Quy hoạch sử dụng đất tại một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại huyện thuận châu, tỉnh sơn la (Trang 31 - 33)

Việc nghiên cứu QHSDĐ theo góc độ của một ngành như nông nghiệp đã có từ rất lâu. Bởi ngay từ ban đầu đất đai chỉ được chú ý ở khía cạnh là tư liệu sản xuất trong nông nghiệp. Quá trình công nghiệp hóa cũng như đô thị hóa và sự gia tăng dân số đã làm cho đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại. Do đó, vào những năm đầu của thế kỷ 20 đã xuất hiện tư tưởng QHSDĐ cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong một ranh giới lãnh thổ nhất định. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, QHSDĐ mới chỉ được hình thành trong ý tưởng chứ chưa được thực hiện trên thực tế do thiếu cơ sở khoa học và phương pháp tiến hành.

Trong vài thập kỷ gần đây, nhiều nước trên thế giới đặc biệt là tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới (FAO) đã nhận thấy việc sử dụng đất đai không thể giải quyết riêng rẽ theo từng ngành mà phải giải quyết, xem xét một cách toàn diện theo ba vấn đề lớn là kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, quy hoạch sử dụng đất được xây dựng và áp dụng trong thực tế.

1.2.1.1. Trung Quốc

Trung Quốc là một quốc gia phát triển, có diện tích đất đai rộng và phân bố đều ở các vùng. Tại Trung Quốc, có 4 cấp quy hoạch: cấp quốc gia, cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh), cấp huyện, cấp xã. Kỳ quy hoạch là 10 năm 1 lần.

Việc lập quy hoạch sử dụng đất tại Trung Quốc phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc gồm: đưa ra phương án sử dụng đất phải sử dụng đất tiết kiệm; đem lại hiệu quả cao nhất; đảm bảo sự cân bằng giữa nhu cầu và lợi ích sử dụng đất cho các ngành kinh tế và xã hội tại địa phương; chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển sinh thái tự nhiên để duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân… đặc biệt phải bảo vệ nghiêm ngặt 120 triệu ha đất trồng lúa. Đây là một chính sách mới và được sử dụng triệt để tại quốc gia này.

Về thẩm quyền lập, quyết định, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Trung Quốc rất rõ ràng, giao cho Bộ Đất đai và Tài nguyên quốc gia, cơ quan quản lý đất đai của UBND tỉnh đều có trách nhiệm chung, thực hiện tổ chức lập và thực hiện quy hoạch đất quốc gia, quy hoạch tổng thể sử dụng đất; tham gia vào việc thẩm tra quy hoạch tổng thể đô thị trình Quốc vụ viên phê chuẩn. Cơ quan quản lý đất đai thuộc UBND huyện căn cứ vào quy hoạch tổng thể sử dụng đất của cấp trên, tổ chức lập và thực hiện quy hoạch tổng thể sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan cấp huyện. Phòng Tài nguyên đất đai cấp xã lập và thực hiện quy hoạch tổng thể sử dụng đất cấp xã, hợp tác và hỗ trợ làm tốt công tác lấy ý kiến quần chúng đối với quy hoạch.

Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành phố thuộc tỉnh nhưng có trên 1 triệu dân, các đặc khu kinh tế.

UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của các đơn vị hành chính cấp huyện và quy hoạch sử dụng đất của cấp xã (Nguyễn Nam Hảo, 2018).

1.2.1.2. Nhật

Nhật Bản là một đảo quốc nằm ở vùng Đông Á. Tọa lạc trên Thái Bình Dương, nước này nằm bên rìa phía đông của Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và vùng Viễn Đông Nga, trải dài từ Biển Okhotsk ở phía bắc xuống Biển Hoa Đông và đảo Đài Loan ở phía nam.

Quy hoạch tổng thể phát triển đất quốc gia ở Nhật Bản được xây dựng theo quy định của Luật tổng thể phát triển đất quốc gia (1950). Quy hoạch

tổng thể phát triển đất quốc gia có 3 cấp: Cấp Quốc gia được quyết định bởi Thủ tướng; cấp vùng được quyết định bởi Thủ tướng với sự tham vấn Hội đồng phát triển quỹ đất quốc gia; cấp cơ sở được Tỉnh trưởng trình Thủ tướng xem xét quyết định sau khi có ý kiến tham vấn của Hội đồng phát triển đất quốc gia và các Bộ trưởng liên quan (Vũ Lệ Hà, 2018).

1.2.1.3. Hà Lan

Hà Lan là một quốc gia nổi tiếng với các công trình kiến trúc đồ sộ mang tầm thế giới, vấn đề quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ quan tâm và thực hiện từ rất lâu. Tại, Hà Lan quyền quyết định quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia thuộc về Nghị viện và Chính phủ. Giúp việc cho các cơ quan này có Ủy ban Quy hoạch Không gian Nhà nước, Cơ quan Quy hoạch không gian Nhà nước và Hội đồng tư vấn quy hoạch không gian. Tại cấp tỉnh, Ủy ban Quy hoạch không gian tỉnh và cơ quan quy hoạch không gian tỉnh là các cơ quan chuyên môn giúp việc cho Hội đồng tỉnh và Ban chấp hành Hội đồng tỉnh về đất đai.

Tại địa phương có Phòng Quy hoạch cấp huyện, Hội đồng Huyện và Ban Chấp hành Hội đồng huyện. Tuy nhiên, chỉ có các huyện lớn mới có Phòng Quy hoạch cấp huyện. Các huyện khác thuê các chuyên gia tư vấn tư nhân thực hiện các công việc quy hoạch như khảo sát, tư vấn và lập kế hoạch. Huyện có 2 loại sơ đồ dùng cho chính sách quy hoạch là Sơ đồ bố trí tổ chức và Sơ đồ quy hoạch sử dụng đất. Hội đồng huyện sau khi thông qua Sơ đồ sẽ báo cáo lên Ban chấp hành Hội đồng tỉnh và Cơ quan Quy hoạch không gian nhà nước (Nguyễn Thảo, 2013).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại huyện thuận châu, tỉnh sơn la (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)