Trong quá trình khai phá, lập làng, cơ cấu làng xã Việt Nam được hình thành, các làng, xã ở huyện Đông Triều cũng nằm trong mạch chảy đó. Đền, chùa, đình làng ở Đông Triều là sản phẩm của nền văn hóa làng xã. Trong quá trình kiến tạo,
các ngôi đền, chùa, đình đã được nhân dân địa phương và cộng đồng quê hương, xứ sở hưng công tạo dựng làm cho các ngôi đền, chùa, đình đến nay trở nên hoàn chỉnh, khang trang, bề thế hơn. Căn cứ vào tư liệu thành văn và kết quả khảo sát thực địa, cho thấy niên đại của các ngôi đền, chùa và đình ở huyện Đông Triều.
“Đông triều là vùng thánh địa linh thiêng, là quê gốc của nhà Trần nên đền
miếu chủ yếu được xây dựng để thờ các vua Trần khoảng từ thế kỷ XIII - XIV. Các công trình này luôn được người đời sau quan tâm bảo tồn và tu tạo. Tuy nhiên, với khoảng thời gian hơn 7 thế kỷ trôi qua cùng với những thăng trầm của lịch sử nhiều ngôi đền chỉ còn là phế tích” [4, tr. 16].
Theo ghi chép của Đông Triều huyện chí thì tại Đông Triều nhà Trần cho xây
dựng khá nhiều đền, tuy nhiên đến nay mới chỉ xác định được vị trí của hai di tích là đền An Sinh và đền Thái. Đền An Sinh nằm trong hệ thống khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, đền An Sinh toạ lạc trên một đồi đất thuộc địa bàn thôn Trại Lốc, xã An Sinh. “Theo thư tịch, bia ký và lệnh chỉ lưu giữ tại đền An Sinh thì đền An Sinh vốn là điện An Sinh được xây dựng vào thời Trần thế kỷ XIV” [37, tr. 6], là một
trong 3 trung tâm văn hóa tiêu biểu nhất của Đại Việt lúc bấy giờ, cùng với Thăng Long và Thiên Trường. Đây được coi là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo giữ vai trò bồi đắp bệ đỡ tinh thần cho xã hội và nhân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng đất nước, nơi đây tập trung nhiều khu lăng mộ, đền miếu thờ cúng nhất của nhà Trần, là nơi tu luyện và hóa Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nơi có nhiều chùa tháp tiêu biểu của Thiền phái Trúc Lâm. Đền thờ 5 vị hoàng đế nhà Trần, có mặt bằng kiến trúc hình chữ Công, gồm bái đường, ống muống và hậu cung. Đến thời Nguyễn, đền được xây dựng lại theo bố cục hình chữ Tam, thờ 8 vị hoàng đế nhà Trần đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đợt đầu tiên, nay được phục dựng lại từ phế tích cũ. “Năm 1997 - 2000, để bảo tồn và phát huy giá
trị và di tích điện An Sinh, Uỷ ban nhân dân huyện Đông Triều đã trùng tu tôn tạo lại di tích trên khu vực nền điện cũ gọi là đền An Sinh” [37, tr. 6]. Kể từ đó, lễ hội đền
vốn mai một lâu nay đã được khôi phục và trở thành lễ hội truyền thống của huyện, thu hút đông đảo du khách về dự hội hàng năm.
Đền Thái nằm trên đồi Đình, thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, theo đoán định của các nhà khoa học có thể đền Thái do An Sinh vương Trần Liễu xây dựng vào thế kỷ XIII [ 35, tr.14]. Đến thời Nguyễn, di tích bị tàn phá, nên dân làng đã xây dựng lại một ngôi đình, gọi là đình Đốc Trại, thờ 8 vị vua Trần và được triều đình sắc phong là Thành hoàng của làng Đốc Trại. Đình Đốc Trại trải qua thời gian đã trở thành phế tích. Ngày 13/7/2014 đền Thái được khởi công xây dựng lại.
