Cảnh quan địa lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đền, chùa, đình ở huyện đông triều, tỉnh quảng ninh thế kỷ XX (Trang 51 - 53)

Theo quan niệm của các cụ cao niên ở địa phương thì, đền, chùa, đình ở huyện Đông Triều khi xây dựng phải tuân thủ theo thuật phong thuỷ một cách tỉ mỉ, thậm

chí phải có thầy địa lý cắm hướng. “Xây chùa bao giờ cũng là công việc trọng đại đối

với dân làng quê Việt Nam. Trước tiên là phải chọn đất xây chùa. Việc chọn đất thường bị chi phối bởi quan niệm phong thủy cho rằng vị trí của chỗ ở, thế đất có một ảnh hưởng đối với cuộc sống của con người sống trên đó” [26, tr. 2]. Chùa thường có hướng Nam đón gió nồm mát, tránh gió tây nóng, nhìn dòng nước chảy về bên trái. Ở một khía cạnh cụ thể hơn, dòng nước ấy phải chảy từ từ uốn quanh theo dạng chữ Ất (Z) cũng tức là kiểu “chi huyền thủy”, mà chỗ dựng chùa phải là bên đất bồi thè lè lưỡi trai hay khum khum gọng vó. Đình làng thường được xây dựng trên một thế đất cao đẹp, trước mặt có dòng nước chảy hoặc hồ nước, xung quanh cây cối xanh tươi, vút lên là cây đa ngả nghiêng cùng với đất trời, biểu thị cho sức sống trường tồn của làng quê đất Việt. Một số đình làng thường được làm quay về hướng nam hướng được coi là đại cát, vượng khí, dân làng mới được bình yên, tránh được mọi rủi ro, hoạn nạn. Các ngôi đền, chùa, đình làng đều được đặt ở những nơi cao ráo thoáng mát, trước có sông, suối, ao hồ hoặc cánh đồng rộng lớn, tạo cảm giác cho thoáng tầm nhìn và đón gió mát. Phía sau phải tựa núi, đồi tạo nên thế dựa vững chắc, an bình, hai bên có tay long (tay vịn). Cụm di tích chùa Ngoạ Vân thuộc dãy núi chạy từ Yên Tử sang, ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, dựa lưng vào vách núi, ở một địa thế đẹp trên cả phương diện cảnh quan và phương diện phong thuỷ, có tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án, xa hơn là trường lưu thuỷ, vị trí chùa phải gọi là đắc địa. Hay như chùa Hồ Thiên toạ lạc trên núi Phật Sơn, nơi mà theo các nhà phong thuỷ là có địa thế “long chầu, hổ phục”.

Xung quanh các ngôi đền, chùa, đình làng đều có những bóng cây cổ thụ như: đinh, táu, sến ,vạn tuế, đa, sung, si, sấu... những bụi tre, trúc um tùm toả bóng, cùng với hệ thống các chậu hoa cây cảnh đua sắc. Nhìn từ xa ta chỉ thấy một phần của di tích, có thể chỉ là một góc mái cong vút ẩn hiện trong những vòm cây lá xanh tươi và tiếng chim hót ríu ran như muốn đánh thức sự tĩnh lặng, linh thiêng nhưng cũng đầy sức sống của các ngôi đền, chùa, đình làng. Ở sân đền An Sinh được trồng tám cây vạn tuế tượng trưng cho sự vĩnh hằng của tám vị hoàng đế triều Trần được thờ ở đây và 175 cây hoa sữa vừa cho bóng mát, vừa cho hoa thơm mang ý nghĩa tôn vinh thời trị vì của triều Trần. Trước sân đền có hai cây bồ đề của nguyên Chủ tịch nước

Trần Đức Lương và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tự tay trồng khi về thăm đền với nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”.

Theo quan niệm âm dương của người Á Đông nói chung thì về tổng thể cảnh quan của đền, chùa, đình làng phía trước có nước có sông suối, phía sau có đồi núi để tựa, xung quanh là cỏ cây hoa lá sẽ tạo nên sự hài hoà giữa yếu tố thiên nhiên và nhân tạo, đồng thời muốn nói lên ý niệm về quy luật trong vũ trụ là có âm ắt có dương, trong dương có âm, trong âm có dương, đây cũng chính là ước vọng của con người luôn hướng tới sự cộng cảm với thiên nhiên trời đất và luôn vươn tới một cuộc sống hạnh phúc, ấm no, mọi vật đều sinh sôi nảy nở. Ví dụ như “chùa Quỳnh Lâm được xây dựng ở thế đất đầu gối sơn, chân đạp thuỷ, dân gian vẫn gọi là thế rồng chầu, hổ phục. Bốn góc chùa có bốn gồ đất cao được gọi là bốn mắt rồng - tứ trấn xuyên thấu tâm sinh” [4, tr 90]. Về hướng nhìn của các công trình cũng phải theo một quy ước chung, tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào địa thế riêng của mỗi công trình. Nhưng nhìn chung các công trình này đều hướng cửa chính về phía nam, hoặc tây - nam. Hướng nam là để đón gió mát lành, hướng tây là để bày tỏ lòng thành, tâm sáng luôn nhớ về đất Phật - miền Tây Phương cực lạc, ngọn nguồn của đạo Phật.

Trên một quần thể di tích có địa danh một xã có cả đền và đình hoặc đình - chùa hay đền - chùa được xây dựng gần nhau. Trong một quần thể kiến trúc như thế để đảm bảo tính tín ngưỡng tôn giáo tuân theo thứ tự “Tiền Thánh hậu Phật” thì đền và đình bao giờ cũng được xây dựng truớc các ngôi chùa.Ví dụ như : Đình - chùa Hồ Lao, Đình - Chùa Quế Lạt…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đền, chùa, đình ở huyện đông triều, tỉnh quảng ninh thế kỷ XX (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)