7. Cấu trúc của luận văn
2.2. Nhân vật phụ nữ hiện thân của khát khao hạnh phúc
Là con người ai cũng có những mơ ước, khát khao. Khi được thỏa mãn người ta gọi đó là hạnh phúc. Nhân vật phụ nữ trong hai tiểu thuyết Kim Lăng thập tam thoa
(Nghiêm Ca Linh) và Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh) cũng vậy, dù ở trong hoàn cảnh bi đát nhất họ luôn khát khao hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đó là khát khao hạnh phúc lứa đôi, khát khao được sống, khát khao làm mẹ, làm vợ…
Trong Kim Lăng thập tam thoa, nhà văn Nghiêm Ca Linh xây dựng hai tuyến nhân vật phụ nữ đối lập nhau, nhưng ở họ đều có sự trỗi dậy khát khao hạnh phúc. Các cô gái điếm là hạng người bất hạnh trong cuộc sống, nhưng các cô tự ý thức được về cuộc sống của mình. Đó là khát khao về tình yêu thương, hạnh phúc lứa đôi, khát khao về cuộc sống. Tiêu biểu là nhân vật Ngọc Mặc, Đậu Hoàn.
Trước đây, ở tuổi đôi mươi, cô gái tên Ngọc Mặc bắt đầu có những suy nghĩ về cuộc sống hạnh phúc. Cô luôn khát khao có một tình yêu, sự che chở bảo vệ của người đàn ông. Cô gái nhảy siêu hạng này đã tìm và gặp được Trương Thế Khiêu - người đàn ông cô dự định sẽ gửi gắm cuộc đời mình. Những mơ ước về cuộc sống lứa đôi càng làm cho Ngọc Mặc có niềm tin vào anh ta. Cô tin anh sẽ cứu cô thoát khỏi cuộc sống nhầy nhụa để chuỗi ngày sau này họ bên nhau là những ngày hạnh phúc, tươi vui trong cuộc đời Ngọc Mặc. Đó là những khao khát bản năng chính đáng của con người.
Khi chiến tranh xảy ra, cuộc sống con người rơi vào hoàn cảnh đen tối nhất, đó là khoảng cách mong manh giữa sự sống và cái chết, sống nay chết mai. Trong hoàn cảnh ấy, con người ta luôn khát khao được thỏa mãn những gì mà trước đây họ chưa dám làm. Trong số các cô gái điếm, Đậu Hoàn là cô gái có khao khát tình yêu, khát khao hạnh phúc gia đình mãnh liệt. Ngay từ khi sinh ra Đậu Hoàn đã có cuộc đời không mấy phẳng lặng. Mới mười lăm tuổi, cô đã bị bán đi bán lại nhiều lần và qua tay không biết bao nhiêu gã đàn ông. Chỉ đến khi gặp Vương Phố Sinh - cậu lính thiếu niên bị thương nặng trong trận đánh của quân Nhật tràn vào chiếm Nam Kinh, cậu ta được đưa vào lánh nạn trong nhà thờ, ngay khi gặp cô gái điếm Đậu Hoàn đã có tình cảm đặc
biệt với cậu ta. Đậu Hoàn nhận việc chăm sóc, vệ sinh vết thương cho cậu. Cô luôn làm những việc để khiến Vương Phố Sinh được vui vẻ. Vì thế tình cảm đã nảy sinh giữa Đậu Hoàn và Vương Phố Sinh. Cô luôn khao khát về mái ấm gia đình nhỏ, cô luôn muốn được làm mọi việc để đem lại hạnh phúc cho người cô yêu thương. Cô đã chủ động bộc lộ ước muốn của bản thân với Vương Phố Sinh: “Từ nay ngày nào em cũng đàn cho anh nghe” [18, tr. 170], cô sẽ chấp nhận theo Vương Phố Sinh “Em sẽ về làm ruộng với anh”[18, tr.170], cho dù Vương Phố Sinh không có gì cô vẫn chấp nhận đến với anh “…ngày ngày em sẽ đàn cho anh nghe. Em đàn, anh múa gậy kiếm ăn nuôi mẹ” [18, tr. 171]. Khao khát của cô gái Đậu Hoàn vô cùng nhỏ bé, khao khát rất đỗi bình dị, đời thường. Đó là khao khát chăm sóc và được chăm sóc cho người mình yêu thương.
Khi còn ở nhà chứa bên sông Tần Hoài, Đậu Hoàn đã tiếp xúc với biết bao nhiêu đàn ông. Nhưng chưa bao giờ cô lại có tình cảm sâu sắc với một người khác giới. Chưa bao giờ cô lại có khát khao hạnh phúc gia đình mãnh liệt đến vậy. Cho đến khi gặp Vương Phố Sinh khát khao tình yêu lứa đôi cứ trỗi dậy, buộc cô phải gắn kết. Phải chăng đó chính là tình yêu đã nảy nở trong cô với Vương Phố Sinh, là ngọn lửa châm ngòi cho khát khao cháy bỏng. Đó là khát khao yêu thương và được yêu thương, những điều tưởng chừng như nhỏ bé nhưng ta chưa bao giờ làm được.
