tỉnh Lào Cai
Trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng về đối ngoại nói chung và về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nói riêng, hoạt động đối ngoại, trao đổi kinh tế - thương mại Lào Cai - Vân Nam đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai chú trọng triển khai một cách chủ động, tích cực và đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung, giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam nói riêng. Trước hết phải kể đến những nỗ lực khôi phục và tăng cường quan hệ hữu nghị trên tuyến biên giới Việt - Trung của Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Những nỗ lực này đều được Đảng bộ thực hiện trên cơ sở bám vững chắc các chủ trương của Đảng, của Nhà nước.
Sau ngày tái lập tỉnh (10/1991), thực hiện đường lối đổi mới, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế, Lào Cai là một trong 7 tỉnh biên giới phía Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) sớm khai thông và mở rộng quan hệ giữa Đảng, chính quyền 2 địa phương Lào Cai - Vân Nam của hai nước Việt - Trung [24, tr.104].
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ X (từ ngày 9 đến 11 tháng 1 năm 1992) là mốc lịch sử quan trọng mở đầu giai đoạn mới trong quá trình phát triển, đi lên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai. Ban chấp hành Đảng bộ
khóa X, nhiệm kỳ 1991 - 1995 xác định: “Vì sự ổn định và phát triển, với truyền thống đoàn kết hữu nghị vốn có và phương châm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác mà Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước Việt - Trung đã dày công vun đắp”. Trước mắt Đảng bộ chủ trương phải cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trục huyết mạch như Quốc lộ 70, 4D, 4E, khôi phục cầu Cốc Lếu, cùng với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khôi phục lại cầu Hồ Kiều và tuyến đường sắt Lào Cai - Côn Minh. Lào Cai đã từng bước khai thông các cửa biên giới đang đóng khép lại hơn thập kỷ qua, thúc đẩy tiến trình hòa bình hữu nghị và ổn định cho khu vực biên giới Lào Cai - Vân Nam, làm thức dậy mối giao thương và đặt vai trò cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong chiến lược phát triển của tỉnh. Tiếp đó, được sự đồng thuận của Chính phủ hai nước mở lại cửa khẩu Quốc gia Mường Khương và các lối mở truyền thống trên tuyến biên giới trên 200Km Lào Cai - Vân Nam. Bên cạnh đó là việc hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam tăng cường các chuyến thăm, làm việc giữa lãnh đạo cấp cao hai tỉnh, các ngành đã nối lại quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, mở thông quan hệ biên giới. Những vấn đề được hai bên trao đổi như: Khai thông hai cặp cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu, Sín Tẻn (Mường Khương) - Kiều Đầu (Hà Khẩu) và sáu lối mở phục vụ cho dân biên giới thăm thân, trao đổi hàng hóa, những vấn đề hợp tác kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết công việc giữa hai bên biên giới.
Để thực hiện Hiệp định tạm thời giữa hai nước và Chỉ thị số 98/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa được thuận lợi, đúng quy định của chính phủ hai nước, ngày 02/12/1992 Biên bản hội đàm giữa chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam đã được ký kết tại Lào Cai. Biên bản hội đàm giữa chính quyền hai tỉnh đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ ngoại giao, hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển giữa hai tỉnh [1, tr.266].
Trên cơ sở đó ngày 18/5/1993, tỉnh Lào Cai long trọng tổ chức buổi Lễ mở lại cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu và thông đường sắt liên vận quốc tế. Trong không khí tưng bừng phấn khởi thắm tình hữu nghị, tàu hỏa liên vận hai nước được trang
hoàng rực rỡ cờ hoa qua cầu Hồ Kiều sau 14 năm bị sập gẫy trong chiến sự, người dân Lào Cai và các nơi, người Hà Khẩu, người trong Côn Minh tham dự buổi Lễ rất đông, khoảng trên 2 vạn người với niềm vui tột độ, cư dân hai bên biên giới được phép thăm thân, miễn kiểm soát [20, tr.77-78]. Ngày Lễ mở lại cửa khẩu là một sự kiện lịch sử của nhân dân và đồng bào các dân tộc Lào Cai nói riêng, của cả nước và nhân dân Trung Quốc nói chung. Tiếp đó với Hiệp định quá cảnh hàng hóa và Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới giữa Bộ giao thông vận tải Việt Nam với Bộ đường sắt Trung Quốc, ngày 25/3/1996 tuyến đường sắt liên vận quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc) chính thức hoạt động trở lại sau 20 năm bị gián đoạn [20, tr.86].