Ngoài những ngôi đền thờ các vị vua quan nhà Trần thì tại xã Thủy An có một ngôi đền toạ lạc bên sườn núi Vẻn thuộc làng Vẻn cổ, thôn An Biên, đền được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX để thờ bà Lê Chân, một nữ tướng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống ách đô hộ phương Bắc dưới thời Hai Bà Trưng. Đền được xây dựng tại thôn An Biên nên nhân dân thường gọi là Đền An Biên. Do sự thăng trầm của lịch sử và chiến tranh tàn phá nên đền đã bị hư hỏng nặng. Năm 1993, đền được nhân dân địa phương tôn tạo lại trên nền đền cũ.
“Đền Di Aí được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII” [38, tr.136] thuộc thôn Trạo
Hà, xã Đức Chính thờ Nguyễn Quang Huy - một vị quan chính trực quang minh, một vị tướng tài ba dũng mãnh không những được truyền lại dưới triều Hậu Lê, triều Tây Sơn mà còn được di truyền đến cả triều Nguyễn.
Trong các dịp lễ tế, người dân thường dâng lên các vị thần những đồ vật do chính đôi tay mình làm nên, đó là những sản phẩm nông nghiệp, nhân dân lại mở hội tưng bừng với những trò chơi dân gian gần gũi, thân thiện với cuộc sống, để mọi nguời được gặp gỡ, giao lưu đồng thời làm thắt chặt thêm mối quan hệ cộng cảm, đoàn kết.
“Đình Trạo Hà được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII, thời kỳ chống Pháp hai
ngôi đình - đền bị tàn phá, năm 1994 dân làng Trạo Hà đã quyên góp tiền của để xây dựng lại’’[38, tr.136].
“Đình Xuân Quang xây dựng vào thời Lê ở làng Ngòi cạnh sông Đá Bạc, dân quanh làng thường gọi là đình Gốc Qúeo. Năm Khải Định thứ 7 (1922) được chuyển về thôn Xuân Quang nên gọi là đình Xuân Quang” [ 38, tr.137].
“Đình Hổ Lao xã Tân Việt được xây dựng khá sớm nhưng tư liệu gốc về việc xây
dựng đình đã bị thất lạc, chỉ còn một số bia thời Nguyễn ghi lại việc trùng tu đình vào năm 1864 thời Tự Đức. Sang thời Duy Tân đình tiếp tục được trùng tu và xây dựng” [ 37, tr. 52].
Ở thời điểm từ thế kỷ XII - XIV, là thời kỳ thịnh đạt nhất của Phật giáo "Đông đảo
quần chúng bình dân trong làng, xã nô nức theo Phật" [23, tr 96]. Chính vì Phật
giáo hưng thịnh nên có những ngôi chùa được dựng cạnh các ngôi đền, đình làng - trung tâm văn hóa làng xã lúc bấy giờ như đình chùa Hồ Lao, đình chùa Quế Lạt.
Ngoài những di tích đền và đình làng thì Đông Triều được mệnh danh là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm gắn liền với vương triều Trần cho nên các ngôi chùa được xây dựng chủ yếu dưới thời Trần. Niên đại của một số chùa ở Đông Triều như sau:
Chùa Ngọa Vân xã Bình Khê tên chữ là "Ngọa Vân tự" nằm trên núi Bảo Đài, xã Bình Khê. Chùa Ngoạ Vân là một di tích kiến trúc tôn giáo được xây dựng từ thế kỷ XIII vào thời Trần là một trong những công trình nằm trong hệ thống di tích Yên Tử, nơi Vua Trần Nhân Tông tu thiền và học đạo rồi sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một giáo lý Phật đạo mang đậm phong cách Việt Nam. Nơi đây còn có Lăng mộ của ngài được xây dựng thời Trần, một minh chứng quan trọng cho cuộc đời tu hành tích cực của sư tổ Thiền phái Trúc Lâm. “Khảo sát thực địa khu di tích Ngọa
Vân, tìm hiểu văn bia và các tài liệu thư tịch cổ ta thấy chùa Ngọa Vân được xây dựng vào thời Trần, thời Hậu Lê được tôn tạo lại với quy mô lớn hơn. Theo dấu tích kiến trúc còn ở đây thì chùa Ngọa Vân xây dựng thời Trần có quy mô nhỏ, quay hướng tây nam. Thời Lê sơ do sự phát triển mạnh mẽ của Nho giáo chùa không được quan tâm nên xuống cấp nghiêm trọng. Sang thời Lê Trung Hưng, Phật giáo đã trở lại hưng thịnh, chùa chiền, am tháp được các tầng lớp quý tộc quan tâm hỗ trợ nên chùa Ngọa Vân đã được các nhà sư đứng ra tu tạo khang trang. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm Đinh Hợi (1707). Thời kỳ chống Pháp bị đánh phá hư hỏng nặng, năm 2002 chùa mới được khôi phục lại như hiện nay’’ [4, tr. 101].
