Phân bố của các loài theo các dạng thảm thực vật

Một phần của tài liệu BỘ GIÁO dục và đào tạo bộ NÔNG NGHIỆP và PTNT (Trang 46 - 51)

Cần phải đánh giá yếu tố này để nắm được thông tin về mặt không gian trên một cảnh quan tổng thể. Với những kết quả khảo sát được kết hợp với cách phân chia các dạng thảm của các công trình nghiên cứu ở Vũ Quang, có thể đánh giá một cách khái quát về đặc điểm phân bố của cây thuốc ở đây như sau:

- Kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng, lá kim á ẩm nhiệt đới.

Kiểu rừng này hình thành ở độ cao trên trên 1000 m, độ cao biến động từ 1.000 đến 1.900 m, phân bố ở khu vực phía Bắc và phía Tây VQG Vũ Quang. Đây là kiểu rừng còn giữ được đặc điểm nguyên sinh cao nhất, tỉ lệ diện tích 19,1%. Điều kiện khí hậu đặc trưng cho khí hậu núi cao, mây mù thường xuyên, độ ẩm đất và không khí tương đối cao. Do đặc điểm tự nhiên đó nên hệ thực vật ở kiểu rừng này cũng có những nét đặc trưng là các loài thuộc ngành Thông (Pinophyta), loài đáng chú ý nhất về cây thuốc ở đây là Pơ mu (Fokienia hodginsii (Dunn.) A. Henry & Thomas)và nhiều loài khác đã được xếp vào danh lục các loài cần bảo tồn. Ngoài ra, ở đây cũng phân bố một số họ khác trong đó các loài làm thuốc như Long não (Lauraceae), Chè (Theaceae), Dầu (Dipterocarpaceae)…

- Kiểu phụ rừng lùn đỉnh núi

Kiểu rừng này phân bố ở độ cao từ 1.900 m đến 2.100 m, chiếm tỉ lệ 0,3% diện tích của cả vườn, hình thành trên các đỉnh núi dốc có đá nổi, khí hậu đặc trưng gió thổi mạnh quanh năm nên thực vật có những sự thích nghi như: Chiều

cao thân cây thấp, phân nhiều cành nhánh, lá nhỏ… để chống thoát hơi nước và chống gió. Tổ thành thực vật chủ yếu là các loài trong họ Đỗ quyên (Ericaceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Long não(Lauraceae)…

Cấu trúc rừng lùn có 2 tầng: Tầng ưu thế là các loài kể trên, đường kính thân từ 20 – 24 cm, chiều cao từ 6 –8 m. Tầng dưới tán chủ yếu là các loài thân thảo thuộc chi Balanophora, họ Dó đất (Balanophoraceae), Rêu, Địa y và Dương xỉ. Các loài cây thuốc đáng chú ý trong kiểu rừng này là các loài thuộc ngành Dương xỉ như: Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Smith),Tổ điểu (Asplenium nidusL.), Ráng đuôi phụng (Drynaria fortunei)…

- Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới

Kiểu rừng này hình thành ở độ cao dưới 1.000 m ở phía Bắc và phía Tây, phía Nam dưới 900 m, chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các kiểu rừng( 52%), theo kết quả điều tra của các công trình khác trong khu vực cho thấy kiểu rừng này có mức độ đa dạng về tổ thành, tầng thứ, dạng sống cao nhất.

Cấu trúc rừng có những nét đặc trưng:

* Tầng vượt tán là những loài Sao mặt quỷ (Hopea mollissima C. Y. Wu),

Sao hải nam (Hopea hainanensis Merr. & Chun), các loài thuộc họ Côm (Elaeocarpaceae), các loài thuộc họ Dẻ (Fagaceae)… tạo thành tầng tán không liên tục.

* Tầng dưới tán gồm các loài thuộc họ Bứa (Clusiaceae), họ Na (Annonaceae), họ Chè (Theaceae), họ Dâu tằm (Moraceae), họ Đậu (Fabaceae)….và các thế hệ cây tái sinh của những loài vượt tán.

* Cây bụi thảm tươi bồm các loài Song mây, Dương xỉ, các loài trong họ Gừng (Zingiberaceae), họ Ráy (Araceae),…

Các loài cây thuốc chủ yếu được phân bố trong kiểu rừng này bao gồm rất nhiều loài thuộc các họ khác nhau, có những loài chỉ có thể tìm thấy ở dạng sinh

cảnh này như: Thiên niên kiện, Thạch xương bồ, Cẩu tích, Sa nhân, Vàng đắng, Hoàng đằng…

- Thiên niên kiện (Homalomena occulta (Lour.) Schott): phân bố dọc theo các khe suối, mọc thành từng đám dưới tán rừng, ở những nơi có độ ẩm rất cao và tàn che lớn. Số lượng còn rất nhiều, gần như chưa bị khai thác, người dân trong vùng chỉ mới tận dụng một lượng rất nhỏ.

- Cốt toái bổ (Drynaria fortunei (O. Kuntze ex Mett.) J. Smith): Phân bố nhiều trên các thân cây to, với số lượng khá nhiều.

- Đơn châu chấu (Aralia armata (Wall. ex G. Don) Seem.), Đu đủ rừng

(Trevesia palmate (Roxb.) ex Lindl.) Visan.), Đáng chân chim (Schefflera heptaphylla (L.) Frodin ) mọc rải rác dọc khe suối và những nơi ẩm trong rừng.