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XI họp từ ngày 2 đến 4 tháng 5 năm 1996 đã thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn (1996 - 2000). Triển khai nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế đối ngoại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1996 - 2000. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng Đề án khai thác Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai và đã được chính phủ phê duyệt (thể hiện bằng Quyết định 100/1998/QĐ - TTg ngày 26/05/1998 và Quyết định 53/2001/QĐ - TTg ngày 19/04/2001 của Thủ tướng chính phủ). Đây là một trong những đề án quan trọng trong chiến lược phát triển Kinh tế đối ngoại của tỉnh. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, đầu tư tại khu vực cửa khẩu được đẩy mạnh. Các sở, ban, ngành, đơn vị đặc biệt là các cơ quan được giao trách nhiệm là đầu mối, chủ động xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, từng bước cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, qua đó đã thu hút được nhiều các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển bước đầu thu ngân sách của tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XII họp từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 12 năm 2000, Đại hội đã thông Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn (2001 - 2005). Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế đối ngoại và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh Lào Cai, xác định lợi thế của cửa khẩu quốc tế Lào Cai trong phát triển kinh tế thương
mại, dịch vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XII đã xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những đề án trong chương trình công tác trọng tâm toàn khoá với mục tiêu: Khai thác tốt nhất những lợi thế về cửa khẩu, đưa kinh tế cửa khẩu thực sự là mũi nhọn, là động lực để phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, Tỉnh uỷ đặc biệt chú trọng tới việc phát triển Dự án đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu tỉnh Lào Cai. Dự án xác định thị trường chủ yếu và truyền thống của hàng hóa tỉnh Lào Cai sản xuất và xuất khẩu là tỉnh Vân Nam, “cửa ngõ chính” đối với hàng hóa của tỉnh Lào Cai, của Việt Nam và các nước ASEAN xâm nhập vào thị trường khu vực Tây Nam rộng lớn đất nước Trung Quốc. Đây là khu vực đông dân cư và chậm phát triển hơn so với các khu vực khác ở Trung Quốc, vì vậy nhu cầu nhập khẩu lớn và những yêu cầu của thị trường này đối với sản phẩm hàng hóa của ta tương đối dễ dàng. Tâm điểm hoạt động đối ngoại trong những năm tiếp theo được Tỉnh ủy xác định là: Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với Trung Quốc đặc biệt là với huyện Hà Khẩu - châu Hồng Hà và huyện Mã Quan châu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam - Trung Quốc để tạo mối quan hệ thân thiện cũng như tăng cường phát triển kinh tế nhằm khai thác có hiệu quả hệ thống cửa khẩu và lối mở (kể cả các lợi mở khác không thuộc phạm vi Kinh tế cửa khẩu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Bản Vược, Quang Kim, Pha Long, Si Ma Cai) của tỉnh Lào Cai nói riêng; Thu hút đầu tư của các tỉnh bạn, khai thác thế mạnh của họ để đầu tư vào các cơ sở sản xuất, dịch vụ tại Lào Cai; Tăng cường các hình thức trao đổi đoàn bằng cách tham quan, khảo sát học tập; trao đổi thông tin theo định kỳ (3 tháng, 6 tháng và cả năm sẽ có cuộc trao đổi thông tin làm việc giữa Lào Cai và Hà Khẩu, châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam - Trung Quốc). Ký kết các văn kiện hợp tác về các lĩnh vực phát triển nông nghiệp (sản xuất giống), đào tạo du lịch, quy hoạch và quản lý đô thị... các nhà lãnh đạo cấp cao hai tỉnh đã chủ động tạo và đón thời cơ, khai thác nguồn lực bổ sung cho nhau.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XIII, tiến hành từ ngày 18 đến 21 tháng 12 năm 2005, Đại hội đã thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2005 - 2010. Trong xu thế hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, cùng với lợi thế của cửa khẩu, tiềm năng của thị trường Tây Nam - Trung Quốc, hoạt động giao
lưu kinh tế, thương mại qua cửa khẩu Lào Cai ngày càng có cơ hội phát triển, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XIII khẳng định: Tập trung đầu tư khai thác lợi thế vị trí “cầu nối” và điều kiện tự nhiên, nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại dịch vụ trên địa bàn, đưa Khu kinh tế cửa khẩu thành vùng kinh tế động lực. Ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành Khu kinh tế trọng điểm phát triển có tác dụng lan toả phát triển các vùng khác trong tỉnh.
Nhằm thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Lào Cai khóa XIII về phát triển kinh tế đối ngoại và kinh tế cửa khẩu, trong khuôn khổ hội chợ thương mại Việt - Trung năm 2006, lãnh đạo 2 tỉnh Lào Cai và Vân Nam đã tiến hành hội đàm song phương nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa 2 bên. Lãnh đạo 2 tỉnh khẳng định: trên cơ sở tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện, bình đẳng, tin cậy, hiệu quả, cùng có lợi, cùng phát triển, tình hữu nghị hai bên không ngừng được củng cố và đạt được những kết quả to lớn.
Trong dịp Hội nghị APEC tại Hà Nội năm 2006, hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc đã chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt - Trung. Mục tiêu tổng thể là hợp tác xây dựng Hai hành lang một vành đai kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước nâng cao trình độ hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, củng cố và nâng cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa hai nước. Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị đặc biệt trên tuyến hành lang Kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Vân Nam và Miền Tây Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA), nằm ở trung tâm của hành lang Bắc Nam trong khu vực hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê kông (GMS). Chính vì vậy, cặp cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu đang thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN đến đầu tư kinh doanh.
Nhận thức được vai trò và vị trí của cặp cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu trên tuyến Hành lang này, thời gian qua Lào Cai đã và đang tích cực xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp Việt
Nam, ASEAN, giao thương, buôn bán với Vân Nam và các tỉnh miền Tây Trung Quốc qua cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.
Từ ngày 21 đến 25 tháng 8 năm 2009, Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh Lào Cai đã sang thăm và hội đàm với Tỉnh ủy, chính phủ nhân dân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Hai bên đã thống nhất cao đưa quan hệ hợp tác hữu nghị của Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) lên toàn diện các lĩnh vực, bước sang trang mới. Mở đầu cho giai đoạn hội nhập và phát triển trong tương lai. Đây có thể được coi là dấu mốc lịch sử đánh dấu cho sự thành công tốt đẹp, đem lại niềm tin mới, mở ra một tương lai hợp tác phát triển mới giữa Lào Cai với Vân Nam, góp phần tích cực vào việc mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn mới.