Qua nghiên cứu như đã trình bày ở phần trên thì TNCT ở đây có tiềm năng rất lớn như: đa dạng về thành phần, công dụng, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao… Bên cạnh đó vẫn còn một số thực trạng tồn tại như:
- Người dân đang dần quay lưng lại với nền y học cổ truyền dân tộc, các hoạt động khám chữa bệnh trong vùng có xu hướng sử dụng nhiều các dịch vụ y tế hiện đại, họ thường nhờ vào tây y trước nếu không có hiệu quả mới quay về với y học dân tộc, điều này đang làm mất dần đi những kiến thức quý báu từ đời trước để lại, những kiến thức về cây thuốc hiện chỉ còn được lưu dữ ở các Ông lang và Bà mế mà thôi, bởi vì cây thuốc thường được thu hái ở khu vực xa VQG, mặt khác hoạt động này bị cấm nên chỉ còn lại một số ít người đang sống bằng nghề bốc thuốc phải đi xa mới khai thác được.
- Người dân vẫn chưa nhận thấy hết tiềm năng về kinh tế của cây thuốc, chỉ chú trọng trong việc đáp ứng nhu cầu hiện tại của gia đình là chủ yếu, mặc dù có diện tích đất rừng và đất vườn rất thuận lợi cho việc trồng cây thuốc nhưng người dân vẫn chưa nhận thấy điều đó.
- TNCT chưa được khai thác và chế biến một cách hợp lý, những người dân sốngtrong VQG họ coi Tài nguyên rừng là không của riêng ai, khai thác một cách bóc lột, những loài cây dùng thân và rễ hầu như bị cạn kiệt, còn lại những loài khai thác bộ phận lá thì vẫn còn tồn tại với số lượng lớn hơn. Nếu chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại của người dân thì rừng hoàn toàn có thể cung cấp đủ nhưng điều này sẽ trở nên vô nghĩa khi cây thuốc trở thành những món hàng hóa có giá trị. Các sản phẩm mà họ thu hái được chỉ chế biến một cách thô sơ như phơi khô, hoặc để cả tươi đem bán với giá thấp hơn nhiều so với các khu vực khác.
- Các sản phẩm về cây thuốc mặc dù được khai thác một cách hợp pháp ở vùng đệm nhưng vẫn không thể trao đổi một cách có hiệu quả cao nhất vì thị trường chưa điều tiết, các hình thức tiêu thụ chủ yếu như: người khác đến mua ngay tại gia đình hoặc đem ra chợ huyện bán một cách riêng lẻ, không tập trung với số lượng rất ít.