7. Cấu trúc của luận văn
3.1. Nhân vật phụ nữ qua ngoại diện
Khi xây dựng nhân vật, ngoại diện là yếu tố đầu tiên, quan trọng mà không nhà văn nào bỏ qua. Trong suốt một chặng dài từ văn học thời Phục hưng cho đến văn học đầu thế kỷ XX, các nhà văn đã không tiếc công sức để miêu tả sao cho ngoại diện nhân vật góp phần bộc lộ trọn vẹn tính cách của nhân vật. Những nhà văn như Lev Tolstoy (Nga), Horone de Balzac (Pháp)... đã xây dựng các chân dung nhân vật không thể lẫn với bất kỳ nhân vật nào khác như nhân vật Andrei Bolkonsky, Pie Bezukhov (Chiến tranh và hòa bình - Lep Tolstoy), hay lão Grandet (Eugénie Grandet - Horone de Balzac)... Các nhân vật ấy in đậm dấu ấn trong tâm trí độc giả trước hết ở ngoại hình trong sự thống nhất với tính cách. Khuôn mặt nghiêm nghị, đôi mắt ánh tư lự, dáng vẻ trầm tư... của Andrei Bolkonsky bộc lộ tính cách trầm tĩnh với những giằng xé nội tâm trên con đường đi tìm lý tưởng của chàng; vẻ mặt “không yên tĩnh”, đôi mắt he hé, chiếc mũ đắt tiền dúm dó, chiếc áo khoác “bốn mùa”, đôi giày giẫm gót... của lão Grandet là những biểu hiện ngoại diện của một người giàu có nhưng keo kiệt với những toan tính kiếm chác, làm giàu bất chấp thủ đoạn. Trong văn học Việt Nam, các nhà văn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... cũng xây dựng nên những chân dung nhân vật hoàn hảo từ ngoại hình đến tính cách. Các nhân vật như Chí Phèo, Xuân tóc đỏ... hiện hữu trong độc giả với từng đường nét chi tiết của mái đầu, nét mặt, ánh mắt, quần áo... để sao cho làm rõ nhất tính cách điển hình của họ. Nhìn chung, văn học truyền thống đã định hình thành khuôn mẫu: trong xây dựng nhân vật, ngoại diện phải hoàn chỉnh, và nhất là, phải thống nhất với tính cách nhân vật. Gần hết nửa đầu thế kỷ XX, văn học hiện đại đã có nhiều biến chuyển. Các nhà văn hiện đại phương Tây đã có những tìm tòi, cách tân các thể loại văn học nhằm tìm ra cách phản ánh phù hợp hiện thực mới, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị hiếu của độc giả hiện đại. Trong cách xây dựng nhân
vật, văn học hiện đại, hậu hiện đại thế giới xuất hiện kiểu nhân vật không hoàn chỉnh với những thuật ngữ mảnh ghép, phân mảnh... Với những thủ pháp đặc trưng của văn học hiện đại, nhiều nhân vật không nhằm thể hiện tính cách điển hình cho một kiểu, loại người, một giai cấp, tầng lớp nhất định mà mang ý nghĩa khái quát hơn - gần với biểu tượng - thể hiện vấn đề thân phận con người trong thế kỷ XX nhiều biến động.
Văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam bước vào thời kỳ hiện đại muộn hơn so với văn học phương Tây nhưng đã nhanh chóng tiếp biến nhiều cách tân từ văn học phương Tây. Nghiêm Ca Linh sinh trưởng trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động dữ dội của Trung Quốc nhưng bà cũng đã và đang sống ở phương Tây. Bà từng nói, bà chưa bao giờ thấy xa lạ đối với những tư tưởng mới của văn học hiện đại phương Tây. Có lẽ vì thế, viết Kim Lăng thập tam thoa, Nghiêm Ca Linh vẫn khá tuân thủ cách xây dựng nhân vật truyền thống song đã có những điểm mới lạ. Các nhân vật trong Kim Lăng thập tam thoa của bà có ngoại diện, song, ngoại diện của họ không hoàn chỉnh như những “chân dung” vẫn thường thấy trong văn học trước đó. Đặc biệt là ở các nhân vật phụ nữ. Dù là các nhân vật chính, dưới ngòi bút của Nghiêm Ca Linh, họ chỉ được hiện lên với vài nét phác thảo ít ỏi về ngoại diện. Dường như nhà văn có dụng ý nghệ thuật khi chỉ tập trung vào miêu tả một số đường nét nhất định như đôi mắt, tấm lưng, trang phục. Các nhân vật như Triệu Ngọc Mặc, Đậu Hoàn, Thư Quyên… là những nhân vật như thế.
