời kỳ Pháp thuộc (đặc biệt là trong 20 năm trước khi tuyến đường sắt Điền - Việt khánh thành), hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa Lào Cai và Vân Nam mới phát triển mạnh cả về số lượng và chủng loại hàng hoá cho đến số lượng tàu, thuyền qua lại buôn bán giữa hai bên Lào Cai và Vân Nam. Không những Lào Cai trở thành một trong những trung tâm xuất khẩu hàng hoá của các tỉnh Bắc Kỳ vào tỉnh Vân Nam mà đây còn là nơi nhập khẩu các mặt hàng nguyên, nhiên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất cho các xí nghiệp của Pháp và các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho thị trường Bắc Kỳ. Đặc biệt, Lào Cai còn là điểm trung chuyển hàng hoá quốc tế, hàng hoá từ Vân Nam quá cảnh qua Lào Cai vận chuyển đến Hải Phòng để đưa sang Hồng Kông và thị trường các nước tư bản. Ngược lại, hàng hoá từ Hông Kông cập cảng Hải Phòng ngược sông Hồng quá cảnh ở Lào Cai để thâm nhập thị trường Vân Nam. Thời Pháp thuộc, các mặt hàng chủ yếu được buôn bán giữa Lào Cai và Vân Nam thường là các sản phẩm thế mạnh của mỗi bên. Hàng hoá Việt Nam từ Lào Cai xuất sang Vân Nam chủ yếu gồm: Diêm, rượu gạo, gỗ thơm, sợi bông, bột, dầu lạc, giấy bản, dầu hoả, cá muối, sành sứ, thuốc lào, vải lụa, quần áo... Hàng hoá Trung Quốc qua Vân Nam được đưa vào Lào Cai chủ yếu gồm các mặt hàng như: Quế, tinh dầu, củ nâu, thiếc, đường, miến, mật ong... [43] Các mặt hàng xuất khẩu của Lào Cai được vận chuyển từ các tỉnh Bắc Kỳ tập kết tại Lào Cai xuất sang Vân Nam. Hàng hoá của Vân Nam

được thu gom từ các địa phương về Mông Tự và vận chuyển đến Mạn Hảo, từ đây các thuyền vận chuyển hàng hoá xuất qua cửa khẩu Lào Cai vào Bắc Kỳ.

Do những hạn chế của hệ thống giao thông đường sông trong việc phát triển buôn bán Lào Cai - Vân Nam như: tàu thuyền không thể lên Lào Cai trong các tháng mùa cạn, thời gian vận chuyển hàng hoá chậm, khối lượng hàng hoá vận chuyển ít, đồng thời nhằm thực hiện chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp. Ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai và tuyến đường sắt Lào Cai - Vân Nam. Đến năm 1910, toàn bộ tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam (đường sắt Việt - Điền) được thông xe. Đây là sự kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở một tỉnh biên giới, không những vậy tuyến đường sắt này còn tạo tiền đề giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc, giữa vùng Bắc Bộ với Vân Nam. Đầu thế kỷ XX, có khoảng 6000 chuyến thuyền chở hàng hóa qua Mạn Hảo đi Lào Cai, chuyên chở 13.000 tấn hàng hóa, nhưng đến năm 1907 đã có 18.431 chuyến thuyền vận chuyển 57.369 tấn hàng hóa thông thương Vân Nam - Lào Cai. Từ năm 1902 - 1910, lượng hàng xuất khẩu của Vân Nam qua Lào Cai vẫn chiếm 77% đến 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Vân Nam [18, tr.50]. Như vậy, cùng với con đường thủy theo sông Hồng trước đây và tuyến đường sắt mới khánh thành thực sự là cánh cửa lớn nhất cho quan hệ giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai.

Có thể nói, vào thời kỳ Pháp thuộc việc buôn bán giữa Lào Cai và Vân Nam đã không ngừng phát triển. Sự phát triển của hoạt động trao đổi, buôn bán giữa Lào Cai - Vân Nam là một nhân tố quan trọng tạo nên một thị trường thống nhất rộng lớn trên toàn bộ khu vực Bắc Kỳ và vùng lãnh thổ Vân Nam. Một tác động nữa là, thông qua phát triển buôn bán này đã từng bước hình thành một hệ thống đô thị ven theo tuyến giao thương, trong đó Lào Cai là một đô thị đầu tầu của vùng Bắc Kỳ. Lào Cai trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất, một chốn phồn hoa đô hội ở vùng biên cương. Trung tâm đô thị không chỉ bó hẹp trong thành cổ mà còn phát triển mạnh sang hữu ngạn sông Hồng (khu vực Cốc Lếu) và phía Nam (khu vực Phố Mới). Đô thị Lào Cai thực sự trở thành một trung tâm kinh tế - văn hoá, chính trị

của toàn tỉnh Lào Cai, có hệ thống dịch vụ đáp ứng nhu cầu mở cửa, trao đổi buôn bán với Vân Nam. Tại đây hình thành các bến cảng, nhà ga, kho bãi, quảng trường…Lào Cai nằm trên tuyến giao thông đường sắt huyết mạch trở thành một vị trí cầu nối giữa Vân Nam với vùng Bắc Bộ Việt Nam.

