7. Cấu trúc của luận văn
2.1. Nhân vật phụ nữ hiện thân của bất hạnh
Những năm đầu thế kỉ XX, Trung Quốc và Việt Nam đều chịu sự xâm chiếm của quân xâm lược. Hiện thực trong tác phẩm Kim Lăng thập tam thoa là hiện thực cuộc sống của người dân Trung Quốc ở Nam Kinh khi bị quân đội Nhật chiếm đóng. Hiện thực trong Mẫu thượng ngàn là hiện thực cuộc sống của người dân Việt Nam ở một vùng quê bán sơn địa miền Bắc dưới sự cai quản của đồn điền người Pháp. Cuộc sống thời chiến nhiều đau khổ, mất mát. Thêm vào đó, tư tưởng phong kiến cổ hủ, lạc hậu, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại nặng nề ở hai quốc gia. Phụ nữ là người chịu “thiệt thòi” nhất trong xã hội bấy giờ. Cả Nghiêm Ca Linh và Nguyễn Xuân Khánh đều quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương này. Trong cảm nhận của hai nhà văn, người phụ nữ trong hai tiểu thuyết là những chân dung mang màu sắc buồn thương, bất hạnh trong cuộc sống.
Khảo sát Kim Lăng thập tam thoa, chúng tôi thấy có hai chín nhân vật nữ chính, trong đó có mười ba nhân vật gái điếm và mười sáu em nữ sinh. Nhà văn tập trung xây dựng hai loại phụ nữ trong tác phẩm của mình, nhưng cả hai loại đó đều không có được hạnh phúc. Mỗi loại nhân vật phụ nữ là hiện thân của bất hạnh và những nỗi bất hạnh là không giống nhau.
Trước hết, chúng tôi muốn nói đến các nhân vật là các cô gái điếm. Mười ba cô gái điếm xuất hiện trong tác phẩm trong hoàn cảnh bị quân Nhật săn đuổi phải chạy nương nhờ linh mục trong nhà thờ. Ngay từ khi xuất hiện trong tác phẩm các cô đã ở trong hoàn cảnh bước đường cùng: quân Nhật đến xâm lược, truy lùng, các cô phải nương nhờ nhà thờ, dù bị đánh đập xua đuổi nhưng các cô vẫn cố trèo vào. Hoàn cảnh cho thấy số phận bất hạnh, các cô luôn bị coi là cặn bã của xã hội, là đối tượng săn lùng của quân Nhật.
Thời phong kiến ở Trung Quốc, nghề ca nhi, kĩ nữ là hạng người bất hạnh trong cuộc sống. Dù được tạo hóa ban cho nhan sắc, tài năng nhưng lại giáng xuống bản thân họ hoặc gia đình họ tai họa, để họ buộc phải gánh chịu, đưa đẩy họ vào chốn lầu xanh, trở thành món hàng, họ mất đi quyền sống, giá trị làm người. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhà thơ thật tài tình khi đưa vào trong kiệt tác của mình chân dung số phận tài hoa nhưng bất hạnh của cô ca nhi Đạm Tiên: “Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng”. Đời người một kiếp ca nhi, sống thì trở thành món hàng qua tay biết bao nhiêu đàn ông, không chốn nương thân, không có được lựa chọn hạnh phúc. Đau đớn thay, kiếp ca nhi khi sống thì đâu cũng là chồng mà khi chết đi nơi quạnh quẽo cô đơn không có một ai. Cũng viết về số phận của các cô gái điếm trên sông Tần Hoài, Nghiêm Ca Linh đã đặt các cô ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời để thấy được sự bất hạnh, đau đớn ê chề về thể xác lẫn tinh thần.
Dõi theo diễn biến tác phẩm, ta dễ dàng nhận thấy, ngay khi không có chiến tranh các cô gái điếm cũng không hề có chút niềm hạnh phúc. Với các cô gái điếm, ở thời bình, các cô không có được hạnh phúc. Họ không có được tình yêu thương của gia đình. Những cô gái ấy bị đẩy vào cuộc sống bất hạnh và phải làm cái nghề ô nhục từ rất sớm - làm nghề gái điếm trên sông Tần Hoài, từ cô gái mười lăm tuổi cho đến cô gái có dáng người quyền quý. Họ chỉ là thứ mua vui xác thịt cho kẻ có tiền. Mỗi cô gái
điếm đến với nghề này là khác nhau như Đậu Hoàn, Ngọc Mặc... Với định kiến xã hội, khi nhắc đến nghề đó các cô luôn bị người đời khinh rẻ, không nhận được sự tôn trọng. Ngay cả những em nữ sinh mới trạc mười ba, mười bốn tuổi như Thư Quyên, Từ Tiểu Ngu, Sô - phi... cũng luôn tỏ ra ghê tởm, không coi gái điếm là người.