Là nhân vật xuất hiện nhiều nhất, ấn tượng nhất trong Kim Lăng thập tam thoa,
Triệu Ngọc Mặc khiến người đọc không thể quên. Cô xuất hiện trong sự tìm kiếm dài dằng dặc của Thư Quyên, vào ngày xét xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản tại Nam Kinh tháng 8 năm 1946. Thư Quyên đã nhận ra Ngọc Mặc không phải qua tiếp xúc trực diện mà qua tấm lưng. Chỉ nhìn thấy tấm lưng của người đàn bà xuất hiện chốc lát trong phiên tòa, Thư Quyên dám khẳng định đó chính là Ngọc Mặc, người cô tìm kiếm bấy lâu. Đã mười ba năm, kể từ ngày xảy ra sự việc ở Nam Kinh năm 1937, Thư Quyên vẫn không quên vóc dáng của Ngọc Mặc, mà ấn tượng nhất là hình ảnh tấm lưng của cô. Nhà văn đã tập trung miêu tả lưng của Ngọc Mặc qua cái nhìn của Thư Quyên. Thư Quyên rất nhiều lần ngắm vóc dáng của Ngọc Mặc với vẻ vừa ngưỡng mộ, vừa ghen tỵ. Có đến năm lần Thư Quyên đã bị cái lưng của Ngọc Mặc hút hồn: “cái lưng mềm
mại không lẫn vào đâu”, “không chỉ cái lưng, mà trên người Ngọc Mặc không có chỗ nào nhàn rỗi cả, chỗ nào cũng biết cười, biết than vãn, biết ra hiệu một cách tinh tế” [18, tr. 18]. Bên cạnh sở hữu một thân hình “biết nói”, dưới ngòi bút của Nghiêm Ca Linh, Ngọc Mặc hiện ra với mái tóc, đôi mắt: “Ngọc Mặc mỗi lúc một đẹp hơn lên. Cô ta không phải tuyệt thế giai nhân nhưng lại rất ưa nhìn, rất dễ gây ấn tượng. Mái tóc rất dày, những lúc xổ ra trông có vẻ rất nặng, khiến cho khuôn mặt nhỏ đi... Đôi mắt đen và to bắt bạn phải ngắm nghía…”[18, tr. 46]. Nhà văn cũng phác thảo trang phục của Ngọc Mặc: “Khác với lúc đến, giờ cô đổi sang mặc chiếc áo dài hoa màu xanh đen, khoác chiếc áo choàng dày bằng len trắng, trên ngực có hai quả cầu to bằng len… đó là cách ăn mặc rất hợp thời trang” [18, tr. 47]. Chỉ với vài nét cơ bản như vậy, Ngọc Mặc hiện lên vô cùng uyển chuyển, quyến rũ và nhất là, rất tự tin. Được mệnh danh là “cô ca kĩ năm sao” nổi tiếng trên sông Tần Hoài ở Nam Kinh, xuất hiện ở nhà thờ giữa lúc nguy khốn - quân Nhật truy đuổi, Ngọc Mặc khiến tất cả mọi người có phản ứng bất ngờ khác nhau. Tất cả những người có mặt trong nhà thờ, kể cả mười sáu cô bé nữ sinh, ở mức độ khác nhau, đều bị Ngọc Mặc “đánh gục”. Linh mục không dám nhìn cô; Fabbi ngỡ ngàng, bối rối; các cô nữ sinh vừa khinh ghét, ghê tởm vừa ghen tỵ... Với người đọc, ấn tượng về Ngọc Mặc không phải là vẻ từng trải của cô gái làng chơi biết dùng thân xác quyến rũ người khác mà là một người đàn bà tràn đầy sinh lực và nữ tính. Dáng vẻ của Ngọc Mặc toát lên sự hoàn hảo về thể chất của người phụ nữ. Vẻ đẹp thể chất ấy của Ngọc Mặc thể hiện khả năng tình dục, khả năng duy trì nòi giống. Trớ trêu, người có vẻ đẹp thể chất ấy lại làm nghề “bán hoa”. Thân thể ấy của Ngọc Mặc chỉ để ngày đêm mua vui xác thịt cho đàn ông. Vài nét phác họa, Nghiêm Ca Linh đã xây dựng nên một nhân vật quyến rũ, bí ẩn nhất trong Kim Lăng thập tam thoa.