- Sa nhân (Amomum xanthioides Wall. ex Baker): mọc nhiều ở dạng sinh

cảnh này, nhiều nhất là những nơi có độ tàn che lớn, độ ẩm cao, mọc thành từng cụm rất lớn. Có khả năng lớn để khai thác.

- Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. Smith): Mọc thành từng đám ở ven đường trong rừng, ven suối, chưa khai thác.

Và nhiều loài khác có giá trị cao cũng phân bố rất nhiều. Do đó, trong công tác bảo tồn và phát triển cây thuốc cần phải chú ý đến đặc biệt đến dạng sinh cảnh này.

* Kiểu rừng thường xanh mưa mùa trên núi đá vôi

Kiểu rừng này có một sự khác biệt khá rõ ràng, rừng thưa hơn, ít dây leo cây bụi hơn, tổ thành loài và tầng thứ cũng thấp hơn so với rừng thường xanh trên núi đất. Ở dạng sinh cảnh này có thể gặp một số loài cây thuốc quý điển hình như:

- Hoàng đằng (Fibraurea recisa Pierre): mọc rải rác trên các vách đá và ven đường đi.

- Lạc tiên (Passiflora foetida L.): mọc nhiều ở những đám đất trên các hốc đá.

- Loài Củ mài (Dioscorea persimilis Prain & Burk.): xuất hiện nhiều hơn ở các dạng sinh cảnh khác, có thể tận dụng để khai thác với khối lượng lớn.

* Kiểu rừng phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới phục hồi sau nương rẫy

Kiểu rừng này chiếm một diện tích khá rộng (23,1%), được hình thành do quá trình khai thác gỗ quá mức, do canh tác nông nghiệp. Các dạng phổ biến của kiểu rừng này gồm các loại rừng nghèo kiệt, rừng phục hồi, rừng hỗn giao gỗ - nứa, nứa gỗ và rừng tre nứa. Mặc dù giá trị kinh tế và sinh thái của dạng rừng này không cao nhưng vẫn có thể đóng góp một vai trò đáng kể về sinh thái và kinh tế nếu như chúng ta biết quản lý một các có hiệu quả. Tài nguyên cây gỗ ở đây là rất thấp chỉ là những cây gỗ nhỏ, chất lượng thấp nhưng tài nguyên cây thuốc vẫn có một giá trị khá lớn với nhiều loài có giá trị lớn như: Thiên niên kiện

(Homalomena occulta (Lour.) Schott), Tiêu rừng (Melochia corchorifolia L.),

Xích đồng nam (Clerodendrum japonicum (Thunb.) Sweet), Bạch đồng nữ

(Clerodendrum chinensis (Osbeck) Mabb. var. simplex (Mold.) S. L. Chen)…

* Trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác

Phân bố chủ yếu ở đai cao dưới 300 m. Kiểu này do quá trình canh tác nương rẫy diễn ra liên tục, không đủ thời gian để phục hồi. Loại hình này chiếm 5,2% diện tích của cả vườn, tập trung chủ yếu ở huyện Vũ Quang. Các dạng chủ yếu của kiểu này là Ia, Ib và Ic. Mặc dù tài nguyên cây gỗ hầu như không còn nhưng đây lại là điều lý tưởng cho một số loài cây thuốc ưa sáng phân bố.

- Các loài trong họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) như: Bồ cu vẽ (Breynia fruticosa (L.) Hook f.), Khổ sâm (Croton tonkinensis Gagnep.), Lộc mại

- Các loài trong họ Cúc (Asteraceae) như: Hy thiêm (Sigesbeckia orientallis

L.), Ngải cứu (Artemisia vulgaris L.), Nhọ nồi (Eclipta prostrata (L.) L.)…. - Các loài thuốc quý trong họ Hoa môi (Lamiaceae), những loài cây thân thảo nhỏ ưa sáng cũng hầu hết phân bố nhiều ở dạng sinh cảnh này như: Nhân trần (Acrocephalus indicus (Burm. f.) Kuntze), Ích mẫu (Leonurus japonicus

Houtt.), Bạc hà (Mentha arvensisL.),…

- Các loài khác thuộc các họ cũng phân bố khá nhiều ở khu vực này như các loài trong họ Cà (Solanaceae), họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae), họ Cỏ

(Poaceae),…

* Kiểu rừng nhân tạo

Kiểu rừng này có khoảng 59 ha, gồm Mỡ và Thông, tập trung ở đai cao dưới 100 m, giáp vùng đệm VQG. Đây là kiểu rừng có thành phần loài khá đơn điệu nên các loài cây tự nhiên chủ yếu chỉ là một số loài cây bụi, trong đó có thể có một số loài cây làm thuốc như: Sim (Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk.),

Màng tang (Litsea cubeba Pers.), Hà thủ ô nam (Streptocaulon juventas (Lour.)

Merr.),…

Căn cứ vào kết quả điều tra về sự phân bố của nguồn cây thuốc ở VQG Vũ Quang, có thể rút ra những nhận xét như sau:

- Trong số những loài cây thuốc đã được biết và thu được mẫu, phần lớn là những loài có biên độ sinh thái lớn, nên sự phân bố của chúng rải rác ở nhiều dạng sinh cảnh khác nhau.

- Hầu hết các loại cây thuốc có giá trị kinh tế và bảo tồn cao chủ yếu phân bố ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nơi rừng chưa bị tác động mạnh bởi con người. Nên trong công tác bảo tồn cây thuốc cần phải chú ý đến khu vực nhạy cảm này.

Một phần của tài liệu BỘ GIÁO dục và đào tạo bộ NÔNG NGHIỆP và PTNT (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)