Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ ba bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế có quan hệ hữu cơ, đó là: (i) Hệ thống pháp luật, quy tắc, chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi và giao dịch kinh tế; (ii) Các thể chế về chủ thể và các yếu tố, các loại thị trường trong nền kinh tế; (iii) Cơ chế thực thi, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh và xử lý vi phạm trong nền kinh tế [38].
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đồng thời, chúng ta cũng chủ động hội nhập quốc tế, tham gia và khai thác có hiệu quả lợi ích kinh tế các hiệp định tự do hóa kinh tế song phương và đa phương, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; hoàn thiện thể chế phòng ngừa và giảm thiểu tranh chấp quốc tế; sớm hoàn thiện tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế; chú trọng xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách hội nhập kinh tế liên ngành, liên lĩnh vực, kiểm soát tốt các khâu gắn kết giữa chính sách xuất nhập khẩu, chính sách đầu tư và bảo hộ đầu tư, chính sách quản lý cạnh tranh và điều tiết thị trường, chính sách lao động và thị trường lao động, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thị trường khoa học công nghệ, chính sách môi trường...
Từ các quan điểm trên, việc hoàn thiện pháp luật cạnh tranh nói chung và các quy định về chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo nói riêng phải là nòng cốt để thực hiện hiệu quả chính sách quản lý cạnh tranh và điều tiết thị trường, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Bên cạnh đó, pháp luật cạnh tranh phải được hoàn thiện phù hợp với khung pháp lý của các tổ chức quốc tế mà chúng ta là thành viên, đặc biệt là phù hợp khuân khổ các Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO). Ở Việt Nam, mặc dù trong hầu hết các văn bản pháp luật quan trong như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại… đều có các quy định dẫn chiếu trực tiếp đến điều ước quốc tế, nhưng theo thói quen lập pháp và hành pháp của chúng ta, việc trực tiếp viện dẫn các quy định của điều ước quốc tế để áp dụng cho những trường hợp cụ thể không thể thực hiện được. Do đó, pháp luật cạnh tranh nói chung và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo nói riêng luôn phải được đặt trong xu thế chung của tiến trình nhất thể hóa pháp luật cho phù hợp với khung pháp lý đã được thừa nhận trong thương mại quốc tế. Đấu tranh với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là nhiệm vụ khá mới mẻ đối với Việt Nam nhưng lại là lĩnh vực mà nhiều quốc gia trên thế giới rất có kinh nghiệm. Trong bối cảnh ấy, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm nước ngoài trong việc xử lý các vấn đề về cạnh tranh trong đó có cạnh tranh không lành mạnh là rất cần thiết. Trong thời gian tới, Bộ Công thương cần có các chương trình hợp tác nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm với các nước có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh nói chung và trong việc đấu tranh chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam và các cán bộ của cơ quan ấy có thêm kiến thức, năng lực và trình độ để xử lý các vấn đề mà thực tiễn Việt Nam đặt ra.