Ngoại hình không được miêu tả một cách đầy đủ của Ngọc Mặc ngầm thể hiện bi kịch tinh thần của người đàn bà khao khát hạnh phúc nhưng không thoát khỏi bất hạnh. “Hơn mười tuổi, cô bị cha cầm cố cô cho ông chú họ trùm cờ bạc. Chú chết, thím bán cô vào thuyền hoa... 14 tuổi, Ngọc Mặc đã lãnh đủ sóng gió Tần Hoài...” [18, tr. 139]. Cô bị chính người thân xô đẩy đến với nghề mạt hạng, làm gái trên sông Tần Hoài đến khi bước vào nhà thờ Wilson, cô đã hai mươi ba tuổi. Những cố gắng trong cuộc đời cô đều bị đàn ông lợi dụng rồi khinh miệt. Trong cô gái làng chơi ấy là khí chất thanh
cao nhưng chưa bao giờ được nhìn nhận. Những gì người đàn bà ấy nhận được không tương xứng với cái cô xứng đáng được hưởng. Sau vẻ ngạo đời của cô gái làng chơi dày dạn kinh nghiệm kia là một người đàn bà vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ; vừa đáng yêu vừa đáng sợ... Tất cả những mặt đối lập đó trong Ngọc Mặc khiến cho người đọc thấm thía về phận đàn bà bởi nhân vật này quá sống động, quá chân thực, rất ĐÀN BÀ. Ngọc Mặc không đại diện cho các cô gái làng chơi mà là hiện thân của những bi kịch mà phụ nữ nói chung phải đối diện: dù ở đâu họ cũng chưa bao giờ được đối xử đúng giá trị, nhất là, họ chưa bao giờ có vị trí như đàn ông.