Phần lớn các cô gái điếm đều không có được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay từ nhỏ, họ sớm đã phải lưu lạc nay đây mai đó, không có được hạnh phúc gia đình, không nơi nương tựa. Đậu Hoàn là một cô gái mồ côi cha mẹ từ sớm, ngay cả tên họ của mình cô cũng chẳng nhớ, hình như họ Thẩm, “một người Hoài Bắc múa trống kiếm ăn đã gánh cô bán cho nhà chứa” [18, tr. 134]. Sớm đã phải sống cuộc sống trong nhà chứa, không cha mẹ, không người thân, cô không nhận được bất kì sự chăm sóc, dạy bảo từ gia đình. Khi lớn lên, mới bảy tuổi Đậu Hoàn đã cực kỳ xinh đẹp, nhưng lại thuộc loại “đầu ngu miệng vụng”. Cô làm một năm mà khách toàn hạng thấp hèn. Và để học được ngón gảy đàn tì bà cô phải mất đến năm năm và chịu những đòn roi từ má mì. Thời gian sống ở nhà chứa Đậu Hoàn luôn nhận phần thiệt về mình: toàn mặc đồ thừa của chị em, toàn quần áo vá víu.
Khác với Đậu Hoàn, Ngọc Mặc từ khi sinh ra đã có cuộc sống hằng mơ ước của bao người: được sống bên cha mẹ, được sống trong môi trường tốt, học trường tốt, “Tứ thư ngũ kinh cô đã đọc, cầm kì thi họa cô thông hiểu, dòng dõi cha mẹ cũng không thấp hèn, họ đều thuộc thế hệ đọc nhiều biết rộng…”[18, tr. 138]. Dù vậy, nhưng ngay từ nhỏ cô luôn có dự cảm về cuộc đời sau này sẽ nhiều bất trắc: “Từ nhỏ cô đã biết mình đầu thai nhầm chỗ, lẽ ra phải là châu báu của một gia đình quý phái” [18, tr. 138]. Cuối cùng, những dự cảm của Ngọc Mặc cũng đến, cha cô là kẻ bại gia chi tử, vì thua cờ bạc nên đã bán cô cho ông chú trùm cờ bạc: “Hơn mười tuổi, cô bị cha cầm cố cho ông chú họ trùm cờ bạc. Chú chết, thím bán cô vào thuyền hoa”[18, tr. 139]. Cuộc đời Ngọc Mặc bước sang trang mới đầy rẫy những bất hạnh, những cám dỗ của cuộc sống phong trần. Năm mười bốn tuổi, cô đã lãnh đủ sóng gió Tần Hoài. Năm hai tư tuổi, cô gái nhảy siêu hạng gặp Trương Thế Khiêu, tưởng rằng sẽ thoát khỏi được cuộc sống nhầy nhụa này, thế nhưng chuyện bị bại lộ dưới tay vợ anh ta.
Ở thời bình, các cô gái điếm như Đậu Hoàn, Ngọc Mặc luôn bị người đời rẻ rúng, coi thường. Các cô chỉ là thứ mua vui cho cánh đàn ông. Năm mười chín tuổi, cô Ngọc Mặc gặp một kẻ phụ tình. Hắn ta hứa cưới cô nên cô mới đồng ý “ngã vào lòng” hắn.
Mấy năm sau người ta cao chạy xa bay, bỏ lại cô một mình. Cô tháo nhẫn cưới, ốm một trận liệt giường tưởng chết. Năm hai tư tuổi, gặp Trương Thế Khiêu, cô nghĩ rằng sẽ dựa vào anh ta để thoát khỏi tàng Ngọc Lâu. Cuối cùng, chuyện giữa cô và Trương Thế Khiêu đã bị vợ anh ta phát hiện. Mọi lời hứa trước đây anh ta quên bẵng, chỉ viết lại cho cô bức thư với lý do không thể đi Trùng Khánh với cô được. Cùng với bức thư, anh gửi cho Ngọc Mặc hai lượng vàng và năm mươi đồng đại dương. Mối tình coi như kết thúc từ đó. Cô gái Ngọc Mặc tài hoa, thông minh xinh đẹp chỉ được vị quan tin vào điều mình đã được dạy rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng bằng hai lượng vàng và năm mươi đồng đại dương.
Thời bình, các cô gái điểm phải chịu những đau đớn, bất hạnh về thể xác. Trong thời chiến, nỗi đau đớn về tinh thần còn đau gấp bội lần. Phụ nữ vốn là những người chịu nhiều thiệt thòi, bất công, trái ngang cuộc đời. Vậy mà khi chiến tranh đến, họ lại là những nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của kẻ đi xâm lược. Trong thời chiến, các cô gái điếm không chỉ bị ghê tởm bởi đồng bào mình mà họ trở thành mục tiêu săn đuổi của quân Nhật, họ là nô lệ tình dục.
