Công tác xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân tại mỗi địa phương là một trong những trọng tâm công tác của ngành văn hóa thông tin, là tiêu điểm trong sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, thu hút sự quan tâm tham gia của các ban ngành đoàn thể và quần chúng nhân dân. Đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân rất phong phú và đa dạng, trong đó văn hóa tín ngưỡng thờ
thần, thờ Phật trong các di tích cổ như đền, chùa, đình làng là những vấn đề được sự quan tâm của các tầng lớp xã hội. Cùng các địa phương khác trong toàn tỉnh Quảng Ninh, cấp ủy, chính quyền, ban văn hóa thông tin và các đoàn thể trong toàn huyện đã có rất nhiều sự quan tâm đến hệ thống đền, chùa, đình làng của huyện. Bằng những việc làm thiết thực như: phối kết hợp giữa các ban ngành đoàn thể trong huyện tổ chức lễ hội đền An Sinh, chùa Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm... đồng thời có nhiều sự quan tâm đầu tư cho việc tôn tạo sửa chữa các công trình kiến trúc như đền Thái, chùa Quỳnh Lâm, đền An Sinh…
Với vai trò của người tìm hiểu và nghiên cứu, qua thực tế quá trình tìm hiểu hệ thống đền, chùa, đình làng trong toàn huyện, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra một số ý kiến đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích đền, chùa, đình làng ở Đông Triều trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất: Công tác bảo tồn di sản văn hóa có nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm
các hoạt động: bảo tồn nguyên trạng, trùng tu, gia cố, tái định vị, phục hồi, tái tạo – làm lại, qui hoạch bảo tồn. Vấn đề đặt ra là khi bảo tồn một di sản văn hóa cụ thể cần nghiên cứu, chọn lựa phương án thích hợp để đảm bảo rằng cái chúng ta đang trưng bày là xác thực chứ không phải đồ giả, là lịch sử chứ không phải tuyên truyền, là sự uyên bác chứ không phải định kiến, là thông tin chứ không phải sự kích động và là cảm hứng chứ không phải những lời sáo rỗng.
Cơ quan văn hoá thông tin cần đầu tư hơn nữa cho công tác khôi phục kiến thiết các di tích văn hóa đền, chùa, đình làng tiêu biểu mà trước đây đã đạt được những giá trị nghệ thuật kiến trúc điêu khắc. Khi thực hiện tu bổ, chống xuống cấp các công trình di tích phải lập dự án trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện các di tích gốc. Tôn trọng và gìn giữ bằng mọi biện pháp các thành tố nguyên gốc của di tích, hạn chế tối đa mọi sự thay thế, nhất là thay thế bằng các chất liệu và vật liệu mới. Giải pháp ưu tiên là bảo quản, gia cố và tu bổ di tích. Việc khôi phục các di tích đã bị mất phải dựa trên cơ sở các tài liệu khoa học xác thực và chỉ thực hiện trong những trường hợp thật cần thiết. Việc sử dụng chất liệu bền vững để thay thế chất liệu hư hỏng trong khôi phục di tích phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, phải đảm bảo tính xác thực đối với di tích và cần được phân biệt rõ với chất liệu gốc. Trong tu bổ,
chống xuống cấp các di tích ưu tiên vận dụng các quy trình và các kỹ thuật thi công truyền thống; sử dụng các chất liệu và vật liệu truyền thống phù hợp với di tích.
Để bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử cần triển khai một cách có hiệu quả các hoạt động như: Tăng cường công tác quản lý tại các di tích để bảo vệ và kiểm tra thường xuyên tình trạng hoạt động du lịch trong khu vực di tích. Thiết lập một cơ chế chính sách phù hợp, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy phục vụ cho công tác bảo tồn. Việc bảo vệ các di tích phải gắn liền với lợi ích của cư dân đia phương. Nghiêm cấm mọi hành vi phá hoại đến cảnh quan, môi trường xung quanh khu di tích, đặc biệt là phá hoại trực tiếp đến di tích.
Thứ hai: Vốn đầu tư là vấn đề có tính quyết định trong việc nghiên cứu quy hoạch và khai thác nguồn tài nguyên để phục vụ cho phát triển du lịch. Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch của huyện Đông Triều rất hạn chế, chủ yếu là từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong những năm tới, để thu hút nguồn vốn đầu tư lớn huyện Đông Triều cần có cơ chế, chính sách hợp lý, thông thoáng nhằm thu hút các nhà doanh nghiệp vào đầu tư, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động. Huyện cần xác định đúng mục tiêu về đầu tư phát triển du lịch để tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác đầu tư. Cần có những chính sách ưu đãi, hướng đầu tư vào những điểm còn hạn chế của du lịch huyện và hỗ trợ các hướng phát triển ưu tiên như trong việc xây các khu, tuyến điểm du lịch, trong việc tôn tạo cảnh quan môi trường, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, các làng nghề truyền thống và công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tập trung đầu tư vào các điểm du lịch chính như: Cụm di tích Yên Đức, đền An Sinh và lăng mộ vua Trần, chùa Quỳnh Lâm, chùa Bắc Mã… đồng thời nâng cấp, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa khác trong địa bàn huyện. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra thì trước hết huyện cần đánh giá thực trạng công tác đầu tư du lịch, các dự án đã và đang triển khai. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, huyện Đông Triều nên đa dạng hóa, đa phương hóa hợp tác phát triển du lịch các huyện, thị trong tỉnh và đặc biệt là liên kết hợp tác phát triển du lich với các tỉnh lân cận, các tổ chức doanh nghiệp các nhân nước ngoài nhằm tranh thủ nguồn lực bên ngoài, tăng cường nguồn khách, tận dụng vốn đầu tư và học hỏi các kinh nghiệm bổ ích trong lĩnh vực kinh doanh du lịch.