Chùa Quỳnh Lâm, tên thường gọi là chùa Quỳnh, tên tự là Quỳnh Lâm Tự. Theo nghiên cứu văn bia trong chùa cho thấy chùa được xây dựng từ thời Lý, thế kỷ XII, qua nhiều lần trùng tu, xây dựng ở các triều đại, Lý, Trần, Lê. Đặc biệt chùa
được tôn tạo hoàn chỉnh vào cuối triều Trần (thế kỷ XIII đến giữa thế kỷ XIV) và người có công lớn trong việc tu tạo, mở mang để chùa Quỳnh Lâm trở thành một trung tâm phật giáo lớn của cả nước và thành một giảng đường quy mô phục vụ cho việc giảng tập kinh sách Thiền Tông là Thiền sư Pháp Loa.
Chùa Hồ Thiên nằm trên núi Trù Phong, nay thuộc thôn Phù Ninh, xã Bình Khê. “Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XIV, khi Pháp Loa làm Chủ giáo hội Phật
giáo Đại Việt, chùa được xây dựng với quy mô rất lớn, gồm hàng chục công trình lớn nhỏ khác nhau, tổng số trên dưới 100 gian như khu chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp... để làm nơi truyền kinh giảng đạo” [4, tr. 113]. Đến thời Lê chùa
đổ nát và đã được triều đình đứng ra trùng tu. “Sau đợt đại trùng tu này các công
trình mới được xây dựng gồm: Chùa chính, Nhà tăng, Nhà tổ, Vườn tháp, Nhà bia. Trong đó chùa chính có mặt bằng chữ công diện tích mặt bằng 557m2” [35, tr. 18].
Hiện nay, những dấu tích nền móng trên vẫn còn khá đầy đủ.
“Chùa Trung Tiết do Lê Chung và Đặng Tảo xây dựng vào thế kỷ XIV khi hai ông về trông coi lăng tẩm của Vua Trần Anh Tông tại An Sinh, trải qua thời gian chùa Trung Tiết dưới thời Trần chỉ còn lại dấu tích dưới lòng đất. Chùa hiện nay là công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời Nguyễn” [37, tr. 20].
Theo tác giả Trần Lâm Biền qua hình tượng con rồng được trang trí trên các di tích văn hóa truyền thống chúng ta có thể xác định được niên đại của các di tích đó. Khi so sánh ngoại dạng các con rồng được trang trí ở một số di tích đền, chùa, đình làng với hình tượng con rồng trong mỗi thời đại: Lý - Trần, Lê - Nguyễn thì hầu hết đều được dựng lên vào khoảng từ thế kỷ XII đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bởi
"Rồng thời Lý chỉ có mặt ở những di tích liên quan trực tiếp tới vua" [6, tr 51], "Sang thế kỷ XIV, con rồng vẫn chưa thoát khỏi sự trói buộc của cung đình mà vẫn còn gắn bó với vua. Rồng chỉ có mặt ở phủ của vua và thượng hoàng, ở các lăng mộ vua hay những ngôi chùa mà vua thường đến tu hành. Nhưng từ cuối thế kỷ XIV, con rồng đã rời khỏi cung đình để có mặt trong kiến trúc dân dã" [6, tr 51, 52].
Tóm lại, niên đại của các ngôi đền ở Đông Triều khá sớm, vào thời Trần và được trùng tu xây dựng vào thời Nguyễn. Đình ở Đông Triều có niên đại muộn hơn
và thường xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Chùa được xây dựng chủ yếu dưới thời Trần. Đặc biệt hiện nay trong nét văn hóa tín ngưỡng của cư dân Đông Triều có sự ảnh hưởng sâu sắc của đạo Phật thời Trần.