Khác với các cô gái điếm, các nữ sinh luôn khao khát được thoát khỏi nhà thờ Wilson thật nhanh. Khát khao được thoát khỏi nhà thờ cũng là để thoát khỏi sự “bẩn thỉu” từ đám gái điếm. Cô nữ sinh Thư Quyên luôn hy vọng bố của Từ Tiểu Ngu đến thật sớm để đưa cô cùng đi, “Mai đến thì tốt” [18, tr. 81]. Cô hy vọng bố của Tiểu Ngu đến đón, cô sẽ thoát được khỏi nhà thờ này, thoát khỏi Nam Kinh đẫm máu, với hy vọng về cuộc sống yên bình. Mặc dù mỗi khi nhận thấy hoàn cảnh mình đang sống thật khổ sở, cô rất giận cha mẹ, nhưng trong sâu kín tâm hồn của cô gái mười ba tuổi này luôn là khát khao về cuộc sống gia đình nơi có đầy đủ cha, mẹ và em gái “…cô có một nỗi nhớ nhung như xé lòng và cô sợ rằng mãi mãi không còn được gặp lại” [18, tr. 172]. Cô rất nhớ cha mẹ, nhớ em gái, nhớ Giang Nam. Nhưng những khát khao luôn bị chính cô kìm nén. Khoảng thời gian lánh nạn trong nhà thờ là chuỗi ngày các em nữ sinh chịu thiệt thòi về cả vật chất lẫn tinh thần. Các em phải sống trong điều kiện sinh
hoạt thiếu thốn. Trong hoàn cảnh ấy, khát khao của các em nữ sinh thật đơn giản, đó là các em được ăn một bữa thật no nê mà không phải chia sẻ phần thức ăn với đám gái điếm kia.
Cùng chung mối quan tâm về khát khao hạnh phúc của những người phụ nữ với Nghiêm Ca Linh, nhưng khát khao hạnh phúc của nhân vật nữ của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lại có điểm khác. Đó là khát khao được sống đúng với tình yêu của bà ba Váy, khát khao làm tròn thiên chức người mẹ, người vợ của chị cả Cỏn, cô bé Nhụ, khát khao được sống cuộc sống tốt đẹp hơn của cô Hoa...
Khát khao cháy bỏng về hạnh phúc tình yêu đôi lứa, đặc biệt là tình yêu của người phụ nữ đã có gia đình được Nguyễn Xuân Khánh khắc họa trong tác phẩm. Đó là khát khao về tình yêu thời son trẻ của bà ba Váy. Cuộc đấu tranh tìm kiếm hạnh phúc ấy diễn ra âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt giữa những kỉ niệm quá khứ và cuộc sống hiện tại. Thời còn trẻ, bà có tình yêu thật đẹp với anh hai Phác - con trai cụ đồ Tiết, nhưng vì kháng chiến, từ đó họ bặt tin không còn tin tức. Sau đó, cô Váy được gả cho ông lý Cỏn để gán nợ. Cuộc tình đó vốn không có tình yêu, nên những lần ân ái, gần gũi lý Cỏn càng làm cô nhớ lại thời son trẻ với anh Phác. Cô nhớ lại đêm “trải ổ” giữa cô và anh Phác trong phút giây hoan lạc, đằm thắm bên nhau. Những khát khao đó cứ trỗi dậy trong con người bà ba Váy. Sự gần gũi, sự ghen tuông của lý Cỏn đã khiến cơn thèm khát của bà càng mãnh liệt hơn. Nhiều đêm bà vẫn chảy nước mắt mà nhủ thầm: “Anh Phác ơi! Bây giờ anh ở nơi chân trời góc biển nào? Người ơi! Sao mãi chẳng về? [14, tr. 494]. Mối tình xưa luôn để lại trong bà ba Váy một nỗi khắc khoải khôn nguôi “Tôi vẫn luôn có một khát khao, trong tôi vẫn luôn có một tình cảmkhông thỏa mãn, mối tình xa xưa từ thời con gái vẫn để lại trong tôi một dư vị ngọt ngào không nguôi” [14, tr. 495]. Chỉ bên anh Phác, bên người mình yêu thương thật lòng thì bà mới cảm thấy thật hạnh phúc. Khi gặp lại người xưa, bà hồn nhiên quay trở lại tìm những rung động thật sự mà trong cuộc sống vợ chồng bà không thấy.