Hoạt động quản lý du lịch của huyện Đông Triều còn nhiều yếu kém, thiếu tính chuyên nghiệp chưa kiểm soát được hết các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới huyện cần thành lập phòng du lịch huyện, đóng vai trò là cơ quan điều hành, quản lý mọi hoạt động du lịch của huyện. Các cơ quan quản lý tại các điểm di tích cũng cần có những biện pháp tích cực hơn nữa trong công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực tại đây như việc thương mại hóa các hình thức dịch vụ, mê tin dị đoan, cờ bạc , trộm cắp…
Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch là vấn đề mang tính chiến lược của huyện Đông Triều. Trước mắt huyện nên tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên làm trong các lĩnh vực quản lý, trong các khu du lịch… Trong kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần nêu rõ những yêu cầu giáo dục đạo về chuyên môn nghiệp vụ như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục vụ, trình độ ngoại ngữ, thái độ văn minh lịch sự, thân thiện cởi mở, nhiệt tình trong công việc, yêu nghề biết trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc, bảo vệ môi trường.
Thứ ba: Hệ thống đền, chùa, đình ở Đông Triều là nơi thờ thần, thờ Phật, những
vị anh hùng được sự tôn vinh ngưỡng mộ của quần chúng nhân dân, do đó qua mỗi dịp lễ hội ban tổ chức cần giáo dục truyền thống cho quần chúng nhân dân dặc biệt là thế hệ trẻ truyền thống yêu nước. Tăng cường giáo dục cho mọi tầng lớp trong nhân dân, đặc biệt là nhân dân trong khu vực có di tích lịch sử văn hóa nhận thức đúng giá trị, ý nghĩa quan trọng về giữ gìn giá trị truyền thống dân tộc, các giá trị cả về vật chất và tinh thần của di tích để từ đó nâng cao lòng yêu nước, nâng cao tinh thần tự giác bảo vệ các giá trị của di tích. Hơn thế nữa qua mỗi dịp lễ hội cần nhắc lại những công lao to lớn của những vị thần đang được thờ ở đền, chùa, đình đó đối với quê hương, từ đó giáo dục họ truyền thống uống nước nhớ nguồn và tinh thàn đoàn kết dân tộc.
Mục tiêu của du lịch văn hóa là vì sự phát triển của cộng đồng, đem lại lợi ích cho cộng đồng và du lịch văn hóa chỉ có thể thực hiện được khi có sự tham gia của cộng đồng. Huyện Đông Triều cần nắm vững vấn đề đó và có những biện pháp tích cực hơn nữa để thu hút cộng đồng địa phương tham gia. Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, trong nhân dân để họ có nhân thức đúng đắn về vị trí, vai trò của các di tích lịch sử văn hóa từ đó cùng với nhà nước giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo các di tích. Vận động giáo dục cho nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống quê hương, xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu các tệ nạn xã hội như: trộm cắp, bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc…
Thứ tư: Cần khôi phục một số lễ hội thật tiêu biểu và phù hợp nhằm phát huy
những nét tinh hoa bản sắc dân tộc. Mặt khác, các lễ hội được tổ chức hàng năm trên địa bàn huyện cũng là một điểm nhấn, thu hút du khách tới Đông Triều để chiêm ngưỡng, tìm hiểu những nét đẹp văn hoá truyền thống tại địa phương. Với quần thể các di tích lịch sử văn hoá, cùng những danh thắng hấp dẫn, cảnh quan tự nhiên kỳ vĩ đã tạo cho Đông Triều những tiềm năng quý giá trong việc phát triển loại hình du lịch tâm linh. Uỷ ban nhân dân huyện cần quan tâm, chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, trùng tu tôn tạo nhiều hạng mục công trình của các di tích… làm tiền đề để Đông Triều thành điểm đến hấp dẫn của du khách, tập trung huy động mọi nguồn lực, hợp tác đầu tư phát triển mạnh mẽ các hoạt động du lịch theo hướng văn minh, hiện đại; quy hoạch trùng tu, tôn tạo các quần thể di tích lịch sử văn hoá, phát triển du lịch gắn kết với các điểm dừng chân, nghỉ mát kết hợp với mở rộng du lịch làng nghề truyền thống. Qua đó, từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá lịch sử, đồng thời đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả cho huyện Đông Triều.