Mười ba cô gái điếm dù xuất hiện trong hoàn cảnh nào cũng luôn bị coi thường, khinh rẻ vì họ ở vị thế xã hội thấp hèn: đó là nghề ca kĩ, nghề mua hương bán phấn. Nhất là trong chiến tranh: “Thương nữ bất tri vong quốc hận/ Cách giang do xướng hậu đình hoa”, người đời cho rằng đã là con hát thì không bao giờ biết đến cái hận mất nước, bên kia sông vẫn hát khúc hậu đình hoa. Các cô luôn bị người đời nhìn với ánh mắt vô cùng căm hận. Trong bối cảnh chiến tranh, qua cái nhìn của các vị linh mục thì họ là hạng đàn bà không nên sống chung trong nhà thờ với các em nữ sinh: “Loại đàn bà như các người thì sợ gì hả? Ra phố mà chèo kéo bọn lính Nhật đi” [18, tr. 19]. Các vị linh mục cho họ vào nhà thờ chỉ là tạm thời còn cuối cùng cũng phải đuổi họ đi: “Sống chết thế nào cũng phải lôi cổ họ ra! Đã nhìn thấy rõ chưa? Đứa nào cũng làm loạn cả!” [18, tr. 23].
Trong cái nhìn của các nữ sinh, đặc biệt qua cái nhìn của Thư Quyên: “Thư Quyên hiểu được tình hình đang xảy ra, mấy người kia đúng là một đám đàn bà không nên để mắt tới” [18, tr. 15]. Từ khi họ đặt chân vào trong nhà thờ Wilson: “Sàn đá sạch sẽ đến xanh bóng bị đám đàn bà xanh đỏ kia làm cho nhem nhuốc”[18, tr. 20]. Đâu chỉ có Thư Quyên có thái độ khinh bỉ đám đàn bà “Thì ra các cô bé ai cũng vậy, đối với bọn đàn bà
hạ đẳng từ thuyền hoa đến, các cô vừa khinh rẻ, vừa háo hức…” [18, tr. 43]. Với nữ sinh, đám đàn bà “mua hương bán phấn” là hạng người “mạt hạng” trong xã hội không đáng được tôn trọng. Đám đàn bà kia là những kẻ mạt hạng nhìn chỉ thêm bẩn mắt. Các nữ sinh luôn tỏ ra căm ghét họ. Vì đám gái điếm kia luôn chèo kéo, luôn sống nhờ vào nhược điểm của người đàn ông và kiếm sống bằng bộ phận thầm kín giữa hai đùi. Các cô cảm thấy ghê tởm lũ đàn bà mua hương bán phấn, coi đó là “…những sinh mạng rẻ mạt, không hề cao quý…” [18, tr. 226]. Dù xuất hiện ở bối cảnh nào các cô gái điếm luôn là những hạng người rẻ mạt trong xã hội, không đáng được tôn trọng. Cùng là con người, cùng chung dân tộc, vậy mà họ lại bị chính đồng bào mình ghê tởm. Hơn hết, nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời của các cô gái điếm đó là trở thành mục tiêu săn đuổi của bọn lính Nhật. Cô gái Đậu Hoàn vì muốn có đủ sợi dây đàn để hát tặng Vương Phố Sinh mà đã bất chấp cả tính mạng. Cô đã tự mình quay trở về nhà bên sông Tần Hoài và đã chết dưới tay của lính Nhật: “Cô bé bị lính Nhật thay nhau hãm hiếp rồi đâm mấy nhát” [18, tr. 188], đó là cái chết thật đau đớn. Trước sự săn lùng của lính Nhật, các cô gái điếm đã sẵn sàng thay thế nữ sinh đóng giả làm các thiếu nữ ban đồng ca. Họ đã hi sinh bản thân mình, trở thành tấm đệm thịt để các sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật chia sẻ nhau thân xác. Trong số họ, có cô bị giết vì chống cự bọn lính Nhật. Cũng có cô bị bắn chết vì bỏ trốn, có cô bị bệnh mà chết, cá biệt có cô chết vì tự sát. Duy chỉ còn Triệu Ngọc Mặc sống sót, nhưng cô đã phải thay đổi diện mạo trở thành một con người khác.
Số phận của các cô kĩ nữ đã vậy rồi, còn các cô nữ sinh thì sao? Không phải tự nhiên mà nhà văn Nghiêm Ca Linh lại đặt các nữ sinh bên cạnh các cô gái điếm. Đặt những nữ sinh thánh thiện bên cạnh những nhân vật được xem là nhơ nhớp, nhà văn có dụng ý gì? Dưới ngòi bút của Nghiêm Ca Linh các em nữ sinh thánh thiện nhưng cũng không phải hoàn toàn hạnh phúc. Nỗi bất hạnh ở các em không phải nghèo đói về vật chất, không phải thái độ khinh bỉ của xã hội, mà sâu xa hơn là định kiến về vị trí thấp hèn của người phụ nữ.
