Sự cần thiết phải sử dụng BSC trong việc đánh giá kết quả hoạt động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp hoàn thiện hệ thống đo lường theo thẻ điểm cân bằng tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh nam đồng nai (Trang 27 - 29)

6. Bố cục của đề tài

1.2.4. Sự cần thiết phải sử dụng BSC trong việc đánh giá kết quả hoạt động

Môi trường trong thời đại thông tin đối với tất cả các tổ chức sản xuất cũng như dịch vụ đều yêu cầu các tổ chức này phải có những khả năng mới để đạt được thành công trong cạnh tranh. Khả năng của mỗi công ty trong việc huy động và khai thác các tài sản vô hình ngày càng trở thành một yếu tố có tính quyết định hơn so với việc đầu tư và quản lý các tài sản hữu hình.

Ngoài ra, những thước đo truyền thống sử dụng trong đánh giá hoạt động của tổ chức chủ yếu là các thước đo tài chính và phi tài chính cho những thông tin phản hồi ở cấp chiến thuật và kiểm soát các hoạt động ngắn hạn mà thôi, vì vậy đã trở nên lạc hậu và không đánh giá được toàn diện kết quả hoạt động. Xét ở điểm mấu chốt kinh doanh, việc quá coi trọng việc giành được và duy trì những kết quả tài chính ngắn hạn có thể khiến cho các công ty đầu tư quá mức vào việc giải quyết những khó khăn ngắn hạn, quá ít vào việc tạo giá trị dài hạn, đặc biệt là vào các tài sản vô hình và tri thức – những thứ có thể mang lại sự tăng trưởng trong tương lai.

a. Sự gia tăng của tài sản vô hình

Sự định giá tài sản vô hình và tri thức của một công ty, ví dụ như các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, những nhân viên có động lực và tay nghề cao … đặc biệt có ích vì đối với các công ty trong kỷ nguyên thông tin, những tài sản này có ý nghĩa quan trọng đối với thành công hơn những tài sản hữu hình, vật chất truyền thống. Các tài sản vô hình cho phép một tổ chức kinh doanh:

 Phát triển các mối quan hệ khách hàng nhằm duy trì sự trung thành của các khách hàng hiện có và làm cho các phân khúc khách hàng và các mảng thị trường mới có khả năng được phục vụ một cách chu đáo và có hiệu quả;

 Giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ có tính sáng tạo theo nhu cầu của các phân khúc khách hàng mục tiêu;

 Tạo ra các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao theo yêu cầu của khách hàng với chi phí thấp, đồng thời rút ngắn các giai đoạn thời gian trong sản xuất;

 Huy động được những kỹ năng và động lực của nhân viên cho sự cải tiến liên tục khả năng xử lý, chất lượng và thời gian đáp ứng;

 Triển khai được công nghệ thông tin, các cơ sở dữ liệu và các hệ thống. Theo thống kê của Viện Brookings (2000) về các tổ chức kinh doanh của Mỹ, các tài sản hữu hình đang sụt giảm về mặt giá trị, hiện nay các tài sản này chỉ chiếm khoảng ¼ giá trị của tổ chức. Nói cách khác, những thứ chiếm khoảng 75% giá trị của các tổ chức hiện không được đo lường hoặc báo cáo một cách cụ thể. (Paul R.Niven, 2009, trang 32)

b. Những hạn chế của các thước đo truyền thống

Kể từ khi xuất hiện các tổ chức kinh doanh thì tài chính đã trở thành phương pháp đo lường truyền thống. Công việc của các chuyên gia tài chính thật đáng được ca ngợi. Tuy nhiên, khi bước sang thế kỷ 21, nhiều người đã nghi ngại về sự phụ thuộc gần như duy nhất của chúng ta vào các thước đo tài chính đối với hiệu suất.

Các thước đo tài chính không đủ để chỉ dẫn và đánh giá lộ trình của tổ chức xuyên suốt những môi trường cạnh tranh. Chúng là những chỉ số “theo sau”, không thể bắt kịp nhiều giá trị được tạo ra hay bị phá hủy bởi hành động của các nhà quản lý trong kỳ kế toán gần nhất.

Một số hạn chế của các thước đo truyền thống:

 Không phù hợp với thực tế kinh doanh ngày nay: các hoạt động tạo ra giá trị của tổ chức ngày nay không còn gắn với tài sản cố định hữu hình của doanh nghiệp. Các thước đo này không hỗ trợ nhiều cho việc cung cấp những định hướng sớm về khách hàng, chất lượng, các vấn đề về nhân viên hoặc cơ hội.

 Dẫn dắt bởi các thành tích trong quá khứ: không có giá trị dự báo cho tương lai.

 Có xu hướng co lại trong các “khoang chức năng của mình”: số liệu của đơn vị kinh doanh được tổng hợp từ các báo cáo của từng phòng ban và cuối cùng thu thập thành một phần của bức tranh tổng thể. Phương pháp này không còn phù hợp với các tổ chức ngày nay, nơi có rất nhiều công việc mang tính chất chức năng chéo.

 Không có cách tư duy dài hạn: một công ty có thể tối đa hóa kết quả tài chính ngắn hạn bằng việc khai thác khách hàng thông qua giá cả cao hay dịch vụ thấp hơn. Trước mắt, những hành động này làm gia tăng khả năng sinh lời được ghi nhận, nhưng việc thiếu sự trung thành và thỏa mãn của khách hàng sẽ khiến cho công ty đó trở nên rất dễ bị tổn thương trong cuộc chơi đầy tính cạnh tranh.

 Các thước đo tài chính không phù hợp với nhiều cấp độ của tổ chức: Khi tổng hợp báo cáo tài chính trong toàn công ty, điều chính xác mà chúng ta đang làm là đưa ra thông tin ở cấp độ ngày càng cao hơn cho đến khi gần như không thể nhận ra được nữa và trở nên vô dụng trong việc ra quyết định của hầu hết các nhà quản lý cũng như nhân viên. (Paul R.Niven, 2009)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp hoàn thiện hệ thống đo lường theo thẻ điểm cân bằng tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh nam đồng nai (Trang 27 - 29)