Việc sửa đổi, bổ sụng và hoàn thiện Luật Cạnh tranh đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Tuy nhiên để Luật này đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cần phải có sự đổi mới quy trình xây dựng và hoàn thiện. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có những quy định mới nhằm đổi mới cơ bản quy trình xây dựng, ban hành văn bản theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật…, trong đó quy định về quy trình xây dựng chính sách theo hướng chính sách được thông qua, phê duyệt trước khi bắt đầu soạn thảo văn bản
luật; sửa đổi một số quy định trong quy trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, thông qua văn bản pháp luật. Bởi vậy, việc hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo cũng cần đổi mới quy trình theo hướng này. Trước hết, cần xây dựng chính sách cạnh tranh cho toàn diện các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực quảng cáo.
Chính sách cạnh tranh được hiểu là tập hợp những biện pháp của Nhà nước nhằm điều tiết hoạt động cạnh tranh và độc quyền trong nền kinh tế, phù hợp mục đích của Nhà nước trong việc bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh; chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chống các hành vi hạn chế cạnh tranh; chống việc lạm dụng vị thế độc quyền hoặc khống chế thị trường của một (hoặc một nhóm) doanh nghiệp có vị thế độc quyền; tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập và rút lui khỏi thị trường của các chủ thể kinh doanh ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế... Chính sách cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo cần phù hợp với chính sách quảng cáo và điều này cần có sự phối hợp trong hoạch định chính sách giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh và cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo.
Đối với quy trình xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng đã yêu cầu các cơ quan chủ trì soạn thảo phải tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, ban ngành có liên quan và đặc biệt là các chủ thể là đối tượng áp dụng và các đối tượng ảnh hưởng; quy định bắt buộc cơ quan chủ trì soạn thảo phải giải trình tiếp thu ý kiến; việc đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật và việc đăng tải và đưa tin văn bản quy phạm pháp luật…
Đối với việc soạn thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo, các cơ quan có trách nhiệm cần tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên
quan; tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; xây dựng nội dung của nghị định và đánh giá tác động của nghị định đối với đời sống xã hội. Các cơ quan chủ trì soạn thảo, Ban soạn thảo phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi đối với các nội dung trong dự thảo văn bản pháp luật và tiến độ xây dựng dự thảo văn bản pháp luật.
Xây dựng pháp luật là một quy trình phức tạp và phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ khác nhau tùy thuộc vào thể chế và quan điểm của mỗi quốc gia, mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử và những điều kiện kinh tế - xã hội thực tại. Tuy nhiên, dù quy trình nào hay thể chế nào thì các nguyên tắc nguyên nghĩa của pháp luật cũng phải được tôn trọng và nhằm thực hiện mục tiêu vì con người, hướng tới xây dựng một xã hội, một quốc gia phồn vinh và văn minh. Chính vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng và xu hướng dân chủ hóa, minh bạch trong quản lý nhà nước hiện nay đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách phải đổi mới nhiều hơn nữa không chỉ về nội dung của pháp luật, hệ thống pháp luật mà còn cả quy trình lập pháp để bảo đảm sự tham gia nhiều hơn của các chủ thể trong xã hội, huy động tối đa sáng kiến, trí tuệ của mọi công dân, tổ chức trong xã hội.