Thứ năm: Hoạt động tuyên truyền quảng bá giữ một vai trò quan trọng trong
kinh doanh du lịch. Tuy nhiên hoạt động này ở huyện Đông Triều chưa được đề cao và đem lại hiệu quả cao cho du lịch. Do vậy, huyện cần phải chú trọng hơn trong việc đổi mới, đa da dạng hóa các hình thức quảng bá. Ngành du lịch huyện Đông Triều nên phối hợp các ngành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia các cuộc hội thảo, hội chợ, hội thi và những sự kiện du lịch tại các địa phương là các trung tâm du lịch của cả nước và khu vực nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch Đông Triều với đông đảo du khách trong và ngoài nước, đồng thời tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong huyện hàng năm, các hội thảo, hội chợ trên địa bàn huyện để thu hút khách đến
với Đông Triều ngày càng nhiều. Tiến hành biên soạn và phát hành những ấn phẩm có chất lượng và thông tin chính xác về du lịch để giới thiệu với khách du lịch về con người và cảnh quan, tài nguyên du lịch, những thông tin về điểm lưu trú thăm quan du lịch, các nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí, giá cả, các địa chỉ cung cấp thông tin về du lịch…
Di tích lịch sử văn hóa có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch huyện Đông Triều. Để có thể khai thác các di tích lịch sử văn hóa một cách có hiệu quả, vấn đề đặt ra hàng đầu là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng phục vụ cho hoạt động du lịch của huyện. Nâng cấp mở rộng một số tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã và đặc biệt là các tuyến đường dẫn vào các khu di tích như: Tuyến đường từ thị trấn Đông Triều vào đền An Sinh và khu lăng miếu các vua Trần (dài 18,5km); Tuyến đường gắn kết Du lịch văn hóa tâm linh từ khu khu di tích Yên Tử (thuộc thị xã Uông Bí) đi Tràng Lương (huyện Đông Triều); Tuyến đường từ xã Tràng Lương đi di tích Hồ Thiên (xã Bình Khê); Tuyến đường từ di tích chùa Bắc Mã đi di tích đình, chùa Hồ Lao…
Triển khai các tuyến điểm du lịch văn hóa trên địa bàn huyện, xây dựng các chương trình du lịch cụ thể như tuyến du lịch: Thị trấn Đông Triều - đền An Biên - chùa Bắc Mã - Đền Thái - lăng mộ các vua Trần - chùa Ngọa Vân - Hồ Thiên - chùa Quỳnh Lâm - thị trấn Đông Triều. Thị trấn Đông Triều - đình chùa Mễ Sơn - chùa Nhuệ Hổ - chùa Non Đông - đình Xuân Quang - khu di tích lịch sử cách mạng Yên Đức - thị trấn Đông Triều.
Tiểu kết chương 3
Đền, chùa, đình là một biểu tượng không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt xưa và nay. Đông Triều là một địa phương có bề dày lịch sử, nơi đây còn lưu giữ lại một quần thể di tích độc đáo, đó là hệ thống di tích đền, chùa ghi dấu ấn về một vương triều “đẹp” trong lịch sử dân tộc - Vương triều Trần. Quần thể di tích này chứa đựng những giá trị lịch sử sâu sắc phản ánh những bước thăng trầm của vùng đất với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, đồng thời cũng phản ánh được truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương của vùng đất Đông
Triều. Bên cạnh đó những di tích này còn chứa đựng những giá trị cộng đồng thể hiện sự đoàn kết gắn bó của cư dân nơi đây, để chống chọi mọi khó khăn thách thức.
Theo dòng chảy của thời gian, đến nay một số ngôi đền, chùa, đình làng chỉ còn là phế tích. Tuy nhiên, về cơ bản ở Đông Triều hệ thống đền, chùa, đình vẫn được lưu giữ khá tốt. Nhiều di tích được Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh và nhân dân đầu tư tiền, công sức trùng tu, tôn tạo. Ví dụ: Đền An Sinh đã được xây mới và hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng quy mô. Hiện tại các di tích này là nơi diễn ra các sinh hoạt lễ hội truyền thống, là môi trường nuôi dưỡng nếp sống đạo đức, văn hóa tốt đẹp của địa phương.
Để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa tinh thần, giá trị kinh tế, xã hội thì hệ thống đền, chùa, đình làng rất cần được sự quan tâm của các ban, ngành, cơ quan hữu trách đến công tác trùng tu, kiến thiết nhằm góp phần giáo dục cho nhân dân các thế hệ ở huyện Đông Triều truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Từ đó nâng cao dân trí, ý thức tự giác trong việc bảo vệ giữ gìn các di tích văn hóa lịch sử ở Đông Triều.
KẾT LUẬN
1. Huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh có một vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Không những thế, Đông Triều còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là một địa phương có bề dày lịch sử. Nơi đây còn lưu giữ lại một quần thể di tích độc đáo mang đậm nét dân gian. Quần thể di tích này chứa đựng những giá trị lịch sử sâu sắc phản ánh những bước thăng trầm của vùng