Khác với bà ba Váy, khát khao của chị cả Cỏn và chị hai Cỏn là được làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ. Quan niệm “đông con là có của” đã ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt từ xa xưa. Với người phụ nữ vai trò lớn nhất là phải sinh thật nhiều con cho gia đình nhà chồng và phải có người để “nối dõi tông đường”. Cả hai
người phụ nữ ấy, họ luôn có khát khao có được thật nhiều con với ông lý Cỏn. Chị cả Cỏn luôn muốn “Chị muốn có một bầy con trai càng đông càng tốt, ít ra chị muốn có đủ bộ bốn con Long, Ly, Quy, Phụng” [14, tr. 498]. Bà hai lý Cỏn cũng vậy: “Bà thèm đẻ thật nhiều con với ông…” [14, tr. 134], bà cũng muốn mình có được nhiều con cho đủ bộ Tùng, Trúc, Cúc, Mai. Nếu mong ước thành hiện thực thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của hai người phụ nữ ấy, hạnh phúc của người làm mẹ. Theo quan niệm của người xưa, người đàn bà giàu có lại đông con trai thì sẽ là đại phúc, vừa giàu của lại giàu con. Vì thế, khát khao của hai người phụ nữ ấy cũng là khát khao chung của những người phụ nữ mang trong mình trách nhiệm người mẹ, người vợ.
Trong Mẫu thượng ngàn, Nhụ là cô gái có khát khao về hạnh phúc lứa đôi, và khát khao làm tròn bổn phận trách nhiệm của người mẹ thật cháy bỏng. Tình yêu giữa Nhụ và Điều là mối tình trong sáng. Cô luôn dành dụm, luôn chờ đợi đến ngày “trải ổ” để dâng hiến những gì đẹp đẽ của đời con gái cho người mình yêu. Trong đám rước, cô háo hức, hồi hộp chời đợi Điều sẽ tìm ra mình. Lúc này dòng suy nghĩ của cô đang miên man dòng chảy của những điều tốt đẹp về cuộc sống hạnh phúc. Nếu trong những ngày này cô được “đơm hoa kết trái”, nếu được trời phật thương mà có con thì đứa trẻ ấy sẽ rất thông minh, lại có phúc, nhiều lộc. Sau đám rước, Nhụ đến nơi hẹn hò của hai đứa, cô tựa lưng vào gốc cây đa hai thân với dòng suy nghĩ khắc khoải đợi Điều: “Điều ơi! Hãy đến với em mau lên! Em rất nóng lòng muốn được thấy cái ổ cỏ mật thơm phưng phức của chúng mình” [8, tr. 717]. Đó là cuộc hẹn hò được chờ đợi từ bao nhiêu ngày tháng, sự dành dụm ái ân từ khi quả còn xanh cho đến khi quả chín, đó là sự chờ đợi thiêng liêng. Sau đêm “trải ổ” Nhụ đã có mang, cô luôn khao khát đứa con mình sinh ra sẽ giống với tất cả những đứa trẻ khác “Cô đã là mục đồng nên cô mong con cô như một con bê non. Nếu đem thả nó vào đàn bò, con bê ấy xin đừng khác với mọi con bê, con bê ấy xin được các bò bố, bò mẹ chấp nhận là đứa con trong đàn” [14, tr. 748]. Cô luôn mong đứa con mình sinh ra sẽ được giống mọi người, nếu không ở làng quê, kẻ khác thường bao giờ cũng có số phận nếu không tủi nhục thì cũng long đong. Nhụ là đại diện cho những khát khao của người phụ nữ: khát khao về tình yêu, về hạnh phúc, về bổn phận người làm mẹ. Người phụ nữ ấy vốn nhỏ bé nhưng vô cùng kiên cường, cô vượt qua tất cả những rào cản để hướng tới cuộc sống hạnh phúc.
Hình tượng nhân vật phụ nữ với những khát khao hạnh phúc trong tiểu thuyết của Nghiêm Ca Linh và Nguyễn Xuân Khánh giúp người đọc thấy được nỗi đau đớn của họ khi bị những bất công xã hội chà đạp. Dù cuộc sống của họ bi đát, là nạn nhân của những hệ lụy xã hội, nhưng họ biết đắm mình vào những khát khao, mơ ước về cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiện nay trên thế giới nói chung, Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, ý thức “nữ quyền” đã hình thành và đạt được những thành tựu, nhưng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Mặc dù vậy, nhưng hai nhà văn đã góp tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống, quyền được hưởng mưu cầu hạnh phúc của con người nhất là phụ nữ qua tác phẩm của mình. Điều đó đã thể hiện tinh thần nhân văn cao cả của hai tác giả, đem lại giá trị cho tác phẩm mãi trường tồn với thời gian.