Khác với Ngọc Mặc là một gái làng chơi 23 tuổi, đầy trải nghiệm cay đắng, nhân vật Đậu Hoàn mới chỉ 15 tuổi. Nhưng, cũng như Ngọc Mặc, dưới ngòi bút của Nghiêm Ca Linh, Đậu Hoàn cũng chỉ hiện lên với vài nét ngoại diện: “Cô này nhỏ nhắn, xinh xắn, khuôn mặt trái đào… khuôn mặt cô lúc nào cũng cười rạng rỡ… Cho dù thế nào, Đậu Hoàn là một người đẹp…” [18, tr. 44]. Người đọc không có được một chân dung hoàn chỉnh của nhân vật Đậu Hoàn, chỉ biết “Cho dù thế nào, Đậu Hoàn là một người đẹp”. Có lẽ với Nghiêm Ca Linh, nhân vật này chỉ cần miêu tả như vậy là đủ. Bởi vì, nhà văn không định xây dựng nên những tính cách, nhà văn muốn thể hiện những số phận. Từ lúc xuất hiện ở nhà thờ cho đến lúc chết thê thảm dưới bàn tay của bọn lính Nhật, cô gái điếm nhỏ tuổi, xinh đẹp này vẫn hồn nhiên như một trinh nữ. Người đọc không thấy một chút “nhơ bẩn” nào trong tâm hồn Đậu Hoàn. Chỉ ngang tuổi với các cô nữ sinh trong nhà thờ nhưng Đậu Hoàn đã làm vật mua vui cho đàn ông đã mấy năm. Ấy vậy mà cô chưa hề trải qua giây phút của tình yêu lứa đôi. Vì thế, trong cảnh cận kề cái chết, cô gái điếm 15 tuổi ấy đã yêu say đắm cậu lính trẻ đang bị thương nặng. Khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc, Đậu Hoàn tìm kiếm yêu thương từ anh lính trẻ và được hồi đáp. Nhưng, nếu không phải trong tình huống sống chết cận kề đó, người lính trẻ ấy liệu có dành yêu thương cho cô? Cái chết đã kề bên, cô bé ấy vẫn mơ chiến tranh kết thúc cô sẽ dẫn người yêu về quê chung sống hạnh phúc. Cuối cùng, để người yêu nghe được tiếng đàn, cô bé ngây thơ đó đã đi ra phố tìm dây đàn và chết thảm dưới tay quân Nhật. Cuộc đời Đậu Hoàn cũng là một bi kịch. Trẻ trung, đầy sức sống, đầy khao khát - những khao khát rất thường tình - nếu không chết vì chiến tranh, chắc gì cô bé ấy đã hạnh phúc! Nếu còn sống, tương lai Đậu Hoàn cũng sẽ là một Ngọc
Mặc khác: đẹp và với tất cả những gì họ có, lẽ ra phải được hạnh phúc nhưng họ không bao giờ có được. Nghiêm Ca Linh muốn nói: Định kiến xã hội đã khắc sâu, phụ nữ, trẻ hay già, ở thời bình hay thời chiến, họ luôn phải chịu thiệt thòi.
Khác với thân phận của Ngọc Mặc và Đậu Hoàn, nhân vật Thư Quyên là học sinh, là nữ sinh. Nhưng, cũng giống hai nhân vật trên, Thư Quyên chỉ được nhà văn miêu tả qua một vài nét tiêu biểu, trong đó là đôi mắt, ánh mắt là chi tiết được nhấn mạnh. Đôi mắt, ánh mắt được nhắc đến 8 lần. Sở dĩ “mắt” của Thư Quyên được Nghiêm Ca Linh miêu tả nhiều nhất có thể vì Thư Quyên là người quan sát, kể lại câu chuyện bi thương của Kim Lăng thập tam thoa. Miêu tả ánh mắt của Thư Quyên, tác giả không miêu tả vẻ đẹp đơn thuần, mà miêu tả cảm xúc của Thư Quyên qua ánh mắt đó. Khi Sô-phi dùng lời lẽ để xin đi cùng Tiểu Ngu, Thư Quyên “trừng mắt với Sô-phi”; khi Tiểu Ngu cùng bố ra khỏi nhà thờ thì cô “mắt cứ đau đáu nhìn Tiểu Ngu”; khi nhìn Ngọc Mặc trong trang phục lộng lẫy “mắt cô bừng lên khó tả”... Khó có thể nhận biết tính cách của Thư Quyên. Nếu như Ngọc Mặc được nhận xét là có “vạn tính cách” thì Thư Quyên cũng không kém. Ở cô gái mười ba tuổi này vừa có cái ngây thơ một cách “có giáo dục”của cô bé học sinh được giáo dục bài bản vừa có sự “từng trải” của cô gái mới lớn tò mò về phụ nữ. Cô vừa khinh bỉ, ghê tởm các cô gái đến từ sông Tần Hoài, vừa tò mò, thán phục, ghen tỵ. Thư Quyên và các bạn nữ sinh luôn tò mò về các cô gái điếm. Các cô bé bắt đầu âm thầm bắt chước lời nói, cử chỉ của các cô gái làng chơi kia. Thái độ của Thư Quyên rất khó hiểu trong con mắt của những người “có học” như cha mẹ cô nhưng dễ hiểu đối với phần lớn người đọc. Là phụ nữ, Thư Quyên hẳn cũng cảm nhận được vẻ đẹp và khao khát bản năng trong cơ thể Mặc Ngọc; có lẽ cô bé cũng mơ tự do, điều mà cô không có... Thư Quyên chính là người đã chứng kiến tất cả diễn biến của Kim Lăng thập tam thoa. Cô không đau nỗi đau của các cô gái điếm đã hi sinh thân mình, làm đồ chơi cho bọn lính Nhật để cứu cô và các bạn nữ sinh, cô mang nợ nỗi đau đó. Với Nghiêm Ca Linh, là phụ nữ, dù là ai, gái điếm hay nữ sinh đều có chung nỗi niềm muốn thoát khỏi những định kiến về giới của mình.