Đầu 1/1950 Ban Thường vụ Trung ương chủ trương: Mở chiến dịch Tây Bắc (Lê Hồng Phong I) để phối hợp với Quân giải phóng Trung Hoa tiêu diệt tàn quân Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch nếu chúng tràn qua biên giới; làm tan rã khối ngụy binh và phá ngụy quyền; tiêu diệt một số vị trí địch; khôi phục lại Lào Cai, mở thông đường quốc tế. với kết quả đạt được của chiến dịch Lê Hồng Phong 1. Đến Tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới với mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II, hướng chính của chiến dịch là địa bàn ba tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng khu căn cứ địa Việt Bắc và khai thông một phần đường biên giới Việt - Trung, nối liền khu căn cứ cách mạng đầu não của ta với các nước xã hội chủ nghĩa. Phối hợp với hướng chính của chiến dịch, phía Tây Bắc mà địa bàn chính là tỉnh Lào Cai có nhiệm vụ đánh nghi binh, thu hút và kiềm chế quân địch, không để chúng ứng cứu cho mặt trận chính Cao - Bắc - Lạng. Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương giao, Tỉnh ủy Lào Cai chỉ đạo các lực lượng địa phương ra sức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia chiến dịch, tăng cường đưa cán bộ vào vùng địch chiếm đóng để vận động nhân dân đấu tranh, cho lực lượng biệt động đột kích vào thị xã, thị trấn phá hủy các phương tiện chiến tranh của địch, gây rối làm hoang mang tinh thần quân địch. thực hiện chỉ đạo của Khu 10, quân dân Lào Cai tổ chức các trận đánh lớn trên địa bàn nhằm hướng sự chú ý của địch ở Cao - Bắc - Lạng sang Tây Bắc. Giữa lúc Chiến dịch Lê Hồng Phong trên hướng Lào Cai được đẩy mạnh, thì ngày 17/10/1950, trên hướng chính Cao - Bắc - Lạng, chiến dịch kết thúc thắng lợi đã làm cho quân địch trên địa bàn Lào Cai hoang mang cực độ. Nhận định thời cơ giải phóng Lào Cai đã đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, toàn quân, toàn dân Lào Cai đã tập trung phối hợp với hai trung đoàn bộ đội chủ lực 148, 165 quyết tâm đánh địch, giải phóng quê hương. Đến ngày 1/11/1950, Lào Cai được toàn giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược, tạo điều kiện

thuận lợi cho giao lưu văn hoá và trao đổi kinh tế giữa Lào Cai với Vân Nam. Đầu tháng 2/1953 cửa khẩu Lào Cai được mở cửa, đến tháng 12/1953 cửa khẩu Bát Xát cũng mở cửa thông quan. Đây là sự kiện mở ra bước phát triển mới trong quan hệ giao thương giữa Lào Cai - Vân Nam. Thời kỳ này Lào Cai đang tập trung truy quét thổ phỉ, xây dựng chính quyền, khôi phục kinh tế. Nhưng quan hệ kinh tế biên mậu bước đầu được khôi phục. Ngành thương nghiệp Lào Cai tích cực vận chuyển sa nhân, thu mua thảo quả, hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng, gạo cung cấp cho vùng cao.

Từ năm 1955 đến 1960, quan hệ thương mại giữa hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam có những bước phát triển mới. Năm 1955, tổng lượng hàng hoá xuất khẩu mới được 837 tấn, nhập khẩu 617 tấn nhưng năm 1957 nhờ thông tuyến đường sắt nên xuất khẩu của Lào Cai sang Vân Nam đạt 37.300 tấn, nhập khẩu 4.110 tấn. Năm 1960 hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Lào Cai và Vân Nam tăng nhanh, xuất khẩu 351.964 tấn, nhập khẩu 2666.135 tấn đạt trọng lượng lớn nhất giai đoạn 1950-1991 [43].

Từ sau năm 1978, quan hệ hữu nghị của hai nước trở nên phức tạp, khu vực biên giới trở thành những điểm nóng về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội đã phải đóng cửa hàng loạt các cửa khẩu biên giới. Quan hệ kinh tế thương mại bị ngừng trệ, đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế của hai nước và đặc biệt là kinh tế khu vực cửa khẩu biên giới.

Sau nhiều nỗ lực cố gắng của cả hai bên, quan hệ giữa hai nước đã khởi sắc và trở lại bình thường hoá vào cuối năm 1991. Từ đó cho đến nay, quan hệ giữa hai nước nói chung và quan hệ kinh tế - thương mại giữa Lào Cai - Vân Nam nói riêng, đã phát triển ngày càng mạnh, ngày càng bền vững và đang trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của cả hai nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động giao thương việt nam trung quốc qua cửa khẩu quốc tế lào cai (1991 2011) (Trang 33 - 37)