Không chỉ ở thời chiến, mà ngay thời bình, các em được sống đầy đủ vật chất nhưng các em nữ sinh chỉ là phận “nữ nhi thường tình”. Các em được giáo dục theo khuôn phép hà khắc của giáo dục phong kiến. Với các cô bé, những chuẩn mực xã hội là điều đặt lên hàng đầu. Còn vấn đề tình dục hay đàn ông các cô không được phép để
ý tới. Vì cách giáo dục khắt khe đó mà khi đến ngày hành kinh - đánh dấu sự trưởng thành của người con gái, Thư Quyên chỉ cảm thấy nhục nhã, ê chề: “Chẳng ai nói với cô rằng cơn đau khủng khiếp đó sẽ xảy ra. Lẽ ra đó là việc của người mẹ nhưng mẹ vắng mặt” [18, tr. 33]. Cô đau đớn quá, cô thù ghét tất cả mọi thứ, cô ghét chính mình vì có tấm thân và nội tạng và cả những cơn đau quặn ruột và dòng máu bẩn thỉu y như đám gái điếm dưới hầm kia. Từ nay, cô sẽ trở thành tấm thân gây ra bao tội lỗi, để tùy ý cho kẻ nào đến “trồng cây và hái quả”. Chính sự giáo dục thiếu khoa học, thiếu nhân văn, thiếu con người đã làm lu mờ đi hiểu biết về lứa tuổi vị thành niên. Đáng lẽ ra đó là những kiến thức cơ bản cần được giáo dục cho các em nhưng để các em trở nên thánh thiện, trở thành chuẩn mực của xã hội thì các em không được nghĩ tới.
Dưới ngòi bút của nhà văn Nghiêm Ca Linh, các em thánh thiện nhưng cũng mang đau khổ mà xã hội không thấy được, đó là “sự phát triển giới tính”, sự phát triển tự nhiên của nữ giới. Là những cô nữ sinh thánh thiện, các em không bao giờ được nghĩ tới sự phát triển của những bộ phận sinh dục trên cơ thể. Ngay như cô bé Thư Quyên, khi bị hành kinh lần đầu tiên cô chỉ cảm thấy thấy nhục nhã, ê chề. Vì các cô được dạy rằng đó là sự đánh dấu cho những điều tội lỗi và xấu xa.
Như vậy, Nghiêm Ca Linh đã thấu tận và phản ánh một vấn đề mà xã hội Trung Quốc thấy nhưng không dám nói. Đó chính là sự bất hạnh của người phụ nữ dù họ xuất hiện trong hoàn cảnh nào, sống trong một điều kiện nào, tầng lớp bình dân hay quý tộc, nghèo hay giàu phụ nữ đều bất hạnh.
Các cô nữ sinh ấy, khi chiến tranh xảy ra các cô bị đẩy đến bước đường cùng của nghèo đói. Các nữ sinh lánh nạn trong nhà thờ Wilson trong tình trạng: nước hết, lương thực hết “Trong nhà thờ lúc này chỉ còn một gánh bột, gạo chưa đến một thăng. Nước thì chỉ còn tí chút ở bồn rửa tội…” [18, tr. 29]. Vậy mà các nữ sinh còn phải chia sẻ phần thức ăn của mình với bọn gái điếm. Ngay cả không gian sống của các cô cũng không được tự do. Nơi lánh nạn của các cô là trên căn gác chật chội của nhà thờ. Các cô phải ở yên trên căn gác theo lời của linh mục Engman để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, chiến tranh đến không chừa lối thoát cho bất kì ai, ngay cả nhà thờ Wilson được coi là nơi “bất khả xâm phạm” cũng bị lính Nhật vào lùng sục.
Trong chiến tranh, các em nữ sinh luôn được sự bảo vệ của linh mục Engman và giữa các em luôn phải giữ sự uy nghiêm và khoảng cách: “Để giữ cho các em nữ sinh được trong sạch từ đó làm cho chúng trở nên giỏi giang thì người đời phải đảm bảo sao cho loại người như Ngọc Mặc luôn luôn phải ở cấp bậc hèn mạt” [18, tr. 40]. Các em là những sinh linh bé bỏng cần được bảo vệ, nếu chiến tranh xảy ra thì sự hy sinh của các em là điều không thể tưởng tượng nổi. Chỉ trong bảy ngày ngắn ngủi sống chung với đám gái điếm trong nhà thờ đã giúp các cô bé nhận ra nhiều điều. Qua tiếp xúc với các cô gái