Giống với Nghiêm Ca Linh, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng sáng tác trong giai đoạn văn học Việt Nam có nhiều những cách tân. Nghệ thuật sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh vẫn khá truyền thống nhưng có những tìm tòi cách tân nhất định. Trong
tác phẩm Mẫu thượng ngàn, những tìm tòi, cách tân của ông trong việc miêu tả ngoại diện nhân vật gắn với cảm hứng về Mẫu trong văn hóa Việt. Các nhân vật phụ nữ như bà ba Váy, cô Mùi, cô Hoa, Nhụ... hiện lên với những nét ngoại diện đã được giản lược nhưng nhà văn chỉ tập trung vào một số nét nhằm thể hiện rõ nhất cái đẹp có tính “phồn thực”, rất bản năng đàn bà cũng như những bất hạnh mà họ phải chịu đựng. Từ bà ba Váy đa tình, cô mõ Hoa khốn khổ, cô trinh nữ Nhụ tinh khiết cho đến cô đồng Mùi và hàng chục nhân vật nữ khác đều có dáng vẻ hết sức gần gũi, hiện thực, mơn mởn... tất cả tràn trề sinh lực.
Nhân vật bà ba Váy được miêu tả khái lược qua trang phục và diện mạo: “…người đàn bà ấy trắng lắm… con mắt đen lóng lánh. Đôi lông mày nằm ngang như hai nét mực tàu vẽ trên khuôn mặt tròn vành vạnh. Mớ tóc vấn khăn trên đầu cũng đen mượt… Bà ta ăn vận xuềnh xoàng. Cái váy đen, cái áo nâu đã bạc lưng, cái yếm nhuộm vỏ đa màu hồng nhạt” [14, tr. 55]. Diện mạo và trang phục của nhân vật này khiến người đọc liên tưởng đến các bức tranh Đông Hồ vẽ người phụ nữ. Đó là chân dung rất phổ biến của người phụ nữ Việt dù chỉ qua vài nét phác họa. Với những nét ngoại diện như vậy, bà ba Váy không phải là một phụ nữ đẹp mà là một người phụ nữ có thừa khả năng đàn bà cần có. Nhà văn chắc chắn cũng không có ý xây dựng nhân vật bà ba Váy là người phụ nữ có vẻ đẹp theo mẫu “mình hạc xương mai” mà là vẻ chân chất nhưng vẫn toát lên nhựa sống hừng hực từ “con mắt đen lóng lánh” đến “khuôn mặt tròn vành vạnh”; cả “mớ tóc vấn khăn trên đầu cũng đen mượt” đầy vẻ mê hoặc. Người đọc cũng khó tìm được sự thống nhất giữa diện mạo với tính cách của bà. Vẻ ngoài ấy tưởng sẽ có cuộc sống tròn đầy, viên mãn, vậy mà hóa ra bà ba Váy lại chẳng có được một chút hạnh phúc nào. Bà ba Váy cũng không phải là mẫu phụ nữ để nhà văn tôn vinh, ca ngợi sự chịu đựng hay đức hi sinh.