Bình thường hóa quan hệ Việt Nam Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động giao thương việt nam trung quốc qua cửa khẩu quốc tế lào cai (1991 2011) (Trang 37 - 40)

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, có truyền thống quan hệ hữu nghị lâu đời, nồng thắm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã

khái quát thành hai câu thơ nổi tiếng: “ Mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em”. Ngay sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời 1/10/1949 thì đến đầu 1950 đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Quan hệ Việt - Trung từ khi được thiết lập, đã trải qua những thăng trầm nhưng cho đến nay nhìn chung là tốt đẹp và có xu hướng ngày càng phát triển.

Tuy nhiên cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 là một vết đen trong lịch sử quan hệ Việt - Trung. Mối quan hệ giữa hai nước diễn ra căng thẳng trong khoảng 10 năm sau đó, đã làm ảnh hưởng xấu trong quan hệ bang giao của hai nước, hai dân tộc từ hàng ngàn năm. Việt Nam luôn tỏ rõ thiện chí sẵn sàng đàm phán bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc.

Trên tinh thần đó, và căn cứ vào tình hình thế giới, khu vực châu Á Thái Bình Dương, Đông Dương, đặc biệt là tình hình trong nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã nêu: “Trên tinh thần bình đẳng, đảm bảo độc lập chủ quyền và tôn trọng lẫn nhau, sẵn sàng đàm phán để giải quyết những vấn đề thuộc quan hệ Việt Nam giữa Việt Nam và Trung Quốc, bình thường hoá và khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình của Đông Nam Á và trên thế giới” [26, tr.107].

Trong hai ngày 3 đến 4 tháng 9 năm 1990, Hội nghị cấp cao Việt Nam - Trung Quốc đã diễn ra tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Đây được coi là hội nghị mở đường cho việc khai thông và bình thường hoá quan hệ Việt - Trung và cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước. Thực hiện chủ trương bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, từ ngày 05 đến ngày 10 tháng 11 năm 1991, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Võ Văn Kiệt đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Hai bên đã ra thông cáo chung tuyên bố bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là sự kiện đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn không bình thường trong quan hệ giữa hai

nước, mở đầu cho một thời kì phát triển mới của quan hệ Việt - Trung. “Cuộc gặp cấp cao Trung - Việt đánh dấu sự bình thường hoá quan hệ giữa Việt - Trung phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước và cùng có lợi cho hoà bình ổn định và sự khôi phục của khu vực” [31, tr.212].

Hai bên tuyên bố, hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện trên cơ sở 5 nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hoà bình. Hai Đảng sẽ khôi phục quan hệ bình thường trên các nguyên tắc độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Cuộc hội đàm này là một mốc son lịch sử, mang một ý nghĩa quan trọng của thời đại mới: khép lại quá khứ, mở ra tương lai. Có thể nói bình thường hoá quan hệ Việt - Trung là phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, xu thế hoà bình, ổn định hợp tác và phát triển trên thế giới, phù hợp với nguyện vọng của hai Đảng hai Nhà nước và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước. Những văn bản thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc là cơ sở cho sự phát triển quan hệ Việt - Trung trong tương lai.

Từ năm 1991, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ bình thường hóa quan hệ hai nước, mở ra chương mới phát triển toàn diện quan hệ Việt - Trung. Trên cơ sở những nguyên tắc đã được thỏa thuận, hàng năm các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc thường xuyên được tổ chức dưới những hình thức khác nhau. Thông qua các cuộc tiếp xúc này lãnh đạo hai nước đã ký được 5 bản thông cáo chung (năm 1991, 1992, 1994, 1995 và năm 2004) và 3 bản tuyên bố chung (năm 1999. 2000 và 2001). Thông cáo chung và tuyên bố chung là những văn bản có tính nguyên tắc, tư tưởng, chỉ đạo cơ bản, thể hiện sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hữu nghị giữa hai nước. Đặc biệt tại cuộc gặp gỡ cấp cao 2/1999, lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận xây dựng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Tiếp đó phấn đấu xây dựng quan hệ hai nước, hai Đảng đạt 4 tốt: “ Đồng chí tốt, láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt” hướng tới thế kỷ XXI.

Ngoài các cuộc gặp cấp cao, hàng năm có rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội theo phương thức ngoại giao Đảng, Nhà nước và ngoại giao n hân dân với nhiều hình thức đa dạng phong phú. Ngoài ra hai bên còn tăng cường hợp tác, phối hợp hoạt động trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM,…

Như vậy, quá trình bình thường hóa quan hệ, sự hợp tác về chính trị ngoại giao giữa hai Đảng và Nhà nước ở những cấp độ khác nhau đã phát triển mạnh cả về bề rộng và chiều sâu. Sự hợp tác về chính trị, ngoại giao phát triển là khởi điểm, cơ sở và điều kiện thúc đẩy phát triển quan hệ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động giao thương việt nam trung quốc qua cửa khẩu quốc tế lào cai (1991 2011) (Trang 37 - 40)